– Ông Lý sôi nổi quá. Có chỗ nào Tôn Vũ nói say sưa và mù quáng chỉ là một bệnh giống nhau không?
– Anh vào loại ngoan cố. Phong trào không say sưa, mà tính toán trên cơ sở các sự việc đã xảy ra. Anh xem, ròng rã bao nhiêu năm chiến tranh quân Mỹ và quân Cộng hòa có vào nổi U Minh Thượng và U Minh Hạ đâu, nhưng lửa của dốt nát, của hệ thống hành chính quan liêu yếu kém thì vào được và đã đốt trụi các vùng này rồi! Anh xem, hiện thân của trạng thái bất cập đấy!
– Cứ cho là như thế đi, rồi sao nữa?
– Bây giờ lại chính người cầm quyền ở đấy ra tay phá nhiều thứ khác! Rõ ràng bộ máy quản lý nhà nước của chế độ Hà Nội quá tồi. Rừng cháy đến một tuần mà chính quyền tỉnh vẫn án binh bất động. Bộ máy quản lý của chế độ Hà Nội hiển nhiên không có khả năng xử lý những sự cố lớn. Thế không là bất cập thì là cái gì? Anh quên mất bài học lịch sử.
– Bài học nào?
– Việt Cộng đánh xong Ban Mê Thuột và Đắc Lắc, chúng ta tỉnh ra thì muộn rồi. Vừa qua dân Tây Nguyên ở Đắc Lắc nổi loạn to, kéo nhau về tận trụ sở tỉnh rồi chính quyền tỉnh mới biết, người của chúng tôi đã nằm ở đó cả năm nay. Nghĩa là bây giờ đến lượt chúng ta!.. Chúng tôi đang tiếp tục vận động người Tây Nguyên một mặt thì nổi lên chống đối, một mặt thì kéo nhau bỏ trốn ra nước ngoài. Nước Nga bây giờ có Tréc-ni-a, chúng tôi sẽ làm cho Hà Nôi bận bịu với chuyện thành lập nước Deghar(*) [(*) Một âm mưu của các thế lực phản động đang muốn dựa vào các vấn đề lịch sử để dựng lên một nước Tây Nguyên riêng rẽ nhằm chống phá và chia cắt nước ta.]. Sự kiện Thái Bình là điển hình của mọi sự kiện. Phân tích cho anh nghe từng khía cạnh như thế là tôi say sưa và mù quáng?
…Trời ơi tâm địa tên khách lai này! Đấy là lý tưởng của phong trào!..
Lễ thốt lên trong lòng như vậy. Nhưng Lễ thực sự lúng túng, vì mới gần đây có lúc chính ông, Tôn Thất Loan và ông Học cũng cảm nhận được có nhiều chuyện nghiêm trọng đang xảy ra trong nước. Ông ôn lại tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam những năm vừa qua do các báo chí nước ngoài mô tả, những chuyện nhiễu nhương cản trở công việc làm ăn mà Năm Thịnh đang kêu ca… Đã thế thỉnh thoảng về nước, Tín còn mang ra một số sách báo chính thống trong nước đăng tải những nghị quyết quan trọng của Đảng Cộng Sản Việt Nam, các bài viết về tình hình đất nước. Lễ thực sự băn khoăn về những nhận định chính thống của những người lãnh đạo và nêu trong các văn bản nghị quyết Đại hội Đảng, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương: …Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ cách mạng… những bài phát biểu của những người lãnh đạo phê phán gay gắt …tình trạng năng lực phẩm chất của đội ngũ cán bộ và bộ máy quản lý chưa tương xứng với yêu cầu của nhiệm vụ; không ít cán bộ đảng viên tha hoá về phẩm chất, đạo đức; sức chiến đấu của một bộ phận tổ chức cơ sở Đảng suy yếu… Thực chất đấy là gì nếu không phải là bất cập, là tha hoá? Do chính những người có chức có quyền trong nước nói ra!.. Trong thâm tâm Lễ thấy nhận xét của Lý Lam không phải không có cơ sở.
– Chịu rồi chứ anh Lễ? Sao ngồi im mãi thế?
– Tôi thừa nhận tình trạng bất cập và tha hoá trong hệ thống chính trị hiện nay là một vấn đề hết sức nan giải của Hà Nội như ông Lý nhận xét. Nhưng xin hỏi có quốc gia nào trên thế giới mà không có tình trạng này! Những tin tức tôi đọc được thì có lẽ tình hình Trung Quốc còn phức tạp hơn nhiều. Ông Lý sẽ có lý nếu Hà Nội chịu bó tay trước những yếu kém trong chế độ của mình. Điều này đồng nghĩa với cam chịu sụp đổ.
– Rõ ràng là anh Lễ có muốn bênh vực Hà Nội đến đâu chăng nữa vẫn phải thừa nhận Hà Nội đang đi tới gần sụp đổ, có phải không?
– Tôi vẫn nghĩ khác ông Lý. Điều ông Lý vừa nói là một nguy cơ thật sự của Hà Nội. Báo chí chính thống và nhiều người lãnh đạo của Hà Nội cũng tự mình nói hẳn ra như thế, chứ không phải là ý kiến riêng của tôi. Nghĩa là Hà Nội tự thấy được nguy cơ này. Chính vì vậy tôi tin là Hà Nội không bao giờ chịu tự trói tay mình đầu hàng.
– Đấy là anh tin. Có lẽ tại vì anh còn có nhiều họ hàng ruột thịt làm việc cho chế độ Hà Nội. Còn sự thật hiển nhiên vẫn là bất cập và tha hoá trong nước đang ngày một trầm trọng.
– Chúng ta nói chuyện đến giờ mà vẫn không ai thuyết phục được ai. Ông Lý có thừa nhận như thế không?
– Tại vì anh ngoan cố và bênh Hà Nội. – Lý Lam tự rót rượu cho mình, nói nhưng mắt chỉ nhìn vào ly rượu, giọng đượm vẻ bực bội, một mình uống từng ngụm lớn, không thèm nâng cốc mời chủ nhà.
– Không, tại vì tôi có những thước đo khác.
– Còn những thước đo nào nữa?
– Ông Lý có kiên nhẫn nghe không?
– Tôi đi từ bờ biển bên kia sang bờ biển bên này của nước Mỹ chỉ cốt để nói chuyện với anh, như thế chưa đủ kiên nhẫn hay sao, anh Lễ?
– Thế thì xin ông Lý hãy nghe đây. Tại sao mỗi năm các nước phát triển vẫn tiếp tục cung cấp cho Hà Nội hàng tỷ đô-la ODA(*)?[(*) Viện trợ phát triể] Tại sao đầu tư trực tiếp của nước ngoài vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam. Tại sao trong tình hình Việt Nam hiện nay, Mỹ lại bỏ cấm vận, bình thường hoá quan hệ và đang đàm phán ký Hiệp định thương mại song phương với Việt Nam? Chẳng nhẽ Mỹ và các đồng minh của Mỹ muốn cứu chế độ Hà Nội khỏi sụp đổ à? Như thế nghe có lô-gích không ông Lý? Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng đều đều, Hà Nội tự đánh giá khoảng 6 đến 7%/năm, còn nước ngoài đánh giá khoảng 5 đến 6%/năm…
– Càng tăng trưởng mà lộn xộn, không có chất lượng, hàng ế không cạnh tranh được, thì càng chóng chết! – Lý Lam cướp lời.
– Ông Lý cứ để tôi nói hết đã. Nếu so với các nước khác trong khu vực đấy là các con số rất oách, có phải vậy không ông Lý… Các con số này cho thấy Hà Nội rõ ràng không chịu tự trói mình để đi tới sụp đổ. Thời kỳ 1986 – 1989, Hà Nội đã không tự trói mình, thì bây giờ Hà Nội càng không có lý do gì để làm việc này. Ông Lý thử phản bác lại có được không, rồi chúng ta sẽ kết luận.
– Có lẽ vì anh Lễ nghĩ vậy, nên một mực thoái thác tham gia phong trào?
– Ông Lý đừng nóng nảy. Đó là hai việc khác nhau, ông Lý ạ.
– Nghĩa là công sức và chi phí cho chuyến đi này của tôi là công cốc? – Lý Lam có vẻ hơi sẵng.
Lễ dừng lại, rót rượu cho cả hai:
– Nếu được biết trước mục đích chuyến đi của ông Lý như vậy thì tôi đã khuyên can. Thảo gọi điện cho tôi chỉ nói là thấy tôi bịnh, ông Lý muốn đến thăm. Hơn nữa thỉnh thoảng tôi cũng muốn được tiếp chuyện bạn bè cũ. Phải thừa nhận là hôm nay ông Lý làm cho tôi hiểu thêm nhiều điều, tôi xin cảm ơn. Ông Lý không thể nói là công cốc được.
– Anh hiểu thêm được những gì?
– Nhiều lắm. Từ kỵ sĩ corsets đến triết gia chính trị, ông Lý chắc phải đi một đoạn đường dài lắm?
– Anh làm tôi luyến tiếc những năm tháng phiêu lưu phỉ chí tang bồng trong thế giới đàn bà. Đàn bà thật tuyệt!
Lý Lam tự rót cho mình một cốc rượu đầy, làm một tợp cạn luôn, rồi duỗi thẳng chân, ngả dài lưng trên ghế, gần như tự nói cho mình nghe…
– … Có lẽ đến chết tôi cũng không bao giờ quên được một kỷ niệm ở Chơn Thành anh Lễ à. Hôm ấy tôi được chiến hữu cho biết mời được một hoa khôi ở Tây Nguyên về… Tôi chọn con ngựa đẹp nhất của bác Lý tôi, từ Sài Gòn phi lên thăm, không thèm dùng xe hơi. Tôi băng băng trên đường mấy ngày để sống với nàng trọn vẹn một đêm. Con gái Tây Nguyên mê hồn lắm, anh Lễ à. Sáng hôm sau ra về, tôi không có ngựa. Thì ra lính của tôi nhốt nó bên cạnh một con ngựa cái. Ra xem thì thấy con ngựa của tôi nằm chết lơ lửng trên hàng rào, ba bốn ngọn nứa xuyên thủng cổ thủng bụng nó… Một cái chết tuyệt đẹp, hoàn toàn vì tình! Tôi có lý do ở lại với nàng thêm một ngày nữa…
– Cho nên tôi càng hiểu sự hy sinh của ông Lý cho phong trào. Nghĩa là ông Lý phải nhìn thấy ở phong trào một cái gì đó kỳ vĩ lắm, đáng hy sinh lắm! Tôi bộc bạch ra như thế để ông Lý thấy tôi hiểu câu chuyện ông Lý nói, chứ không không đến nỗi đàn gảy tai trâu.
– Anh Lễ, điểm này tôi thừa nhận anh nói thật. – Lý Lam giọng lạnh lùng.
Lễ biết, nhưng vẫn thủng thỉnh:
– Không những thế, tôi phải thừa nhận ông Lý đúng ở một điểm rất quan trọng, đó là chọn đồng minh chiến lược ngay bên trong kẻ thù của mình. Táo tợn và mưu lược lắm mới dám như thế. Nhưng ông Lý chắc cũng phải chấp nhận ý kiến bổ khuyết của tôi chứ? Đồng minh chiến lược của ông Lý chỉ thành công có điều kiện! Nghĩa là ông Lý không lỗ vốn trong chuyến đi thăm tôi, thậm chí có thể nói là lãi to đấy, nếu ông Lý hiểu đúng điều tôi bổ khuyết này. Nó giá trị lắm đấy.
– Tôi thừa nhận điều bổ khuyết của anh quan trọng thật. Nhưng còn tôi lỗ hay lãi thì phải để xem đã. Anh hiểu việc tôi làm, nhưng tôi lại không thuyết phục được anh, tôi bất lực trước sự tàn lụi trong anh!
Ngay sau khi Lý Lam ra về, Lễ vào lục chồng báo tiếng Việt mới nhất do Tín mang từ trong nước ra, lật nhanh lại những bài vừa mới đọc, so sánh với những nhận xét của Lý Lam. Vừa lật lật các bài báo, Lễ vừa kêu lên:
– …Không! Không! Không thể như thế này được!
Lễ lướt nhanh các bài báo về nạn “cơm tù”, về cháy rừng U Minh, về các vụ ngân hàng đổ bể, các vụ chạy án, các vụ hải quan thông đồng với buôn lậu ở Hang Dơi, Mộc Hoá, Cầu Treo, vụ nông dân Hà Tây, bài báo “Tại tỉnh N. kiểm tra đâu phát hiện ra sai đấy!’, bài báo “Quốc nạn tham nhũng và dịch bệnh HIV/AIDS”… Càng đọc, Lễ càng cảm thấy mình như nghẹt thở, chạy đi mở các cửa sổ, gió bên ngoài ập vào làm cho đống báo bay tứ tung khắp nhà.