– Phong trào của ông Lý còn ít lực lượng trong cộng đồng người Việt như vậy, sao hy vọng giành thắng lợi?
– Nhưng phong trào của tôi có nhiều đồng minh. Có hai đồng minh chiến lược sẽ đi với chúng tôi đến cùng và giành thắng lợi.
– Là ai vậy?
– Tôi đã kể anh nghe rồi còn gì nữa: sự bất cập của hệ thống chính trị Hà Nội và sự tha hoá trong hàng ngũ Việt cộng. Nói theo cách nghĩ của Tôn Tử, không đánh mà tan mới là đánh. Đấy cũng là bài học rút ra từ chính trường Nga Xô và cộng sản Đông Âu vừa qua. Chỉ cần vào lúc ấy chúng tôi phải giành được thời cơ, phải có ngọn cờ. Vì thế chúng tôi quan tâm xây dựng ngọn cờ, ngay từ bây giờ.
– Có phải đấy là chiến lược diễn biến hoà bình không? Tôi được biết là báo chí Hà Nội phê phán rất mạnh, gọi đấy là âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch chống Việt Nam…
– Anh hỏi câu này thì tôi thừa nhận là anh ít quan tâm đến thời cuộc. Nó là một thứ vũ khí chúng tôi đi mượn, là một quan điểm để vận dụng. Nhưng nó không phải và không thể là vũ khí chiến lược của chúng tôi.
– Thật vậy sao?
– Diễn biến hoà bình giỏi lắm thì cũng chỉ có thể tạo ra sản phẩm phụ cho chúng tôi thôi, nghĩa là phần của chúng tôi tác động vào trong đó rất nhỏ. Vì tự chúng tôi không thể tạo ra được sự diễn biến đáng mong muốn này, dù ở quy mô nhỏ như sự kiện Thái Bình chẳng hạn. Diễn biến như thế trước hết chỉ có thể là sự diễn biến tự thân của hệ thống chính trị trong nước thôi. Đó là sản phẩm đích thực của bất cập và tha hoá. Nói thế này để anh dễ hiểu: Diễn biến hoà bình thật sự chỉ có thể là một kiệt tác của chính bản thân hệ thống chính trị hiện nay ở Việt Nam mà thôi. Nói cho thật công bằng, trong việc tạo ra kiệt tác này chúng tôi chỉ làm được cái việc cổ vũ nó, làm chất xúc tác… Nghĩa là chúng tôi chọc ngoáy, làm cho câu chuyện có thêm kịch tính, thêm rôm rả… Thế là ăn tiền rồi, không hơn không kém. Nói đến mức ấy anh hiểu chưa?
– Hiểu.
– Thế nhưng chuyện làm đổ cả một toà lâu đài thì không thể là chuyện của chọc ngoáy được anh Lễ ạ. Đó phải là chuyện của bom đạn, của động đất, thiên tai… Mà nếu không phải là của các thứ đó thì phải là chuyện của sụp đổ cấu trúc hệ thống bên trong, bắt đầu từ tha hoá và bất cập. Anh không thấy hai yếu tố diễn biến tự thân như vậy trong lòng chế độ Hà Nội là hai đồng minh chiến lược lợi hại của phong trào ta hay sao?
– Vậy hả?
– Cốt lõi vấn đề là ở chỗ này. Cho đến khi thời cơ rơi vào tay chúng tôi…
– Ông Lý nói gì mà khó hiểu quá.
– Đơn giản là khi thời cơ đã rơi vào tay chúng tôi thì chúng tôi độc chiếm luôn, không cần đồng minh nào nữa.
– Nói gọn lại, nhiệm vụ của tất cả các loại đồng minh chỉ là tạo ra thời cơ để cho phong trào của ông Lý chộp lấy? Tôi hiểu thế có đúng không ông Lý?
Lý Lam cười một cách khoái trá:
– Trí tuệ của anh quả thực là mẫn tiệp. Anh kết luận ngắn gọn mà sắc bén vô cùng. Ngày đêm tôi sống với chiến lược của mình mà cũng không thể diễn đạt đanh thép được như anh. Tình hình đang thích thú lắm, anh Lễ ạ.
– Thích thú như thế nào?
– Chế độ Hà Nội đang tiến thoái lưỡng nan. Không tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và cải cách chính trị thì rơi vào ách tắc và khủng hoảng, đẩy mạnh mà bất cập thì cũng đi tới đổ vỡ! Ngọn cờ dân chủ, ngọn cờ nhân quyền lúc này hay lắm! Cánh ta phải giành lấy!
– Ông Lý cao thủ quá! – Lễ thừa nhận.
– Nó đổ thêm dầu vào lửa. Những thứ này một mặt là những đòi hỏi bức xúc của cuộc sống, của dân chúng, nhưng mặt khác nó giúp chúng tôi làm cho mọi thứ rối tung rối mù lên… Tuyệt lắm!.. Mà đục nước béo cò, thật giả lẫn lộn, giậu đổ bìm leo… Đấy là những hiện tượng phái sinh tất yếu ở bất kỳ quốc gia nào trong tình huống như vậy, lý thú tuyệt vời anh Lễ ạ!
– Thế mà ông Lý vẫn chưa thuyết phục được tôi… – Lễ cố ý tỏ vẻ tỉnh bơ.
Lý Lam đã cầm ly rượu lên rồi, định làm một tợp, nhưng lại đặt xuống, nhìn Lễ chằm chằm:
– Chỉ vì ông không quan tâm đến thế sự và thiếu thông tin một cách thảm hại! – Lý Lam bắt đầu hết kiên nhẫn.
– Tôi mở mắt mà cũng như mù chăng?
– Tôi nói “ừ!” thì lỗ mãng quá, nhưng anh thật quả gần như vậy. Phong trào đã phân tích rất kỹ với nhau những chuyện xảy ra ở Thái Bình. Rõ ràng là đã xuất hiện những nét phôi thai dẫn đến sụp đổ của Nga Xô trước đây. Vừa rồi Hà Nội lại có thêm mấy cái án tù cho người chống đối, trong đó có người đã gọi chế độ Hà Nội là “triều đại phong kiến cuối cùng…”. Phong trào theo dõi từng ly từng tý những gì xảy ra trong nước, chứ không bàng quan như anh.
Lễ loay hoay trong đầu, cân nhắc nên tiếp tục đối đáp như thế nào, vì những điều Lý Lam nêu lên không phải là lấy ra từ không khí. Lễ cố nhớ lại những buổi nói chuyện với chú mình và Tôn Thất Loan để tìm cách ứng xử thích hợp.
– Xin được nghe cao kiến của anh. Những nhận định của tôi anh có thấy chỗ nào phi lý không? – Lý Lam trở giọng, quay sang giục giã.
– Ông Lý… Anh đủ can đảm nghe tôi nói thẳng không?
– Xin mời.
– Anh biết rồi đấy, cả gia đình bố mẹ tôi, hầu hết những người trong họ hàng tôi đã hy sinh chiến đấu cho chế độ cộng sản. Tôi trân trọng điều này. Vì tôi không chấp nhận được chế độ cộng sản, nên mới đành bỏ đất nước sang đây. Tôi cũng trân trọng những người đang sống ở đây có chí hướng chân thành đối với đất nước theo cách nghĩ riêng của mình, dù là có quan điểm chính trị chống lại Hà Nội đi nữa… Ai cũng có quyền yêu nước mình, theo cách của mình, ông Lý ạ. Nhưng tôi không thể chấp nhận con đường ông Lý đang theo đuổi! Ông Lý còn muốn dân tộc mình xâu xé nhau đến bao giờ nữa?
Cốc rượu trong tay Lý Lam sóng sánh:
– Anh nói gì thế anh Lễ? Tôi không hiểu!
– Anh hiểu rồi đấy. Anh chỉ trốn câu hỏi của tôi thôi.
– Tôi thừa nhận. Nhưng anh vừa mơ hồ, vừa mâu thuẫn với chính mình!
– Vậy hả? Để xem ai mơ hồ. Ông Lý còn nhớ nghề cũ của tôi không nhỉ?
– Anh ở Bộ Tổng tham mưu thì ai không biết. Nhưng anh nói chuyện cổ tích để làm gì?
– Anh phải nói thêm là tôi làm planton ở Bộ Tổng tham mưu thì mới đúng là nghề cũ của tôi chứ.
– Được. Cứ cho là như thế đi.
– Nhờ cái nghề này tôi đã biết được bao nhiêu kế hoạch, bao nhiêu chiến lược, mà lý lẽ chiến lược nào nghe cũng chắc nịch như cua gạch. Theo những chiến lược này, lô gích mà nói, thì chúng ta giải phóng Hà Nội từ lâu rồi, chứ không phải Hà Nội giải phóng Sài Gòn. Có phải thế không, ông Lý?
– Lý luận của anh hay đấy. Rồi sao nữa? – Lý Lam cười nhạt.
– Sao ông Lý lại cười?
– Anh Lễ thông minh nhưng không thức thời. Xin nói tiếp đi. Rồi sao nữa?
– Rồi sao nữa à? Rồi là bây giờ chúng ta đang ngồi ở đây, không bàn chuyện giải phóng nữa. Lần này chúng ta bàn chiến lược lật đổ Hà Nội.
– Giải phóng thì không được. Nhưng lật đổ thì có thể. Xưa và nay khác nhau ở chỗ này.
Lễ rót thêm rượu cho Lý Lam, đồng thời cũng muốn có thêm thời giờ, vì biết là câu chuyện đã đi tới mức gay cấn.
– Loại hard salami(*) [(*) Một loại xúc-xích nổi tiếng của Hungari.] này được đấy chứ? Ông Lý? Nhập từ Hung-ga-ri đấy, hơn hẳn các loại sausages của Mỹ.
– Anh còn yêu thứ này với wishky có nghĩa anh còn yêu đời. Đừng nói đến những ngày tàn lụi. Lại càng không nên huỷ hoại trí tuệ của mình.
– Ông Lý vẫn tiếp tục ép tôi, có phải thế không? – Lễ làm một tợp rượu, rồi mới nói tiếp – Ếch ngồi đáy giếng hàng chục năm nay mất rồi, bây giờ tiếp chuyện ông Lý khó quá. Trước hết phải thừa nhận ông Lý dũng cảm, dám tìm ra đồng minh chiến lược ngay trong kẻ thù của mình. Về điểm này ông Lý hoàn toàn không nhầm.
– Anh thực tin như vậy?
– Tin. Không đánh mà tan, mới là đánh! Tôi không thể ngờ một ông Lý ngày xưa vốn chỉ nổi tiếng là kỵ sỹ chinh phục corsets(*) [(*) Nịt vú của phụ nữ.], ngày nay trở thành triết gia chính trị! Ông Lý không phải là kẻ mê tín Tôn Tử, mà thực sự có đầu óc tính toán. …Quả thực bất cập và tha hoá hoàn toàn có thể đánh đổ bất kỳ chủ nhân nào của nó. Ông Lý dẫn chứng ra sự sụp đổ – của lâu đài Nga Xô xây trên một phần sáu quả địa cầu!Thật chí lý…
– Cảm ơn anh, như thế là anh nhận lời với phong trào rồi đấy nhé.
– Xin cho tôi nói hết đã. Tôi chỉ xin lưu ý là hai đồng minh chiến lược của ông Lý chỉ thành công có điều kiện, chứ không phải là vô điều kiện.
– Sao anh lại tự mâu thuẫn ngay tức khắc với chính lời anh vừa nói ra thế, anh Lễ?
– Không mâu thuẫn. Hai đồng minh chiến lược của ông Lý muốn thành công thì phải có điều kiện. Đó là Hà Nội phải tự trói tay mình. Ông Lý có chờ đợi kẻ thù tự trói tay mình nộp mạng không?
– Cứ cho là không bao giờ có điều kiện này đi, nhưng bất cập thì sao? Có ai muốn tự trói tay mình bao giờ đâu? Nhưng đã bất cập thì vô phương, bất cập có nghĩa là di căn đã tới mức cấp tính rồi! – Lý Lam sôi nổi, tin là mình đang thắng thế.
– Ông Lý đi nhanh quá. Có tự trói thì mới đi tới bất cập và tha hoá. Thời kỳ 1986 – 1989 đã chứng minh trong hoàn cảnh trứng để đầu đẳng của mình, Hà Nội đã không tự trói.
– Nhưng từ 1995 thì Hà Nội bắt đầu quá trình tự trói, đấy là nói theo cách suy nghĩ của anh, còn tôi thì lại gọi đó là tình trạng bất cập, là tha hoá. Đơn giản là hệ thống quản lý nhà nước không theo kịp đòi hỏi phát triển và ngày càng phát sinh nhiều vấn đề nan giải. Chưa bao giờ nạn nhũng nhiễu của tham quan và sự phản đối, khiếu kiện của dân chúng nhiều như bây giờ – Lý Lam cướp lời.