Cuộc vui còn kéo dài cho tới khuya. Dự kiến lễ ăn hỏi cho đôi uyên ương Kim Tín vào cuối năm cũng sắp xếp xong. Tối hôm ấy Tín báo cáo với cả nhà những dự định cho tương lai:
Ngân hàng Thế giới (WB) đang đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dự án Hợp tác Cải tiến hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn II. Dự án giai đoạn I sẽ kết thúc vào cuối năm tới. Rút kinh nghiệm thực hiện Dự án giai đoạn I, WB muốn tăng cường chuyên gia người Việt trong nhóm điều hành dự án của WB tại Hà Nội. Tín đang liên hệ với WB tại New York để đăng ký tham gia Dự án giai đoạn II.
– Con dự kiến sẽ về sống và làm việc ở Hà Nội ít nhất là đến khi thực hiện xong Dự án II? – Lễ hỏi.
– Hai chúng con đã bàn với nhau như vậy ạ. Chúng con sẽ chăm về thăm ông bà, ba má và cô chú Hoài…
Lý Lam hẹn đến gặp riêng Lễ mấy lần, nhưng Lễ đều cho thư ký của văn phòng tìm mọi cách thoái thác. Cuối cùng Lý Lam phải giở cái bài có việc cần nhờ đến dịch vụ của Văn phòng luật sư Thảo, rồi nhân dịp này lấy cớ bạn bè cũ đến thăm sức khoẻ Lễ. Thảo và Lễ hết đường thoái thác.
Sau vài câu thăm hỏi xã giao. Lý Lam không rào trước đón sau gì cả: Mời Lễ ra lãnh đạo phong trào thay Quách Minh Châu.
– Tôi không thể đánh giá thấp nhiệt tình và sự kính trọng của ông Lý dành cho tôi, nhưng thực lòng tôi không hiểu ông Lý còn kỳ vọng gì ở một kẻ chán đời như thế này?
– Tôi biết chứ. Anh có tâm lý chán đời từ khi còn ở trại Bảo Lộc cơ, đâu phải bây giờ. Nhưng tôi hy vọng thời gian đã làm cho anh bình tâm trở lại.
– Sự thật thì ngược lại, ông Lý ạ. Ông Thành, chú tôi, lúc còn sống ổng đã nói với Thảo là phải coi chừng trạng thái trầm uất của tôi có vẻ ngày một nặng lên. Chú tôi còn nói đấy có thể là một hội chứng bệnh lý thường gặp ở một số người nhất định nào đó sau chiến tranh.
– Nếu thế thì càng phải áp dụng cái thuyết activ therapy, lấy hoạt động năng động át đi tất cả. Nghĩa là anh càng phải nhận đề nghị của tôi vì lý do sức khoẻ của chính anh.
– Phong trào đã bí lắm rồi sao mà phải vời đến cả người bệnh như tôi.
– Phong trào thì không bí, nhưng thiếu người cầm cờ. Tôi đã trình bày với anh rồi, anh Châu bây giờ mang chứng tiểu đường nặng, không làm việc bình thường được nữa. Anh ấy bây giờ toại nguyện vui duyên già với Thẩm Đôn Hoa. Mai- cơn Fốc bị thải rồi, vì thời hậu chiến của ông ta đã hết. Bây giờ là thời quan hệ bình thường hoá, phải có loại Mai-cơn Fốc mới.
– Thế tôi vẫn một mực xin ông Lý tha cho thì sao?
– Chúng tôi tính nát nước ra rồi. Những loại như Trần Đình Bùi, Hoàng Thư Vũ… – họ là con nhà nòi của cách mạng, họ sống trong nôi của chế độ Hà Nội, họ chống Hà Nội có lẽ cuồng nhiệt hơn anh mấy chục lần, thông minh không kém gì anh, văn hoa chữ nghĩa nếu không hơn thì chắc cũng chẳng kém anh, nhưng chúng tôi không vời đến.
– Vì sao?
– Vì trong con mắt của phong trào ở đây, họ chỉ là những người bất mãn, là kẻ phản bội lại hàng ngũ của họ. Mà đã có vết như thế thì không thể là người cầm cờ cho phong trào mình được.
– Ông Lý kén gớm nhỉ!
– Tôi không nịnh anh đâu, những người này muốn quậy phá gì thì tha hồ, cần thì chúng tôi tiếp sức hết mình, nhưng có ngửa tay xin làm nhiệm vụ cầm cờ thì chúng tôi cũng xin kiếu. Phong trào phải có một bộ mặt sạch sẽ cầm chịch, anh hiểu không?..
– Ví dụ như Phạm Trung Lễ này, có phải không?
– Khoan hãy giễu cợt, nghe tôi nói hết nhẽ đã. Anh là người có học, từng là tù của cả ông Thiệu lẫn Việt cộng, có anh em bạn bè là những Việt cộng cao cấp mà vẫn nhất nhất không màng theo Việt cộng. Người như thế đứng ra cầm cờ cho phong trào thì mới mang lại thanh thế cho phong trào. Chuyện tướng Lê Hải mời anh ăn cơm bây giờ cứ được đồn đi đồn lại trong phong trào, tự nó cứ thêu dệt mãi lên thành một thần thoại. Có người còn nói bốc: Ngay đến cả tướng Lê Hải cũng là người khâm phục đại tá Lễ! Cứ như là chuyện ngày xưa kiến đục lá đa thành các chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” ấy. Tôi thấy đó là điềm tốt, càng khuyến khích những chuyện phóng đại như vậy. Đại tá Loan không được đánh giá cao như anh đâu…
Lễ không hiểu vì sao Lý Lam lại biết và nêu ra cả chuyện Lê Hải mời cơm…
…Ông khách lai này định giở thủ đoạn gì ra với mình đây?
Trong lòng tự hỏi như thế, nhưng Lễ vẫn ngồi yên, trệu trạo nhai mực khô, cố tỏ vẻ lơ đãng.
Thấy Lễ cứ ngồi nhắm đồ khô và uống rượu, Lý Lam nói tiếp:
– Trước khi đi Mê-hi-cô tìm nghề mới kiếm ăn, Mai-cơn Fốc cũng khuyến nghị phong trào là cố thuyết phục anh đứng ra làm nhiệm vụ. Nghĩa là cả Michael cũng chấm anh đấy! Anh nhận lời chứ?
– Vợ tôi đau tim bẩm sinh, chuyện này tôi chắc anh biết từ hồi còn ở Sài Gòn. Nhờ trời bây giờ sức khoẻ nhà tôi khá hơn trước một chút, nhưng vẫn là người có bệnh… – Lễ thong thả phân bua. – Còn tôi thì đang trên đường đi tới bệnh viện tâm thần. Chỉ vì không nỡ bỏ Thảo một mình bơ vơ ở nhà nên còn lần chần nấn ná dọc đường thế thôi. Ông Lý không hình dung được thế nào là sống mòn à? Chắc phong trào bí lắm nên mới phải làm cái việc bắt mèo đi cày?
Lý Lam cười vang, một giọng cười không thể phân biệt rõ được là tự nhiên hay là đóng kịch, khiến Lễ càng phải thận trọng.
– Anh Lễ ơi, nếu anh cho là phong trào bí, nên phải vời đến anh, thì sai lầm to, sai lầm nhiều mặt đấy. Tôi xin nhắc lại: Phong trào cần người chọn mặt gửi vàng để phong trào ngày một lan toả…
– Chọn mặt gửi vàng?
– Đúng thế. Chỉ cần nhìn vào người cầm cờ là có ngay thiện cảm với phong trào. Anh chính là người như thế! Bây giờ là thời quan hệ bình thường hoá, phong trào lại có những vùng đất mới, những triển vọng mới mà thời hậu chiến không có. Phong trào rất cần gương mặt mới cho phương thức hoạt động mới, chứ không thể nói là phong trào bí được.
– Ông Lý ơi, ông Lý giải thích như thế cách đây 15 năm thì tôi tin. Tôi vừa mới gặp ông Lý ở khách sạn REX, nên tôi khó tin. Thế mà cũng mấy năm rồi nhỉ?.. Tôi thừa nhận đất nước bây giờ thay đổi nhiều rồi, vì thế tôi mới nghĩ là phong trào bí.
– Anh xa thời cuộc nhiều quá rồi.
– Sao ông Lý không nói thẳng ra là tôi lạc hậu?
– Thời đổi mới, chế độ Hà Nội làm được nhiều việc, nhưng lại cũng vấp nhiều việc nan giải. Càng đổi mới kinh tế, càng vấp nhiều vấn đề thuộc về tự do, dân chủ. Hệ thống chính trị càng có nhiều vấn đề chạy theo không kịp. Tệ nạn tiêu cực, quan liêu tham nhũng nở rộ. Đấy là những vùng đất mới cho phong trào của chúng ta. Anh không nhận ra à?
– Tôi lại nghĩ rằng mức sống trong cả nước được cải thiện nhiều. Gallup(*) [(*)Viện thăm dò dư luận, ở Mỹ, thành lập năm 1935.] gần đây mở một cuộc điều tra, cũng thừa nhận như vậy. Gallup còn đưa ra nhận định đại đa số người được phỏng vấn cho là vừa lòng với cuộc sống hiện tại và với chế độ, đạt tỷ lệ cao nhất trong số 44 nước đang phát triển họ vừa mới thăm dò.
– Đấy chỉ là mặt phải của tấm huân chương thôi, anh Lễ ạ. Còn mặt trái của tấm huân chương là những hiện tượng bất mãn, phản kháng cũng gia tăng mạnh mẽ. Đã đến mức Hà Nội phải bắt một vài nhà văn rồi lại phải thả, lúng ta lúng túng, bắt đi bắt lại nhóm nhân sĩ trí thức chống đối mà không dám đưa ra công khai. Gần đây Hà Nội án xử án rất nặng một vài người để trấn áp, nhưng tôi chắc ít hiệu quả. Thế mà các thư từ, các bài viết phê phán chế độ vẫn ngày càng nhiều, các thư góp ý, nhiều thư gửi thẳng cho lãnh đạo, có vô khối thư ngỏ. Các vụ phản kháng, kiện cáo của nông dân xảy ra liên tục, vang dội nhất có lẽ là vụ nổi dậy của nông dân Thái Bình mà báo chí Hà Nội cũng phải nói đến, lãnh đạo Hà Nội phải về tận nơi giải quyết… Tôi có thể kể cho anh nghe nhiều thứ lắm. Tóm lại là phong trào bây giờ có hai vùng đất mới vô biên, tha hồ khai thác, tha hồ khoét sâu. Một là những bất cập trước các đòi hỏi của sự phát triển. Hai là phẩm chất đội ngũ cán bộ chế độ Hà Nội sa sút. Không thể nói là phong trào bí được.
– Phong trào của ông Lý quyết tâm đến cùng theo đuổi mục tiêu lật đổ chế độ Hà Nội?
– Nếu anh tin như thế, thì việc phong trào mời anh ra làm thống soái là hoàn toàn xác đáng. Tôi muốn phong trào của tôi rồi đây trước hết sẽ thống soái được cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trước khi đạt được mục tiêu cuối cùng của mình. Hiện nay ảnh hưởng của phong trào đối với cộng đồng người Việt còn quá bé nhỏ so với yêu cầu.
– Ông Lý bi quan về cộng đồng người Việt ở nước ngoài đến thế cơ à?
– Rất tiếc là phong trào chưa đảo ngược được xu thế thờ ơ với chính trị ngày càng tăng trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, đã thế lại còn chia năm xẻ bảy. Tại các nước khác tình hình còn tệ hơn. Chúng tôi sẽ tăng cường những hành động anh hùng kiểu Lý Tống, Nguyễn Vĩnh Tân…(*) [(*) Lý Tống cướp máy bay ở Thái Lan rồi đột nhập vào Việt Nam thả truyền đơn, bị bắt ở Thái Lan. Nguyễn Vĩnh Tân, bị cảnh sát Philippines bắt về tội âm mưu đánh bom Đại sứ quán Việt Nam tại Manila.], sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc đưa FUNRO(**) [(**) Một tổ chức phản động bao gồm một số người Thượng ở Tây Nguyên, có trụ sở chính hiện nay ở Mỹ.] về Tây Nguyên… Miễn sao gây được nhiều tiếng vang để thức tỉnh ý thức chính trị của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, gây được rối loạn trong nước càng nhiều càng hay, làm xấu bộ mặt Hà Nội trên trường quốc tế.