Trong bữa cơm trưa ở nhà ngày hôm đó, đầu óc Nghĩa không dứt ra khỏi cuộc nói chuyện với tướng Lê Hải. Lời răn của cụ già cây đa bẩy rễ thu hút hết tâm trí anh. Bà Nguyệt rất ngạc nhiên thấy chồng chẳng nói chẳng rằng, thậm chí lơ đễnh như một người máy, ngồi ăn mà không biết nghe, không biết nói…
– Hôm nay ăn muộn, chắc anh đói lắm.
Bà ướm mấy câu bâng quơ nữa, không thấy ông Nghĩa đáp lại. Bà đoán là chồng mình đang lo nghĩ điều gì. Gần cuối bữa, bà gạn hỏi một câu về bữa cơm, đấy là lần thứ hai thứ ba gì đó. Lần này bà vừa nói vừa khẽ đụng vào tay chồng:
– Cá nục hôm nay kho hơi mặn, phải không anh?
Trung tá Nghĩa như trên trời rơi xuống đất.
– Em nói gì? Cơm hôm nay rất ngon mà.
– Không, em hỏi cá có mặn quá không.
– Không, Không. Rất ngon mà. Độn mỳ ăn quen rồi. Mấy hôm nọ hết mỳ, cơm không ăn khô không khốc!
Bà Nguyệt buông đũa bát, gục mặt xuống bàn mà cười:
– Em hỏi một đằng, anh trả lời một nẻo. Chắc anh đang lo chuyện gì rồi. Ngồi ăn mà chẳng nghĩ gì về ăn.
– Anh chịu em về tài bắt nọn. Quả là như vậy… – ngẫm nghĩ một lúc ông Nghĩa nói – Việc anh xin giải ngũ phải tạm gác lại thôi Nguyệt ạ.
– Vì anh là nhân tài không ai thay thế được! Em rất lấy làm vinh dự.
Ông Nghĩa vỗ nhẹ nhẹ lên vai vợ, cười ngất, song vẫn là những tiếng cười hiền hậu của một người có giọng nói nhỏ nhẻ:
– Em truy kích anh đúng hướng. Cứ cho là như thế đi.
– Lại một lần nữa anh nói dối không giỏi. Nhưng thôi, chỉ cần biết anh ăn vẫn ngon miệng là được rồi. Nếu không em sẽ mắc khuyết điểm nhân dân không biết chăm sóc thương binh.
Ông Nghĩa chỉ cười:
– Đối thoại với em bao giờ anh cũng thua. Nghề dạy văn của em quả có nhiều biệt tài lợi hại.
– Ít nhất là để anh khó bắt nạt.
– Đúng là anh đang có nhiều việc phải lo thật em ạ. À mà sao hai con trưa nay không về ăn cơm?
– Anh thấy chưa, lơ đãng đến nỗi ăn cơm mà quên cả các con, rõ là ông bố ăn tham!
– Quy kết cho anh thế nào cũng được. Vì em sinh ra là để truy kích anh mà. Năm nảo năm nào chân ướt chân ráo về đến Hà Nội, chưa kịp đặt balô xuống đã bị em tóm gọn. Bị tóm rồi mà vẫn còn bị truy kích suốt đời…
– Thôi đi, lại âm mưu chuyển bại thành thắng! – Bà Nguyệt cười, vì câu này khiến bà hết cách trêu chọc ông. – Hai con hôm nay tập trung ở nhà bạn để chia tổ, nhận lớp, bắt đầu niên học mới rồi. Ngoài tội thờ ơ cả với con ra, xem ra anh còn thua xa chú Kiệt về nhiều mặt khác.
– Thua Kiệt là cái chắc rồi. Chú ấy có thể thay mặt cả nước đối đáp với nước ngoài. Còn anh chỉ là một chiến sĩ cầm súng. Nhưng hôm nay em định nói anh thua điểm gì?
– Chú Kiệt là nhà ngoại giao nhưng rất thực tế. Còn anh là nhà lính nhưng lại mộng mơ.
Không mộng mơ thì làm sao nằm trên rừng cũng nhìn thấy em?
– Chú cho mình và cho anh Chính mỗi nhà một nồi áp suất Liên Xô. Thứ này được việc lắm anh ạ. Nếu không hôm nay anh làm gì được thưởng thức món cá kho ngon thế này! Rất rục, ăn được cả xương.
– Như thế có đỡ tốn thức ăn không em? Em chọn cho anh toàn những khúc ngon.
– Đỡ nhiều chứ anh. Kiểu gì thì các loại tem phiếu thực phẩm cả tháng cũng phải chia đều cho sáu mươi bữa! Đã lâu lâu rồi căng-tin mới có cá biển bán theo sổ ngon như vậy.
Nghĩa buông bát đũa đứng dậy tập tễnh đi mở nồi cá kho:
– Sao lại nhiều cá con và đầu cá thế này?
– Em và hai con thế nào cũng xong, cái chính là anh không được ốm!
Nghĩa lặng người đi không biết nói gì. Đậy nồi cá lại, về chỗ ngồi, mãi Nghĩa mới thốt lên:
– Đúng, Kiệt là người chu đáo. Kinh tế cả nước chắc sẽ còn ì ạch kéo dài em ạ.
– May quá, Mai tìm lại được số tem phiếu đánh mất rồi. Hoá ra cô nàng kẹp vào trong quyển sách toán cho bạn mượn.
– Làm sao tìm được?
– Hôm qua cái Lý mang cả sách và tem phiếu đến trả đầy đủ.
– Thế là con bị mắng oan!
– Tiêu chuẩn tem phiếu nhà mình là vào loại khá, những nhà khác ít hơn nhiều. Khối gia đình ở nông thôn không tem phiếu và không cả tiền. Nhà mình còn chưa phải ăn độn bo bo như trong Nam đấy!
– Lo cho cái ăn của dân thật là đại sự của chính phủ. Còn tiếp tục khó khăn nhiều em ạ, chuẩn bị tinh thần đi là vừa.
– Sao cứ suốt đời phải chuẩn bị tinh thần thế hả anh? Hàng chục năm nay lúc nào cũng chuẩn bị tinh thần!.. Chỉ nghe anh nói câu này em đã sởn gai ốc.
– Em vẫn chưa hết sợ?
– Hết làm sao được anh? Từ khi lớn lên, gần như em chỉ sống với lo và sợ!
– À ra thế. Nghĩa là không còn tâm trí đâu nữa mà sống vì yêu anh?
– Buồn quá phải không anh?!..
– Phải.
– Biết làm thế nào được… Anh ăn quả cam này đi. Cam nông trường Đông Hiếu anh ạ, cũng bán theo sổ…
– May quá, nói đến cam làm anh nhớ đến một việc quan trọng. Vài hôm nữa đến ngày giỗ cậu Lâm rồi. Sẽ là cái giỗ thứ ba, theo phong tục gọi là giỗ hết, em chuẩn bị cho anh một cái lễ nhé.
Cuối năm nay cũng giỗ hết cậu và gia đình em Minh…
Nghĩa định nói thêm với vợ vài câu chuyện nữa, song mắt ông đụng phải cái túi vải ở gần chỗ ngồi ăn cơm, có một mớ len đỏ và hai chiếc kim đan thò ra. Thương vợ vất vả, ông ăn cho nhanh rồi cùng vợ dọn dẹp, vì giờ nghỉ trưa rất ngắn. Bây giờ Nguyệt và con gái thường phải nhận len về đan áo cho mậu dịch để có thêm đồng ra đồng vào chi cho những thứ ngoài tem phiếu.
…Vợ chồng ông Nghĩa cưới nhau năm 1957, ngay sau khi ông kết thúc lớp học đặc biệt hai năm bồi dưỡng lý luận quân sự tại trường đại học Phrunde ở Matxcơva về. Ông Nghĩa không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ ra nước ngoài, lại càng không nghĩ đến chuyện được đi học ở nước ngoài.
Kể từ ngày học xong trường thiếu sinh quân năm 1951, ba anh em Chính, Nghĩa, Kiệt được phân công mỗi người đi mỗi ngả. Chính được cử sang học ở trường đại học Thanh Hoa, ngành xây dựng giao thông, chuẩn bị cho hoà bình xây dựng đất nước sau này. Suýt nữa nhà trường giữ Chính lại làm trợ giáo cho các lớp thiếu sinh quân tiếp theo. Nhưng một đồng chí lãnh đạo cao cấp gạt đi: Phải ráng chuẩn bị cho tương lai, kháng chiến thắng lợi sẽ có nhiều việc không chuẩn bị kịp… Kiệt được cử đi học ở Học viện ngoại ngữ, sẽ phục vụ cho ngoại giao. Thế là Chính và Kiệt cùng lên đường đi Bắc Kinh. Riêng Nghĩa, vì nhiệt tình yêu nước của tuổi trẻ, và còn vì tính lãng mạn yêu đời, một mực trước sau đòi xung vào bộ đội, mặc dù tổ chức thấy Nghĩa có năng khiếu ngoại ngữ hơn Kiệt. Sau 4 tháng huấn luyện tại trường sĩ quan lục quân Liên khu Việt Bắc, Nghĩa ra trận, tham gia mấy chiến dịch Đông – Xuân, từ Liên khu 3, lên Tây Bắc, đi Điện Biên Phủ…
Cuộc đời học tập có lý luận cơ bản của Nghĩa để trở thành sĩ quan của Quân đội Nhân dân Việt Nam thực ra bắt đầu từ những bài giảng ở trường đại học quân sự Phrun-de, sau đó được rèn luyện qua kinh nghiệm thực tiễn của những năm tháng quyết liệt trên chiến trường chống Mỹ ở miền Trung.
Sau này ông Nghĩa thường nói với bạn bè và trong gia đình: Hai năm ở đại học Phrun-de đối với ông không phải chỉ là học thêm những kiến thức mới về lý luận quân sự. Đấy còn là những năm tháng bắt đầu mở mắt nhìn ra thế giới, và cũng là những năm tháng dấn sâu vào thế giới tâm hồn con người.
Song ngoài cái tính lãng mạn từ trong máu ra, dấu ấn đầu tiên góp phần hình thành nhân cách suốt đời Nghĩa có lẽ là những năm học tại trường Thiếu sinh quân. Thầy dạy là các nhà giáo chiến sĩ, các cán bộ lớp cha anh, các văn nghệ sĩ có tên tuổi… Mỗi thày mức độ thông tuệ khác nhau, một tài riêng, một cá tính, làm cho học trò khó quên. Nhưng tất cả các thầy cùng chung một tâm hồn làm rung động tâm hồn các học trò của mình. Một vài cuốn sách kinh điển bằng tiếng Pháp viết về triết học, mỹ học không biết từ đâu được gửi đến trường, Nghĩa đọc ngấu nghiến. Một vài thầy chỉ đến giảng một vài tuần. Có thầy chỉ đến giảng có một bài, trong đó có tướng Nguyễn Sơn… Nghĩa đã có lần phải thốt lên với anh mình:
– Em không biết sau này ai có thể bình về số phận của Kiều và Từ Hải, về tình yêu giữa giữa hai người sâu sắc hơn tướng Nguyễn Sơn không…
– Có khi chính Nguyễn Sơn đã trải qua những long đong như thế!
Lòng ham hiểu biết và cái chất lãng mạn gần như bẩm sinh trong người lính Phạm Trung Nghĩa được nuôi dưỡng từ các thầy như vậy trong những năm tháng ở trường Thiếu sinh quân, đến Matxcơva lại được tiếp thêm nguồn sống mới.
Bước vào nhà trường đã đào tạo biết bao nhiêu tướng sĩõ tài giỏi của Liên Xô này, Nghĩa vừa tròn 23 tuổi, tràn đầy sức sống… Những năm tháng chiến đấu trên các chiến trường Tây Bắc cất cánh cho tâm hồn anh. Sang đến Matxcơva, nhờ có vốn tiếng Pháp, anh học tiếng Nga khá thuận lợi, học rất chăm và tiếp thu nhanh, tính yêu thích văn học, nghệ thuật từ hồi học sinh trỗi dạy một cách mãnh liệt. Đại tá Vatsili Kôtôyepski (Vassily Kotojevsky), một ông già anh hùng quân đội Xô-viết trong chiến tranh Thế giới lần thứ hai, là người phụ trách lớp của Nghĩa. Ông rất thích nói chuyện với Nghĩa. Một lần trong giờ nghỉ giữa buổi giảng môn triết, ngồi với Nghĩa bên cốc nước tràø chanh trong căng-tin, ông nhận xét:
– Anh Nghĩa, tôi cảm thấy anh là một người mơ mộng nhiều hơn là một chiến sĩ. Khi tranh luận về mỹ học, tôi không thấy bóng dáng hay gân guốc của chiến tranh toát ra trong tâm hồn anh. Hay nói cho đúng hơn, chiến tranh bị tâm hồn anh át đi.
– Có lẽ vì tôi từ chiến tranh bước ra nên khao khát hoà bình quá đấy ạ.
– Những ý kiến anh phát biểu đầy lãng mạn. Câu chuyện anh kể ngồi giữa chiến trường Tây Bắc Việt Nam nhờ dân địa phương dạy mình học các bài hát của các dân tộc miền núi, tình yêu của anh đối với dân ca các địa phương, anh tìm thấy lẽ sống trong các bài hát ấy… Nghe anh nói cảm nghĩ của mình về Yepgiêni Ônêghin (Yevgeny Oneghin)(*)[(*) của Pu-skin.(*) của Pu-skin.], về bài hát Tôi yêu cuộc sống(**)•[(**) Bài hát Nga nổi tiếng “Cuộc sống ơi, tôi mãi yêu người”.] rung động tâm hồn anh như thế nào… Tất cả làm tôi xúc động…