– Thưa bố, xã hội dân sự như thế hình thành từ bao đời nay rồi ạ, nhưng đang được những thành tựu mới của văn minh nhân loại hoàn thiện, phát triển dần. Chính những thành tựu này đang làm cho xây dựng xã hội dân sự trở thành một xu thế tiên tiến trên thế giới không gì ngăn cản được, giống như thể nhà thờ đã từng không sao ngăn cản được thuyết nhật tâm của ông Cô-pec-ních.
-Lại nói trật! Lại nói trật! Chủ nghĩa xã hội mới là xu thế tất yếu của xã hội loài người! – ông Hai Phong chen ngang.
– Xin cho con nói thêm thế này – Tân bình tĩnh – Không một nước nào có thể độc quyền chiếm giữ thành quả này, cũng không một nước nào có thể dạy khôn hay áp đặt cho nước khác thành quả này đâu ạ, bất kể nhân danh cái gì. Chỉ có mỗi quốc gia phải tự mình tìm đường vươn lên nắm bắt lấy và tự làm chủ thành quả này, để tự nâng mình lên, để đi tiếp… Thừa nhận hay không thừa nhận, xã hội dân sự tự nó cũng đang lấp ló ở nước ta rồi đấy ạ, trong những mảng sống nhất định của xã hội… Không cưỡng lại được ạ!
– Hoàn toàn được! – Khái nói to, quyết dồn Tân vào chỗ bí.
– Cái võ của anh Khái xoàng lắm, chỉ muốn bắt em khai báo hết thôi.
– Thì cháu cứ khai báo cho các chú các bác cùng nghe nào! – Ông Trần Thu nói thực lòng.
Nhiều người khác trong cánh già lên tiếng đồng tình.
– Vâng ạ. Theo cháu không thể khác được, đời sống mọi mặt của đất nước dù là tự nó, dù là được thúc đẩy, nó đang ngày càng mở không gì cưỡng lại được. Làm nghề toán, cháu xin thưa chuyện bằng một vài con số hàng ngày: Từ nhiều năm nay tổng kim ngạch xuất và nhập khẩu của nước ta bằng khoảng 130 – 140 phần trăm tổng giá trị số của cải cả nước làm ra, rõ ràng đấy là một nền kinh tế mở ở mức độ rất cao, gắn bó mật thiết với kinh tế thế giới. Mỗi năm có hàng vạn người trong nước ra nước ngoài, có hàng triệu khách du lịch vào nước ta, xã hội nước ta đóng làm sao được ạ? Chưa nói đến công nghệ thông tin, tin học ngày nay ngay trên đất nước ta đang phát triển nhanh! Mỗi năm hàng tỷ đô-la kiều hối đổ vào trong nước, nhiều năm số kiều hối này còn lớn hơn cả số lượng đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào nước ta! Đóng làm sao được ạ? Cháu không biết cả nước có bao nhiêu gia đình có họ hàng ruột thịt ở nước ngoài. Riêng các gia đình họ Phạm nhà cháu ngồi đây đã có hàng chục gia đình là máu mủ ruột thịt đang sinh sống tại Mỹ, tại châu Âu, châu Á, riêng cháu tại Thụy Điển… Còn biết bao nhiêu mối quan hệ khác nữa. Xin các bác các chú thử hình dung xem, nếu tất cả những mối quan hệ như vậy của đất nước không vận động trong khuôn khổ một xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền thì câu chuyện sẽ ra sao ạ? Chắc chắn là sẽ có bao nhiêu vùng mờ, vùng chồng lấn đầy rối rắm trong xã hội và trong hệ thống nhà nước, sẽ tốn kém và lãng phí không biết bao nhiêu mà kể. Chắc chắn là mafia sẽ mọc lên như cỏ dại không sao diệt được! Từ đây chỉ cần lỡ chân một bước sẽ có đủ các màu sắc xanh, tím, vàng, da cam… như bác Hai Phong đang lo đấy ạ… Đấy là cháu chưa đụng chạm tý tẻo tèo teo nào đến tỷ tỷ những chuyện trong nước – Tân quyết định dừng lại ở chỗ này.
Cánh già gật gù, trừ ông Hai Phong. Cánh trẻ chụm lại với nhau, vì chưa muốn buông tha Tân.
– Có lý! Con có lý. Vấn đề còn lại chỉ là nhận thức… Làm lãnh đạo trước hết là phải có nhận thức… Chí ít là phải có tâm tập hợp trí tuệ để cố nhận thức cho ra vấn đề! – Ông Nghĩa lên tiếng trước… bâng quơ, hình như trong đầu ông đang nói chuyện với ai đó…
Ông Chính chất vấn Tân:
– Tân ơi, tại sao cháu lại nảy ra cách nhận xét xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta cứ như thể là xây nhà tình nghĩa hả cháu?
Trên nét mặt đầy suy tư của mọi người, dường như không ai có ý muốn làm gián đoạn cuộc đối thoại nghiêm túc giữa hai thế hệ.
Tân muốn tìm cách thay đổi không khí câu chuyện:
– Thưa các bác các chú, Cách đây mấy hôm cháu vừa được xem một trích đoạn Gala cười trên tivi, đại ý một cán bộ báo cáo với cấp trên: Đường lối đúng, chỉ đạo sâu sát, cán bộ tốt, mọi việc không hoàn thành được là do dân thôi ạ, chỉ cần thay dân là mọi chuyện trở thành lý tưởng! Xem xong cháu rất khâm phục. Dám phê phán đến mức ấy thì thật là dũng cảm.
Hai Phong phừng phừng nổi nóng, chỉ tay vào Tân, bổ luôn:
– Đó là chuyện của Gala cười, anh đừng méo mó xỏ xiên. Là đàn ông, anh nói thật lòng đi! Cách mạng nuôi anh lớn khôn, để đến giờ bây giờ Đảng anh không muốn vào, chủ nghĩa xã hội anh không thích, ăn cơm Tây nhiều rồi bây giờ anh tôn sùng cái gì? Nói trắng ra đi, đừng vòng vo lôi thôi!
Câu chuyện nên căng thẳng.
– Bác hỏi câu này thì cháu xin cố… Chính cháu cũng đang tự tra xét lại mình, nhất là qua buổi nói chuyện hôm nay. Vâng, cháu thực sự tôn sùng cái gì?.. – Tân ngồi xuống cầm lấy chén nước, uống một hơi rồi dứt khoát – Thưa các bác các chú, trước sau cháu vẫn chỉ tôn sùng tự do dân chủ!
Cả gian nhà lại lặng ngắt mất một lúc. Sự đăm chiêu lộ rõ trên các khuôn mặt của người lớn. Riêng cánh trẻ chúi đầu vào nhau thì thào những gì đó, lại nhiều tiếng cười khúc khích… Tân quyết định phải nói hết:
– Thưa các bác các chú, để các bác các chú hiểu cháu, cả cái đám mất trật tự đằng kia nữa, cái đám thế hệ kế cận các bác các chú đấy ạ… – Tân chỉ tay về phía các anh chị em mình – …cháu thấy cũng phải xin được vòng vo một chút để làm rõ suy nghĩ của cháu… Xét về rất nhiều phương diện, tự do dân chủ bây giờ là vấn đề của thời đại. Đúng như bác Hai Phong lúc nãy truy kích cháu! – Tân nói tiếp – Thời buổi toàn cầu hóa ở nấc thang phát triển của kinh tế thế giới ngày nay lại càng như thế ạ. Tự do dân chủ bây giờ trở thành sức sống, nguồn sáng tạo, là cội nguồn sức mạnh cạnh tranh của mỗi quốc gia trên thế giới này, vô luận nước này hay nước kia theo chế độ chính trị nào. Điều này cháu thấy rõ lắm ạ. Đi đến đâu cũng thế. Một quốc gia bây giờ muốn có sức cạnh tranh được với bên ngoài, đối mặt với cả thế giới, quốc gia đó nhất thiết phải dựa vào từng công dân của mình. Dựa vào từng công dân các bác các chú ạ, không khác được đâu. Tự do dân chủ bây giờ không còn là câu chuyện dân được làm cái này cái khác, nhà nước đứng trên ban cho quyền này, cấm đoán quyền kia… Không thể như thế được nữa đâu ạ. Nghĩa là mỗi quốc gia phải biết phát huy tự do dân chủ theo cách tốt nhất của mình, để tạo ra sức mạnh cho cả nước mình. Nước nào cũng phải thế ạ, hoặc chấp nhận thua cuộc! – Vì vậy, xét về nhiều mặt, tự do dân chủ bây giờ thực sự là một vấn đề thời đại đối với mọi quốc gia đấy ạ.
– Lại vấn đề thời đại!.. – Ông Hai Phong nhấp nhổm.
– Nó cũng là vấn đề của các nước phương Tây chứ? – bố Yến hỏi.
– Thưa bác không loại trừ bất kể nước nào ạ, ở các nước phương Tây vấn đề tự do dân chủ nhiều khi nhạy cảm hơn.
– Sao lại thế? – bố Yến ngạc nhiên.
– Thưa bác, đơn giản là sự giác ngộ của nhân dân về tự do dân chủ ở những nước này nhìn chung cao hơn. Bộ máy cầm quyền không thể muốn làm gì cũng được ạ.
– Nói như thế thì anh cho dân ta là kém giác ngộ à? – Ông Hai Phong lại đỏ mặt tía tai.
– Dạ thưa… Có lẽ là như thế thật ạ. Nước càng phát triển, đòi hỏi này càng cao ạ. – Tân nói tiếp: – Ngay ở nước ta tự do dân chủ bây giờ dù sao cũng tốt hơn nhiều so với trước đổi mới. Nhờ thế đất nước mới được như hôm nay chứ ạ. Nhưng chính những thành quả của đổi mới đang đòi hỏi phải mở rộng hơn nữa tự do dân chủ! Nhìn vào đâu ở nước ta cháu cũng thấy: Nếu thiếu tự do dân chủ thì cái tốt bị thui chột, tất cả những gì đã xây dựng lên được mà không có tự do dân chủ thực chất thì cũng chỉ là ngụy tạo.
– Tất cả à, nhà toán học nói năng có chính xác không đấy? – ông Nghĩa vặn lại con mình.
– Thưa bố chính xác, câu này con nói có cân nhắc ạ. Tự do dân chủ đến đâu thì phát triển được đến đấy. Không ăn bớt được đâu ạ. Con đã ngẫm nghĩ mãi về những gì nước ta đã làm được trong đổi mới. Rõ ràng tự do dân chủ và phát triển vừa là tiền đề, vừa là cứu cánh của nhau.
– Tạm cho là như thế đi Tân! Còn điều gì cháu chưa xưng tội thì hôm nay nhân thể nói hết đi! – Ông Chính muốn nghe những điều khác.
Cả nhà hồi hộp chờ đợi.
– Bác Chính dồn cháu vào chỗ chết! – Tân thú nhận, ngập ngừng một lúc rồi mới nói tiếp, vì lo nhiều hơn chứ không phải vì bí – Các bác các chú ạ, chẳng gì đất nước ta độc lập thống nhất cũng mấy chục năm rồi… Thế mà dân trí nước ta sao còn thấp thế! So với mấy chục năm là thấp! So với thiên hạ cũng là thấp! Nghèo còn có lối ra, để dân trí thấp thế này thì lối ra khó lắm… Con không hiểu vì sao?
– Thế anh không biết thế nào là tám mươi năm nô lệ à? Là cả một nửa thế kỷ mấy cuộc chiến tranh tàn phá? Anh là người nước nào thế anh Tân? – Dứt lời ông Hai Phong ngồi phịch xuống ghế, không thèm nhìn mặt Tân.
– Bác Hai mắng cháu thế nào cũng được ạ. – Tân nhẹ nhàng – Nếu là hoà bình mới chỉ có dăm mười năm thì cháu hiểu được, đằng này là mấy chục năm rồi, ì ạch mấy chục năm trong cái thế giới tiến như vũ bão thế này, thì cháu không yên tâm ạ. Theo cháu truyền thống vẻ vang là cốt để hiểu rõ điều này mới phải…