– Em nói thật mà chị Mai. Thưa các bác, các cô chú, thưa bố mẹ, có phải trong dân gian từ lâu đã có câu “Đảng cử, dân bầu” không ạ? Đại thể tính chất hệ thống chính trị và nhà nước của chúng ta là như thế!
Tiếng cười lần này bật rộ lên.
– Mi ăn gì mà khôn như chấy thế hả Tân? Cứ toàn trích dẫn lời các cụ… – Khái, chồng Mai, nói lại Tân và cũng là người cười to nhất trong cánh trẻ.
Ông Hai Phong không chịu. Ông chờ mọi người im lặng rồi mới hỏi tiếp:
– Anh Tân! …Vậy anh nói thật lòng đi! Trong bụng anh coi nhà nước của ta là thế nào?
Tân lúng túng, nhìn bố, nhìn bác Chính cầu cứu.., xong lại nhìn bác Lê Hải…
Môi mọi người mím chặt.
Tân hiểu phải tự cứu lấy mình:
– Dạ… Nếu bác cho cháu nói hết lòng, cháu xin thưa: Sản phẩm Nhà nước Đảng xây cho dân như thế dù có thiện chí đến đâu chăng nữa, rõ ràng vẫn là không đúng với thiết kế hay phương án được duyệt ạ. Về lâu dài, nếu cứ tiếp tục xây thế này cháu lo đến lúc nào đó chính nhà nước này sẽ không phải là của Đảng ta nữa! Cũng sẽ không còn là của bác cháu chúng ta ngồi đây nữa ạ…
– Láo! Thế nó là của ai? – Ông Hai Phong đứng hẳn lên, mặt đỏ tía, tay chỉ thẳng vào mặt Tân.
Tân khép nép khoanh hai tay vào nhau, do dự, ấp úng như học trò đang bị truy bài:
– Dạ… Thưa bác, nếu cứ để tha hóa tiếp tục thì… Có gì cấm nó đâu ạ!..
– Cấm cái gì? – ông Hai Phong.
– Dạ… có cái gì cấm nó biến thành nhà nước của những người đã làm nên sự sụp đổ các đảng cộng sản và các nhà nước ở Liên Xô Đông Âu trước đây ạ?! – Tân ngó quanh một lúc rồi mới dám nói tiếp – Cháu không tưởng tượng ra mọi điều từ không khí đâu ạ! Báo chí của Đảng đã phải dùng đến những từ nào là “quốc nạn”, nào là “trận đấu tranh cuối cùng”, nào là “không chống được thì thua đứt”… Xây thay xây hộ như thế dễ bị các bên tham gia đấu thầu ăn bớt lắm… Chính vì thế cháu càng mong Đảng ta chăm lo giúp dân phát triển xã hội dân sự để chính xã hội này tự tay nó xây dựng nên nhà nước của mình, do mình và vì mình ạ. Có thế mới tốt mới bền được… – Tân lại ngó nhìn mọi người một lượt nữa. Không một khuôn mặt nào động đậy.
– Tôi thừa nhận nước ta có không ít công trình “đan đi không tày giăm lại”, khánh thành xong là đổ hoặc phải xây đi sửa lại, tốn kém vô cùng… Xây dựng nhà nước pháp quyền còn khó hơn nhiều… – Ông Chính nói chen vào, trong bụng muốn hỗ trợ Tân trước ông Hai Phong.
Bà Hương vợ ông Chính từ đầu buổi mải nói chuyện với các bà tại phòng bên, chạy đi lấy thêm nước sôi và chè, đi ngang qua nghe thấy là lạ tai cũng ghé vào một câu:
– Các vị ơi, tuần trước TV có cả một chương trình bốn nhăm phút nói về khu tái định cư ở một khu phố của thủ đô ta. Nhà chưa ở đã mục nát, vôi đi đằng vôi, gạch đi đằng gạch, nắng thì nước thải dột từ trên nóc xuống, mưa thì nước ngoài đường tràn vào bể ngầm chứa nước! Ai có thời giờ lúc nào lại tận nơi mà tham quan!
– Lại còn cái chuyện ăn bớt thép các cột trụ bê tông nhà cao tầng nữa chứ… – Ai đó nói thêm vào.
Được thể, Tân nói theo:
– Vâng ạ. Còn xây dựng cả một nhà nước cho xã hội theo kiểu đảng cử dân bầu thì cơ man nào cái nghịch lý! – Tân cảm thấy được cổ vũ.
– Cháu đổ hết mọi tội lỗi lên cái cơ chế đảng cử dân bầu hả Tân? – Ông Chính hỏi.
– Nếu quy kết như thế cháu thấy cũng không oan, nhưng chưa phải là tất cả bác Chính ạ.
– Thế còn cái gì nữa? – hỏi thế, nhưng trong lòng ông Chính tán thành cách suy nghĩ của Tân.
– Thưa bác, theo cháu… gốc gác vẫn là vấn đề tự do dân chủ, ngày càng nâng cao dân trí để phát huy tự do dân chủ… Thật là một nhiệm vụ, một sứ mệnh vô cùng khó khăn của Đảng ta đấy ạ. Cháu so sánh mãi xã hội nước ta với xã hội Thuỵ Điển, cháu không thể kết luận khác được ạ. Không yêu Đảng thì cháu phỉ báng chế độ này và đả kích Đảng ta, chứ cháu không băn khoăn và cầu mong như vậy ở Đảng ta đâu ạ… Hay là đến giờ phút này mà cháu vẫn còn quá ấu trĩ về Đảng của chúng ta ạ? Là người ngoài Đảng, cháu có được phép nói là Đảng của chúng ta không ạ?
Ông Hai Phong không chịu nổi những lời chối tai như thế. Ông vùng vằng đứng dậy đi sang phòng bên. Mọi người còn đang phân vân vừa muốn khuyến khích Tân mạnh dạn nói tiếp lại vừa muốn khuyên Tân kiềm chế để không làm ông Hai Phong giận, thì Hai Phong đã hầm hầm quay lại:
– Tôi xin lỗi cả nhà nhé. Nhưng mà tôi bực lắm, không vạch cái sai trái của cái nhà anh Tân này ra thì tôi không chịu được.
– Anh Hai, anh là người có quyền cao nhất trong phe phản biện ở đây mà. Anh cũng không được giấu lấy một chữ trong bụng! – Lê Hải nói dấn vào, vì bản thân rất thích thú nghe tiếp cuộc tranh luận này.
– Được. Tôi sẽ sử dụng hết quyền hạn của mình. Không cần phải lôi thôi dài dòng, tôi chỉ hỏi anh Tân một câu nữa thôi: Nói thẳng cho tôi nghe vì sao anh lại tâm đắc đến thế với cái xã hội dân sự chết tiệt này!? Anh có tai có mắt, thông thạo Tây Tàu mà không biết mảy may một tý gì về các cuộc cách mạng nhung, cách mạng màu da cam(*) [(*) Chuyện xảy ra ở Ukraina và một số nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ.] hả?
Cả nhà ồ lên vì câu hỏi quyết liệt đó.
Tân ngồi xuống uống nước, thừa nhận câu hỏi của ông Hai Phong hóc búa quá. Anh cân nhắc, khi thấy tin ở mình, Tân đứng dậy:
– Vâng. Cháu xin chịu bác Hai. Các cuộc thi vấn đáp cháu đã trải qua trong đời thật chưa bao giờ có câu hỏi khó thế này! Giá mà bác cho cháu nêu ra nhiều ví dụ để minh họa thì lại đi một nhẽ… Thưa bác Hai, có lẽ một trong những điều cháu thích nhất của cái xã hội này là…, là.., là con người có quyền thất bại ạ!
– Quyền ấy như thế nào? – Ông Lê Hải nôn nóng.
– Thưa bác, quyền ấy bắt đầu từ bác bỏ mọi sự áp đặt ạ!
– Lại sặc mùi chính trị phản động! – Ông Hai Phong phang luôn.
– Tân, cháu cố nói cho có đầu có đuôi xem nào. – Ông Chính giục.
– Vâng ạ. – Tân vừa nói vừa sắp xếp ý nghĩ của mình – Thưa các bác các chú, ý cháu muốn nói là thành công của một người, ngoài nỗ lực của mình ra, bao giờ cũng nhờ vào thành công và thất bại của những người đi trước, của những người khác, những người chung quanh, nói rộng ra nữa là của lịch sử và văn hóa, của văn minh nhân loại ạ… Một xã hội có từng con người giác ngộ đến mức dám mạo hiểm sẵn sàng chấp nhận thất bại như thế. Một xã hội có được những con người có phẩm chất và khả năng tích tụ như thế những thành quả cho sự phát triển của riêng mình và cả xã hội, …ôi theo cháu, đấy sẽ là xã hội của một quốc gia vô địch ạ! Cháu khao khát một Việt Nam như thế!.. – Tân sôi nổi hẳn lên.
– Thì ra cậu hiểu quyền được thất bại là như thế hả Tân? – Lê Vân hỏi.
– Sao em không nói là quyền tự do, quyền được mạo hiểm, thế có dễ hiểu hơn không? – Mai hỏi em mình.
– Em cũng nghĩ như chị thôi. – Tân trả lời. – …Nhưng em muốn nhấn mạnh khía cạnh xã hội ấy phải biết chấp nhận quyền thất bại của mỗi người, nghĩa là đòi hỏi xã hội ấy chứa đựng quyền tự do rất cao, phải có được ý thức thế nào đấy về cái lẽ tất yếu, phải có trí tuệ và văn minh cao lắm thì mới có được tự do như thế, một văn hóa như thế trong xã hội!
– Ở đâu trên thế giới này có được cái xã hội đẹp như tranh vẽ thế hả con? – Nghĩa hỏi con mình.
– Thưa bố, đấy đích thị tự do của mỗi người là điều kiện tự do của mọi người ạ!
Cánh trẻ cười nói rồi vỗ tay ầm ầm. To tiếng nhất vẫn là Khái: “Đại láu cá! Tân ơi mi là đồ đại láu cá!” Tất cả ra sức cổ vũ cho Tân.
Riêng ông Nghĩa mắt tròn xoe vì ngạc nhiên. Chờ cho cánh trẻ bớt ồn ào, ông mới hỏi Tân:
– Con nói cái gì? Con nhắc lại đi!
– Bố nổi tiếng là mọt sách rồi, bố đừng tra khảo con nữa ạ! Bố biết con nói gì rồi mà! – Tân trong bụng rất vui vì đã “trả đũa” bố mình được ít nhất là một lần trong suốt buổi nay.
Tiếng cười của cánh trẻ lại rộ lên.
Ông Nghĩa cũng cười, lắc đầu chịu thua con trai:
– Thôi được, ta chịu. Đấy là cách hiểu của con.
– Một – không! Bố ơi, con ghi nhận cho Tân một – không! – Mai giơ hai tay đấm trời reo lên, kéo theo tiếng cười của cả nhà.
– Tân ơi, mi mồm nói ghét ý thức hệ mà lại đi trích dẫn Marx! – Khái vẫn chưa muốn buông tha Tân.
– Anh Khái nhầm to rồi! Em không trích dẫn! Em tìm cách hành động!
Ông Hai Phong nghe được hết, nhưng trong lòng nghi ngờ, không rõ là Tân suy nghĩ thực như thế hay là Tân trêu mình, nhưng thấy khó bắt bẻ quá…
Bụng bảo dạ: Bọn trẻ bây giờ ma quái lắm! Trong bụng ông liên hệ đến anh em Vũ, đành bấm bụng nghe tiếp.
– Nhưng con vẫn chưa trả lời thẳng vào câu hỏi của bố! – Ông Nghĩa nhắc Tân.
– Thưa bố trên thế gian này chưa nơi nào đạt tới đỉnh cao như vậy ạ. Nhưng nó đang hình thành ở các mức cao thấp khác nhau ở khắp mọi nơi ạ, nhờ sự phát triển nói chung của văn minh nhân loại cho đến nay, trước hết là phát triển kinh tế, trình độ dân trí, phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ, của kinh tế tri thức…
– Đành là thế, nhưng con kết luận thế nào? – Ông Nghĩa thực sự quan tâm đến vấn đề này.