– Vâng ạ. – Tân bắt lời bố Yến. – …Cháu cứ so sánh mãi nước ta với Thụy Điển. Có những tuần lễ cháu tranh luận thâu đêm với Linda về đề tài này. Đã đến lúc cháu phải rút ra kết luận riêng cho mình…
– Hay lắm! Một thứ xét lại sực mùi xã hội dân chủ có phải không? Nói tuột ra đi! – Ông Hai Phong truy kích.
– Vâng ạ. – Tân trả lời – …Theo cháu bây giờ muốn phát huy hào khí của dân phải bắt đầu từ các căn nguyên trong xã hội. Xã hội ta phát triển được đến đâu thì nhà nước tiến bộ của mình xây được đến đấy, hào khí của dân được nâng lên đến đấy, không thể khác được. Chăm lo phát triển xã hội dân sự như thế nào thì mới có được một nhà nước như thế và mới có tất cả… Cháu biết bác Hai ghét cái xã hội dân sự lắm, nhưng cháu không thể nói khác được ạ.
– Biết ngay mà, tôi đã nói từ lúc nãy! Nó được nhồi nhét cài đặt sẵn vào đầu anh rồi! – Ông Hai Phong chê bai.
– Anh chàng này phải cho đi tẩy não thôi! – Khái đế vào.
– Anh tẩy não em hay là để em tẩy não anh trước hả anh Khái? – Tân đối phó.
– Đừng loăng quăng, không được lảng tránh! – ông Nghĩa muốn Tân phải nói đến cùng để xem con mình thế nào.
– Vâng, con thấy ta cứ sợ bóng sợ gió nhiều thứ. Lẽ ra đã kinh qua đấu tranh để tự giải phóng như ta, thì ta mới là người có nhiều lý do chính đáng nhất để nói đến, để xây dựng xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền chứ ạ! Không có hai yếu tố này, tự do và dân chủ không trở thành hiện thực được! Con thấy trên ti vi hàng ngày tuyên truyền là nhà nước ta bây giờ đang có nhiều chương trình lớn, nào là xây dựng công dân điện tử, xây dựng chính phủ điện tử, xây dựng xã hội thông tin… Vậy không dân chủ, không xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền thì những chương trình quốc gia này dùng vào mục đích gì ạ? Làm sao nó hoạt động được?
– Hay đấy là những chương trình kém chất lượng hả Tân? – Khái hỏi.
– Sống ở trong nước, anh phải là người trả lời câu hỏi này cho em chứ anh Khái! – Tân đáp lại.
– Này anh Tân… Các thế lực thù địch đều xúi ta xây dựng xã hội dân sự để họ dễ bề diễn biến hòa bình. Anh hiểu nó là cái gì mà cứ đi tuyên truyền không công cho nó say sưa như thế? – Ông Hai Phong thẳng thừng.
– …Tân ơi chuyến này thì em hết đường chạy rồi! – Không rõ ai trong đám anh chị em của Tân kêu lên như thế. Mọi người đều nghe rõ và cùng cười. Tân cũng cười theo, mắt cố tìm cho ra ai là thủ phạm đổ thêm dầu vào lửa.
– Em mà bắt quả tang ai tham gia đánh hôi thì sẽ không xong với em đâu! – Tân dứ dứ nắm tay về phía đám anh chị em mình.
Tiếng cười lại vang lên.
– Không được đánh trống lảng!
– Đánh trống lảng thì xoàng lắm!
– Xoàng lắm!..
Tân cũng tự thấy là không nên lùi:
– Thưa bác Hai, cháu xin nói thật giản lược thế này: Theo cháu, xây dựng xã hội dân sự… Chuẩn xác hơn có lẽ nên nói là phải xây dựng xã hội công dân, vì nó gắn liền với nhà nước pháp quyền. Hai việc này là tuy hai nhưng gắn với nhau làm một ạ, có cái này phải có cả cái kia!.. Nhưng thôi, cháu xin không đi vào chi tiết khoa học của ngôn từ… Cháu xin tóm tắt thế này: Xây dựng xã hội dân sự là tạo dựng không gian dân chủ cho cuộc sống tự do của mọi người dân trong xã hội, trong đó văn hóa và luật pháp là tiêu chí và phong cách ứng xử, đồng thời chống mọi thứ lộng quyền. Như thế thì có gì mà sợ ạ? Chẳng lẽ chế độ xã hội của chúng ta thù nghịch hay dị ứng với những đòi hỏi này hay sao?
– Thế còn vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của nhà nước, vai trò của chuyên chính vô sản… Anh vứt đi đâu tất cả? – Ông Hai Phong sốt ruột.
– Thưa bác, cháu nghĩ tất cả phải làm theo lời dạy của Bác Hồ ạ!
– Anh chỉ được cái giỏi chống chế!
– Dạ không. Tất cả đều phải phục vụ cái quyền của dân. Từ hồi đi học cho đến bây giờ cháu vẫn còn thuộc lòng bài của Bác Hồ “Nước ta là nước dân chủ” ạ. Bác dạy:
“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Cháu thấy Bác Hồ nói như thế là rất đầy đủ ạ. Gần đây đọc kỹ lại, cháu có cảm nghĩ hình như đấy là cách Bác Hồ dạy cho nhân dân hiểu Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đấy ạ!.. Cháu dám coi đây là một trong những bản Hiến pháp tiến bộ nhất thế giới mà cháu biết được…
Mọi người trầm trồ vì thấy Tân trơn tru tự tin. Riêng cánh trẻ lại bắt đầu ồn ào:
– Khen cho mi có bộ nhớ tốt!
– Đại láu cá! Đại láu cá!..
– Chẳng lẽ Hiến pháp bây giờ lạc hậu hơn Hiến pháp 1946 à?
– Cứ trích dẫn Bác Hồ ra để át ý kiến các cụ! – cả Khái và Lê Vân nói to.
Mấy người trong đám trẻ càng ồn ào, dồn ép Tân nói tiếp.
– Tân ngọ nguậy chán cái đầu, lại gãi cái tai, chưa biết nên đối đáp lại như thế nào, trong bụng cảm thấy ăn miếng trả miếng với đám anh chị em mình khó quá.
Ông Nghĩa rất đồng tình với những suy nghĩ của Tân, nên quyết định chia lửa với con mình:
– Các cháu ạ, chú thấy Tân nói đúng đấy, không phải nó láu cá đâu!
– Thế là chú cũng bênh Tân rồi ạ! Bênh như thế thì không gọi là thảo luận khoa học được ạ! Chú phải chứng minh ạ! – Lê Vân chộp lấy ngay câu nói của ông Nghĩa.
– Được, chú nói ngắn thôi – ông Nghĩa dừng lại một lúc để sắp xếp các suy nghĩ rồi mới nói tiếp – Theo chú, Tuyên Ngôn Độc Lập mùng Hai tháng Chín, Hiến pháp năm 1946 và Di chúc của Bác, cứ dựa vào đấy các cháu sẽ thấy vì sao cần thiết phải xây dựng bằng được xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền. Đấy cũng chính là toàn bộ, hay là những điều cốt lõi nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh, các cháu hiểu không?
– Thế bố coi những thứ đăng trên báo hàng ngày, rồi hết hội thi này đến hội thảo khác về tư tưởng Hồ Chí Minh là không thuộc về tư tưởng Hồ Chí Minh ạ? – Khái vặn vẹo lại bố vợ.
– Phải bỏ cái lối tầm chương trích cú theo khẩu vị thì mới tìm ra chân lý được Khái ạ. – Ông Nghĩa giảng giải lại cho con rể.
– Con hoan hô bố! – Tân vồ lấy tay ông Nghĩa lắc mạnh – Thế là anh Khái lòi cái đuôi học vẹt nhé! Coi chừng, có khi anh Khái trích dẫn Bác Hồ mà không hiểu đúng, không làm theo Bác Hồ mà không biết cũng nên!
Đám người lớn vừa cười vừa thán phục Tân phản kích, song giục giã Tân không được lạc đề.
Chờ cho im lặng trở lại, Tân trân trọng:
– Thưa bác Hai, thưa tất cả các bác các cô chú, thưa bố mẹ, thực ra xây dựng xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền với những tiêu chí của văn minh thế giới ngày nay là một trong những vấn đề gốc gác nhất của cuộc cách mạng phát triển mà đất nước ta trước sau sẽ phải dấn thân vào đấy ạ… Vô cùng gian nan nhưng không lảng tránh được đâu ạ. Cháu dứt khoát tin như vậy!
– Rặt mùi dân chủ nhân quyền người ta nhồi nhét vào đầu anh! – Ông Hai Phong trước sau vẫn không chịu.
– Thưa bác, nhân loại phải trả giá từ bao nhiêu thế kỷ mới có được văn minh này. Điều an ủi đối với chúng ta là nước đi sau, chúng ta có thể học thẳng ngay những thành quả vĩ đại này và bớt được cái giá phải trả ạ!
– Anh không biết là Đảng ta xưa nay vẫn kiên trì chủ trương xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân à? – Ông Hai Phong quyết liệt.
Tân vồ lấy ngay ý của ông Hai Phong:
– Như thế là hướng suy nghĩ của bác và của cháu giống nhau đấy chứ ạ!
– Nói linh tinh! Tôi và anh như nước với lửa, không có gì giống nhau hết trọi! – Ông Hai Phong không thừa nhận.
Mọi người khác đều im lặng thích thú xem hai bác cháu khẩu chiến.
– Xin bác cho cháu diễn đạt thế này: Cháu thừa nhận Đảng ta rất quan tâm xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Điều cháu băn khoăn là Đảng đứng ra xây cho, chứ không phải xã hội này tự tay xây nên, cho nên sản phẩm làm ra nó không đúng như Đảng thiết kế ạ!
– Tân! – bà Nguyệt kêu lên, vì sợ con mình quá đà.
– Mẹ cứ để con nói ạ. Cháu còn cho rằng xã hội ta như đang tồn tại, thì sản phẩm xây dựng ra nhà nước của nó phải là như thế thôi, không thể mong đợi gì khác hơn được đâu ạ!
– Nói bậy! Anh ghép cả Đảng vào cái mớ khái niệm bòng bong xã hội đang tồn tại này của anh hả? – Ông Hai Phong dứt khoát không bác bác cháu cháu với Tân nữa.
Tân gãi đầu gãi tai, nhưng rồi vẫn cả quyết:
– Thưa bác vâng ạ. Làm sao mà tách Đảng thành một thế giới biệt lập ở nước ta được ạ? Đảng là người chủ động, người chủ xướng… Đảng đóng vai trò chính trong việc xây này đấy chứ ạ.
– Chẳng lẽ tôi gọi anh là đồ phản động! – Câu nói của ông Hai Phong làm mọi người lặng đi.
– Này Tân, thế em đánh giá nhà nước ta hiện nay như thế nào? – Mai nắm ngay lấy ý ông Hai Phong truy em mình, trong bụng muốn trêu Tân một mẻ nên thân.
Thuộc được mấy câu vè khi tiếp xúc với các bậc cha chú trong những lần về nước khác nhau, Tân nghĩ ngợi một lúc, rồi tỉnh bơ:
– Chị Mai ơi, truy kích nhầm đối tượng rồi! Các bậc lão thành kính mến của chúng ta ngồi đây đã tổng kết thay em rồi chị ạ.
– Nói điêu! Bí không trả lời được còn huyên thuyên! – Mai không buông tha em mình.