– Nhai lại luận văn tiến sĩ “nâng cao quyền năng con người” của vợ một trăm phần trăm rồi Tân ơi! – Mai trêu em mình.
Tân cười, ngẫm nghĩ một lúc:
– Các anh các chị cho em nói một cách rất nghiêm túc thế này nhé: Khác hẳn với trước đây, chí ít là từ khi bước sang thế kỷ 21, cả thế giới ngày nay đang bước vào thời đại việc xây dựng quốc gia vững mạnh phải bắt đầu từ phát huy sức mạnh từng cá nhân con người trong cộng đồng dân tộc quốc gia mình! Một vấn đề sống còn toàn cầu hóa đang đặt ra cho mỗi quốc gia bây giờ đấy! Đây chính là nội dung cốt lõi nhất trong vấn đề dân tộc của mọi quốc gia của thời đại chúng ta đang sống đấy ạ!
– Nội dung cốt lõi nhất của vấn đề dân tộc trong thời đại ngày nay hả Tân? – Lê Vân muốn Tân khẳng định dứt khoát.
– Anh hiểu em hoàn toàn chính xác! Đừng quẩn quanh mãi trong mấy câu lá lành đùm lá rách, tình làng nghĩa xóm, đoàn kết kết đoàn… chung chung nữa. Nhường cơm xẻ áo cho nhau là tốt, nhưng ôm ấp nhau mãi trong cái nghèo và dân trí thấp mấy chục năm rồi mà chưa chán hay sao?..
– Nói thế là đụng to vào hệ thống rồi đấy ông nội ơi! – Bảy Dự bất giác kêu lên, mặc dù từ đầu buổi định bụng chỉ ngồi nghe không thôi…
– Chà chà chà!.. Hay lắm, nội dung cốt lõi nhất của vấn đề dân tộc trong thời đại chúng ta! Đại lãng mạn! – Ai đó trong đám trẻ nói to.
– Đưa ý tưởng này vào Cương lĩnh của Mặt trận Tổ Quốc thì hay biết mấy! – MộT AI NữA, CÓ THể LÀ LOAN, TRONG ĐÁM NÀY LÊN TIếNG.
– Mọi người đừng nghe theo Tân nói bậy! Mặt trận là vòng tay lớn…
– Em hỏi thẳng các anh các chị: Dân ta bây giờ có phải là chủ nhân của một quốc gia độc lập không? Trả lời thẳng vào câu hỏi của em đi rồi hãy tranh luận! Không ai được loanh quanh! – Tân hào hứng.
Ngay lập tức cánh trẻ ồn lên như một cái chợ vỡ, không ai chịu nhường lời ai xoay quanh câu hỏi của Tân…
Cánh trẻ đụng vào nhiều điều đau đầu quá, ông Hai Phong không chịu nổi nữa, đứng hẳn lên, hầm hầm:
– Anh Tân, chẳng giai cấp, chẳng đấu tranh gì hết trọi! Sao anh không nói luôn thể dân chủ, nhân quyền là vấn đề của thời đại cho trọn vẹn cái triết lý anh tôn thờ? Anh đã thấy mình được chủ nghĩa tư bản biến chất như thế nào chưa? – Ông dằn từng tiếng để tỏ nỗi bực dọc của mình.
Tân cảm thấy như có một lực gì đó phả vào mình, đẩy ngửa mình về phía sau. Tân sững lại, phải cố trấn tĩnh.
Mọi người thấy rõ tâm trạng này của Tân.
Cân nhắc từng lời, Tân nói tiếp:
– Các bác các chú ạ, mỗi lần về thăm đất nước, con càng lo… càng mong đất nước ta phải sớm ý thức được điều cốt tử con vừa nói! Thực lòng con có cảm tưởng chúng ta cứ bị con ngoáo ộp chủ nghĩa cá nhân ích kỷ làm nhiễu ý thức của chúng ta về vai trò cá nhân chân chính của con người! Còn như thế thì cả nước còn chưa ra khỏi cái bạc nhược, cái lạc hậu của mình đâu…
– Anh thấy chưa, nói câu nào là chống giai cấp câu ấy! Nó ngấm vào xương vào máu anh rồi! – ông Hai Phong không tự kiềm chế được nữa.
Tân vẫn cố điềm đạm:
– Cháu hiểu được suy nghĩ của bác Hai. Cháu xin thưa thế này, trong cạnh tranh với cả thế giới ngày nay, ươn hèn và tha hóa đang là nguy cơ lớn nhất có thể tiêu tán sự nghiệp của nước ta! Cho nên phát huy năng lực cá nhân từng con người trong cộng đồng quốc gia mình, để có thể phát huy sức mạnh của cả dân tộc mình là vấn đề sống còn đấy ạ, là phương thức duy nhất tiến cùng xu thế của thời đại! – Tân chủ động tránh đi vào lời phê phán của ông Hai Phong.
Cả gian nhà im lặng. Mãi một lúc sau, ông Hai Phong đứng lên hậm hực, tay chỉ vào Tân, đùng đùng trút lửa:
– Huyễn hoặc! Huyễn hoặc! Nói trái khoáy thời đại thế mà cứ nói mãi! Thế anh hiểu thời đại ngày nay nó là cái gì hả?
Đám trẻ cười nói vỗ tay hoan hô ông Hai Phong rầm rầm, chủ yếu muốn đổ thêm dầu vào lửa, khiến cho cánh già cũng cười theo. Ông Hai Phong lúc này cũng biết là mình quá lời:
– Tôi xin lỗi cả nhà, nhưng nghĩ thế mà không nói ra thì tôi không chịu được! – ĐếN LÚC NÀY ÔNG MớI NGồI XUốNG!
– Thưa bác Hai, cho phép cháu nói rõ thêm thế này ạ – Tân điềm đạm – Mỗi quốc gia phải từ hoàn cảnh, từ vị thế cụ thể của nước mình cố làm chủ cho được phần hủy diệt và biết khai thác phần sáng tạo của xu thế toàn cầu hóa khách quan của thế giới ở vào thời đại ngày nay. Chỉ có cách nhìn như vậy mới giúp nước ta không bị nhấn chìm, nhận biết ra cơ hội mới. Và điều mấu chốt là phải tưởng tượng ra được cách nắm bắt lấy cơ hội mới ấy để tìm đường đi lên… Mọi việc theo cháu nhất thiết phải bắt đầu từ con người! Không thể nói chung chung về toàn cầu hóa theo bất kỳ một ý thức hệ nào, lại càng không thể làm ngơ nó được đâu ạ.
– Sao lại tưởng tượng ra cách nắm bắt cơ hội? Nói gì mà mơ hồ thế hả Tân? – Mai vặn vẹo em mình.
– Tưởng tượng với nghĩa của Einstein, chị Mai ạ! Nghĩa là sáng tạo vượt bực, là không theo một đường mòn hoặc một chân lý có sẵn nào!
– Eo ôi, nhìn toàn cầu hóa và thời đại như thế thì phải có gan to lắm Tân ơi! – Mai chưa chịu hẳn.
– Chị nói đúng! Như thế mỗi người phải có ý chí tự do ghê gớm lắm! Kiểu như Bill Gates và Michael Dell…
– Mỗi người?! – Ai đó trong cánh già thốt lên.
Chờ cho không khí dịu hẳn đi, ông Nghĩa mới xen vào, giọng có vẻ đùa vui:
– Bác Hai như thế là rộng lượng với con lắm rồi Tân ạ. Bác tha không truy con cái tội học xong không về nước công tác, không phấn đấu trở thành một đảng viên cộng sản.
Mặt Tân đỏ dừ:
– Vâng, con xin thưa một chuyện khác chắc cả nhà sẽ hiểu. Cả nhà ta là đảng viên, con là phần tử chậm tiến duy nhất trong nhà ta! Con xin trình bày lý do tại sao con không có ý nghĩ xin gia nhập Đảng, mặc dù Đảng ta đã nuôi con khôn lớn…
Mọi người nín thở.
– Vâng! Con xin thưa… nước ta chưa bao giờ mạnh như bây giờ. Nhưng con cũng thấy chưa bao giờ Đảng ta và nhân dân ta có nhiều vấn đề như bây giờ…
Ồn ào nhất vẫn là đám trẻ. Tất cả rộn lên một lúc rồi lại im bặt. Không khí trong nhà cứ như là có mùi lửa, sắp bốc cháy… Mọi con mắt dồn về Tân. Chờ một lúc, Tân nói tiếp:
– Thưa các chú các bác, thực tình cháu không hiểu nổi tại sao nhân dân ta vĩ đại là thế mà lại chịu để cho Đảng của mình hiện nay có nhiều yếu kém đến thế.
– Cháu có cố tình nói trẹo đi không đấy? – Hai Phong bật lại ngay, gần như theo bản tính. – Cháu muốn dân lật đổ Đảng này phải không?
– Không ạ, đấy chỉ là nhận xét của cháu về quan hệ của dân đối với Đảng của mình thôi ạ. Cả một truyền thống lịch sử gắn bó như thế, tại sao bây giờ dân ại chịu để cho Đảng của mình có bao nhiêu hư hỏng như thế? Cháu muốn nói đến nghĩa vụ!
– Nghĩa… vụ? – ông Hai Phong chì chiết. – Nói như anh mà lại gọi là nghĩa vụ à? Anh muốn dân đòi hỏi ở Đảng này cái gì nữa?
Tân hơi lúng túng nhưng tự chủ được ngay:
– Thưa bác, nếu là dân, cháu mong Đảng ta thực sự tiêu biểu cho danh dự, cho lương tâm và trí tuệ của dân tộc, đưa ra được những quyết sách tốt nhất cho đất nước ạ! Nếu thế Đảng phải phấn đấu trở thành lực lượng tinh hoa của dân tộc! Điều này khó lắm, dân phải kiểm tra, phải đòi, phải đốc thúc bằng được Đảng của mình làm như thế chứ ạ!
Thấy mọi người chung quanh tán thưởng, Tân vững dạ nói tiếp:
– Còn về quan hệ của Đảng đối với dân, thực tình cháu cũng không hiểu tại sao một Đảng được tôi luyện, giàu chất cách mạng như Đảng ta lại để cho nhân dân của mình sa sút về ý chí, bàng quan trước bao nhiêu vấn đề của đất nước như hiện nay ạ! Đảng phải như thế nào thì dân mới thành ra như thế được chứ?! Theo cháu… Lẽ ra vào lúc này dân mình phải mang hết hào khí ra đua tranh với cả thế giới mới đúng, có phải thế không ạ? Chiến đấu hy sinh gian khổ đến cả một nửa thế kỷ là cốt chỉ để giành lấy cái quyền đua tranh này cơ mà! Đây là câu chuyện thời sự nóng bỏng hệ thống chính trị nước ta phải đặt ra đấy ạ… – Tân bỏ lửng, không nói tiếp nữa.
– Tân ơi, trên mạng VNnet đang có cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề “Phải chăng thanh niên và trí thức bây giờ không yêu nước như trước?” đấy.
Cậu tham gia đi! – Khái bổ sung ý kiến của mình.
Không khí trong gian nhà lúc này ngột ngạt. Mọi người thì thầm với nhau những điều tế nhị khó nói. Ông Nghĩa trong lòng chết điếng, thốt lên, nói sát vào tai ông Lê Hải: “Mỗi thế hệ một cách nhìn, nhưng cùng một mối lo anh Hải ạ, từ ông chú Học tôi cho đến cháu Tân…”
Riêng ông Hai Phong ngồi im, choáng váng. Ông thấy Tân không phải là vô lý nhưng sao vẫn khó chấp nhận thế. Ông đứng dậy, bước ra khỏi bàn, đi đi lại lại vùng vằng, một thôi một hồi:
– Chết thật rồi, bọn trẻ thế này thì chết thật rồi! Y hệt cái giọng điệu cái đám trẻ nhà tôi. Có lần chúng còn dám nói trước mặt ông Tám Việt: Đã đến lúc Đảng phải xem lại mình, nếu không chúng nó sẽ tự xem lại chúng nó… Cùng một giuộc với cái nhà anh Tân này! Hỏng hết trơn trọi! Mất gốc! Mất gốc! Đi Tây đi Tàu cho lắm vào!… Hay là…
– Bác cứ để cho em nó nói. Chúng ta cam kết không quy chụp em nó cơ mà! Nói tiếp đi Tân. Trong nhà với nhau mà, chứ có phải hội nghị đâu… – Bố Yến can Hai Phong và động viên Tân.