– Em để cho trí thông minh của anh tự tìm hiểu! – Tân cười đáp lại rồi nói tiếp. – Rồi đây thế giới sẽ là đa cực, lưỡng cực, hay một cực? Trong từng vùng trời vùng đất, trong từng vấn đề và từng lúc sẽ là mấy cực? Cực nào?.. Thiên biến vạn hóa lắm ạ…
– Cái bàn cờ lớn thì đúng nó là như thế đấy! – Nghĩa thốt lên, biểu thị sự đồng tình với con mình.
Ông Nghĩa liên hệ lại trong đầu những nước cờ lớn đã xảy ra đối với nước ta từ những năm đánh Mỹ đến nay, nhớ lại thời cái thế giới nhâu nhâu chống ta đã làm cho ông và Lê Hải nát ruột nát gan hôm đến thắp hương cho Nam năm nào… Năm ấy Nam vừa mới hy sinh, con của Nam đang bi bô tập nói, Lê Hải vừa mới cầm quyết định cho về hưu nóng bỏng trong tay… Những năm tháng thiêu đốt tim gan, ông nhớ như in trong óc tất cả…
Cả gian nhà người nọ nhìn người kia, im lặng, căng thẳng.
Bà Nguyệt ghé sát vào tai chồng: – “Thôi chết! Thế này thì không thể nói Tân ghét chính trị được anh Nghĩa ạ” – “Anh cũng nhận thấy vậy, câu chuyện còn nghiêm trọng hơn chúng ta nghĩ nhiều em ạ. Lo càng thêm lo…” – ông Nghĩa đáp lại.
– Có thể nói Trung Quốc đã tìm ra con đường cho riêng mình không hả Tân? – Vẫn ông Chính.
– Dạ… thưa bác quả là vậy ạ. Cháu vẫn giữ nguyên ý kiến là họ chọn đúng cho họ…
Nhận xét này của Tân làm cho ông Nghĩa như bị điện giật. Ông không sao hiểu nổi con mình lại nghĩ giống ông già Học đến thế?
Ông Nghĩa liên hệ lại cả một chuỗi những buổi nói chuyện với chú mình suốt từ Bắc vào Nam trong chuyến đi nhớ đời…
…Cháu ơi, đừng làm cái việc như Lễ nói là đưa chuyện trên trời xuống trần giới… Đấy không phải là con đường đi lên của nước ta… Nhưng đã lựa chọn rồi mà không ý thức được mình đã lựa chọn thì cũng nguy lắm!.. Hay mấy năm đổi mới vừa qua chỉ là sự lựa chọn bất đắc dĩ? Cháu không mảy may suy nghĩ gì về điều này sao?.. Một chân đã bước hẳn vào thị trường thế giới, thế mà chân kia vẫn còn ngập sâu trong quá khứ… Sao mãi không nhận ra điều này hả Nghĩa?..
Trong giây lát ông Nghĩa quên mất sự có mặt của những người chung quanh. Ông không rõ mọi người đang nói tiếp những gì. Sự lựa chọn của Trung Quốc thu hút hết tâm trí ông…
– Cháu nghĩ gì về quan hệ hai nước? – Ông Lê Hải tiếp tục khai thác Tân.
– Thưa bác, là nước liền kề… – Tân dừng lại, cân nhắc thận trọng một lần nữa rồi mới dám nói tiếp – Trước sau cháu vẫn cho rằng nước ta phải có bản lĩnh, phải vượt lên trên gánh nặng của lịch sử và thách thức của hiện tại để thực hiện hữu nghị và hợp tác thật sự với Trung Quốc! Đây là vấn đề sống còn đối với nước ta ạ… Khó lắm đấy ạ, nhưng không có con đường nào khác. Nhất thiết không tự ti, không ảo tưởng, không ỷ lại thì hợp tác được ạ… Bạn bè còn có thể tuỳ nghi lựa chọn, nhưng láng giềng thì phải chung sống với nhau vĩnh viễn. Câu chuyện là như thế. – Tân dừng lại uống nước để cân nhắc cho thấu đáo.
Chung quanh như đang nuốt sự im lặng. Mọi người kiên nhẫn chờ đợi.
– … Cháu xin nói thêm, trong quá khứ sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước đều bị cả hai bên gây chấn thương… Đấy là sự thật, về phần nước mình, mình phải chủ động khắc phục vết thương này… Phải rất sòng phẳng như thế và cùng có lợi ạ… không chống lại bất kỳ bên thứ ba nào… Phải tìm cách đi được với cả thế giới để thực hiện bằng được sự hợp tác sống còn này với Trung Quốc các bác các chú ạ… Theo cháu cuộc sống đang đặt ra vấn đề như thế, không có gì phải úp úp mở mở cả…
– Cháu tin là như vậy à? – Lê Hải hỏi lại cho chắc.
– Theo cháu, nước yếu, chơi bài ngửa với cả thế giới thì có thể chơi được với tất cả các nước mạnh ạ… Những thập kỷ phía trước là thời gian vàng đối với nước ta, không tận dụng được sẽ tự chuốc thêm nhiều khó khăn không đáng có ạ. – Tân cả quyết.
Ông Nghĩa ngồi im, gật gù nhìn Tân, nhưng lại tự nói với mình trong lòng… Những câu chuyện với ông già Học cứ lởn vởn mãi trong tâm trí ông…
– Lẽ tự nhiên không tránh khỏi lúc này lúc khác ta và bạn sẽ có những xung đột lợi ích. Vấn đề chỉ là xử lý những xung đột này theo tinh thần như cháu vừa nói thôi ạ. Cháu hiểu nói thì dễ, nhưng làm khó lắm đấy ạ, song bắt buộc phải như vậy… – CÀNG NÓI, TÂN CÀNG CảM THấY Tự TIN.
Cả gian nhà lại lặng đi trong chốc lát vì tầm vóc lớn của câu chuyện.
– Cháu Tân này, cháu đi nhiều nước, cháu thấy thời đại ngày nay các nước họ xử lý quan hệ láng giềng với nhau như thế nào? – Ông Lê Hải là người đầu tiên phá vỡ sự im lặng này.
– Bác toàn hỏi khó cháu thôi! – Tân lúng túng mất một lúc: – …Nếu bác khoanh gòn gọn cái xu thế thời đại của bác vào phạm vi một vài thập kỷ tới, thì may ra cháu mới trả lời được ạ.
– Tân ơi, nói như thế là em lòi đuôi bác lại xu thế thời đại tiến lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới đấy! – Mai xiên vào ngay, không buông tha em mình.
– Em thấy chị chỉ giỏi bẻ hành bẻ tỏi thôi! Từ đầu buổi em chưa thấy chị có một cao kiến nào! – Tân cười, tìm cách phản công lại chị mình.
– Không được lạc đề! – Lê Hải chặn ngay hai chị em Tân.
– Vâng. Thưa bác, cháu có một đồng nghiệp Canada, cùng là giáo sư đang thỉnh giảng với cháu tại Stochkolm. Có lần chuyện trò với nhau về nhân tình thế thái, anh ta cũng suy nghĩ khá sâu sắc về mối quan hệ Việt – Trung.
– Anh ta lo hộ cho chúng mình à? – Bố Yến hỏi.
– Cháu nghĩ ai quan tâm đến thời cuộc chắc đều thế… Nhiều lần anh ta cứ lôi các tin tức trên báo ra hỏi nhận xét của cháu, mà lại không thể nói chuyện với anh ta bằng ngôn ngữ xã giao được… Thực lòng nhiều lúc cháu bí. Có lần cháu hỏi thẳng ý kiến của anh ta Việt Nam nên như thế nào… Anh ta nói phăng: Tôi không thể nghĩ thay bạn được, vì mỗi quốc gia là một cá biệt… Tôi phục Việt Nam đã đánh thắng nhiều kẻ thù mạnh hơn mình gấp nhiều lần, song tôi cũng phục Thái Lan trong cùng một khu vực các anh mà hầu như chẳng phải tiến hành cuộc chiến tranh nào! Cháu nghe mà cứ ngẩn người ra!..
– Là giáo sư có khác, câu trả lời rất thông thái! – Bố Yến bình luận.
– Ở ta là cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng, phải nhìn vấn đề như thế chứ! – Ông Trần Thu nói chắc nịch.
– Nếu thế thì đừng chọn làm cây mà chuyển sang chọn làm gió đi có được không anh Thu? – Ông Chính vừa nói vừa cười vì muốn trêu bạn mình.
Lê Hải và Nghĩa lại nhìn nhau.
Bà Hậu vì mải tham gia chuyện trò với đám bạn bên phòng bên, thỉnh thoảng chạy qua chạy lại giúp bà Nguyệt đôi việc tiếp khách của chủ nhà, nên theo dõi câu chuyện của Tân câu được câu chăng. Nhưng đến đoạn này bà Hậu thấy bị cuốn hút kỳ lạ, cố chăm chú nghe và hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện. Thấy bố Yến và ông Chính nói như thế, bà cũng xin nói chen vào:
– Các anh các chị cho phép em nhận xét thế này, cháu Tân nói lòng vòng đôi chút thật đấy, nhưng em thấy câu chyện dễ hiểu quá. – Bà Hậu đến đây quay sang nói với Tân – Tân ạ, cô nghĩ ít nhiều cô hiểu được những điều cháu vừa nói. Ông nội cô ngày xưa vẫn thường dạy cô là ăn trông nồi ngồi trông hướng! Xem ra trong các mối quan hệ phức tạp lằng nhằng giữa các quốc gia với nhau có lẽ ta nên chung sống với cả thiên hạ theo cái lẽ đời đơn giản này của tổ tiên là hơn cả! Có phải như thế không cháu?
Thoạt đầu là Khái, đến Lê Vân, Loan rồi cả đám trẻ nhao nhao vỗ tay hoan hô kết luận của bà Hậu. Tân không ngờ bà giáo Hậu lại có thể đưa ra nhận xét dễ hiểu nhưng sắc sảo như vậy, trong lòng thấy được cổ vũ lớn.
– Cháu có nhận lời mời hợp tác của Trung Quốc không? – Ông Chính muốn nghe nữa để hiểu rõ suy nghĩ của Tân.
– Chắc chắn là cháu sẽ nhận lời ạ, nhưng không phải là vô thời hạn. Ngay cả Mỹ cũng không thể buộc chân cháu được ạ. Vì cháu cần hợp tác và giao lưu rộng.
– Tân lỏi cũng chọn con đường đi với cả thế giới! Lỏi hết chỗ nói! – Khái nói chêm vào.
– Phía Trung Quốc đưa ra hai đề tài rất hấp dẫn đối với cháu, một thuộc về lĩnh vực vật lý hạt nhân, một về vật lý cấu trúc vật liệu mới. – Cái tai của Tân coi như điếc với câu nói của Khái.
– Năm nào cháu cũng về nước hả Tân? – Võ Sang hỏi.
– Vâng ạ. Chị Mai cháu thu xếp hộ chương trình. Mỗi năm cháu được nghỉ 3 tuần, kết hợp thăm bố mẹ cháu và làm một số việc cháu đang cộng tác với Viện TOÁN.
– Tôi thấy anh Tân trước sau cố phớt lờ vấn đề ý thức hệ trong toàn cầu hoá. Anh ngại chuyện này? – ông Hai Phong từ đầu vẫn không chấp nhận mọi ý kiến của Tân, quyết không cho Tân thoát.
Tân ngọ nguậy trên ghế như bị kiến đốt:
– Bác tha cho cháu đề tài này có được không ạ?
– Con cứ nói suy nghĩ của con, không ai phê phán đâu mà lo. – Ông Nghĩa giục con mình.
Tân không còn cách nào thoái thác, đành nói thật:
– Con không thích đề tài này, bố đừng ép con. Xin các chú các bác cứ nhìn vào Trung Quốc thì rõ hết cả ạ.
Tân do dự một lúc rồi mới tiếp tục:
– Con muốn kể một chuyện khác. Chuyện ở Thụy Điển…
– Thế cũng được, kể đi! – Ông Lê Hải tán thành ngay.
– Vâng, ở Thụy Điển cháu có nhiều bạn mà vẫn buồn…