– Bậy! Vấn đề của cả thế giới là ai thắng ai giữa chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa xã hội! – Ông Hai Phong sửa gáy Tân ngay tức khắc.
– Nhận xét riêng của cháu thế nào? – Ông Chính chủ động giữ không cho câu chuyện lạc đề.
– Nhìn một cách khái quát, cháu thấy Nhật đã đi quãng đường của Mỹ làm ra hàng hóa có chất lượng và công nghệ cao nhanh hơn Mỹ, sau đó là Hàn Quốc lại đi nhanh hơn Nhật, hình như bây giờ Trung Quốc lại đang tìm cách đi nhanh hơn Hàn Quốc… Nước đi sau thì phải như vậy.
– Cháu liên hệ như thế nào với nước mình? – Vẫn ông Chính hỏi.
– Thưa bác, nếu được nói theo ngôn ngữ của Tuyên ngôn Cộng sản, cháu cho rằng: Hàng rẻ của Trung Quốc là những đạn trọng pháo đang bắn thủng hàng rào hải quan trên khắp biên giới nước ta. Đấy là phát ngôn liều mạng của cháu ạ.
– Tân, cháu không được phép gây căng thẳng quan hệ hai nước! – Ông Lê Hải nói thế nhưng lại cười cười, mắt nhìn ông Hai Phong, cái chính là để giữ cho quả bom Hai Phong khỏi nổ tung.
– Tôi thấy nghĩ như các anh lệch lạc hết rồi… Đổ bao nhiêu xương máu là để giành lấy độc lập tự chủ. Ta làm gì là quyền ở ta chứ! Sao bây giờ nhất cử nhất động cứ phải ngó ngó nghiêng nghiêng thiên hạ? Thế thì hy sinh chiến đấu để làm gì? – Ông Hai Phong bác lại kịch liệt.
– Bác Hai Phong có cái lý của bác. Con nghĩ như thế nào? – Nghĩa muốn biết suy nghĩ của con mình về chuyện nhạy cảm này và cũng để tỏ ý tôn trọng Hai Phong.
Tân phải suy nghĩ một lúc:
– Vâng con xin nói theo cách hiểu của con. Đúng là chúng ta hoàn toàn có quyền làm các việc chúng ta muốn. Nhưng thưa… nếu không cạnh tranh được thì sẽ ách tắc, nợ nần chồng chất và cuối cùng đổ vỡ… Sử dụng cái quyền độc lập tự chủ theo cách nghĩ như vậy sẽ là tội lỗi, các thế hệ con cháu sẽ phải trả giá chết thôi đấy ạ.
– Tân, lời lẽ nên thận trọng! – Bà Nguyệt nhắc con.
– Mẹ ạ, có thể độc lập tự chủ trong việc chọn lấy cái chết, cái phá sản đấy ạ! – Sao anh không nói toẹt ra đấy là độc lập chủ quyền của những thằng khùng?! Thà như thế tôi còn đỡ tức hơn! Ai còn có thể chửi độc lập chủ quyền của đất nước tệ hơn thế nữa không? – Ông Hai Phong không chịu nổi nữa, vùng vằng bỏ ra ngoài, không còn bác bác cháu cháu với Tân nữa…
Mọi người không quá bất ngờ trước sự phản ứng quyết liệt của Hai Phong, nhưng riêng Tân thì sợ hết hồn, định nói lời xin lỗi mà cũng không dám, đành ngồi xuống nhấp mấy ngụm nước, chờ đợi.
Căn phòng ồn ào những câu hỏi, những lời bình. Nhiều ý kiến biểu lộ sự băn khoăn lo lắng.
– Anh Hân nên mang vấn đề cháu Tân đặt ra cho giáo sư Đoàn Danh Tiến trả lời đi. – Lê Hải đập đập vào vai Hai Hân.
– Đáng lắm. Nhưng tôi sợ ông Tiến sẽ từ chối. Lâu lâu rồi đã mấy lần tôi viết cho ổng hỏi thăm sức khỏe mà ổng cũng không trả lời… – Hai Hân đáp lại.
– Suốt buổi cháu đặt nói về cái hay cái mạnh của Trung Quốc. Cháu có tôn sùng Trung Quốc quá không Tân? Bác hỏi rất thật lòng đấy. – Ông Hai Phong đã trở vào, hình như bắt đầu bình tĩnh trở lại.
Tân đứng lên:
– Dạ thưa bác nước nào chẳng có những chuyện dở ạ. Tổng thống Clinton có chuyện phải ra hầu toà. Cựu tổng thống Ý bị kết án tù vì tội cho người ám sát nhân viên công an điều tra hành vi tham nhũng của ông ta. Chuyện Thành Khắc Kiệt bị xử tử, Trần Hy Đồng(*) [(*) Các ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ.] phải ngồi tù… cháu chắc ai cũng biết. Internet có nhiều bài viết về con đường trở thành tỷ phú của một số con cháu mấy vị cao cấp ở Trung Quốc… Nhiều vùng nông thôn Trung Quốc còn khổ lắm… Những chuyện đau đầu như thế nhiều lắm, nhưng chẳng lẽ kể lể ra để tự ru ngủ mình hay sao ạ?
– Có ý kiến coi Trung Quốc là một đầu tàu mới trong kinh tế thế giới, ý cháu thế nào? – Ông Chính hỏi.
Tân đắn đo hồi lâu:
– Thưa bác, cháu chưa biết nói thế nào ạ… Trung Quốc hiện nay đang dùng những khoản thặng dư thương mại và trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới của mình đi mua các hãng nước ngoài khổng lồ, các vùng nguyên liệu lớn trên thế giới, ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh, châu Đại Dương… Báo chí nói việc Trung Quốc đàm phán với tập đoàn dầu khí UNOCAL để mua đứt tập đoàn này với giá 19 tỷ đôla, trong khi người khác dám trả cao nhất mới chỉ đến cái giá 17,5 tỷ! Thật là những chuyện chưa từng có trên trái đất này các bác các chú ạ. Nhà cầm quyền Mỹ đang rất lúng túng, cháu chắc là họ sẽ không dám cho phép bán… Rõ ràng chúng ta đang ngơ ngác trước sự xuất hiện một thế giới khác trong lòng thế giới của chúng ta, cứ như thể một con khủng long từ đâu đó bỗng dưng xuất hiện giữa vườn tự nhiên của thế giới hôm nay – Tân dừng lại, không muốn đi sâu vào đề tài này.
– Ví von của con thở ra toàn mùi ông Darwin! – Ông Nghĩa bình câu cuối cùng của Tân.
– Con thú nhận Darwin từ lâu đã ngấm vào máu con rồi bố ạ. Không thế có lẽ con không sống ở nước ngoài được!
– Con suy nghĩ gì về tình hình hiện tại? – Giọng ông Nghĩa đầy ưu tư.
– Thưa bố, đời sống thực tế không ít các thị tứ, thành phố nhỏ ở Tây Âu, Canada.., lác đác cả ở Mỹ và ở Nhật nữa, đã bị sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc xóa khỏi bản đồ sản xuất của thế giới – nhất là hàng tiêu dùng, bây giờ lan sang cả hàng tiêu dùng lâu bền và cao cấp, hàng công nghệ tin học… Riêng về hàng dệt may thì cả Mỹ và Tây Âu đều khốn đốn với Trung Quốc!.. Dăm năm trở lại đây giá dầu lửa, giá các nguyên liệu khác tăng liên tục, trong các nguyên nhân có nguyên nhân cầu của thị trường khổng lồ Trung Quốc tăng vọt… Nền kinh tế Trung Quốc quá dư thừa hàng hóa và rất khan hiếm nguyên nhiên liệu đang tham gia vào thay đổi phân công lao động thế giới, nhất là tác động vào những nước đang phát triển… Đấy là những sự thật hiển nhiên, ai có thể bàng quan được ạ.
– Thế còn ảnh hưởng chính trị? – Nghĩa hỏi tiếp.
– Theo con, Trung Quốc là bậc thầy của vận dụng mâu thuẫn ạ. Họ lựa chọn đi với cả thế giới đa nguyên, tận dụng cái tâm lý chống Mỹ để kình địch lại cái thế độc tôn đơn phương của Mỹ… Quả là sự lựa chọn cao tay.
– Lại sẽ tiếp tục cái chuyện cổ lỗ sĩ trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết có phải thế không hả cháu? – Bố Yến hỏi.
– Thưa bác… quả là có nhiều người lo lắng. Tổng thống Malaysia đã có lần nói với thủ tướng Trung Quốc: Trỗi dậy hòa bình là một con voi, đi đến đâu là xéo nát đấy! Thủ tướng Trung Quốc phải trấn an ngay: Chúng tôi sẽ cố gắng làm người quản tượng tốt! Còn trong một cuộc hội thảo năm ngoái ở London, đồng nghiệp của cháu nói trắng ra: Mỹ và Trung Quốc là hai con voi, chúng làm tình với nhau hay đánh nhau, chung quanh đều tan hoang!..
Lê Hải đế vào:
– Cuộc đời còn bi đát hơn nếu đứng kề bên con voi mà chỉ làm thầy bói xem voi! Cháu có nghĩ thế không Tân?
Dạ… – Tân lúng túng không biết nên trả lời thế nào, chỉ sợ phạm thượng…
– Sao Trung Quốc họ giỏi thế hả cháu? – Ông Trần Thu lên tiếng.
– Cả thế giới hỏi nhau câu này chứ không phải riêng mình bác đâu ạ. – Tân trả lời.
– Cả thế giới? – ông Trần Thu.
– Thưa bác cả thế giới có ý thức ạ!..
– Nói thế là anh gián tiếp phê bình ta vô ý thức à? – ông Hai Phong vặn lại.
– Cháu không dám… Theo cháu chẳng có sự huyền bí Trung Quốc nào cả. Nhưng cháu thừa nhận Trung Quốc có một nền văn hóa độc đáo lâu đời, lại có khả năng xoay trở biến hóa của một cường quốc đang lên, nên rộng đất tung hoành.
– Nhưng vẫn cứ phải thừa nhận lãnh đạo của họ là siêu chứ hả Tân? – Lê Hải gặng hỏi.
– Vâng, điều này thì thiên hạ đều thừa nhận. Song thế giới ngày nay cũng khác xưa nhiều rồi ạ…
– Khác cái gì? Trước sau vẫn mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết… – Lê Hải hỏi.
– Nói như bác thì không sai vào đâu được ạ… Hiện nay một số người đang xôn xao về việc Mỹ và Trung Quốc thỏa hiệp với nhau kỳ này chưa cho Nhật kiếm một ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc!
– Sao? Nhật là đồng minh chiến lược của Mỹ cơ mà? – Ông Lê Hải hỏi ngay.
– Thưa bác, bàn cờ lớn và đánh cờ thì nó như thế ạ! Đối với Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề cụ thể này thì hôm nay Nhật chỉ là nước bên thứ ba thôi! Mà số phận nước bên thứ ba thì nó như thế!.. Mạnh yếu nó là như thế ạ…
Tân chưa dứt lời, Lê Hải đã kêu lên:
– Ôi, Nhật mà còn bị thế, vậy nước ta là nước bên thứ ba loại nào trong cái thế giới này hả Tân?
Tân ngẫm nghĩ, nhưng bí:
– Cháu chịu không biết trả lời thế nào ạ… Cháu chỉ biết rằng nước ta không phải là đối tác quan trọng của hầu hết các nước quan trọng đối với ta! Cho nên câu chuyện hoàn toàn tùy thuộc vào cách ứng xử của ta ạ?
– Các anh các chị ạ, gần một nửa thế kỷ nay nước ta đã nếm trải các vị thế khác nhau của nước bên thứ ba trong nhiều tình huống, có phải thế không ạ?.. – Nghĩa bổ sung cho ý kiến của con mình. – …Có những điều khó nói trước thật… Nhưng cốt lõi là phải hiểu cả bàn cờ lớn để có thể hiểu được vị thế nước bên thứ ba của mình trong mỗi tình huống.
– Có lẽ nói như bố cháu là xác đáng đấy ạ. – Tân đồng tình: – Có người còn cho là ngày nay Trung Quốc đã bắt đầu tham gia vào việc sửa lại bản đồ chính trị thế giới!
– Nhằm thúc đẩy xu thế thời đại đi lên chủ nghĩa xã hội chứ? – Khái muốn ép Tân phải nói sát sườn vào suy nghĩ của ông Hai Phong.