Mọi người lo cho Tân. Ông Nghĩa đùn ông Lê Hải đứng ra lái câu chuyện đi hướng khác để cho không khí dịu lại, nhưng Lê Hải gạt đi:
– Cháu cứ nói suy nghĩ của cháu cho cả nhà nghe xem nào!
– Vâng ạ. Theo cháu, không có câu trả lời nào khách quan hơn là lịch sử. Có lẽ nên tìm hiểu lại lịch sử Liên Xô – Đông Âu trong suốt thời gian tồn tại khối SEV và hệ thống Varsovie là tốt nhất ạ. Từ thời ông Khrut-xốp trở đi đã gặp nhiều khó khăn lắm rồi…
– Hết bênh vực kẻ phản bội, còn bào chữa cho cả xét lại nữa! Sao cả nhà chịu khó ngồi nghe mãi cái nhà anh này nói nhảm! – Ông Hai Phong không tự kiềm chế được.
Lê Hải phải xông vào cuộc:
– Bình tĩnh một chút anh Hai. Cứ để cho cháu nó trình bày có đầu có đuôi xem nào. – Lê Hải quay ra Tân – Như vậy những lục đục trong nội bộ khối SEV và hệ thống Varsovie trước hết là do những mâu thuẫn quốc gia, mâu thuẫn dân tộc mà ra? Có thể hiểu như thế được không Tân?
– Dạ, chí ít đấy là nguồn gốc của những lục đục đã xảy ra ạ. Có nhiều ví dụ lắm. Nhìn lại, xin các bác các chú thử hình dung xem: Có cách gì chia cắt vĩnh viễn nước Đức thành hai quốc gia riêng biệt được không ạ? Cháu nghĩ chủ nghĩa xã hội ưu việt đến mấy cũng không thể át được vấn đề này. Đấy mới chỉ là một trong những ví dụ nổi bật thôi ạ!
– Anh vẫn đánh trống lảng, đổ cho hết nguyên nhân nọ đến nguyên nhân kia mà chẳng thấy anh nói lên điều gì có thực chất! – Ông Hai Phong vẫn chưa chịu.
Tân lắc đầu lè lưỡi, nhưng phải cúi mặt xuống, vì sợ thất lễ với ông Hai Phong. Một lúc sau Tân mới dám ngửng mặt lên:
– Cháu đã trình bày những vấn đề chết người như thế mà vẫn chưa thuyết phục được bác. Cháu xin trình bày ý của các nhà lý luận Trung Quốc đánh giá về đảng cầm quyền có được không ạ? Họ đăng trong các tạp chí lý luận của đảng, báo chí phương Tây đăng lại và rất chú ý chuyện này.
– Hay đấy! Nói đi! Nói đi! – Cánh trẻ nhao nhao như cái chợ vỡ.
– Trật tự! Trật tự! – Lê Hải vừa nói vừa giơ hai tay làm nhiệm vụ chủ tọa của mình: – Được đấy, cháu nói đi! Cấm giấu điều gì đấy Tân nhé!
– Bác yên tâm ạ. – Tân trình bày – Trung Quốc có nhiều bài phân tích về sự sụp đổ của các đảng cầm quyền tại các nước Liên Xô – Đông Âu cũ. Tóm tắt lại, các nhà lý luận Trung Quốc đưa ra mấy nguyên nhân sau đây: Thứ nhất là đảng lãnh đạo nhưng lại không tự tách mình ra khỏi chính quyền, do đó trên thực tế đảng làm mất hiệu lực vai trò nhà nước. Thứ hai là đảng không xây dựng được một hệ thống chính trị – xã hội của dân làm rường cột cho hệ thống chính trị – xã hội của đất nước, nên trên thực tế đảng nắm hết, và như thế đã làm trống rỗng hệ thống chính trị – xã hội của đất nước. Thứ ba là đảng ngày càng tha hóa và thao túng mọi quyền lực. Thứ tư là nội bộ đảng, nhất là ở cấp trên, có hiện tượng phân liệt và tranh giành quyền lực. Các nhà lý luận Trung Quốc cho rằng nguyên nhân của mọi nguyên nhân là nội bộ các đảng ở các nước Liên Xô – Đông Âu cũ mất dân chủ nghiêm trọng, nhấn mạnh đấy là những bài học sống còn đối với đảng Cộng sản Trung Quốc. Cháu phải ngả mũ bái phục sự thẳng thắn của giới nghiên cứu lý luận Trung Quốc các bác các chú ạ. Thấy người cháu muốn liên hệ đến ta…
Để giảm bớt sự bực bội của ông Hai Phong, ông Chính chủ động lái câu chuyện đi hướng khác:
– Tân này, nghĩ kỹ đi rồi hãy trả lời bác nhé.
– Vâng ạ.
– Câu hỏi của bác là thế này: Tại sao Trung Quốc lại làm được những điều kỳ vĩ như vậy? Chẳng lẽ họ có phép màu gì?
Quả là câu hỏi làm Tân ngắc ngứ. Anh phải cố lục lọi trong trí nhớ của mình những ấn tượng còn lưu lại, những cuộc tranh luận không dứt trong nhiều hội thảo ở Stockolm, London, Maine… mà Tân đã tham dự trong những năm vừa qua, cân nhắc, đánh giá…- Bác Chính ạ… cháu thú thật đấy cũng là câu hỏi của cháu, cứ mỗi lần nghĩ đến cháu lại tự trả lời mình một cách khác… Trước khi bước vào cải cách, Trung Quốc đã có mấy chục năm tìm kiếm, thí nghiệm các mô hình. Đã trải qua nhiều đổ vỡ tan hoang, cao điểm là cách mạng văn hóa đẫm máu… Hôm qua cháu vừa mới tìm ra được câu trả lời mới: Trung Quốc cải cách thành công vì bản thân nước này là cả một thế giới, có một đảng mạnh lãnh đạo, nên khả năng xoay trở lớn… Hôm nay cháu lại thấy không thoả mãn… Gần hai mươi năm tốc độ tăng trưởng liên tục trên 9% ở cái nước có hơn một tỉ dân thật không phải chuyện đơn giản!..
– Hôm nay con tự trả lời mình thế nào? – Ông Nghĩa hỏi luôn.
– Dạ… Hôm nay con tìm ra một điều khác: Có lẽ các đồng nghiệp của con ở đại học Trung Sơn tại Quảng Châu giải thích có lý hơn cả: Trung Quốc đã làm được một việc mà sáu mươi năm qua nền dân chủ đông dân nhất thế giới là Ấn Độ chưa làm được. Còn nước Nga từ thời ông Yeltsin đã định làm thế mà cho đến nay vẫn chưa ra khỏi đổ vỡ…
– Việc gì vậy, cháu nói rõ ra ngay xem nào! – Lê Hải sốt ruột.
– Vâng… Đó là Đảng Cộng Sản Trung Quốc mấy chục năm qua đã tạo ra được một tầng lớp trung lưu trong xã hội đông khoảng gấp hai lần dân số nước ta ạ! Lực lượng này đã đánh thức và bây giờ đang làm cho con rồng Trung Quốc cất cánh… Cả thế giới phải sửng sốt. Hiện nay Trung Quốc đang theo đuổi kế hoạch xây dựng xã hội trung lưu hay xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020!
– Thế giai cấp công nhân đâu? Ai lãnh đạo? – Ông Hai Phong dồn ngay, như một bản năng.
– Thưa bác, giai cấp công nhân cho đến bây giờ… cháu chắc vẫn là giai cấp công nhân, vẫn là do Đảng Cộng Sản Trung Quốc lãnh đạo ạ… Nhưng trong khi trả lời các bác các chú như thế này, cháu lại bắt đầu nghĩ khác rồi ạ…
– Khác cái gì? – Lê Hải hỏi ngay.
– Thưa bác, nghĩ kỹ lại, cháu thấy có lẽ cách giải thích của cánh nghiên cứu ở Thượng Hải có lý hơn. Họ nói Trung Quốc cải cách thành công lớn là do: Lãnh đạo có gan, phát huy được trí tuệ của khoa học, khơi dậy được tính năng động của giới kinh doanh, tạo ra được đồng thuận xã hội, cùng đi với trào lưu thế giới!
– Tân ơi, đây là sự tổng kết đáng kính nể! – ông Nghĩa thốt lên.
– Thượng Hải được coi là thinktank của Trung Quốc mà bố! Họ còn nói với con là con đường tơ lụa từ ngàn đã xưa tỏa ra đi khắp thế giới, trong năm thế kỷ qua đã tới Lisbon, đến London, hiện nay là đang ở Washinghton.., trong tương lai nhất định sẽ dẫn về Thượng Hải… Thưa các chú các bác, nghe như vậy có sướng tai không ạ?!
– Ôi tầm nhìn Trung Quốc! – ông Chính kêu lên, cánh trẻ cũng lao xao đồng tình.
– Cháu thực sự tin rằng lãnh đạo Trung Quốc đang giác ngộ sâu sắc thời vận lớn nhất trong lịch sử năm nghìn năm của dân tộc mình, các chú các bác ạ…
Nhận xét này của Tân làm cho câu chuyện tự dưng gián đoạn hồi lâu. Mỗi người rơi vào suy nghĩ riêng của mình. Giác ngộ sâu sắc thời vận lớn nhất của dân tộc mình… – Ông Nghĩa đánh vật với ý này trong đầu.
– Thôi được, hãy biết thế đã, cháu nói tiếp đi! – ông Chính muốn tập trung khai thác những suy nghĩ của Tân.
– Cháu thực sự khâm phục ý đồ muốn biến Trung Quốc thành công xưởng của cả thế giới. Đi đến đâu họ cũng giảng cho cháu mục tiêu này. Có lẽ Trung Quốc hiểu và thuộc bài học toàn cầu hóa nêu trong Tuyên ngôn Cộng sản tốt hơn chúng ta rất nhiều ạ!
Cả nhà ồ lên… Chờ cho mọi người im lặng, Tân lại tiếp tục:
– Thưa các chú các bác, trông người lại nghĩ đến ta… Cháu có một chuyện băn khoăn như thế này ạ… Năm ngoái, khi qua Los Angeles cháu mua được cuốn sách có tên là Tại sao chúng ta thua Việt Cộng? Trong đó các nhà chính trị chế độ Sài Gòn cũ tranh luận với nhau về nguyên nhân dẫn đến ngày 30 Tháng Tư. Đọc phần kinh tế, cháu thấy một cựu phó thủ tướng đưa ra nhận xét, đại ý thế này: Toàn bộ quá trình ra đời và tồn tại của Việt Nam Cộng hòa cho đến khi tiêu vong không có một vấn đề kinh tế nào là vấn đề kinh tế, nên sự sụp đổ đã được thiết kế sẵn (built in) ngay trong lòng chế độ Cộng hoà… Cho nên sụp đổ là tất yếu, không tiền của hay sức mạnh quân sự nào có thể đảo ngược được, lại càng không thể đối chọi được với sức mạnh quân sự của Việt Cộng. Nhận xét này làm cháu suy nghĩ lắm… Thế thì làm sao đua tranh được với thiên hạ…
– Không có một vấn đề kinh tế nào là vấn đề kinh tế! Một nhận xét đáng nể đấy Tân ạ. – Ông Chính đồng tình với cháu mình, trong đầu nghĩ đến không ít những vấn đề, những công trình kinh tế không phải là vì kinh tế trong suốt mấy chục năm qua trên cả nước ta.
Riêng Lê Hải và Nghĩa chụm đầu lại với nhau bàn về nhận xét rất tổng hợp và khái quát này.
– Tóm lại là cháu thấy Trung Quốc nhìn vào cả thế giới để tìm đường phát triển cho mình, còn ta thì hình như đang còn ngắm nghía mình và lạc lõng trong thế giới! – Tân muốn kết thúc ở đây.
– Giỏi nhỉ, lại còn mỉa mai phỉ báng đất nước nữa! – ông Hai Phong bực lắm, nhưng không dằn lòng được.
– Xin bác Hai Phong bớt giận, cháu nghĩ sao nói vậy ạ. – Tân phân bua. – Cháu nói rất cảm tính, băn khoăn lắm, chẳng có chút lý luận khoa học nào cả.
– Không, không sao. Cháu cứ bộc bạch hết đi! – Lê Hải động viên Tân.
– Cháu thấy lãnh đạo Trung Quốc làm việc có bài bản, tính toán cao thủ với ý chí như Ngu Công dời núi…
– Phản ứng trên thế giới thế nào hả cháu? – Ông Chính hỏi.
– Thưa bác, không ít nhà kinh tế, nhà chiến lược có tiếng tăm trên thế giới đang đặt ra bao nhiêu câu hỏi về Trung Quốc… Bao vây không được, cạnh tranh hàng rẻ không được, đối đầu với nhau thì Trung Quốc lớn quá… Nhiều người còn nói Trung Quốc là vấn đề của cả thế giới!..