– Tính chi li ra là gần hai thế kỷ, cái thằng lịch sử các bà mẹ của chúng ta vẫn nguyền rủa là như thế đấy!..
– Anh nói ta bị động chiến lược gần hai thế kỷ? – Lê Hải lúc này không giấu nổi sự ngạc nhiên của mình.
– Vâng, hai thế kỷ bị đánh mất, bị cướp mất! Đầu tiên là dẫn đến việc mất nước vào tay thực dân Pháp. Vì mất nước nên mới rơi vào cái thế bị động liên miên cho đến ngày hôm nay! Hết phải đối mặt với kẻ thù này lại phải đối mặt với kẻ thù khác, hầu như không dứt… Từ hai năm nay tôi vật lộn với điều nghi vấn này…
– Anh nói tiếp đi. Cho đến nay chúng ta chỉ mổ xẻ mọi tội ác của thực dân đế quốc, quả thực chưa nhìn kỹ lại những yếu kém của chính nước mình suốt gần hai thế kỷ vừa qua, trước hai thế kỷ vừa qua…
– Vâng, đúng thế. Lịch sử hình như đang cung cấp thêm cho chúng ta một phương pháp luận khác, một cách nhìn khác nữa anh Hải ạ.
– Nói đi!
– Lúc nãy anh chẳng nói Việt Nam thời hậu chiến phải đối phó với những vấn đề hoàn toàn khác trước là gì! Câu chuyện thời sự bây giờ là chúng ta chậm ý thức được điều này. Tầm nhìn của chúng ta về những vấn đề thời hậu chiến có chuyện, anh Hải ạ…
– Nói đi!
– Muốn nhìn rõ thời hậu chiến có lẽ phải bắt đầu từ câu hỏi vì sao để mất nước anh ạ… Nêu lên suy nghĩ này tôi phân vân lắm.
– Vì sao phân vân?
– Ai lại giữa lúc vừa mới đánh thắng hai đế quốc lớn, được cả thiên hạ coi là lương tri của thời đại, là ngọn cờ của phong trào độc lập dân tộc, là tiền đồn phe xã hội chủ nghĩa.., là đủ mọi thứ vân vân… Tôi kể thế đã hết chưa anh?
– Anh rất thuộc các bài giảng chính trị.
– Vâng, trong một bối cảnh đầy không khí hào hùng như vậy, mà lại dám nhận xét nước ta về cơ bản chưa thoát khỏi cái thế bị động chiến lược, thì có phải là nói ngược không? Là mất đảng tính, mất lập trường không?
– Thì ra phải nhìn lại từ khi mất nước là thế hả? Nói tiếp đi, đã ai quy chụp anh đâu.
– Trách nhiệm người đảng viên thúc giục tôi phải nói ra với anh suy nghĩ này. Chúng ta đã giành hết tâm trí cho chiến đấu để chiến thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược, nhưng có lẽ nghĩ chưa hết tầm vì sao hai cuộc chiến tranh xâm lược ấy kéo dài và phức tạp như vậy?
– Nghĩa là cũng chưa thấy hết tương lai phía trước vô cùng phức tạp?
Nghĩa rót nước cho cả hai rồi ngồi rít thuốc, sẵn sàng chờ đợi những lời phê phán trời giáng:
– Lời tôi nói bay ra mất rồi, không nhốt lại được nữa anh Hải ạ… Nhưng hy vọng anh đã hiểu tôi.
– Anh Nghĩa, vấn đề anh nêu phức tạp quá. Lẽ ra tôi phải cạo cho anh một trận, nhưng hãy để đấy đã…
– Cảm ơn, như thế là anh động viên tôi đấy.
Tướng Lê Hải gần như tự sự một mình:
– Anh làm tôi nhớ lại một chuyện cũ đầu năm 1973, vài tuần trước khi tôi đón anh ở Viện 8(*) [(*) Quân Y viện 108.] về. Hôm ấy tôi lên chỗ cơ quan sơ tán ở Cây đa bảy rễ huyện ứng Hoà để phổ biến cho anh em Viện ta việc ký kết hiệp định Paris. Cả Viện hoan hô rầm rầm. Ngay trưa hôm đó có bữa liên hoan mừng thắng lợi. Tôi vừa mới nâng chén rượu quốc lủi chúc mừng mấy câu, thì cụ chủ nhà ngồi cạnh tôi, một ông già nông dân gần 90 tuổi, chống gậy đứng lên giữa chiếu, tay giơ cao chén rượu: “Chúc mừng thắng lợi! Mỹ cút rồi, còn làm cho nguỵ nhào nữa là thực hiện đúng lời Cụ Hồ! Nhưng các anh không được quên nước ta còn có nhiều đối tượng nguy hiểm khác! Từ giờ trở đi phải biết lo liệu chung sống với nước Tàu!”
– Trời ơi, nhận xét của ông già sắc sảo quá!
– Đúng thế. Anh biết không, tất cả chúng tôi sững ra, sau đó mới nhao nhao chúc rượu ông cụ, vừa kinh ngạc, vừa kính phục. Nhưng hôm nay, nghĩa là gần 3 năm sau, có lẽ tôi mới hiểu rõ câu nói của cụ già nông dân này.
– Anh xem, nhân dân ta là như vậy.
– Anh có thể tưởng tượng được không, cụ già này có sáu con và cháu lúc ấy đang tại ngũ. Tất cả đều ra trận hết, không một ai là lính cậu. Có một con và một cháu là liệt sĩ, cả thảy là tám người! Lần nào lên thăm anh em chỗ sơ tán, tôi cũng thấy cụ suốt ngày ngồi ôm cái bán dẫn, nghe hết chương trình phát thanh này đến chương trình khác… Cụ khoe với tôi, cái bán dẫn của cụ là do đứa cháu đích tôn mang từ Liên Xô về biếu cụ, anh ta là tiểu đoàn trưởng bộ đội tên lửa. Cụ nói: Cái tăng-dít-to này đưa tôi đi khắp cả nước, khắp thế giới, dù rằng từ gần hai chục năm nay tôi không bước chân ra khỏi làng mình nữa! Trước đó chỉ có cái ga-len, nghe câu được câu chăng, bực cả mình…
– Anh thấy chưa… Một cụ già không chống nổi gậy ra khỏi làng mình nữa còn nghĩ như vậy, huống chi chúng ta!
– Suốt bữa cơm liên hoan hôm ấy, tôi ngồi bên cụ, ướm hỏi vì sao cụ lại nảy ra ý nghĩ cảnh báo chúng tôi như vậy. Cụ tợp một ngụm rượu nhỏ, rồi giảng giải: Ông tính, kẻ thì muốn đưa chúng ta trở về thời kỳ đồ đá, kẻ thì muốn ta đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng. Họ ác thế thì thắng bận này làm sao yên hàn ngay được? Ngồi nghe, tôi cứ ớ ra…
– Chúng ta phải tôn cụ già Cây đa bảy rễ lên làm thầy! Thực quả có lúc tôi đã mang máng những suy nghĩ ấy. – Nghĩa đồng tình. – Nhưng chưa bao giờ đi xa tới mức đặt thành vấn đề nghiêm túc như anh vừa nêu ra anh Hải ạ.
– Tôi định…
– Lịch sử không làm lại được, nhưng bài học có thể rút ra được. – Nghĩa chen ngang câu nói của tướng Lê Hải, với dụng ý dồn Lê Hải suy nghĩ đến cùng.
Lê Hải đi về bàn làm việc của mình, trầm ngâm. Thấy nóng tay, ông dụi vội điếu thuốc đã cháy gần hết vào cái gạt tàn:
– Rõ ràng cuộc sống cả nước ở phía trước không cho phép tránh né bất kể điều gì… Cái mong muốn, cái bất cập, điều kiện khách quan, điều kiện chủ quan… Mấy thập kỷ liên tiếp từ trong chiến tranh bước ra, làm sao tránh được bao điều ngỡ ngàng. Phải xem lại tất cả. Chẳng có ai là thần thánh, cũng không thể có chuyện đoán mò, bói toán.
– Anh Hải ạ, – Nghĩa đứng dậy đi tới chỗ Lê Hải ngồi, nắm lấy cánh tay ông, giọng nói đầy xúc động: – Suốt cuộc đời chinh chiến, cả anh và tôi đều có thể nói với chính mình: Chúng ta đã chiến đấu không một giây phút dao động… Có phải thế không anh Hải?
– Chúng ta không phải hổ thẹn về điều này.
– Anh hơn tôi hẳn một giáp. Trận mạc anh xông pha nhiều hơn tôi. Khác chăng là anh thấu hiểu hơn tôi cái giá đất nước ta phải trả. Chiến đấu không phải chỉ nhằm đánh bại kẻ thù, mà cuối cùng là để tìm đường xây dựng cho đất nước có thể ngẩng mặt với thiên hạ.
– Ôi Nghĩa. Cách suy nghĩ của anh chạm vào bài học đau đớn của tôi trong cuộc đời binh nghiệp.
– Anh đã từng phải chịu thảm bại?
– Tôi đã phải trả giá đắt.
– Trận mạc tất nhiên có lúc thắng lúc bại.
– Chuyện này khác, lâu rồi, nhưng chưa một lần nào tôi chạy trốn được chính mình.
– Đời người ta ai không có lúc phải tự phán xét mình hả anh Hải!
– Vâng… Đó là lần tôi quyết xoá sổ chi khu Cái Nước của giặc. Không dè là sau trận thắng ngoạn mục này, cơ sở toàn vùng Cà Mau – Năm Căn bị lộ nên bị xoá trắng. Một năm sau ta chưa giành lại được thế trận đã mất, tốn bao nhiêu xương máu mà kể. Tôi ân hận mãi… Lúc ấy lẽ ra tôi có thể đề xuất một quyết định khác. Nhưng tôi đã ham thắng lớn một trận nhỏ để tự khẳng định mình. Kết cục tôi để thua một trận lớn! Thú thực với anh, cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa nói với ai điều cắn rứt này…
– Suy cho cùng dân tộc ta chiến đấu là để chặt đứt cái vòng luẩn quẩn đến phi lý của định mệnh, của cái thằng lịch sử các bà mẹ chúng ta vẫn chửi đấy anh Hải ạ.
– Nghĩ lại bây giờ tôi vẫn còn đau về chiến thắng thảm bại của mình hồi ấy. Cái cá nhân của con người ta ranh ma và khó lường lắm Nghĩa ạ. Nhất là vào lúc đất nước có những vấn đề cực kỳ nhạy cảm.
– Tôi hiểu được anh đang nghĩ gì.
– Tôi cảm thấy anh đang tiếp tục luồng tư duy rút ra từ tổng kết chiến dịch Quảng Trị. Cứ làm như thế đi.
– Vận may và vận mệnh của đất nước thường gắn với dấu ấn của con người anh Hải ạ… Nhiều khi tôi phải trở lại mổ xẻ những sự kiện từ Cách mạng tháng Tám và trước nữa…
– Thôi được, chúng ta không phải thuyết nhau nữa. Anh đừng quên tôi vào loại nhớ dai đấy. Hãy lấy danh dự mà hứa là anh còn nợ tôi việc tổng kết này.
– Vâng, tôi hứa. Nghĩ dần được điều gì tôi sẽ nói cho anh nghe điều đó.
– Hay lắm, có một câu hỏi khác tôi tự trả lời được rồi.– Tướng Lê Hải dừng lại.
– Câu hỏi gì đấy ạ? – Nghĩa giương to mắt.
– Nêu lên những vấn đề hệ trọng như vậy về tương lai đất nước, chính anh đã tự bác bỏ đề nghị xin giải ngũ của mình rồi, chứ không phải tôi.
– Không, anh Hải! Đấy là hai chuyện khác nhau… – Nghĩa giãy nảy lên.
– Thôi! Nhân danh chủ toạ, tôi tuyên bố bế mạc. Hết! Không nói thêm gì nữa. – Lê Hải cười oang oang không cho Nghĩa nói.
Thiếu tướng chủ động đứng dậy bắt tay, gần như muốn Nghĩa cũng phải đứng dậy. Nghĩa đành lắc đầu, cùng cười và đứng dậy theo…
Ngoài hành lang cán bộ chiến sĩ đi ăn trưa lục tục trở về, ầm ĩ tiếng nói cười. Lúc này đã quá mười hai giờ lâu rồi…
♦ ♦ ♦
Ít lâu sau, ngày 22 tháng 12 năm 1978, Pônpốt đưa 19 trong tổng số 23 sư đoàn của Khmer đỏ mở chiến dịch lớn, có xe tăng và pháo binh yểm trợ. Từ Mỏ Vẹt và Lưỡi Câu thuộc tỉnh Xoài-riêng và Kông-pông-chàm, chúng ào ạt tấn công vùng Bến Sỏi của ta, với mục đích đánh chiếm chớp nhoáng tỉnh Tây Ninh. Cánh quân đi đầu tiến sâu vào trong lãnh thổ ta, cách Sài Gòn khoảng hơn 100 cây số.
♦ ♦ ♦