Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Chống găng lắm. Chính quyền Pháp lúc ấy muốn xử nặng việc này, nhưng de Gaulle phải nói: nước Pháp không thể bắt giam ông Voltaire!(**). [(**) Đại triết gia Pháp, 1694-1778. De Gaulle lúc đó ví Sartre như vậy.]

– Quả thực em không biết Sartre được de Gaulle đánh giá cao như vậy. Thì ra dù đứng ở phía nào, người làm khoa học bao giờ cũng yêu chân lý!..

– Sartre còn là chủ tịch tòa án Bertrand Russel(***) [(***) Tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, được tổ chức ở London 1966.] nữa Nghĩa ạ.

– Ôi, như thế ông ta còn là một ân nhân của nước ta nữa, có phải không anh Chính?

– Sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta có nhiều bạn bè trên thế giới!

– Anh rất là siêu chính trị! Thế là anh cũng “bôn”, chứ không phải chỉ riêng em! Em lại muốn hiểu cách giải thích của anh vừa nói: Tự do là giá trị chung cao quý nhất của toàn nhân loại, được toàn nhân loại chia sẻ.

– Anh không phản đối. Nghĩ như vậy cũng đúng. Trở lại với Trần Đức Thảo của chúng ta, anh thấy hình như ông ta lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác với Hegel!

– Có lẽ không phải chỉ một mình Trần Đức Thảo anh Chính ạ. Chỉ riêng cái triết lý của Hegel cái gì có lý, cái ấy tồn tại, cái gì tồn tại cái ấy có lý nhiều lúc làm em nhức cả đầu… Em cứ tự hỏi, chẳng lẽ sự tha hoá hiện nay ở nước ta là có lý, vì nó tồn tại, tồn tại gần như không tài nào diệt được – đến mức gần như là không thể tránh được. Nếu thế thì hết đường ra à?

– Tôi ngờ rằng Hegel nhắc nhở chúng ta phải đi tìm nguyên nhân sự vật trong bản chất của nó. Ngày nay những lý thuyết về hệ thống giúp chúng ta cách nhìn vấn đề rõ hơn. Cuộc sống là một phức hợp những phủ định của phủ định mà!

– Trước anh đã có nhiều người đọc Hegel như vậy rồi. Vấn đề hóc búa đấy.

– Đành là thế!.. Thỉnh thoảng nói chuyện với em về triết học cũng thú vị! Đầu óc đỡ lười biếng… – ông Chính rót cho Nghĩa chén trà mới – Uống nước đi… Có điều là thỉnh thoảng vớ được quyển sách mới, do các đệ tử cũ của anh ở nước ngoài gửi về cho, anh càng có cảm giác chúng ta ngồi dưới đáy giếng quá lâu mất rồi Nghĩa ạ… Trong khi đó tri thức mới ngày này nay đang đảo lộn biết bao điều duy lý vốn được coi là khuôn vàng thước ngọc…

– Đúng quá, lò mò trên mạng em cũng cảm thấy nhiều điều như thế! Có lúc em phải thốt lên cái duy lý hình như đang bị cái hợp lý khuất phục ở nhiều nơi nhiều chỗ!..

– Đấy chính là điều anh đang trăn trở… Hình như tri thức và văn hóa của nhân loại ngày nay vừa đòi hỏi, vừa cho phép chúng ta ngự trị tốt hơn cái duy lý đã nắm bắt được em ạ…

– Ngự trị? Anh nói lại đi! – Nghĩa nhấn mạnh câu hỏi của mình.

– Phải! Ngự trị! Với tất cả ý nghĩa của khái nhiệm này!.. Anh muốn diễn tả cảm nghĩ của em như vậy… Hình như sống bây giờ là phải làm chủ được cái phức hợp luôn luôn xuất hiện, luôn luôn nổi trội trong cuộc sống đa dạng đa chiều và tiến triển không ngừng. Nhận thức của chúng ta hình như quá tê liệt trong cái duy lý khô cằn và quá xa vời so với tri thức mới mà nhân loại đã lượm hái được về phương diện này em ạ. Có như thế mới sống được với cả thế giới, phát triển cùng với thế giới… Cái hợp lý có mặt nổi trội hơn cái duy lý mà em cảm nhận được có thể là nhờ lẽ này!.

Ngẫm nghĩ một lúc, Nghĩa thừa nhận:

– Có thể anh có lý!

– Nghĩa ạ, nếu đúng là như thế! Ôi nếu đúng như thế thì cuộc sống phía trước có nhiều điều hay lắm! Ngay trong kinh tế cũng vậy, sẽ không thể và sẽ không còn chỉ là chuyện phải làm tốt hơn, nhanh hơn, rẻ hơn.., mà quan trọng hơn nhiều là phải làm khác hẳn đi! Nói ngắn gọn là phải tiếp cận theo cách mới, làm ra sản phẩm mới!

– Ôi chết! Như thế có nghĩa là cùng một lúc vừa tụt hậu, vừa lạc lõng nữa thì gay lắm anh Chính ạ!

– Đây chính là nỗi ưu tư của anh giọng ông Chính trầm xuống – …Nhiều lúc trong đầu anh vẫn tâm sự với cháu Nam, thậm chí có khi ghen tị với nó… Nam đã sống hết mình bằng nghị lực sáng tạo của chính mình Nghĩa ạ. Xem các tranh của Nam anh càng nhận rõ điều này… Còn anh? Anh trước đây sống nhờ vào tri thức bao cấp, bây giờ là sống nhờ vào tri thức ăn đong qua mấy quyển sách may mắn đến trên tay… Còn nếu không thì dễ bị ô nhiễm, thứ ô nhiễm độc hại của tri thức rởm đầy rẫy trong xã hội. Nhiều lúc anh thấy sao mà ngột ngạt. Có lẽ vì thế anh hiểu Tân hơn, Nghĩa ạ!..

Câu chuyện bị nghẽn lại, do chính sức nặng của nó. Hai người cùng nhau trầm ngâm với chén trà của mình. Một lúc sau Nghĩa mới trở về thực tại:

– Bây giờ, chẳng lẽ trí thức không yêu nước bằng ngày xưa sao Nghĩa?

– Khó nói như thế được anh ạ. Có thể ngày xưa cùng chung nỗi nhục mất nước, cùng dạt dào một tinh thần yêu nước, cùng đứng trên một chiến tuyến cho độc lập của Tổ quốc. Còn bây giờ có nhiều chuyện phức tạp quá. Nào là cách đối xử, nào là sự khác biệt về chính kiến, về lối sống, có cả bối cảnh kẻ chủ người tớ nữa… Có lẽ phải nhìn chân sự thật mới có thể hiểu được bản chất vấn đề anh ạ!

– Đến em mà còn không hiểu nổi ông viện trưởng của em, huống chi lại đòi hỏi những điều cao xa hơn từ giới trí thức?! Có điều anh thấy khá rõ có sự khác nhau giữa các nhà trí thức chân chính và các nhà trí thức làm chính trị; giữa các nhà khoa học thật và các nhà khoa học rởm…

– Nhưng anh ơi không có một nghị quyết quan trọng nào của Đảng không quan tâm đến con người. Đảng đã có nhiều nghị quyết chuyên đề, nào là về giáo dục, về đào tạo, nào là về phát triển, về sử dụng con người. Không thể nói những nghị quyết ấy là dở được.

– Nghị quyết và cuộc sống là hai chuyện khác nhau mà chú. Nếu không vơ đũa cả nắm thì cũng phải nói rằng nhiều nhà khoa học chỉ giỏi làm chính trị và nhiều nhà khoa học rởm và chuyên gia rởm đang được trọng dụng. Em không thấy họ đang hành động nhân danh trí thức Việt Nam đấy à?..

– Em lo ngại với những con người như thế, lại vận động trong cơ chế này, đất nước ta đang lây lan một thứ văn hoá dịch bệnh: “nói dzậy mà hổng phải dzậy!” trên cả hai phương diện. Nghĩa là nói được nhưng không làm được, và nói một đằng làm một nẻo.

– Em ăn phải đũa anh Tám Việt!

– Nếu ông ấy đúng thì phải thừa nhận chứ! Đào tạo và dùng người như thế này cả bộ máy nhà nước và con người đều yếu kém.

– Quả thực lịch sử bốn ngàn năm văn hiến của nước ta chưa bao giờ được mùa giáo sư tiến sĩ như bây giờ, và cũng chưa bao giờ những người này được mùa như bây giờ! Có phải thế không Nghĩa?- Nói bốn nghìn năm văn hiến mà lại dùng hai chữ được mùa nghe quê quá.- Hai cụm từ này bổ sung cho nhau “đẹp nghĩa” nhất đấy!

– Sao không nói là chưa bao giờ nước mình có trình độ học vấn cao như bây giờ? – Nghĩa vẫn chưa chịu anh mình.

– Để xem đã! Nước mình hiện nay có khoảng hai chục ngàn trí thức có bằng từ tiến sĩ trở lên, gần gấp đôi Thái Lan, nhưng số bài báo khoa học được công bố mỗi năm ngót nghét ba trăm, nghĩa là bằng một nửa Thái Lan. Vậy em định chọn chữ được mùa của anh hay là dùng chữ học vấn của em?

– Nói như anh, đây còn là cả vấn đề văn hóa nữa! Anh làm em nhớ đến chuyện đã định hỏi anh mấy lần. Tổng giám đốc hay tổng công trình sư có cỡ có hạng như anh, tại sao anh không xí lấy cái học vị giáo sư?

– Xí làm gì! Nếu xí được lại tốn tiền mua khung treo bằng, thà để chỗ treo tranh của Nam còn hơn. Nếu đem cái bằng ấy biếu chú cho đỡ chật nhà, chắc gì chú đã nhận.

Hai anh em cùng cười.

Dù sao thì ông bà Nghĩa rất vui là mình đã có cháu nội. Mỗi năm, khi thì vào nghỉ hè, khi thì vào dịp Nô-en, Tân và Linda đưa bé gái Lisa về thăm ông bà.

Nỗi lo thầm của vợ chồng Nghĩa về Mai cuối cùng cũng được giải toả. Cái cậu tiến sĩ toán gầy gầy đen đen Trần Duy Khái lui tới nhà ông bà mấy năm nay, giờ là rể của ông bà. Mai đang ôm cái chum to tướng. Người đoán con trai, người đoán con gái. Mai đi siêu âm nhưng kết quả lần sau bác sĩ nói khác lần trước. Để duy trì sự căng thẳng trêu mọi người, kể cả bà Nguyệt, Mai nói:

– Mẹ yên tâm, em bé khoẻ là được rồi. Khi soi, bé xấu hổ, chuyển sang nằm ở vị trí không cho bác sĩ biết mình là con trai hay con gái.

– Biết xấu hổ sớm như thế thì chắc chắn là con gái rồi! Mẹ dám đánh cược với con!

Nhà ông Nghĩa tràn đầy tiếng cười. Bà Nguyệt lo con gái mình nhiều tuổi mới đẻ con so sợ sẽ khó sinh, nhưng ông Nghĩa gạt đi: “Em phải tin vào khoa học kỹ thuật hiện đại chứ. Cùng lắm thì mổ!”.

Riêng ông Nghĩa có một thú vui mới. Từ mấy năm nay, khi Tân mua biếu ông dàn máy vi tính và nối mạng internet, ông hăm hở tự bổ túc thêm tiếng Anh và truy cập thông tin hàng ngày. Tân vô cùng ngạc nhiên về niềm say mê và sự tiến bộ của bố, mặc dù biết rằng bố mình ngày xưa vốn có năng khiếu ngoại ngữ. Đôi ba lần Tân thử chỉ dùng tiếng Anh để nói chuyện với bố, không ngờ bố nói khá lưu loát, kể cả trong những vấn đề trừu tượng và phức tạp… Thì ra người ta ở tuổi nào cũng học được.., Tân càng tin như thế. Mai cũng trực tiếp giúp đỡ ông Nghĩa rất nhiều. Còn ông Nghĩa rất vui thấy tầm mắt của mình bây giờ có thể nhìn vào khắp thế giới. Nhiều lúc ông dành hàng ngày, hàng tuần đi sâu vào lịch sử, dò dẫm về tương lai, đi thăm những nơi rất xa trên thế giới, đương nhiên tất cả là trên mạng. Ông Nghĩa khám phá ra kho tàng trí tuệ vô tận và thấm thía nỗi bức xúc về mù tri thức.

Tác giả: