Tốt nghiệp đại học, Linda tình nguyện đi theo các dự án của SIDA(*) [(*)Cơ quan viện trợ phát triển của Thụy Điển.] về đề tài xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam. Thật khó tưởng tượng một cô gái Bắc Âu mảnh khảnh, tóc vàng như nàng tiên cá trong truyện cổ tích của H. C. Andersens (Đan Mạch), có đủ nghị lực lặn lội gần năm năm trời trên các vùng núi và trong những vùng sâu, vùng xa ở Việt Nam để làm luận án tiến sĩ về môn học của mình.
Được hỏi, Linda trả lời: “Tôi yêu môn học của mình và yêu Việt Nam!”.
Cảm phục nghị lực và nhiệt tình này, Tân giúp đỡ Linda trong quá trình chuẩn bị và bảo vệ luận án tiến sĩ của cô. Họ biết nhau và yêu nhau từ đấy. Tân kể hết mọi chuyện cho bố mẹ. Con gái họ bốn tuổi, đang học nói tiếng Việt.
Nhưng khi bà Nguyệt đá động đến chuyện cưới xin, Tân trả lời: “Chúng con đang sống bằng tình yêu, tại sao lại phải chuyển sang sống theo nghĩa vụ ràng buộc. Lúc nào cưới mà chẳng được hả mẹ?”.
Bà Nguyệt phải cầu cứu chồng:
– Mình phải bắt chúng nó làm lễ cưới chứ anh?
– Nó sướng hơn anh. Nó là người tự do!
– À ra thế hả? – Bà đấm thùm thụp vào lưng chồng. – Cho tự do! Cho tự do này! Già rồi mà vẫn còn thích tự do hả?..
– Á á! Hàng rồi, hàng rồi! – Nghĩa giơ tay lên vừa cười vừa đỡ. – Anh nói nó tự do hơn anh là so với thời kỳ anh đi học ở Mátxcơva. Anh nói thật đấy. Hồi ấy mà không lý trí một chút thì có khi bị kỷ luật đuổi về nước vì Natasa… Mà này Nguyệt ơi… Hình như em vẫn còn ghen?
Tận đáy lòng, Nghĩa không giải toả được sự phân vân của mình.
Cách đây ít lâu, thủ tướng Nhật sang thăm Việt Nam, theo dõi trên tivi, Nghĩa nghe trong diễn văn của ông ta đáp từ chủ nhà có câu:
“…Vào thăm Văn Miếu, tôi thấy có câu khắc trên bia đá Người tài là nguyên khí của quốc gia(*) [(1) Tấm bia năm 1442 ở Văn Miếu ghi: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng Thánh đế Minh Vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén trọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên”.] … Tôi xin chúc nguyên khí ấy sẽ đưa Việt Nam lên hàng ngũ các quốc gia tiên tiến trên thế giới…”
Ngồi xem mà Nghĩa chạnh lòng. Mấy hôm sau Nghĩa trao đổi với ông Chính:
– Nghe câu nói ấy, em có cảm tưởng ông Thủ tướng Nhật nhắc nhở mình nhiều hơn là chúc tụng. Nhức nhối quá!
– Lâu nay chuyện đào tạo và sử dụng người tài ở nước ta đang có vấn đề. Mà như thế là đất nước có đại vấn đề!
– Cốt cán như anh mà cũng nhạy cảm nhỉ?
– Tôi mà chú không tha à? – ông Chính cười – Chú làm tôi nhớ lại những lời phê bình khá gay gắt của giáo sư Trần Đại Nghĩa và giáo sư Tạ Quang Bửu trước đây…
– Số người mình đào tạo được bỏ nước ra đi không ít anh ạ, trong khi đó lại phải thuê khá nhiều chuyên gia trình độ không hơn gì.
– Tôi biết. Riêng điểm mặt những con chim đầu đàn của Bách khoa bây giờ đang sống ở Matxcơva có lẽ cũng đủ cho một bộ môn đấy!
– Ngay vợ chồng em cứ lấn cấn mãi với nhau về chuyện cháu Tân.
– Tôi nghĩ nên để tùy cháu. Cứ ép nó làm theo ý mình thì không ổn. Ép cũng không được cơ mà!
– Vâng, em hiểu. Nó là con mình thật, nhưng bây giờ chẳng gì nó cũng là một trí thức rồi, không áp đặt được!
– Chú xem, thời Cách mạng Tháng Tám, khi đi dự hội nghị Fontainebleau(*) [(*)Bắt đầu từ tháng 7-1946, sau đó ký Tạm ước 14-9-1946.] , Bác Hồ trao vận mệnh đất nước vào tay cụ Huỳnh Thúc Kháng, một Nho sĩ yêu nước không phải đảng viên! Bác Hồ đã đưa về nước được bao nhiêu là nhân tài! Thử hỏi từ khi thống nhất đất nước đến giờ, chúng ta mời được nhà khoa học có tên tuổi nào về giúp nước?
– Bây giờ chúng ta lại còn có cả một chương trình hàng trăm tỷ đồng cho đào tạo nhân tài! Cứ làm như thể mua một cục sắt và một cái máy đúc về, đúc gì nên đấy!
– Sao hôm nay Nghĩa mắm tôm thế? Có gì làm em bực mình không?
– Không, em chỉ nói lên sự thật. Phải thừa nhận Trung Quốc làm việc này tốt hơn ta anh ạ!
– Cách đối xử của ta cũng có chuyện này chuyện khác không ổn thật. Em làm anh nhớ đến nhà triết học Trần Đức Thảo(**) [(*) Trần Đức Thảo, 1917-1993, một triết gia lớn của Việt Nam, hiện có một công trình đã được in thành sách ở nước ta, một số ở nước ngoài, một số chưa được công bố] , một trường hợp tủi buồn. Ông ta luôn luôn đối chiếu, tìm ra mối liên quan giữa khát vọng của con người về tự do và sự vận động tự thân của lịch sử.
– Cả nước tôn sùng ông ta là triết gia duy nhất của Việt Nam thời hiện đại, có phải thế không anh?
– Đúng thế, kể từ cụ Trần Văn Giàu trở đi cùng chung một đánh giá như vậy… Triết gia duy nhất, tranh luận ngang ngửa mãi với Jean Paul Sartre(*)! [(*)J.P.Sartre, 1905 – 1980, Pháp, triết gia tiêu biểu của chủ nghĩa hiện sinh.] Anh được dịp tiếp chuyện ông Thảo mấy lần, luôn luôn bị ông ta hấp dẫn.
– Theo em Trần Đức Thảo rất tích cực cổ vũ cho tự do dân chủ và có lẽ là người đầu tiên ở nước ta cảnh báo việc thô lậu hóa, thông tục hóa học thuyết Marx, nhất là phê phán loại chủ nghĩa Mác bị Stalin hóa! Mọi chuyện oan khiên đối với ông ta hình như bắt đầu từ đấy!
– Đáng tiếc là như thế. Hồi ấy mà dám đụng vào Marx là dũng cảm lắm. Một thứ dũng cảm ngày nay chúng ta đang cần…
– Anh lại rơi vào luận điệu trí thức và thanh niên ngày nay không yêu nước bằng ngày xưa!
– Lễ cạo chú đến thế mà vẫn chưa sạch à?.. – ông Chính cười. – …Cũng vì phát hiện ra những điều chưa hoàn hảo trong học thuyết Marx, nhất là mối quan hệ biện chứng cực kỳ phong phú giữa thế giới khách quan và con người… nên ông Thảo từ rất sớm đã bị học giả phương Tây nghi ngờ là người xét lại học thuyết Marx. Vì là biện chứng, nên có thể trong thế giới khách quan của ông Thảo có nhiều tính người hơn…
– Lẽ ra phải coi đấy là sự đóng góp vào hoàn thiện học thuyết Marx mới đúng chứ?
– Đúng ra có lẽ phải như thế Nghĩa ạ. Hình như sự nghi ngờ này được nhập khẩu vào nước ta…
– Sao anh lại nói là nhập khẩu?
– Không tự mình sáng tạo thì là nhập khẩu chứ còn gì nữa! Thế là hình thành cái giá phải trả cho bảo vệ chân lý Nghĩa ạ… Anh có cảm tưởng chính vì tranh luận với Sartre, Trần Đức Thảo càng hiểu Marx thấu triệt hơn, cái hoàn thiện và cái chưa hoàn thiện…
– Có lẽ đấy là cuộc tranh luận hiếm hoi giữa chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa hiện sinh, có phải không anh Chính?
– Chắc chắn là một cuộc tranh luận sôi nổi. Theo anh Marx và Sartre giống nhau ở chỗ cùng chia sẻ ý tưởng phấn đấu vì tự do của con người. Marx tìm thấy cái đích mình định tìm. Nhưng Sartre thì rơi vào hoài nghi: “được tự do, cũng có nghĩa là bị cột vào kiếp sống tự do”. Trần Đức Thảo nêu bật được sự khác nhau này giữa Marx và Sartre.
– Đó là cái giá phải trả cho tự do hay sao hả anh Chính?
– Anh chưa muốn tìm câu trả lời cho chuyện này, còn phải nghĩ đã… Nguồn gốc của quan niệm này là Sartre cho rằng giữa bản thể con người và thế giới chung quanh là khoảng cách hư không, khiến con người luôn luôn cảm thấy chán ngấy, lo ngại… Sartre không trả lời được vấn đề này, hoài nghi và vì thế rơi vào chủ nghĩa hiện sinh. Nhưng theo anh chủ nghĩa hiện sinh hiện nay, nói cho đúng hơn là chủ nghĩa tân hiện sinh như chúng ta đang thấy, có cái gì đó rất khác so với Sartre!
– Ở chỗ nào hả anh Chính?
– Chủ nghĩa tân hiện sinh bây giờ hình như chỉ khuôn vào “sự tồn tại tự do”, bỏ mất cái gốc ban đầu của Sartre là ý thức đi tìm tự do để tự khẳng định mình. Trong một số tiểu thuyết của mình, có lúc Sartre đề cập đến ý tưởng tự do phải được giới hạn bằng trách nhiệm…
– Anh định nói có sự đánh đồng nhầm lẫn giữa chủ nghĩa tân hiện sinh và Sartre?
– Có lẽ thế. Sartre không đi vào hướng “tự do là phải hiểu lẽ tất yếu”, mà lại đi vào hướng “con người tự do trước hết phải là con người ý thức được mình”.
– Em thấy trí tuệ và khoa học là muôn đường muôn nẻo, không có điểm dừng. Em mà là ông Thảo em sẽ tìm cách hòa nhập cả hai cái tất yếu này lại làm một!
– Thế thì sẽ có ngày tôi lại tiễn chú đi nghỉ ở Thạch Thất đấy!
– Quên chuyện này đi anh Chính!
– Thôi được, xin lỗi!.. Có lẽ Sartre phần nào chịu ảnh hưởng của Luther(*) [(*)Martin Luther, 1483-1546, Eisleben, Đức, người chống lại những ngang trái của nhà thơ thời trung cổ và đề xướng những cải cách quan trọng, đồng thời là người góp phần đổi mới tiếng Đức cổ.] , theo hướng “con người ý thức được về mình thì có thể là nhà tiên tri cho chính mình!”
– Sao cái ý này lại giống với quan điểm của đạo Phật thế hả anh Chính?! “Mỗi người có thể tự thắp đuốc tìm đường đi cho chính mình!” Chú Học nói về điểm anh hay lắm anh ạ.
– Anh biết! Em thấy chưa, đó chính là điều em vừa nói đấy! Muôn đường muôn nẻo mà… Đông Tây có nhiều chỗ gặp nhau đến không ngờ em ạ!
– Hóa ra anh định dẫn em vào kết luận này?
– Thỉnh thoảng cũng phải cho chú một bài học!
– Còn lạ gì nữa, xưa nay anh vẫn đố kị với cái tính “bôn”(**) [(**)Bônsêvich.] của em mà. Anh vẫn chưa mượn được nguyên tác một số bài chưa công bố của Trần Đức Thảo để dịch ra tiếng Việt hả anh?
– Một người bạn của anh sẵn sàng cho mượn rồi, cũng sẵn sàng cùng anh dịch, nhưng còn phải chờ…
– ??? – Nghĩa giương mắt nhìn anh mình.
– Nhưng chúng ta hình như chưa biết Sartre là người chống kịch liệt quan điểm thực dân của De Gaulle(*) [(*) Charles de Gaulle, Tổng thống Pháp, 1890-1970.] , nhất là việc đưa quân trở lại Việt Nam sau chiến tranh thế giới II.
– Có chuyện ấy hả anh?