Ác một nỗi, từ vài năm nay, hễ vò võ một mình một bóng, thì ngay đến cả thói quen đi tìm sự hưng phấn quen thuộc cũng chỉ làm cho ông nguôi ngoai trong một vài khoảnh khắc. Ông lại dồn tâm trạng bế tắc hụt hẫng của mình vào việc đào bới lý luận, gần đây có lúc chuyển sang cả văn chương, lại càng thấy tiếc tiếc cái tập truyện do chính tay mình viết bài giới thiệu… Chính tay ông phải đốt cả tập truyện này đi, chỉ vì bài giới thiệu trong đó trót ca ngợi những kẻ hữu khuynh như Lê Hải và Phạm Trung Nghĩa…
Trời ơi, Lê Hải và Nghĩa đã khen hết lời bài viết này, đã tìm thấy con người thật của ta trong bài viết này!
Cái trò mèo đuổi chuột hay là bịt mắt bắt dê với chữ nghĩa trong văn chương của chính mình như thế chẳng làm ông khuây khoả được bao nhiêu…
…Chả trách gì các cụ nói “dao sắc không gọt được chuôi”! Mình nhờn chữ, hay là chữ nhờn mình rồi?.. Những bài viết đã từng một thời gây tác động lớn không chỉ trên diễn đàn lý luận! Sao giờ đây mình thấy chúng chỉ toàn những con chữ vô hồn!
Ông Tiến không thể nhớ mình đã đánh vật với tâm trạng này bao nhiêu lần. Nhưng ông biết là còn đang phải tiếp tục vật vã, tiếp tục đọ sức. Ông cố tìm một lời an ủi: … À còn vật vã thế này nghĩa là vẫn bất phân thắng bại! Nghĩa là ta chưa hẳn bại!..
Có hôm đêm khuya, tình trạng bất phân thắng bại kéo dài, ông phải nhờ cậy mấy viên thuốc an thần chi viện.
Ông Tiến lại lo: Nhờn thuốc thì khốn to đấy!
Nên có tối ông Tiến đã lấy thuốc ra rồi, đã cầm cốc nước lên miệng, lại cất thuốc đi, và uống nước không! Thà chết còn hơn!.
Đọc chán những bài của mình, ông đi mở két đựng hồ sơ mật, lôi ra những bức thư đã sờn cả giấy và chữ, vì quá cũ và đã được đọc đi đọc lại nhiều lần. Đó là những thư ca ngợi ông hồi tham gia cải tạo xã hội chủ nghĩa ở Sài Gòn… Song cả những thư này không thể tạo ra cho ông nguồn vui thường trực và vĩnh cửu được. Một số giấy tờ là bản sao những tài liệu có liên quan đến vụ Thạch Thất của Nghĩa và Lê Hải.., nhưng bây giờ chúng cũng chỉ là những mảnh giấy vàng úa, vô hồn… Có khi ông dành trọn vẹn cả buổi tối xem đi xem lại các giấy khen, bằng khen, bằng giáo sư, tự hồi tưởng từng chiến công đã làm nên những lời ngợi khen ấy, cố nhớ lại những giai thoại lý thú để san lấp sự trống trải trong lòng.
Hay là lấp chỗ trống bằng viết hồi ký? Liệu có viết nổi không nhỉ? – Ông Tiến tự hỏi.
Có một lần đã quá nửa đêm, ông đọc đi đọc lại nhẵn các trang sách mình viết ra mà vẫn không làm sao gọi được cái ngủ về. Ông quăng sách xuống chân giường. Cực chẳng đã, ông nhắm mắt liều uống một lúc hai viên seduxen. Nhưng ông cứ vật vã mãi trong đêm tối: “Trời đất ơi, thà cứ nghèo hèn, ăn đói ăn thiếu như xưa còn sướng hơn giờ vạn lần! Bây giờ mình cứ như kẻ đang phát rồ!”.
Mối tơ vò của ông Tiến khó tả lắm. Nhưng giản lược đi thực ra chỉ có hai chuyện, đó là: gia cảnh, nghiệp cảnh. Khốn nỗi bốn chữ cộc lốc này móc nối sắp xếp lại với nhau thiên hình vạn trạng, chẳng khác gì các vạch dài và vạch đứt đoạn trong Kinh Dịch, làm nên tám quẻ, sáu hào và cả một vũ trụ nhân gian thế thái lúc thăng hoa, lúc rối bời bời của ông Tiến…
Lúc đông nhất, hộ tịch nhà ông Tiến có tám nhân khẩu. Bây giờ trong hộ tịch chỉ còn vẻn vẹn mỗi tên ông. Gia đình Thắng đã yên vị trong Nam từ lâu rồi . Hai vợ chồng Lợi bây giờ cư trú lâu dài bên Đức, đã xin được quốc tịch Đức. Cặp vợ chồng này lấy nhau ngót nghét mười năm trời mà không có con. Chữa chạy mãi, cách đây mấy năm Lợi sinh con trai. Ông cũng chẳng thiết nhớ chính xác là mấy năm… Ông chỉ nhớ bà Hà chia tay với ông để làm nghĩa vụ bà ngoại cũng đã được vài năm rồi. Thư đi điện về mãi, bà Hà vẫn khăng khăng: “Ông tự lo cho ông được rồi, bây giờ tôi phải lo cho cháu tôi!”. Và lời tâm sự của bà Hà hôm cuối cùng ở nhà với ông báo hiệu một sự thật khốc liệt:
– Cháu bà nội, tội bà ngoại! Đời nào mà chẳng thế. Tôi mong ông hiểu cho, để tôi đi cho thanh thản.
– Nghĩa vụ thì phải làm. Cháu nó cứng cáp thì bà lại về với tôi.
– Ông chẳng bà chuộc cả một đời rồi mà ông vẫn chưa chán ư?
– Bát đũa còn có khi xô xát mà.
– Tôi quá mệt mỏi rồi, giờ chỉ mong sự bình yên! – bà Hà nắm lấy tay chồng một lúc rồi buông thõng.
Hàng chục năm rồi mới có một lần nắm tay nhau như vậy! Chỉ tiếc là cái nắm tay để rồi buông thõng…, cho mãi mãi sao?
Ông Tiến đã bay sang Đức hai lần. Trong những ngày ông ở thăm, mọi lời lẽ thuyết phục bà về đều vô ích. Bà Hà một mực: “thỉnh thoảng nếu nhớ cháu, ông chịu khó dành thời giờ bay sang đây. Vé máy bay chúng nó cáng đáng được. Bây giờ tôi chỉ biết có cháu mình, không đi đâu cả…”. Tối nào bà Hà cũng tìm ra cớ này cớ khác để ngủ với cháu ngoại, bỏ ông bơ vơ một mình trong cùng một căn hộ.
Thấy hoàn cảnh bế tắc đó, một người bạn tâm phúc khuyên ông Tiến:
– Đến nông nỗi này hoặc ly dị, hoặc kiếm một bà xồn xồn nào đó sống với nhau ngoài giá thú. Cần thì đổi chỗ ở cho hàng xóm đỡ xì xèo…
– Không đời nào! Thà chết còn hơn!
– Sợ cái đếch gì?
– Trên trông xuống, dưới trông lên, không ổn! Còn thất lương tâm nữa chứ.
– Mày còn gì để mất?
– Còn sống một ngày cũng phải nghĩ cho tương lai.
– Tương lai nào?
– Ai mà không có tương lai riêng của mình.
– Nếu thế thì cứ ôm cái tương lai riêng ấy đi. Đừng than thân trách phận là không có đàn bà để ôm!
Có lần ông Tiến đánh liều, nhận lời rủ rê của người bạn tâm phúc ấy đi karaoke từ A đến… Z. Ông thấy thích lắm! Tuy nhiên ông cũng cẩn thận. Ông ngắm lại mình trong gương, từ bộ mặt, mái tóc, áo quần… Thói quen che đậy buộc ông thốt lên: “Ôi bệ vệ thế này càng không nên liều lĩnh đã biết bao người chết vì thú vui chốc lát này!”
Thắng vẫn là đứa con hiểu cha nhất. Nhiều lần Thắng ra Hà Nội mời bố chuyển vào sống với gia đình mình để ông khỏi ngày ngày cơm niêu nước lọ.
– Cảm ơn con trai. Bao giờ cơ quan chuyển vào Sài Gòn thì bố vào!
– Cỡ bố lên đến chức này là tột đỉnh rồi, sao bố nhất thiết phải bám lấy ngoài đó?
– Con ngu lắm, bố đã đánh đổi cả cuộc đời để…
– Trời đất ơi, câu bố mắng con phải để dành cho bố…
– Tôi đẻ ra anh, mà anh lại định dạy khôn tôi hả? Không đời nào! Thà chết còn hơn!..
– Thôi được, để xem bố còn sức hầu hạ sếp của bố được mấy nhiệm kỳ nữa…
Câu nói ấy của Thắng chẳng khác gì mũi dao đâm vào tim ông, vì nó đúng quá. Đã hai lần Đại hội Đảng rồi, ông chỉ leo được từ chức vụ trưởng lên phó Ban, không cao hơn được nữa.
Hồi ấy không hiểu gặp thầy gặp thuốc thế nào, sau khi đi chữa bệnh ở Trung Quốc về, ông trưởng Ban không ngoẻo mà lại cải lão hoàn đồng, lại còn được đề bạt lên trưởng Ban loại đặc biệt nữa chứ. Hai nhiệm kỳ trôi qua rồi, thế mới chết chứ! Chiếu cố tình chiến hữu cũ, chính ông này đưa ông Tiến lên chức phó Ban, thế chân một số việc ông đang làm.
Nếu không thì ông Tiến đã phải đưa vào diện xét nghỉ hưu từ đời tám hoánh rồi…
Còn một lý do quan trọng nữa khiến ông Tiến không tài nào leo cao hơn được: ông chưa một lần lọt vào danh sách cơ cấu.
Danh chính ngôn thuận người ta giải thích cho ông: thời buổi này cần các nhà kinh tế có trình độ lý luận chính trị. Nhưng giáo sư Đoàn Danh Tiến lại chỉ là nhà lý luận chính trị thuần chủng, cả đời ông chưa bao giờ mua bán một vật gì giá trị cao hơn một chiếc xe đạp, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Ông chỉ cần đường lối chính trị, còn kinh tế vi mô, vĩ mô ông bỏ ngoài tai. Chẳng thế mà thủ trưởng của ông đã cho ông không ít bài học khi ông cầm bút viết về khoán chui, về Kim Ngọc… Ngay cả Hai Hân cũng cho ông vô khối bài học về 125 CP, về kế hoạch 3… thời bao cấp, mỗi lần ông đi công tác bà Hà phải chỉ cho ông biết phân biệt từng loại tem gạo… Nhưng khi bàn về những tiêu thức của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngoài ông ra trong giới học giả chưa ai làm được cái việc đưa các thuộc tính của quốc doanh lên thành nguyên lý, rồi đến cái công thức thần chú… 1+1+1 = 1.
– Bố tự biết mình biết người một tý cho đỡ khổ bố à! – Thắng cố làm cho ông hiểu thân phận mình. Con đường chính diện thì bố không với tới, cơ cấu thì bố nằm ngoài, bố còn hy vọng cái nỗi gì? Chạy ghế cho bố bao nhiêu tiền con cũng lo được. Nhưng bố hết mã rồi…
– Câm! Đừng có mà quen mồm nói nhảm!
– Bố không thấy à, tóc bạc có thể nhuộm được, nhưng tuổi tác trên khuôn mặt của bố và những gì ghi trong lý lịch bố thì lại không mỹ viện nào sửa được! Danh của bố lại nổi quá, không đánh tráo được!
– Tao bảo mày câm đi! Tao đã hy sinh tất cả vì cái đích này! Tao không bao giờ chùn bước! Thà chết còn hơn!
Nếu là ngày xưa, ông Tiến đã đè cổ Thắng xuống giường nện cho mấy roi. Nhưng bây giờ ông không thể rồi, cả về lực và về lý. Tuy vậy, ông Tiến chấp nhận lời khuyên của Thắng đi tập đánh ten-nít và tìm nuôi một người ở gái. Đơn giản là ông muốn, ông thèm, nhưng ông lại… sợ. Mới đầu ông viện mọi lý lẽ phản bác lại, nhiều lúc rất quyết liệt, song cũng có lúc ông bộc bạch thật lòng: “Bố muốn thế lắm, nhưng ngại quá! Trên trông xuống, dưới trông lên. Chẳng gì cũng là một người làm nhiệm vụ cầm cân nảy mực về lý tưởng! Đã gần tới đích. Bố không thể chấp nhận giữa đường đứt gánh… Biết là như thế, muốn là thế, nhưng sợ lắm! Thà chết còn hơn con ạ!