– Song có một trợ thủ hai mặt tôi không thể bỏ qua các anh ạ – Ông Tám nói tiếp – đó là thái độ một mặt thì tự ti trước những thách thức mà đất nước phải đối đầu, mặt khác lại kiêu ngạo tự cho mình độc quyền chân lý, đứng trên lẽ phải về mọi phương diện. Loại cán bộ như vậy không hiếm, có đúng như vậy không các anh?
– Thật không ngờ anh Tám cũng bị dày vò nhiều thế. – Nghĩa kêu lên.
– Điều các anh làm tôi lo nghĩ nhất hôm nay là câu hỏi: Vào giai đoạn phát triển hiện tại của đất nước, Đảng ta lựa chọn cái gì? Hỏi như thế cũng có nghĩa bây giờ Đảng ta ra sao, Đảng ta như thế nào? Câu hỏi này hệ trọng lắm. – Ông Tám đã cầm ly rượu trong tay mà chưa thể uống. – Ông nhìn vào mắt Chính, Nghĩa, rồi tiếp – Chú Học của hai anh tuy là người sống xa đất nước, nhưng chỗ này tôi thấy ổng có lý, Đảng không vững mạnh tay chèo, con thuyền dân tộc sẽ rơi vào thảm họa. Tấm gương sự kiện Thiên An Môn còn đó. Tôi coi sự kiện Thái Bình là tiếng còi báo động, nguyên nhân của sự việc chủ yếu là do sự sa đọa của đảng bộ và chính quyền địa phương.
– Nhưng cứ vin vào giữ vững ổn định để không làm gì, để bảo thủ thì có được không anh Tám? – Lê Hải phản ứng lại.
– Phân tích riêng hiện tượng đục nước béo cò trong sự kiện Thái Bình, cò nội, cò ngoại, các loại cò.., tôi càng tin rằng ổn định và phát triển mới là lối thoát, là tương lai. Về điểm này Đảng ta đúng.
Ông Tám dừng lại nhấp giọng một chút rồi tiếp rượu cho mọi người, và tiếp:
– Tôi rất tán thành một nhận xét quan trọng của anh Nghĩa và muốn nói lại cho rõ thế này: Trong mỗi giai đoạn cách mạng, tất cả những cuộc điều chỉnh chiến lược thành công lớn của Đảng ta từ ngày thành lập cho đến ngày nay đều chung một nội dung là phát huy tốt hơn nữa ngọn cờ dân tộc và dân chủ cho phù hợp với đòi hỏi của từng giai đoạn cách mạng. Các anh có chịu như vậy không?
Câu hỏi khiến mọi người cân nhắc thận trọng. Cuối cùng đều đồng tình với ông Tám.
Ông Tám nói tiếp:
– Thế nhé, điều bất biến này hệ trọng lắm các anh à! Nhưng anh Nghĩa đã nói A mà chưa nói B. Theo tôi phải bổ sung thế này: Cuộc điều chỉnh nào cũng phải trả giá, nhiều khi rất đau đớn! Những ai đã từng hoạt động địch hậu như anh Lê Hải và tôi có lẽ đều dễ cảm nhận điều này từ trong da thịt mình, xương tủy mình. Có phải vậy không anh Lê Hải? Theo tôi, Bác Hồ là người phải trả giá đầu tiên và sớm nhất các anh ạ! Các anh còn nhớ Bác đã phải trả giá như thế nào khi phát hiện ra những đặc điểm cách mạng dân tộc và dân chủ ở phương Đông chứ(*)? [(*) Tìm xem những quan điểm của Nguyễn Ái Quốc thời kỳ 1924… về cách mạng ở phương Đông (Hồ Chí Minh toàn tập).]
– Nhớ, anh Tám ạ. Như thế là anh Tám cũng nghĩ giống tôi. – ông Chính đáp ngay.
– Những suy nghĩ của Bác vào khoảng năm 1924 là như thế… Về đoạn này anh Ba giảng cho tôi kỹ lắm, gần hết cả một tuần trong thời gian chúng tôi làm việc trong rừng đước để tránh giặc càn quét… Thời kỳ ấy chiến tranh rất ác liệt, vì đang giành giật nhau trong đàm phán Hiệp nghị Giơ-ne-vơ 1954… – Ông Tám lục lọi trí nhớ – Các anh ạ, anh Ba giảng cho tôi không có sự trả giá này chắc gì Đảng ta đã tìm ra con đường dẫn tới Cách mạng Tháng Tám? Các anh thử nhìn lại xem, tại sao ở tất cả các nước thuộc địa có Đảng Cộng Sản hoạt động hồi bấy giờ, nhiều đảng rất mạnh, có đảng còn lớn hơn Đảng ta nữa… Thế nhưng, duy nhất chỉ có Đảng Cộng Sản Việt Nam tận dụng được cơ hội chung và làm nên Cách Mạng Tháng Tám? Tôi còn muốn nói là không có con đường dân tộc và dân chủ Bác đã lựa chọn cho Đảng ta, sẽ không có con đường đi tới những thành quả cách mạng hôm nay! Có phải vậy không các anh?
– Trời ơi, tôi được đi học bao nhiêu lớp chính trị mà thu hoạch không nhiều như câu kết luận quan trọng bữa nay của anh Tám! – Ông Chính kêu lên, tay nâng cao cốc rượu về phía ông Tám. Tất cả đều hưởng ứng.
Ông Tám ngẫm nghĩ một lúc rồi mới nói tiếp:
– Cốt lõi đường lối cách mạng nước ta từ ngày thành lập Đảng cho đến nay chính là con đường Bác đã lựa chọn, Bác đã vạch ra. Chính vì thế tôi ngày càng tin rằng các mục tiêu cách mạng trong thời kỳ xây dựng đất nước chỉ có thể đạt dần từng bước theo các bước của phát triển trên con đường ấy. Nói nôm na là kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị phát triển đến đâu, nội dung tiến bộ của sự nghiệp cách mạng sẽ được nâng theo đến đấy… Hiển nhiên là phải đi trên con đường dân tộc và dân chủ. Không thể khác được! Tôi coi đấy chính là con đường hiện thực đi tới dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nói như vậy có xuôi tai không các anh?
– Hay lắm. Anh phân biệt rất rõ con đường và mục tiêu. – Ông Chính đáp.
– Nói thế anh Tám không sợ bị quy kết là xã hội dân chủ chứ? – Lê Hải hỏi ngay.
Ông Tám chần chừ một lúc:
– Tôi vốn có thói quen xét đoán mọi việc bằng nhận thức của mình, bám vào lý tưởng và lấy cuộc sống làm thước đo. Cái bệnh kinh niên của tôi là không quan tâm đến lý luận, đã bao phen bị quy kết là thực dụng rồi! Thực lòng cho đến hôm nay tôi vẫn chưa hề tìm đọc một tý gì về chủ nghĩa xã hội dân chủ!
– Nếu không lầm lẫn giữa con đường và mục tiêu, nếu coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng thì không thể bác lại con đường dân tộc và dân chủ được, có phải thế không các anh? – Ông Nghĩa hỏi mọi người.
– Sắp tới cọ xát với thế giới có lẽ lại càng phải như vậy các anh ạ. Tôi e rằng chúng ta bây giờ vẫn chưa thấm nhuần tư tưởng vĩ đại của Bác!
– Ôi đúng quá, anh Tám!
– Chịu anh Tám!
– Đảng ta bây giờ cũng dám chịu trả giá chứ anh Tám? – Lê Hải hỏi.
– Trả cái giá nào? – ông Tám hỏi lại.
– Vứt bỏ cái tha hóa của mình!
– Nghe ngon sớt anh Hải! Nghĩa là vứt bỏ một phần chính mình đấy!
– Không có cách nào khác anh Tám ạ. – Lê Hải đáp. – Anh nói đúng đấy, suy cho cùng dân tộc và dân chủ lúc nào cũng liên quan mật thiết đến Đảng lựa chọn cái gì, Đảng là gì và phải như thế nào? Mà như thế Đảng luôn luôn phải tự xác định lại mình trong mỗi giai đoạn cách mạng, có phải vậy không các anh? Mỗi bước xác định lại như thế là một bước xóa bỏ tha hóa đấy!
Ông Tám trầm ngâm, đồng tình:
– Đúng như vậy các anh ạ. Đã hơn hai chục năm trôi qua, trong tôi vẫn day dứt mãi câu hỏi của bà sáu Nhơn trong buổi nói chuyện lần đầu tiên với bả trong Thành phố! Bả hỏi tôi: Đảng lãnh đạo dân tộc kháng chiến thành công rồi, có phải bây giờ bả là thành viên của một dân tộc tự do, chủ nhân của một quốc gia độc lập không? Chính câu hỏi của bả khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều về Đảng của chúng ta. Hôm nay các anh lại đụng chạm quyết liệt vào vấn đề này…
Ý kiến của ông Tám làm sống lại những ngày ông Nghĩa trao đổi hết nhẽ với ông già Học về đất nước mình, dân tộc mình, về Đảng mình. Hôm nay ông lại càng hiểu thêm nhiều điều sâu sắc. Đang tranh luận sôi nổi như thế, ông rơi thỏm vào bao điều lo lắng mới..
Câu chuyện giữa những người tâm đầu ý hợp, những người canh cánh lo cho vận nước kéo đến khuya.
Lao vào công việc thì thôi, nhưng hễ bước chân về đến nhà, ông Đoàn Danh Tiến không làm sao chống cự nổi sự hiu quạnh của mình. Nhiều lúc bí quá, ông lôi các bài viết cũ của mình ra xem. Lặp đi lặp lại có lúc như một thói quen vô tri vô giác, ông lần lượt giở các trang giấy, nhưng mắt hình như cứ nhìn xuyên qua các trang giấy nên chẳng đọc được chữ gì…
Ngay cả cái công thức thần chú “Đảng + chính quyền + xí nghiệp quốc doanh = 1…” này cũng làm ông ngấy chán vì ông đã mang nó ra xài nhiều quá, đã thế sự hưởng ứng lại không diễn ra như ông mong đợi. Đến nay ông không thấy nơi nào ho he phê phán công thức này, nhưng sự ca tụng nó thì quá nhạt nhẽo, ông không thoả mãn. Tuy đã có sự mặc cả với nhau, thế mà trước sau ông trưởng Ban đến nay vẫn chưa có một lời khen công khai nào cho công thức này.
Mất hết kiên nhẫn, ông Tiến thôi thúc ông trưởng Ban, nhưng bị vặc lại:
– Công thức này anh dựa trên nghị quyết nào, quan điểm nào?
– Dạ thưa anh, không có một nghị quyết nào của Đảng là không nhắc nhở phải quán triệt định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhất là thời buổi cách mạng khoa học kỹ thuật này…
– Anh nói cái gì đấy? – Ông trưởng Ban ngạc nhiên.
– Dạ thưa anh thời buổi khoa học này cái gì cũng phải được minh giải bằng tiêu chí, bằng công thức ạ. – ông Tiến phản công.
– Tôi vẫn chưa hiểu.
– Thưa anh, Đảng, xí nghiệp quốc doanh và chính quyền thống nhất làm một như thế thì không thể sai được ạ! Thật là rõ ràng, đơn giản, dứt khoát, có mà chệch hướng đằng giời!
– Nghĩa là anh muốn diễn đạt yêu cầu quán triệt nghị quyết bằng một công thức cho dễ nhớ? – Trưởng Ban ngoặt ngoẹo lắc đầu.
– Anh đã hiểu đến thế mà vẫn còn truy bài đồ đệ của mình!
– ???
Thấy trưởng Ban hình như bí, trong lòng ông Tiến hôm ấy sướng rơn.
Sau này, nhiều lần hễ cứ nhớ lại cuộc đối thoại ấy, ông Tiến vẫn còn thấy sướng, mặc dù có lúc ông nghi ngờ, không xác định được là vị thủ trưởng khen hay chê mình.
Nhiều lúc ông Tiến bấu víu được một ý nghĩ nào đó trong đống các bài viết của mình, đôi khi cả một hai trang đắc ý. Ông tự đọc to lên như đang diễn thuyết cho mình nghe. Rồi gật gù, tấm tắc, tự đối thoại với chính mình… Cao hứng, ông tự vỗ đen đét vào đùi mình, để có cảm giác mình đang đối thoại với một người thật nào đó trước mặt. Song cái trò hưng phấn tự tạo này chẳng bền…