– Nhưng làm sao?
– Nhưng phần tóm tắt các tài liệu mật của Khmer đỏ làm tôi lo ngại hơn anh ạ. Tôi e rằng đây mới chỉ là màn dạo đầu của một trò chơi lớn nào đó…
– Uống nước đi. – Thiếu tướng châm cho trung tá và cho mình điếu thuốc mới. – Nếu đây mới chỉ là màn dạo đầu…
– Vâng. Khmer đỏ không thèm giấu diếm ý đồ phát động một cuộc chiến tranh lớn. Vũ khí cầm tay khá hiện đại, toàn loại mới nhất của Trung Quốc.
– Thông thường ý đồ một cuộc chiến tranh không ai nói trắng trợn ra đằng miệng như Khmer đỏ – ngẫm nghĩ một lúc, Nghĩa nói tiếp: – Tôi thấy Khmer đỏ rõ ràng vừa tự cổ vũ, vừa muốn uy hiếp chúng ta. Thoạt nghĩ, tôi tưởng họ liều lĩnh… Song nghĩ kỹ, người chủ mưu việc này đi một nước cờ nham hiểm anh Hải ạ. Đánh ta vào lúc dễ tập hợp lực lượng nhất, vào lúc ta dễ bị chấn thương nhất!
– Chẳng lẽ CIA thính mũi đến thế? Trước khi chiến tranh kết thúc CIA vẫn cho rằng Trung Quốc, Mỹ và nhiều thế lực khác không thể chấp nhận Hà Nội toàn thắng!
– Bao giờ chẳng thế, chiến thắng của người này là thất bại của người khác. Họ không để chúng ta yên đâu. Rõ ràng đang có một tập hợp lực lượng mới, chung nhau chủ đề ngăn chặn ảnh hưởng Việt Nam. Họ không thể chấp nhận một Việt Nam làm đảo lộn so sánh lực lượng khu vực, tạo lợi thế riêng cho một bên nào.
– Sao? Việt Nam là kết tinh của độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Xu thế thời đại là quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới cơ mà!
– Lúc này mà anh còn thử thách tôi. – giọng Nghĩa có vẻ bực bội.
– Đừng giận. Anh có lý. Sau 30 tháng Tư, các nước ASEAN muốn bình thường hoá quan hệ với nước ta thật nhanh, ta không thèm để ý tới. Nhưng bây giờ họ trở mặt.
– Như thế là hoàn toàn lô-gích về phía họ. Chỉ có ta chậm hiểu thôi anh ạ. Làm cho Việt Nam lúc này gặp khó khăn hay bị lên án thì Mỹ đỡ mất mặt, Trung Quốc cũng có lợi, họ được chia phần. Lập trường nguyên tắc của các nước ASEAN không phải là đi với ai vĩnh viễn, mà chỉ muốn vĩnh viễn thực hiện lợi ích quốc gia của họ… Rõ ràng là trong quan hệ quốc tế họ trung thành với quan điểm của Palmerston(*) [(*) Henry John Temple Palmerston (1784 – 1815), ngoại trưởng và Thủ tướng Anh, có câu nói nổi tiếng về quan hệ đối ngoại: “Không có bạn vĩnh viễn, không có kẻ thù mãi mãi, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh cửu”.] như đã có lần tôi báo cáo với anh.
Nhận xét của Nghĩa khiến tướng Lê Hải băn khoăn:
– Quả là lâu nay tôi chỉ mải mê đánh giặc, cho rằng những loại chuyện tọa sơn quan hổ đấu lỗi thời rồi… Khi bàn về thời kỳ hậu chiến, tôi thật sự không chú ý chuyện này lắm. Đầu óc hầu như bị hút hết vào câu hỏi: Làm thế nào mau chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy nhanh xây dựng lại đất nước?
– Bây giờ cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng.
– Để Khmer đỏ quậy phá liên miên thì nước ta không ổn định. Ta trừng phạt đích đáng Khmer đỏ thì nhiều kẻ sẽ lu loa nước lớn ăn hiếp nước bé. Không trừng phạt đích đáng thì cái họa Khmer đỏ đối với nước ta không lường được. Mưu đồ thâm ác quá anh Nghĩa ạ.
– Anh phán đoán gì về các chương hồi tiếp theo?
– Đừng quên là nếu phải chiến đấu ở chiến trường Campuchia, sẽ hoàn toàn không đơn giản cho bộ đội ta.
– Anh đúng là ông tướng thiện chiến!
– …
Phòng làm việc của tướng Lê Hải mịt mù khói thuốc. Ông Hải và Nghĩa có thói quen giống nhau là khi bàn bạc hay viết lách gì là đốt thuốc liên tục. Ông rót tách nước chè mới đưa cho Nghĩa, rồi nói tiếp:
– Tôi không biết nhiều lắm về Pôn-pốt và Yêng-sa-ry, nhưng cách đây một vài năm tôi được đọc một vài bài giảng chính trị của Khiêu-sam-phan cho Khmer đỏ, sặc mùi xô-vanh chống Việt Nam.
– Tung đòn Khmer đỏ, họ đánh một lúc bốn, năm mục tiêu!
– Phải thừa nhận đây là một tính toán chiến lược cao thủ. – Tướng Lê Hải đặt điếu thuốc xuống cái gạt tàn, hai tay ôm chén trà, suy tư.
– Xưa nay chúng ta vận dụng lập trường giai cấp, thực chất là dựa vào ý thức hệ để xem xét mọi vấn đề đối ngoại. Bây giờ anh thử điểm danh từng thành viên của tập hợp lực lượng chống ta trong vấn đề Campuchia. Có lẽ đây là điều chúng ta nghĩ chưa tới tầm. Tôi ngờ là như vậy.
– Nói như anh thì vụ Ussuri(*) [(*) Xung đột vũ trang lớn trên biên giới Xô – Trung tại vùng sông Ussuri 1969.] đã xảy ra được trong quan hệ Xô – Trung, thì chẳng có gì bảo đảm những sự việc tương tự như thế không xảy ra với nước ta?
– Vâng. Có thể lắm anh Hải ạ. Anh hiểu đúng ý tôi.
– Chà chà… Sau Thông cáo chung Thượng Hải(**) [(**) Ký kết năm 1972, mở ra bước ngoặt hòa hoãn Mỹ – Trung, tác động nặng nề vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam.], đến Hoàng Sa(***)[(***) Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, ngay sau khi hiệp định Paris được ký kết.]… Nếu tấn công của Khmer đỏ chỉ là dạo đầu một chương hồi mới thì toàn bộ câu chuyện sẽ là một thảm kịch đấy!…
– Vâng. Chính đây là một thứ diễn biến tình hình chúng ta không chịu làm quen anh ạ.
– Trong đánh giặc, lúc nào tôi cũng tự nhắc mình phải biết ta, biết địch. Qua câu chuyện hôm nay, thú thật tôi chưa dám nói chúng ta biết mình, biết người trong cái bàn cờ thế giới hôm nay!
– Sau mấy năm tham gia tổng kết hai cuộc kháng chiến, nói chúng ta mặt này mặt khác còn ấu trĩ thì cũng không oan anh Hải ạ. Trong cái thế giới ranh ma này có điểm này điểm khác chúng ta ngu hơi lâu.
– Nói cái gì thế anh Nghĩa? Ngồi trong phòng này với nhau thì được. Nhưng ở nơi khác thì phải giữ mồm giữ miệng đấy.
– Tất nhiên. Tất nhiên. Chỉ nói với anh thôi! – Nghĩa nhích lại ngồi sát vào Lê Hải rồi mới nói tiếp: – Đã lâu rồi, xâu chuỗi các sự kiện lịch sử lại với nhau, tự nhiên tôi bật ra câu hỏi tại sao suốt hơn một thế kỷ nay, dân tộc ta cứ phải luôn luôn đương đầu với mọi tham vọng của các thế lực lớn nhỏ đủ loại. Hết thực dân Pháp, lại phát xít Nhật, Tàu Tưởng, rồi đế quốc Pháp trở lại, rồi đến đế quốc Mỹ, rồi cả những kẻ theo đóm ăn tàn… Đến Khmer đỏ cũng đánh ta nữa thì thật là quá quắt. Người Trung Quốc muốn gì? Chẳng lẽ kẻ lớn, người bé, ai muốn làm gì với đất nước ta cũng được hay sao hả anh Hải?
– Câu hỏi quá thể đấy anh Nghĩa ạ!
– Câu hỏi không thể trốn tránh được anh ạ. Chẳng lẽ dân tộc mình sinh ra chỉ là để hứng chịu chiến tranh?
– Phải, phải… Sự việc lặp đi lặp lại dưới dạng này dạng khác, khiến tôi nhớ đến câu chửi đổng của các bà mẹ của chúng ta: “Chém cha cái thằng lịch sử! Mày là cái thá gì mà cứ đến bắt mãi con cháu bà đi như thế, hết đứa này đến đứa khác!..” Tôi đã được nghe các chiến sĩ ta kể câu chửi này không biết bao nhiêu lần. Họ biến câu chửi thành chuyện cười ra nước mắt!
– Trí tuệ dân gian mà anh! Thâm thuý vô cùng. Anh xem, trong lịch sử hiện đại có dân tộc nào trên thế giới phải đương đầu với những thách thức ghê gớm suốt thời gian dài như thế không?
– Trong vòng ba, bốn tháng Khmer đỏ đã quét sạch hết dân chúng ra khỏi Phnôm-pênh, giết chóc vô cùng dã man. Báo chí nhiều nước tố cáo Khmer đỏ phạm tội ác diệt chủng, nhưng lại chỉ nói qua loa các vụ đánh phá biên giới tàn sát dân ta.
– Tin mới nhất cho biết Khmer đỏ đã quản thúc Sihanouk, giết một số con cháu ông ta. Thế nhưng họ vẫn một cánh với nhau anh Hải ạ!
– Nhìn theo con mắt quân sự, tôi không lo ngại lắm chuyện đánh đấm của Khmer đỏ. Nhìn theo con mắt chiến lược, tôi thực sự lo ngại mối câu kết trong tập hợp lực lượng này. Bây giờ anh về viết lại những điều chúng ta vừa trao đổi thành bản nhận định của Viện ta để trình lên trên đi. Nói thẳng, nói hết.
– Vâng, tôi sẽ làm. Tôi có điều này không biết có nên nói ra không, anh Hải…
Tướng Lê Hải chăm chăm nhìn vào gương mặt chợt hiện lên đôi nét dè dặt của Nghĩa. Ông không nói ngay, mà muốn đoán xem sự dè dặt này nói lên điều gì. Khi đặt vấn đề xin giải ngũ, Nghĩa cũng không giấu được sự dè dặt như thế. Chẳng lẽ lại chuyện này…
Mãi rồi Lê Hải mới đặt chén nước chè đã uống hết từ lâu xuống bàn:
– Anh nói đi.
– Đây mới chỉ là một ý nghĩ ám ảnh trong đầu tôi thôi…
– Là lính sao mà quanh co thế?
– Từ rất lâu rồi, dài dòng và khó diễn đạt lắm…
Nghĩa châm điếu thuốc mới, lặng lẽ rót nước cho cả hai, rít liền mấy hơi nhưng vẫn ngồi im. Lê Hải cũng rít thuốc, chờ đợi. Ông hiểu câu chuyện Nghĩa muốn nói hẳn là khó nói…
– Anh Hải ạ, tôi sẽ làm bản đánh giá tình hình theo tinh thần anh vừa nói. Ôn lại chuyện cũ, tôi đắn đo lắm… Lâu nay chúng ta mới chỉ nhấn mạnh một phía.
– Phía nào?
– Chúng ta thường nhấn mạnh đến khía cạnh cuộc đấu tranh giàu chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc ta. Nhưng hình như đó chưa phải là tất cả những thách thức nước ta phải đối phó.
– Anh nói rõ hơn nữa xem nào.
– Phải chăng về đại cục nước ta thắng lớn các cuộc chiến tranh xâm lược, nhưng vẫn ở trong thế bị động về chiến lược? Hình như chính suy nghĩ của anh cũng đang lần mò theo hướng này.
– Bị động chiến lược như thế nào?
– Bị động chiến lược trong cái bàn cờ lớn của thế giới!
– Nói cái gì thế? – Lê Hải như bị điện giật.
– Lùi thật xa mọi sự vật để nhìn lại cho rõ thì câu chuyện có lẽ là như thế…
Lê Hải đứng dậy, đi đi lại lại, một lúc sau mới quay về phía Nghĩa:
– Có thể… Có thể… Nếu đúng như vậy, cái gì là nguyên nhân gốc hả Nghĩa?