– Các anh muốn đa nguyên, đa đảng có phải không? – Ông Tám hỏi lại.
– Anh Nghĩa nói trước đi. – Lê Hải nhường lời.
– Vâng, tôi xin nói suy nghĩ của mình. Tôi đã tranh luận nát nước với ông chú tôi về chuyện này. Tôi thật không ngờ chú tôi đưa ra nhận định mà tôi không thể nào bác được. Ông cụ cho rằng câu chuyện bây giờ là Đảng ta lãnh đạo như thế nào, chưa phải lúc là câu chuyện đa nguyên đa đảng! Chú tôi nêu ra nhiều lý lẽ có cân nhắc. Cái chính là chú tôi cho rằng Việt Nam ta chịu đựng chiến tranh và đau khổ quá nhiều rồi, trình độ phát triển còn thấp hơn Nga, nên không thể làm như ở Nga. Cái phúc lớn nhất cho đất nước là bây giờ có công cuộc đổi mới Đảng ta đã lựa chọn. Chú tôi cho rằng không có gì đền đáp xứng đáng hơn những hy sinh to lớn của dân tộc ta từ hơn thế kỷ nay là đi tiếp trên con đường đổi mới tự ta đã vạch ra. Nhưng ông cụ buồn tủi vì tự cho là mình không đủ tư cách để chính mình được trực tiếp nói lên điều hệ trọng này với Đảng của chúng ta!
– Chú anh nói hẳn ra như thế hả anh Nghĩa? – Ông Tám rất lấy làm lạ.
– Vâng. Còn nhiều điều nghiêm trọng hơn thế nữa cơ, anh Tám ạ.
– Thực là con người rất tự trọng. Những lời nói đầy tâm huyết, các anh ạ!.. – Ông Tám thốt lên.
– Tôi nghĩ rằng đổi mới mà làm không nổi, lại quay sang chạy theo đa nguyên đa đảng, thì đấy là chạy theo sự cám dỗ hủy diệt. – Nghĩa cả quyết.
– Sự cám dỗ huỷ diệt! Hay lắm, hoan nghênh cái đầu chịu khó suy nghĩ của anh Nghĩa. – Lê Hải chạm cốc với Nghĩa rồi mời mọi người chạm cốc.
– Cũng chính ông chú tôi đã đưa tôi đến nhận định dứt khoát đó!– Ông Nghĩa nói thêm.
– Nghĩa nói rõ thêm về sự cám dỗ hủy diệt xem nào, tôi chưa được thuyết phục lắm. – Ông Chính băn khoăn.
Dòng chảy câu chuyện cuộn lại, khúc mắc, vì tính nghiêm trọng của vấn đề nó gặp phải.
– Câu chuyện mùi mẽ lắm. Còn ngồi lại với nhau được hết tối nay không? – Ông Tám nâng cốc và hỏi mọi người.
– Anh Tám phải coi lại còn bao nhiêu rượu nữa! – Lê Hải nói.
– Bỗng trở thành bợm rượu hết rồi phải không? – ông Tám cười. – …Giá mà bê được những câu chuyện lúc trà dư tửu hậu như thế này vào bộ não của đất nước, vào các học viện, các cơ quan nghiên cứu thì hay biết mấy, thôi được, bây giờ câu hỏi của tôi là thế này, – ông Tám quay sang Nghĩa: – Đảng ta lựa chọn mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sao anh lại chỉ nói đến sự phát triển khách quan của đất nước? Đấy là hai vấn đề khác nhau à? Hay là anh đối lập hai chuyện này với nhau?
Ông Nghĩa cân nhắc một lúc rồi nói:
– Anh Tám ạ, anh Lê Hải và tôi mỗi lần đụng đến câu hỏi tương tự như anh nêu ra, không thể không nhìn lại lịch sử anh ạ. Anh xem, ngay từ ngày thành lập, Đảng ta đã ghi trong cương lĩnh của mình lý tưởng xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Khởi nghĩa Xô viết Nghệ Tĩnh là cuộc tập dượt thì không nói làm gì, song từ Cách mạng Tháng Tám trở đi Đảng ta đã không dưới một lần điều chỉnh lại chính mình để giành thắng lợi. Từ hai cuộc kháng chiến cho đến công cuộc đổi mới ngày nay lại càng như vậy! Cốt lõi của tất cả những lần điều chỉnh lớn này đều là bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa yêu cầu giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ. Vậy thì không thể nói là Đảng ta không trung thành với lý tưởng của mình, có đúng thế không anh Tám?
– Anh cứ nói tiếp đi.
– Anh Tám nghĩ lại xem, bao nhiêu lần thực hiện những điều chỉnh mang tính chiến lược như vậy, Đảng ta lúc nào cũng chỉ nhằm thực hiện cái đích duy nhất là tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên. Có phải như vậy không? Đánh giặc thì lấy thắng địch làm chuẩn, làm thước đo. Ngày nay xây dựng và bảo vệ đất nước phải lấy dân chủ và phát triển làm chuẩn, làm thước đo. Có dân chủ và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước sẽ có tất cả. Anh Tám có đồng ý như vậy không?
– Anh Tám ạ, – Lê Hải bổ sung thêm cho Nghĩa: – Đừng tư duy theo kiểu gọt chân cho vừa giày, đừng bắt cuộc sống phục vụ cho chủ nghĩa, chúng ta sẽ làm rõ được nhiều vấn đề các anh ạ!
– Hay lắm, nhân thể anh Lê Hải nói về chủ nghĩa, – Nghĩa tiếp lời luôn: – đây lại thêm một vấn đề hệ trọng nữa các anh ạ. Tôi đã ba chìm bảy nổi trong tranh luận với nhiều người về đề tài này. Tôi chỉ muốn nói gọn lại thế này, hình như đang có hiện tượng thông tục hoá học thuyết Mác để biện minh điều này điều nọ. Thú thực, tôi còn nghi ngờ là học thuyết Mác đang được dạy, đang được học là học thuyết Mác ít nhiều được thông tục hoá trên phương diện này hay phương diện khác. Việc làm này thể hiện ở chỗ chỉ thích nhặt ra từ Mác những gì thích hợp với khẩu vị, nhưng lại quên mất là Mác, nhất là Ăng-ghen đã nhiều lần nhắc nhở những sai lầm. Chính Mác và Ăng-ghen về sau cũng tự cải chính nhiều điều. Khoa học thì phải như vậy… Tôi có cảm tưởng một số nhà lý luận của chúng ta sính câu chữ nhưng lại không thích trung thành với lý tưởng cách mạng Mác nêu lên(*). Anh có thấy thế không?
– Nghĩa định gọi kiểu lý luận này là học thuyết Mác giả hiệu à? – Ông Chính hỏi.
– Chưa hẳn thế. Em không dám… – Nghĩa chần chừ: – Để còn xem đã. Nhưng theo em rõ ràng là có sự thông tục hoá học thuyết Mác, do những hạn chế về trí tuệ, hoặc do ít nhiều có lòng tin chân thực vào những điều đã được thông tục hoá, hoặc tệ hơn nữa là do tha hóa!
– Nghĩa hôm nay uống hơi nhiều có phải không? – ông Chính lại muốn kiềm chế em mình, song nói tiếp ngay: – Xem lại “Đường Kách mệnh” [ (*) Tìm đọc Góp vào lịch sử đồng minh của những người cộng sản – lời tựa của Ăng-ghen cho cuốn Sự thật về vụ án những người cộng sản ở Cô-lô-nhơ, in trong Tuyên ngôn Cộng sản, NXB Sự Thật, Hà Nội 1983, từ trang 73… Tìm đọc (a) lời tựa của Mác và Ăng-ghen ngày 24-06-1872 cho lần xuất bản Tuyên Ngôn Cộng sản cùng năm; (b) Về vấn đề xã hội ở Nga, C. Mác – P. Ăng-ghen toàn tập, tập 18, trang 751.., NXB Sự Thật, Hà Nội; (c) Thư của Ăng-ghen ngày 13-9-1892 gửi Kauski trong Marx – Engels toàn tập, tiếng Nga, tập 38 trang 108, NXB CCT Matxcơva và một số bài khác của nguyên tác tiếng Đức…] , đọc lại nhiều bài Bác viết, gần đây lại mới xuất bản Hồ Chí Minh toàn tập, cuốn “Hồ Chí Minh trên đường về nước”.., nhất là xem lại những quyết định, quyết sách của Bác vào những thời đoạn quyết định của lịch sử, của sự nghiệp cách mạng, tôi có cảm tưởng Bác hiểu về chủ nghĩa Mác rất khác với những gì tôi được học trong các lớp chính trị, có phải thế không Nghĩa? Chẳng thế mà ngay từ hồi ấy Bác long đong mãi với Quốc tế Cộng sản… – Ông Chính nhận xét.
– Có lẽ như vậy, anh Chính ạ.
– Thế nhưng phải đặt câu hỏi tại sao Bác Hồ lại có thể hiểu và vận dụng học thuyết Mác theo tư duy riêng của chính mình. Chẳng lẽ Bác là ông thánh à? – vẫn ông Chính nêu câu hỏi.
– Ông thánh thì chắc chắn không phải rồi, nhưng có lẽ vì Bác có trí tuệ mẫn tiệp. Nhưng trên hết cả có lẽ vì Bác có khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp! Cái tâm quyết định cái học! Các anh có cách lý giải nào khác không? – Ông Tám hỏi mọi người.
Cả Lê Hải và Nghĩa đều gật đầu, tán thưởng. Hai người xin phép ra ngoài hút điếu thuốc. Ông Chính và ông Tám ngồi lại nói chuyện với nhau.
Hết điếu thuốc quay trở vào, Nghĩa là người nói trước:
– Tôi chỉ xin dựa vào lịch sử tìm cách lý giải câu hỏi của anh Chính, có thể nặng về cảm tính. Đời Trần có Diên Hồng chính là nhờ bắt đầu từ chữ tâm! Vua hỏi dân, dân bàn với vua không thể thiếu chữ tâm này. Diên Hồng là dân chủ nảy nở từ chữ tâm! Các anh thử nghĩ lại xem, tôi e rằng ngày nay trong thời bình xây dựng và bảo vệ đất nước chúng ta chưa có đỉnh cao Diên Hồng các anh ạ! Dẫn chứng thứ hai tôi muốn dựa vào tư tưởng của Nguyễn Du trong câu thơ Kinh không chữ mới là chân kinh(*) [(*) Trong bài thơ Đài đá chia kinh.]! Có cách nào diễn đạt lý tưởng rõ hơn thế không? Cách học tập, cách tiếp nhận một đạo lý như thế, tôi không còn lời nào để nói! Phải chăng chúng ta đã đủ trí tuệ, đủ tâm đức học tập chủ nghĩa Mác với chữ tâm như thế? Với trí tuệ như thế? Tuy nhiên tôi thừa nhận đây chưa phải là sự lý giải bằng khoa học.
– Thôi được, chuyện chứng minh khoa học sẽ tính sau. Nhưng anh Nghĩa, cố không nói chay xem nào! – Ông Tám vẫn chưa chịu.
Nghĩa suy nghĩ một lúc, rồi nói tiếp:
– Anh Tám ạ, lẽ ra tôi phải hỏi anh là đã bao nhiêu lần chúng ta phạm sai lầm đốt cháy giai đoạn? Anh nói thật đi! Cứ cho là phạm sai lầm một cách thành tâm đi!
– Anh chàng này quả là ngoan cố có hạng – Ông Tám nhận xét.
– Nghĩa ơi, ngồi đây nói năng như thế thì được, ngoài công khai mà nói thế thì không ổn! – Ông Chính can em mình.
– Anh thấy chưa! Thế mà vẫn cứ nói là cần nhìn thẳng vào sự thật! – Ông Nghĩa chộp ngay suy nghĩ của ông Chính.
– Thôi thôi, không sa đà vào chuyện này nữa, nói tiếp đi anh Nghĩa! – Ông Tám nhắc.
– Các anh ạ, cho đến nay chúng ta chỉ lo kinh tế thị trường hàng ngày hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản, nhưng lại không lo thông tục hoá chủ nghĩa và tha hoá đang hàng ngày hàng giờ đẩy chúng ta xa rời lý tưởng của Mác… Hình như chúng ta đang nhân danh Mác đắp điếm những tha hóa của chúng ta!!!
– Nhận xét này được đấy. Đáng được thưởng! – ông Tám nâng cốc và giục mọi người.