Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Thật không còn gì để nói – Nghĩa gầm lên – Anh là kẻ phản phúc!

Nghĩa không bao giờ trở lại cơ quan nữa.

Lúc trấn tĩnh lại, Nghĩa cũng thấy, việc mình tự ý bỏ cơ quan như vậy là sai với quân phong quân kỷ. Suốt cuộc đời người lính, đây là lần đầu tiên Nghĩa phạm một lỗi nặng như vậy, một hành động bỏ ngũ, một hành động phản kháng! Nghĩa đau đớn nhận ra điều này nhưng ông không vượt qua được chính mình.

Ông nằm bẹp ở nhà, bèo nhèo như một người ốm nặng.

Lê Hải đến hỏi thăm, Nghĩa cũng chỉ đứng từ xa, hai tay xua xua vài cái, cúi gập người xuống chào rồi quay về phòng riêng, bỏ bạn một mình.

Ngay cả khi ông bà Chính đến thăm, Nghĩa cũng chỉ chào rồi quay trở vào khoá trái cửa. Mấy tuần liền ông như đột nhiên cấm khẩu, luôn luôn tìm cách ngồi một mình.

Khoảng mười tuần sau, một sĩ quan của Viện mang đến cho Nghĩa đầy đủ các giấy tờ của thủ tục nghỉ hưu, sổ lương hưu, tiền nong cho lương các tháng chưa lĩnh và các loại chế độ, hồ sơ chuyển đảng tịch của Nghĩa về khu phố. Lúc ấy Nghĩa trọn 41 năm tuổi quân và 40 năm tuổi Đảng.

Tự tay bà Nguyệt kiểm lại từng thứ, bà kêu lên:

– Ha ha… Đủ hết! Chỉ còn thiếu mỗi cái quyết định thi hành kỷ luật về tội tự ý rời bỏ quân ngũ thôi, đồng chí cầm đèn chạy trước ô-tô ạ! – Nguyệt cố làm cho Nghĩa cười lên một tiếng.

– Nguyệt ơi, viết dùm anh mấy chữ nhắc nhở ông viện trưởng về thiếu sót này, nhân thể bảo ông ấy xác nhận luôn cái nghề mới của anh! – giọng Nghĩa lạnh băng, mặc dù là ông cũng đang cố tìm cách nói đùa với vợ cho khuây khỏa.

– Có bao giờ anh nghĩ rằng anh từ giã cuộc đời quân ngũ của mình như thế này không, anh Nghĩa?

– ???

Câu hỏi vô tình của bà Nguyệt làm ông Nghĩa đổ gục xuống bàn, bất động. Riêng cái ống quần bên phải thỉnh thoảng lật phật đung đưa trong gió, cứ như thể nó không thuộc về Nghĩa.

Nguyệt chết lặng, hai tay ôm ngực đứng yên nhìn chồng, nước mắt trào ra…

Cuối năm ấy, năm 1993, nhân dịp tổng kết, Viện mời Nghĩa đến dự liên hoan kết thúc năm cũ, chuẩn bị đón năm mới. Lời mời này có nhã ý để Viện chính thức chia tay với Nghĩa, một trong những con người tiêu biểu của Viện.

Nghĩa viết thư cảm ơn và xin lỗi không thể đến dự được, không trình bày lý do tại sao cả. Huân chương chiến công hạng nhất Viện định trao cho Nghĩa nhân dịp này, Viện đành cho người mang đến tận nhà.

…Bây giờ mình phải học Lê Hải cách sống cuộc sống của phó thường dân! – Nghĩa tự nhủ với mình như vậy.

Thêm sáu bảy tuần lễ nữa qua đi, Nghĩa vào cuộc khá nhanh, sớm tìm được trở lại tính cách năng động và nhiệt thành của mình, nhất là niềm say mê học hỏi những thứ mà trước đây Nghĩa không có điều kiện tìm hiểu hoặc ít để ý tới.

Vài tháng sau, đúng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng mùng Ba tháng Hai năm 1994, các phương tiện truyền thông của ta đưa tin Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bỏ cấm vận với Việt Nam. Ngày 11 tháng 7 năm 1995, đúng hai tháng trước khi ông bà Học dẫn con cháu về thăm đất nước, tổng thống Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.

Nghĩa thầm tiếc là không còn điều kiện tiếp cận những tin tức loại này như hồi còn ở Viện để hiểu hết các chiều cạnh quan trọng nằm sâu bên trong những thông tin này, nhưng trong bụng cảm thấy một niềm vui lớn: Quá khứ của một cuộc chiến tranh lớn chống nước ta đang khép lại dần.

19.

Tướng về hưu Lê Hải được ông Hai Phong giao cho nhiệm vụ xin gặp ông Tám Việt để chuyển lời cảm ơn của bà Sáu Nhơn về lẵng hoa ông Tám gửi tặng nhân dịp lễ thượng thọ 85 tuổi của bà cách đây mấy hôm. Được tin này, ông Tám hồ hởi mời Lê Hải và nhân thể mời luôn cả hai anh em Phạm Trung Chính và Phạm Trung Nghĩa đến ăn cơm tối tại nhà mình. Ông Tám rất thích những cuộc gặp gỡ như thế này, vì theo ông, họ là những người biết trò chuyện và lý thú.

… Ông Tám nhớ lại hôm ấy, sau buổi nói chuyện với các vị nghỉ hưu tại câu lạc bộ Thăng Long, tình cờ ông được là khách mời của vợ chồng Lê Hải. Lý do mời thật đơn giản: anh nông dân Vĩnh Bảo ba đời dân ngu khu đen Lê Văn Tịch, nguyên xã đội trưởng, cháu gọi Lê Hải là ông trẻ, bây giờ là ông chủ cỡ bự, tự lái cái Mercedes xịn từ quê ra mang biếu một nửa con cầy tơ và một hũ rượu nếp hương. Có lý do để gặp nhau như thế là những dịp may không thể bỏ qua của những người như Lê Hải, như các cụ ngày xưa vẫn nói… Rượu ngon phải có bạn hiền…

Thế là bà Hậu chuẩn bị cho bạn bè Lê Hải một bữa cơm đặc sản đúng với tên gọi cầy tơ bảy món….

Cuối buổi nói chuyện hôm ấy ở câu lạc bộ Thăng Long, Lê Hải, Trần Thu, Nghĩa… kéo nhau đến mời ông Tám cùng dự.

Trong bữa “nhậu” hôm ấy, ông Tám nói với Lê Hải:

– Không có anh đến “giải phóng”, thì tôi mắc kẹt to.

– Sao lại “phải giải phóng” anh? Tôi tưởng là đã phá đám anh – Lê Hải hỏi lại.

– Khổ quá, mấy anh không đến mời đi nhậu thì bà Phương còn dứt không ra.

– Anh Tám thì bà nào chẳng bám! – Lê Hải giở cái giọng tinh quái.

– Nói giỡn hoài, các anh không thấy sao, trên bục bước xuống chưa kịp ra đến cửa tôi đã bị bà ấy túm lấy.

– Chắc anh Tám nợ bả món gì lớn? – vẫn Lê Hải.

– Đấy không phải là lần đầu tiên. Bả phàn nàn về nỗi chồng bả thuộc loại khai quốc công thần mà chỉ được đặt tên cho một phố hẹp dài vài trăm thước, thế mà có vị khác thấp hơn lại được cả một đại lộ hai làn xe dài hàng cây số! Gặp ai bả cũng kêu chuyện này. Mà tôi thì có quyền hành gì với việc đặt tên phố như vậy chứ!

Ông Tám còn nhớ bữa đó rượu nếp hương mang ra từ quê Lê Hải ngọt giọng quá, nhưng câu chuyện lại ngấm toàn vị đắng. Chủ đề cuộc đàm đạo hôm ấy xoay quanh câu chuyện một số cán bộ lão thành gửi thư có ký tên rõ ràng, tố cáo những vụ tham nhũng lớn, trong đó có vụ Tân Trường Sanh, phê phán ông Tám rất nặng lời về tội không đấu tranh kiên quyết trong những vụ này…

Thế mà đã ngót nghét một năm trôi qua…

Khách đến nhà lúc bà Tám đi vắng, cánh đàn ông càng thoải mái chuyện trò. Ông Tám Việt mở đầu bằng món ăn rất ư là miền Tây Nam bộ.

– Hôm nay các anh hên quá, có người gởi ra cho tôi cả một đọt nhộng dừa. Thứ nhộng này chiên tẩm bột, nhắm với rượu đế thì thật hết chỗ chê.

– Phải để nguyên cả đọt cây dừa đem ra ngoài này rồi mới gỡ nhộng ra chứ anh Tám? – Lê Hải hỏi.

– Hẳn rồi! Làm như vậy nhộng mới tươi. Tôi đã dặn nhà bếp, gỡ ra là tẩm bột chiên liền, đây mời các anh dùng đi cho nóng. – ông Tám vồn vã gắp những con nhộng được chiên vàng ruộm bỏ vào chén cho từng người.

Sau món nhộng dừa, câu chuyện xoay quanh các món ăn đặc sản như tôm càng xanh, cua bể, ghẹ, sam, rùa… của vùng tứ giác Long Xuyên, nơi mà ông Tám và Lê Hải đã sống nhiều năm trong hai cuộc kháng chiến. Nhưng hình như những thứ sơn hào hải vị này cũng chỉ thu hút được sự chú ý của những khách ẩm thực này trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Câu chuyện chung quanh bàn ăn chệch hướng sang các vấn đề nóng bỏng trong cuộc sống đất nước từ lúc nào không ai biết. Khơi mào lại chính là chủ nhà:

– Ngồi với nhau có rượu và đồ nhắm ngon miệng như vầy mà không phải nghĩ đến các anh chàng quốc doanh thua lỗ thì vui biết mấy. – Ông Tám bộc bạch.

– Anh Tám mất ăn mất ngủ vì chuyện này? – ông Chính hỏi.

– Thì chính anh cũng là người làm tôi mất ăn mất ngủ, chớ còn ai nữa. Mấy tuần nay anh cứ xin xoá bằng hết các định giá trong thi công và nằng nặc đòi chấp nhận toàn giá thị trường!

– Tôi chỉ là cái loa phát thanh. Nhưng trong cơ chế mới, hình như các tổng công ty có lý, anh Tám ạ. Họ cho tôi là kỹ thuật gia, nên dễ ăn dễ nói với anh.

– Tôi đồng ý ngay, nhưng với điều kiện cũng phải thị trường hoá, tiền tệ hoá tuốt tuồn tuột mọi thứ đầu vào của doanh nghiệp, vô hình cũng như hữu hình, cố định cũng như lưu động, chịu không? Sao lại chỉ muốn thị trường hóa ở phần đầu ra?

– Tôi đã truyền đạt rõ ràng ý của anh như thế. Các tổng công ty chỗ tôi cho rằng trong Nam ngoài Bắc đều kêu anh Tám thù địch và muốn khai tử doanh nghiệp nhà nước! Nhất là tại Thành phố này.

– Trời ơi, một trăm phần trăm luận điệu của Chín Tạ! Bất kể ở đâu, chỗ nào, có dịp là Chín Tạ bơm tôi lên là kẻ thù địch với doanh nghiệp nhà nước, kẻ muốn khai tử quốc doanh!

– Anh nghi ngờ cho Chín Tạ thì có lẽ không oan. Các công trình những tổng công ty này đang triển khai chủ yếu là ở thành phố này, thuộc địa bàn của ông ta nên chuyện gì ông ta cũng có ý kiến.

– Các tổng công ty nhà anh có nghe theo Chín Tạ đòi khai trừ Đảng đối với tôi nữa không?

– Chắc là không dám, nhưng họ không thích anh. Họ kêu anh là anh Hai Nam bộ, không phải là nhà kinh tế nên coi trời bằng vung. Người khác lại bảo anh rất độc đoán.

– Chắc mình ra đi thì họ thích lắm?

– Họ nhũn nhặn khi đến gặp anh xin cái này cái nọ. Nhưng ngồi với nhau, họ bác anh quyết liệt đấy, Chín Tạ mới chỉ là một mũi.

– Tại tôi không chịu nới lỏng hầu bao và bảo hộ họ chưa đủ có phải không?..

– Ở vào địa vị họ, ai mà chẳng thế hả anh Tám?

– Họ giơ tay tán thành nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, nhưng lại chỉ thích tôi làm dâu trăm họ.

– Đúng là anh đang bị chiếu tướng. – Ông Chính tỏ vẻ ái ngại cho ông Tám.

– Tôi biết mình đang bị dồn đến chân tường. Nhưng đi hay ở không thành chuyện! Còn một ngày, một giờ làm việc, đừng ai trông chờ tôi tự thay đổi…

Tác giả: