– Vào bên trong xem một tý đi Bạch Liên, để còn có chuyện nói với Kim Hồng chứ. Tác phẩm của Kim Hồng đấy. – Thắng khiêm tốn, không nói mình mới chính là người đạo diễn.
– Thôi đi đi. Muộn rồi.
– Còn thời giờ mà, liếc qua một tý thôi.
– Đứng ngoài này còn phải bịt mũi, vào trong kia thì té xỉu vì mùi nước hoa ở trong ấy mất.
– Em vẫn không vượt qua được cái chuyện ghen tuông của đàn bà!..
Đứng giữa đường mà Bạch Liên hết cười toáng lên lại quay sang cười ngặt nghẽo, rồi lại ôm bụng cười. Thắng không hiểu ra sao cũng cười theo mà không biết mình cười vì cái gì. Nhiều người đang đi vội vã trên vỉa hè cũng phải dừng lại xem. Có một người đàn ông đứng tuổi chân không bước đi tiếp được nữa, mồm ông ta cứ há mãi ra, hình như quai hàm ông ta bị sái nên miệng không ngậm lại được…
Kim Hồng còn định mở thử một sòng bạc chui, vì trong tay nhiều địa điểm lắm, chỉ mua cái chiếu, mắc ngọn điện, thế là thoả sức mà thu hồ…
Thắng kiên quyết gạt đi, vì biết chuyện này ngoài tầm với của mình. Kim Hồng cứ lẵng nhẵng mãi, đến mức Thắng phải quát vợ:
– Tốp hia!(*) [(1) Stop here! – có thể Thắng định nói “câm đi” (Shut up!)]
Kim Hồng giật bắn người, hiểu ngay. Vì đã đôi ba lần xảy ra rồi, khi chồng đã nói đến stop here!(*) là có thể bùng nổ nội chiến.
Trước khi trở về Mỹ, ông Học thực hiện được nguyện vọng đi thăm nhà in liên doanh Tự Lực.
Cái nhà máy mình bỏ của chạy lấy người là đây!
Tới trước cổng nhà máy, ông đứng yên hồi lâu không thể bước tiếp.
Bà Học đứng cạnh, vịn vào tay chồng, tay thấm thấm những giọt nước mắt.
Hai Hân, Tư Cương và Nghĩa đứng lùi về phía sau, chờ đợi cho những giây phút xúc động qua đi.
Mấy hôm trước, ông bà Học đã ghé qua thăm ngôi nhà ở của mình, nay là trụ sở của Trung tâm xúc tiến đầu tư và thương mại Bình Tiến, cùng với một cảm nghĩ sâu đậm như vậy. Gọi là ghé qua, nhưng ông bà Học chỉ đứng từ bên kia đường nhìn sang ngôi biệt thự ngày xưa của mình. Bức tường cây ô-rô ngày xưa không được chăm sóc, chết lụi từng mảng lớn, nay được hỗ trợ bằng hàng rào lưới B40. Những mảng thủng để lộ ra bên trong những phần nhà cửa mới cơi nới, khá lộn xộn.
Ông Tư Cương hỏi ông Học có định vào thăm trong nhà không. Ông Tư giải thích nếu định vào chắc cũng có thể xin phép được, mặc dù bây giờ ngôi nhà là trụ sở cơ quan.
Ông Học gạt đi:
– Thôi, cái gì đã qua nên để cho qua. Tôi đứng ngoài này, nhưng vẫn thấy rõ từng bậc thang, từng căn phòng, bếp ăn, buồng ở, phòng làm việc của tôi, salon, bể bơi… Thăm lại nhà xưa bằng trí nhớ và bao nhiêu kỷ niệm xưa có khi tốt hơn là bước vào trong khung cảnh đã thay đổi quá nhiều như thế này.
Ông Nghĩa hiểu tâm trạng của chú mình.
Tâm trạng ông Học hôm nay cũng vậy. Ông nhận ra ngay được cái cổng nhà in của mình ngày xưa, vì nó được xây theo kiến trúc cổ, lại đúng với nhiều quy định của phong thủy, nên phía Đài Loan khẩn khoản giữ lại. Nhưng sau cái cổng này là một khung cảnh hoàn toàn mới, chỉ có điều là không có sự cơi nới lộn xộn như tại biệt thự của ông. Lúc đầu hai ông bà thực sự choáng ngợp trước hai ngôi nhà mới xây theo kiến trúc hiện đại. Thật là bề thế nhưng thanh thoát. Đó là phân xưởng I và phân xưởng II của nhà in liên doanh, vẫn giữ tên là Tự Lực. Đứng mãi dưới cổng nhà in do chính tay mình trực tiếp vẽ kiểu, chỉ bảo công việc xây dựng, ông Học lưỡng lự không đi tiếp, níu bà Học cùng đứng lại. Càng nhìn quanh, ông bà Học càng không sao hình dung được cái xưởng in cũ của mình…
Ông Tư Cương chạy nhanh vào phía trong, một lúc sau quay trở ra:
– Xin mời ông bà và anh Nghĩa vào phòng khách ạ. Các vị trong ban giám đốc đang bận làm việc với nhà báo và đề nghị chúng ta nán chờ một chút.
– Báo nào đấy ông Tư? – ông Học hỏi.
– Dạ thưa báo USA Today.
– Chà, vinh dự quá nhỉ. Đó là một trong những tờ báo nổi tiếng nhất của Mỹ đấy. – ông Học giải thích.
– Nhân dịp kỷ niệm 30 Tháng Tư, nhiều nhà báo nước ngoài đến thăm ta lắm ạ, nhất là các nhà báo Mỹ. Năm nào cũng thế… – ông Tư Cương giải thích.
– Thế hả. Họ thường hỏi những câu hóc búa đấy…
– Tôi cũng được báo nước ngoài phỏng vấn mấy lần rồi đấy ạ. – Ông Tư Cương khoe.
Trên đường đi đến phòng tiếp khách, ông bà Học cũng tranh thủ thời gian ngó quanh. Nhìn mãi, ông bà Học mới tìm thấy ngôi nhà một tầng ngày xưa là văn phòng của nhà in Ánh Sáng. Ngôi nhà này được tôn tạo như cũ để làm nơi tiếp khách và bảo tàng – chủ yếu giới thiệu sự phát triển của ngành in, điểm xuyết vài bức ảnh và hiện vật của nhà in Ánh Sáng ngày xưa. Lúc đầu phía ta đề nghị gọi đấy là ngôi nhà truyền thống, phía tập đoàn Hải Phong hỏi lại: Truyền thống gì? Có mấy phương án trả lời, nhưng ngay phía ta cũng thấy không xuôi. Tôn tạo lại và mục đích sử dụng như hiện tại thì cả hai bên đều nhất trí.
Ông bà Học cố hình dung lại trong trí nhớ hai nhà xưởng cũ, bãi để xe, kho, nhưng vô ích.
Bước vào phân xưởng I, bảng ghi tình hình sản xuất hàng ngày và hàng tuần của toàn phân xưởng trong mỗi ca đập vào mắt mọi người. Mặc dù đã từng là chủ nhà in, song ông Học thực sự bất ngờ trước những máy móc hiện đại và sự bố trí công việc rất khoa học trong phân xưởng, hệ máy tính điều hành… Không còn nữa những việc sắp chữ, lên khuôn in bằng tay… Tất cả mọi công việc của nhà in đều được thực hiện trên máy vi tính, từ đầu cho đến khi hoàn thành ấn bản trước khi đưa in. Ngay công việc in, công việc đóng sách, công việc bao bì đóng gói… cũng hoàn toàn tự động hoá. Hơn thế nữa, nhà in liên doanh Tự Lực có đủ các công nghệ hiện đại về in màu, in ảnh màu, ảnh nổi… Tính gộp cả hai phân xưởng tổng giá trị đầu ra hàng năm của nhà in liên doanh lớn hơn nhà in Ánh Sáng của ông Học ngày xưa hàng mấy trăm lần, số chủng loại sản phẩm lớn hơn hàng vài chục lần, nhưng tổng biên chế hai ca của nhà in là 108 người, nghĩa là chỉ lớn hơn danh sách dài nhất ghi trong sổ lương của ông Tư Cương ngày xưa có 24 người. Nhà in có đủ các công nghệ in các loại trái phiếu, séc.., nhận in nhiều loại ấn phẩm đặc biệt theo các đơn đặt hàng của Đài Loan, Singapore, Malaysia.., nối mạng in các báo Việt Nam hàng ngày phát hành ở phía Nam… Nếu mở rộng được thị trường, nhà in liên doanh sẽ chuyển sang làm 3 ca. Trong hội chợ sách đầu năm nay, sách giáo khoa của nhà in liên doanh Tự Lực đoạt huy chương vàng… Xí nghiệp liên doanh đang được trên xem xét thưởng huân chương Lao động…
Ngồi chờ trong phòng khách, ông bà Học càng có thời giờ chia sẻ với ông Tư Cương và Nghĩa những lưu luyến xưa về xưởng in cũ của mình. Ngồi nghe ông già Học kể bao nhiêu là chuyện, Nghĩa chịu không đoán được chú thím mình đang buồn hay vui, nhưng rõ ràng là tâm trạng cởi mở. Đến bây giờ Nghĩa mới hiểu rõ thêm xưởng in này thực sự là một đỉnh cao, đỉnh cao cuối cùng trên thương trường miền Nam của chú mình, thế mà ông già dám quẳng nó ra đi…
…Một con người kỳ lạ! – càng nghe, Nghĩa tự nói với mình trong đầu mấy lần như vậy về ông Học.
Nghĩa đang muốn nghe tiếp thì chủ nhà đến chào, đầy đủ bộ sậu từ thư ký, đến lễ tân kiêm phiên dịch và toàn ban giám đốc. Chủ khách hồ hởi, tự nhiên. Riêng ông giám đốc người Đài Loan thì hai ba lần xin lỗi về việc phải để khách chờ lâu.
…Khi được nghe Hai Hân giới thiệu về ông Học nguyên là chủ cũ của nhà in Ánh Sáng, ông giám đốc người Đài Loan hỏi:
– Xin thành thực hỏi tiên sinh, cảm nghĩ của tiên sinh khi về thăm xưởng cũ của mình như thế nào?
– Tôi biết ngài định hỏi gì. – Ông Học cười. – …Người Việt Nam chúng tôi có câu đồng tiền liền khúc ruột, của đau con xót! Nhưng thực tình tôi có hai cảm nghĩ trái ngược nhau. Tôi bùi ngùi khi đến thăm ngôi nhà cũ của mình. Nhưng đến đây tôi thấy có niềm vui mình được góp phần vào liên doanh này, mặc dù đấy là sự góp phần không tự nguyện và không được thừa nhận. Có thể nói tôi mãn nguyện. Ngài có hiểu vì sao không?
– Xin được tiên sinh giải thích ạ. – Ông giám đốc phía Đài Loan lắc đầu, hai tay xoa vào nhau.
– Tôi mãn nguyện và cảm ơn liên doanh đã giữ lại cái cổng của nhà in, một kỷ niệm khó quên trong đời tôi… Đó là tượng đài của một chiến thắng tôi giành được hồi bấy giờ sau khi tôi đã chết chìm chết nổi mấy lần trên thương trường, là cột mốc cuối cùng trên con đường kinh doanh của tôi tại đất nước chôn nhau cắt rốn của mình…
– Chính ông nhà tôi đã đọc bao nhiêu sách và tự tay thiết kế cái cổng này đấy. – bà Học nói thêm vào.
– Ôi!.. – Ông giám đốc Đài Loan thốt lên, rồi bấm các đốt ngón tay – …Tôi đã xem kỹ và năn nỉ giữ lại bằng được cái cổng cũ của nhà in, chỉ tôn tạo lại cho đúng như cũ… Từ phương hướng, nơi yểm trên nền cổng và mọi kích thước của cái cổng này suy ra, nếu tôi không nhầm tiên sinh tuổi Giáp Thìn, sinh vào tháng Thìn giờ Thìn!
– Trời đất! Ông đoán trúng! – Ông già Học đưa hai tay lên bái phục và kêu lên như vậy.
Mọi người ồ lên vì ngạc nhiên!
– Ông quả là lão sư về Kinh Dịch!.. Ý định của ông là thế nào? – Ông già Học hỏi lại.
– Thưa tiên sinh, giữ lại cái cổng này chúng tôi mong xí nghiệp liên doanh được hưởng lộc và tiếp tục được chí hướng của tiên sinh.
– Thế là các vị đã thừa nhận sự đóng góp của tôi?
Tất cả mọi người đều cười vui vẻ. Câu chuyện tự nó cứ rôm rả mãi lên. Cả phía ta và phía Đài Loan đều ngạc nhiên về sự thẳng thắn và chân thành của ông Học.