– Không ai nghĩ bằng mồm cả. Chất xám được cái mồm này nói ra mới là vô giá. Hậu sinh khả uý mà. Các cụ nói không sai! – Thắng chỉnh lại câu nói của vợ.
– À này, anh phải dành một chút thời giờ cho cậu ấm cô chiêu nhà mình đi. Cả hai đứa lại bị các thầy giáo chủ nhiệm viết thư nhắc nhở bố mẹ, mà năm học mới chỉ bắt đầu. Kinh nghiệm nhiều nhà cho thấy học sinh năm chót cấp 3 là bất trị nhất!..
– Sao chúng nó cứ chuyên nghiệp cấp 3 mãi thế. Hình như năm nay cả hai đứa là năm thứ ba thứ tư gì đó thi trượt đại học có phải không?
– Có thể dắt chúng nó vào con đường kinh doanh được không. Nhồi mãi chữ cho chúng nó không ăn thua.
– Hay là mua cho mỗi đứa một cái bằng?
– Cứ từ từ, khi nào chúng nó thật muốn. Được cái là hai đứa không dính ma tuý.
– Thế mà con Liễu lại đi yêu cái thằng nghiện.
– Đừng lo, chuyện ấy qua rồi.
– Thế hả? Con Liễu đã thực sự cắt đứt được với thằng nghiện?
– Không có gì nói chắc được trăm phần trăm, nhưng em không lo cho Liễu.
– Sao vậy?
– Con gái anh giống bố lắm, thay người yêu như thay quần lót. Miễn là nó đừng bụng phưỡn ra là được rồi.
– Bố nó hư đến thế cơ à?
– Người ta nói rau nào sâu ấy, không sai chút nào. Nhưng nó đã hỏi em rất kỹ cách phòng tránh thai, và hình như đến bây giờ là an toàn.
– Thế thì được. Đứa nào là bồ mới của nó?
– Chính cái thằng thỉnh thoảng vẫn đến học tối với nó trên gác đấy.
– Thằng Quang đã xin được xe máy về chưa?
– Thà mất xe còn hơn. Chuyến đua xe lần này chúng nó làm chết một người, bị thương hai người. Thằng Quang nhà mình bỏ xe chạy lấy người nên mới không bị công an tóm.
– Thằng Quang đâm xe chết người?
– Không, bạn nó.
– Thằng Quang bỏ xe nào?
– Xe mua sang tay, không đứng tên đăng ký nhà mình. Mất thì thôi, không cần. Nhưng anh nên đến làm việc thêm với mấy cậu cảnh sát giao thông để xí xoá chuyện này đi. Vì công an có danh sách những đứa tham gia đua xe.
– Hay là thuê thêm mấy đứa gia sư để chúng nó bớt ra đường?
– Nước đổ lá khoai! Thằng Quang đã mấy lần lái trộm xe của anh đấy. Bằng lái không có, xảy ra tai nạn thì vào tù sớm. Anh phải bảo tài xế của anh không được chiều nó.
– Thôi, cho chúng nó phá cho sướng, đời người ta chỉ sống có một lần. Chúng mình giác ngộ điều này hơi chậm. Các cụ ngày xưa vẫn nói thế nào nhỉ?
– Anh định nói miễn là ăn vụng biết chùi mép cho sạch? – Kim Hồng hỏi lại.
– Gần gần như thế, miễn là chúng nó vẫn yêu bố mẹ và không làm hỏng công việc của chúng mình. Làm ra tiền không cho chúng nó hưởng thì để làm gì?
– Tậu được được bằng tiến sỹ rồi, anh nên kiêm thêm nghề nhà văn cho nổi danh đi, chúng mình chỉ còn thiếu mỗi cái này.
– Eo ôi, sao lãng mạn thế! Làm Xuân tóc đỏ hay Typ-phờ-nờ, xong ngay.
– Rạc đi như vạc thế này mà vẫn chưa chán à?
– Tào lao! Sờ vào đây mà xem, còn đang lo quá cân đây này.
– Bụng phệ một tý làm nhà văn càng đẹp mã.
– Chịu thôi, thiếu gì nhà văn đến lúc xuống lỗ cũng không viết nổi một tác phẩm!
– Đấy là những người quá ngu thôi! Chịu khó bệ vào nguyên xi một nghìn lẻ một chuyện xì-căng-đan ngoài đời là có được ngay một tiểu thuyết đáng giải Nô-ben!
– Hả?.. Thật thế hả?.. Hay là bảo thằng nào đó viết, mình đứng tên? Được không?.. Em thật là giỏi trong các chuyện vặt. Nhưng trong các chuyện lớn, em thuộc loại chậm hiểu!
Thắng được ăn mấy cái béo tai nhẹ. Thắng để mặc, trong đầu đang lơ mơ những công việc khác…
Nhóm tam ca “Tích Tích Lắc!” – bao gồm ba chữ cái đầu của Thắng, Tuyến cò và Bạch Liên, là tên lóng Thắng đặt cho nhóm làm ăn mảnh của mình. Tên lóng này ra đời hôm vợ chồng Thắng, Tuyến cò và Bạch Liên rủ nhau đi nhảy ở vũ trường Blue Sky. Đây là sân khấu chính của nhóm tam ca “Tích Tích Tích!” nổi tiếng và là một trong hai ba nơi ở Thành phố không bán các loại thuốc lắc dưới hai mươi đô-la một viên.
Thỉnh thoảng “Tích Tích Lắc!” hiệp đồng đánh quả lớn. Quả ngoạn mục nhất cho đến nay là buôn lậu 35 xe ô-tô từ Campuchia, quá cảnh kho ngoại quan ở cảng, từ cảng lên kho ngoại quan biên giới phía Bắc, rồi xuất đi Trung Quốc. Tại chặng cuối cùng, cửu vạn khiêng từng chiếc xe một qua biên giới, phía Trung Quốc đã có sẵn biển xe, giấy phép cho từng chiếc xe, xăng và người lái xe cho mỗi xe. Trong vòng chưa đầy mười lăm phút sau khi nằm trên mặt đất, xe đã vù vù rồ ga lăn bánh sâu vào nội địa Trung Quốc. Thời gian nằm tại kho ngoại quan đủ cho các dịch vụ thử lại máy, xem lại săm lốp, dầu mỡ… Thắng và Bạch Liên lo đường dây vận chuyển dưới hình thức hàng hóa từ kho ngoại quan đến kho ngoại quan, Tuyến cò có hộ chiếu Mỹ nên lo hai mối hai đầu. Chuyến ấy trừ mọi khoản dầu mỡ bôi trơn, “Tích Tích Lắc!” bỏ túi sáu xe. Toàn bộ phi vụ này tốn mất khoảng tám tuần lễ.
Phi vụ đẻ ra phi vụ…
Cũng với mục đích vì công việc, đôi ba lần Thắng để cho Bạch Liên mời vợ chồng Thắng đi ăn cơm tối. Mục đích dễ thấy của Thắng là bàn nhiều việc làm ăn hệ trọng, cần có Kim Hồng tham gia. Mục đích khó thấy hơn là tạo điều kiện giữ gìn hoà bình cho ngôi biệt thự Thắng và Kim Hồng vừa mới tậu được.
Các bữa ăn bao giờ cũng mỹ mãn, cả về thức ăn và về những việc không liên quan đến thức ăn. Kim Hồng đặc biệt cảm ơn Bạch Liên đã giới thiệu cho mình một ông nghệ nhân nổi tiếng về huấn luyện khiêu vũ và thể dục nhịp điệu. Những lời khen về bộ giò và về eo của miệng thế gian dành cho Kim Hồng làm cho nàng say mê việc tập luyện.
Dần dần Kim Hồng cũng giành được trọn gói quyền chỉ huy kinh tế căng tin, bao gồm hai nhà hàng vật liệu nội thất, một nhà hàng ăn uống, một cửa hàng bách hoá. Thắng quá bận, nên thỉnh thoảng mới cố vấn đôi điều. Các cơ sở kinh tế căng- tin đều có những biển hiệu và nhà cửa là của nhà nước, còn toàn bộ hoạt động kinh doanh là của căng tin – vẫn phân chia biên chế cứng và biên chế hợp đồng, vẫn có đóng bảo hiểm xã hội và mua bảo hiểm xã hội… Loại hình kinh tế này giống như hai đứa trẻ sinh đôi có chung một thân dính liền vào nhau. Nét chung nhất của tất cả các cơ sở kinh tế căng tin này là các bảng hiệu mang tên gọi của mỗi cơ sở đều đứng dưới một cái tên chung, viết hoa ở hàng trên cùng: Ủy ban nhân dân thành phố… Tuy vậy, các nhà quản lý và các nhà khoa học nước ta chưa biết xếp nó vào loại hình kinh tế gì – nghĩa là không kém hoặc vượt xa sự khó phân định của mậu dịch quốc doanh bách hoá Cửa Nam…
Tại phố Trần Khắc Trân, ngôi nhà số 13 có một tấm biển to, kẻ chữ rất cầu kỳ, đập vào mắt mọi người đi đường: Ủy ban nhân dân Thành phố / Công ty TNHH dịch vụ Thẩm Mỹ / Trung tâm bảo dưỡng da Lyly
Ngôi nhà này trở thành một địa điểm nổi tiếng, không phải chỉ vì nó khang trang, tủ kính hiện đại và trưng bày đẹp mắt, hấp dẫn… Điều quan trọng hơn nhiều đây là nơi bán những mỹ phẩm đắt tiền nhất, là nơi các bà các cô có chỗ tiêu tiền và tiêu nhiều tiền nhất cho sửa móng tay móng chân, chăm sóc da mặt, mua những thông tin, những quan hệ mình muốn có, làm những việc mình muốn làm… Nhiều khi khách hàng phải đăng ký trước hàng tuần… Kim Hồng đang tìm thuê một hay hai chuyên gia nước ngoài để nâng cấp trung tâm này lên thành thẩm mỹ viện…
Nhiều anh nhà quê ra tỉnh đi qua, khó kiềm chế nổi sự tò mò của mình, cứ ngẩn ngơ trước ngôi nhà.
Trong số những anh nhà quê ra tỉnh này, người táo tợn thì bước hẳn vào trong nhà xem nó là cái nhà gì mà ghê thế. Có anh lúc bước vào thì sắm vai thượng đế rất đạt, hạch sách ra cái điều ta là kẻ chơi ngông, nhưng khi bước ra thì lắc đầu lè lưỡi…
Quái thật, lọ nước hoa chỉ nhỉnh hơn cái chim thằng cu nhà mình một tẹo mà giá đắt hơn một tấn thóc nhà mình. Móng chân móng tay đếch gì thì cầm kéo mà cắt lấy cũng được, mặt bẩn thì ra vòi nước mà rửa, việc đếch gì phải vào đây, một lần tiền sửa sửa dưỡng dưỡng như thế nhà ông đủ nuôi nhau vài tháng!..
Người nhát gan hơn, chỉ đứng ngoài không dám bước vào, mắt hết nhìn những tấm ảnh đẹp chụp mấy cô đầm non trong những tư thế rất khêu gợi, lại nhìn lên tấm biển to tướng của cửa hàng. Có người hết xuýt xoa về sự khêu gợi của mấy tấm ảnh lại quay ra thắc mắc với chính mình…
Cái tên cửa hàng này đọc lên nghe hay quá, đã Thẩm lại còn Mỹ… Mình được học là bảo dưỡng thì chỉ có ô tô, hay xe máy, máy kéo, xe ủi đất… Lạ thật, trên biển người ta lại viết rành rành là bảo dưỡng da. Da Lyly là da con gì? Thế là thế nào? Nghĩa là cũng có thể đưa cô vợ xề của mình vào đây, lau dầu mỡ, thay ổ bi, mạ kền, đánh bóng… và sẽ thành người đẹp như trong tấm ảnh kia? Được vậy thì hay quá nhỉ!.. Nếu viết là dưỡng xinh, hay dưỡng trẻ thì mình hiểu ngay…
Đúng là chỉ có đàn ông dân nhà quê mới lui tới chỗ này ngó nghiêng. Còn dân mày râu có hạng thì người ta chỉ đến đây bằng điện thoại, cùng lắm là lời nhắn miệng…
Đấy là một trong những cơ sở kinh tế căng-tin ăn nên làm ra của Kim Hồng, do Thắng đạo diễn. Một lần tình cờ đi qua Trung tâm này, Thắng bảo lái xe đỗ lại và đưa Bạch Liên xuống xem. Bạch Liên chỉ đứng trên hè đường, ngó nghiêng trước cửa, hết đọc cái biển, quay ra xem mấy thứ trong tủ kính rồi lấy tay bịt mũi, nhưng vẫn đổ nghiêng đổ ngửa vì cười. Thắng nài thế nào Bạch Liên cũng vẫn không chịu bước vào trong nhà.