Cách đây vài hôm thôi là một biển người hỗn loạn, đặc cứng những người tìm đường chạy trốn. Mình suýt chết bẹp trong cái biển đen này, thế mà hôm nay…
Bố con Lễ đứng xen lẫn vào mọi người trên hè phố. Sau các đoàn quân cơ giới là các đoàn quân đi bộ toả vào các đường phố. Các chiến sỹ chào hỏi, bắt tay mọi người. Bố con Lễ cũng được chào, Lễ được bắt tay…
Thật khó có thể hình dung những con người này đã đánh bại cả một bộ máy chiến tranh hiện đại khổng lồ, và bây giờ làm chủ Sài Gòn, làm chủ cả miền Nam… Cái Sài Gòn biển đen hỗn loạn hôm nào lặn đi đâu mất… Bầu trời trong xanh thanh bình một cách kỳ lạ.
Lễ nhớ lại băng đạn tiểu liên chói chang của đám tàn quân chạy từ An Lộc bắn qua đầu mình, cảnh giữa ban ngày bọn lính hung hãn xé quần xé áo hiếp các cô gái trong tiệm uốn tóc đầu phố Phạm Đăng Hưng…
Càng đứng nhìn một Sài Gòn mới đang hiện dần ra trước mắt, thời gian trong ký ức Lễ càng lùi dần vào quá khứ, như để đối chiếu, để so sánh. Lễ thấy mình đang trở lại những chiến trường mình đã có mặt, đang nhìn cảnh binh lính Mỹ và lính các quốc tịch khác cùng với lính Việt tàn sát dân chúng.., những làng mạc cháy thui vì khói lửa, những vùng sự sống bị huỷ diệt, mặt đất trở thành bình địa xác xơ với hàng trăm, hàng trăm hố lớn hố nhỏ.., trong tiếng bom đạn ầm ầm văng vẳng đâu đó câu hỏi đầy ai oán của Mạnh: “Chẳng lẽ đây là cái đích ta sinh ra để đi tới!?.” Lễ nhớ lại việc đại uý Lãnh trong trận càn vào Cần Giờ lấy xe ủi đất ủi cả xác đồng đội, xác các chiến sĩ Việt Cộng và xác dân thường xuống các hố đại bác để kịp mở đường đón ban chỉ huy liên quân Mỹ Việt từ Sài Gòn xuống kiểm tra trận đánh… Ngồi trong xe đoàn tuỳ tùng đi theo sau, có chỗ Lễ nhìn thấy một cái chân có giầy nhà binh bị cán nát… Một đoạn khác Lễ thấy cả một cánh tay trồi lên mặt đường… Cảnh tượng đại uý Lãnh vừa mới báo cáo xong, viên tướng Mỹ đã mắng té tát vào mặt vì tội để mất trận địa và tội mở đường chậm…
Năm tháng trôi đi, nhưng hình ảnh đại úy Lãnh vẫn gậm nhấm, cào xé mãi lương tri của Lễ.
Lễ còn nhớ rõ lắm: Không chịu được nhục, lúc ấy Lãnh đã vung tiểu liên tự bắn nát hai chân mình… Lễ không thể nhớ được bao nhiêu năm sau Lễ đã tự hỏi mình không biết bao nhiêu lần: Tại sao lúc ấy Lãnh không bắn vỡ mồm cái thằng tướng Mỹ lắm lời mà lại tự làm khổ mình như vậy? Có đến hàng trăm cách trả lời, nhưng Lễ vẫn không lý giải được cách nào. …Nhục nhã hơn nữa, sau băng tiểu liên ấy Lãnh bị hai sĩ quan hộ vệ của viên tướng Mỹ này bắn chết ngay tại chỗ, không khác gì người ta bắn bỏ một con chó dại.
Trời đất ơi, trước mặt mọi người, Lãnh buông thõng hai tay, mắt trân trân nhìn hai viên sỹ quan Mỹ cầm súng lục nhằm thẳng vào đầu mình…
Mãi về sau này nhiều lúc Lễ vẫn còn tưởng rằng hai con mắt đó đang trân trân nhìn thẳng vào mặt mình.
Còn hôm cùng với hai con chạy ra đường xem đội quân chiến thắng kéo vào Thành phố. Ôi gần như không thể tin được vào mắt mình.
Ngày hôm sau Lễ lại ra đường, nhưng quyết định đi một mình…Ngày hôm sau nữa, lại một ngày hôm sau nữa…
Lúc đi lang thang, lúc chạy, ngó ngó nghiêng nghiêng không biết bao nhiêu đường phố, có khi vấp cả vào người đi đường, Lễ căng mắt cố nhìn mọi thứ trong tầm mắt có thể nhìn được… Nhiều lúc ráng hết sức mà Lễ vẫn không làm sao hít cả bầu không khí thanh bình của Thành phố vào lồng ngực mình… Có lúc Lễ phải tự cấu vào người mình, vì chỉ lo mình đang trong tâm trạng hoang tưởng…
Ôi không làm sao tin nổi Sài Gòn giải phóng lại có thể có được bầu không khí thanh bình đến như vậy… Không bù cho cách đây vài ngày… Bao nhiêu hy vọng loé sáng trong tâm trí Lễ…
Lễ đi tới quyết định tự khai báo và tự đến trại cải tạo.., theo sự chỉ dẫn của chính quyền mới của khu phố.
… Có thể không có tắm máu. Song có chắc chắn như vậy không?… Sau cải tạo là cái gì? Hay cải tạo cũng chỉ là một sự chuyển giao vỗ về ban đầu – một bước quá độ dẫn đến hành hình thực sự? …Cải tạo bao nhiêu lâu? Có hạn định, hay suốt đời? Có thể sống được trong chế độ này không? Mình, rồi các con mình… Tất cả sẽ có chỗ đứng trong cái xã hội cộng sản chứ? Với cả một quá khứ của một người lính đã từng cầm súng đi qua biết bao nhiêu chặng đường giết chóc?.. Chiến tranh nào mà không có giết chóc?.. Và hôm nay người chiến thắng gọi đấy là tội ác hay đồng loã với tội ác!.. Với cái chức đại tá trong quân đội chống lại cách mạng, chống lại chính gia đình mình? Hàng trăm câu hỏi về quá khứ, về tương lai làm cho cả bầu trời tối đen, đổ ụp xuống, nuốt chửng tất cả… Cái mái tôn của lán như sập xuống mặt Lễ, quay cuồng, đè nghiến…
Lễ quằn quại trên tấm phản…
… Chú Thành! Chú Thành đừng cõng Thảo chạy nữa! Bỏ Thảo xuống đi! Thảo xuống đi! Huệ, Tín kéo mẹ và ông lại! Kéo lại… Lễ càng gào lên, ông Thành càng chạy xa hơn, trên lưng cõng Thảo. Huệ và Tín bám chạy theo hai bên. Rồi tất cả chìm dần trong biển người. Lễ càng hét lớn: Đừng chạy nữa! Quay lại! Chạy nữa là chết! Quay lại!.. Không ai nghe theo lời Lễ gọi. Hay là họ không nghe được nữa. Hình ảnh họ xa mãi, nhỏ dần, rồi chìm nghỉm trong biển người đen đặc… Lễ ôm mặt khóc thảm thiết…
– Anh Lễ! Anh Lễ, tỉnh dậy đi. Mê man ú ớ cái gì vậy? Chết thật, sao bỗng dưng sốt cao thế này? – Tôn Thất Loan cố lay bạn dạy: …Tỉnh dậy đi, tôi mang cháo về cho anh đây này!..
Mọi người khác xúm xít quanh tấm phản Lễ nằm.
Mãi Lễ mới rên lên được thành tiếng:
– Làm ơn cho tôi xin ngụm nước! Khủng khiếp quá. Khủng khiếp quá. Tôi cứ nghĩ là…
– Ăn trưa xong về đến lán, chúng tôi thấy anh co quắp trên phản và mê sảng. Sờ lên trán, thấy nóng như hòn than. Lay mãi anh mới tỉnh. Cố ăn tí cháo rồi ngủ đi. Đầu giờ chiều chúng tôi mời y sĩ lên thăm bệnh cho.
– Vâng. Cảm ơn. Tôi bị sốt đột ngột…
3.
Sáng sáng cụ Tuyên bà bóc tờ lịch rồi để lên bàn thờ, miệng khấn lầm rầm. Cụ đếm từng ngày, mong sao ông Nghĩa có thể sớm bay vào thăm em tại trại cải tạo Bảo Lộc. Đã hơn bốn tuần rồi, nhưng cái ngày ấy vẫn chưa đến. Chỉ dăm ngày sau khi đề đạt với tướng Lê Hải, ông Nghĩa đã có đủ các giấy tờ cần thiết, kể cả giấy phép ngoại lệ cho phép ông vào thăm trại. Song vài tuần nữa may ra mới có máy bay ông có thể đi nhờ. Cả gia đình lớn của cụ Tuyên đều thấy nên gắng chờ, đỡ được tốn kém bao nhiêu tiền cho cả một chuyến bay khứ hồi.
– Đằng nào ngoài này cũng đã viết mấy thư cho Lễ và Thảo rồi, bớt chi tiêu đồng nào hay đồng nấy các con ạ. Nhà ai cũng chỉ có mấy đồng lương, đi vay đi mượn làm gì cho thêm khó ra… – Cụ Tuyên bà nói vậy, nên cả nhà mới dám kiên nhẫn chờ.
Ngày ngày đến cơ quan, ông Nghĩa vừa nóng ruột chờ máy bay, vừa đứng ngồi không yên vì chẳng thấy tướng Lê Hải đả động gì đến nguyện vọng xin nghỉ hưu của mình. Ông hiểu thủ trưởng mình cũng như thủ trưởng rất hiểu ông vậy. Nghĩa chưa bao giờ thấy Lê Hải quên điều gì trong công việc, hơn nữa đây là một đề đạt quan trọng: một thương binh 2/4, có tuổi quân quá nửa tuổi đời, hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn, xin giải ngũ… Sự yên lặng của Lê Hải ắt phải có lý do, chỉ có điều là lý do gì thì Nghĩa chưa đoán ra. Chẳng lẽ trong thời bình, một thương binh xin nghỉ hưu cũng phải cân nhắc lâu đến thế hay sao?
Vốn tính thận trọng, ông Nghĩa chỉ cặm cụi làm việc. Gần đây lại có thêm một số vấn đề mới liên quan đến Campuchia, trên yêu cầu Viện góp ý kiến phân tích. Tướng Lê Hải gặp trung tá Nghĩa mấy lần, nhưng chỉ rặt nói về công việc. Trung tá đành im lặng chờ đợi…
Một hôm trong giờ làm việc buổi sáng, sau khi nộp báo cáo công việc, trung tá Nghĩa được tướng Lê Hải giữ lại trong phòng:
– Anh ngồi lại uống nước chờ tôi một lát. Có chuyện cần nói với nhau. Vừa mới có người cho thuốc lá và chè Thái móc câu. Tự phục vụ đi.
Ông Nghĩa tráng ấm chén, pha chè mới, ngắm nghía bao thuốc Thăng Long một lúc rồi mới bóc, thường ngày cả tướng và tá chỉ có Tam Đảo hoặc Điện Biên. Ông rút ra một điếu, ngồi gõ gõ xuống mặt bàn, đưa lên mũi hít hít, nhưng chưa châm thuốc ngay. Trong lòng khấp khởi điểm lại những dự tính cho chuyến đi Sài Gòn sắp tới…
Một lúc sau, gập tập hồ sơ trước mặt, thiếu tướng bỏ kính xuống bàn, cầm theo một tệp giấy mỏng, rồi ngồi xuống đối diện với Nghĩa:
– Chè uống được không?
– Tôi đã pha rồi, thơm lắm. Chờ anh cùng uống mới ngon.
– Để tôi rót nước cho, cầm lấy cái này đọc đi, Tôi chờ ý kiến của anh. – Thiếu tướng đưa cho trung tá một báo cáo dài 5 trang – Trên vừa mới chuyển đến cho tôi lúc đầu giờ. Uống nước đã, kẻo nguội thì mất thú.
Thiếu tướng châm thuốc cho trung tá và cho mình, rồi ngả người trong ghế, chăm chú theo dõi gương mặt trung tá thay đổi theo các dòng chữ. Chốc chốc trung tá lại rít rất sâu một hơi thuốc như đang tìm kiếm điều gì trong không khí…
– Như vậy là thế nào, anh Hải?
– Tôi đang chờ ý kiến anh.
– Thâm độc quá! Cực kỳ thâm độc và trắng trợn anh ạ!
– Đấy là tổng hợp các báo cáo của Ban chỉ huy quân sự hai tỉnh Gia Lai và Kontum. Trên gửi cho một số cơ quan để nghiên cứu.
– Tôi biết, ngay sau ngày 30 tháng Tư Khmer đỏ đã quấy nhiễu biên giới nước ta rồi. Tôi hiểu vì lý do ngoại giao, nên ta tìm cách nói chuyện với Khmer đỏ, không đưa ra dư luận quốc tế công khai. Bây giờ chúng đưa cỡ cả trung đoàn vượt quá vùng Sa Thầy, đánh sâu vào nội địa ta, tàn sát dân thường thế này thì thật là quá quắt. Nhưng…