– Tầm bậy! Thế mà chú còn bảo tôi là người tốt!
– Đúng vậy anh ạ. Đừng nổi nóng với em. Không tham quyền cố vị như anh là quá tốt rồi còn gì nữa. Cán bộ nào cũng thế cả thì đất nước này được nhờ dữ lắm, lên chủ nghĩa xã hội từ lâu rồi!
– Bỏ cái lối nói xọc óc người ta đi! Bộ chú coi tôi là đồ bỏ có phải không?
– Con người ta chưa đến thất thập đâu được gọi là già! Nhưng tuýp người như anh thì không thay đổi được nữa…
– Chẳng lẽ tôi vô tích sự rồi sao?
– Anh Hai ạ, anh xứng đáng được nghỉ ngơi. Nợ đời, nợ nước trả xong rồi, lại bệnh tật nữa. Không ai có quyền đòi hỏi anh phải làm thêm việc gì. Anh ráng sức chăm lo sự gắn bó trong đại gia đình họ Huỳnh chúng ta và đừng cản trở con cháu mình. Thế là quý lắm lắm rồi. Càng động não can thiệp vào công việc của con cháu thì chỉ tổ làm khổ chúng nó thôi…
– Nhưng bắt tôi sống và nghĩ như chú nói thì tôi không là tôi nữa!..
– Anh cố tự giúp mình đi… – Năm Thịnh cầm tay Hai Phong lên, năn nỉ.
– Anh không thể! – Hai Phong rút tay ra khỏi tay em mình.
Năm Thịnh lặng đi hồi lâu, mãi mới nói được:
– Em rất sợ phải nặng lời với anh. Trời ơi, anh Hai, anh có biết, lúc dắt díu nhau đi, bọn em cầm chắc cái chết trong tay mà vẫn phải quyết ra đi! Anh có biết vì sao không? Đến ngày hôm nay anh vẫn chưa thấm thía sao?.. Cái lối suy nghĩ không trắng ắt phải đen của anh bịt mất mắt anh rồi…
– Chú thừa biết là tôi không thể nào chấp nhận việc đi di tản như vậy rồi mà, chừng nào tôi còn sống!..
– Đến hôm nay nhớ lại vẫn còn rùng mình anh ạ… Phước may là bọn em nhiều tiền! Anh có biết bao nhiêu người chết giữa biển, đi không đến nơi không?.. – Năm Thịnh lặng đi hồi lâu rồi mới nói tiếp – Trời đất ơi hồi đó trong này cái cột đèn mà chạy được nó cũng đi! Em đã phải kêu lên với má như vậy… Anh có biết tình cảnh trong này hồi ấy không anh Hai? Cả nhiều người sống trên đất Bắc cũng bỏ ra đi. Vậy mà cho đến hôm nay anh vẫn giữ khăng khăng cái nhìn đó!
Thấy anh mình ngồi im, một lúc sau Năm Thịnh đứng lên:
– Em biết em không thể, làm thay đổi cách nhìn của anh. Em xin lỗi anh, em sẽ không bao giờ dám hỗn với anh nữa.
Đừng lỗi phải gì! Tôi vẫn là tôi. Tôi không thể nào chấp nhận được suy nghĩ của chú… Chú càng nói, tôi càng thấy tôi và chú như nước với lửa…
– Trời đất ơi, anh Hai!.. Anh có biết không, khi đặt chân được lên đất Mỹ, tụi em lớn bé không ai bảo ai đầu tiên là cùng nhau nhảy tưng tưng kêu lên “Sống rồi! Sống rồi!..” Cả ngày hôm ấy không ai thiết gì đến ăn uống, vì mừng quá… Thế mà là người tự do bồng bế dắt nhau đi trên đất nước tự do tìm công ăn việc làm lại cảm thấy nhục nhã ê chề! Anh có hiểu được điều này không?.. Chỉ vì đang đi trên mảnh đất không phải là tổ quốc mình… Mấy hôm nay chân bước đi trên quê cha đất tổ, nhưng lại không được coi đây là của mình! Là người tự do nhưng tha hương ngay trên đất nước mình… Lại thêm một nỗi nhục nữa!.. Cả điều này nữa, anh có thể hiểu được không anh Hai?
– Nhưng… chú cũng phải thấy lỗi tại mình nữa chứ!
– Anh Hai à… – Năm Thịnh ngập ngừng mất một lúc. – …Em hỏi thực, chẳng lẽ con người cộng sản trong anh chẳng có một chút ý niệm gì về máu chảy ruột mềm! – nói đến đây Năm Thịnh gần như mếu.
Hai Phong bặm môi lại một lúc, nhưng rồi vẫn cả quyết:
– Đành là có chuyện máu mủ ruột thịt!.. Nhưng đúng là đúng, sai là sai. Không thể khác được. Dứt khoát không thể khác được!
– Anh Hai! – Năm Thịnh tuyệt vọng nhìn Hai Phong. – Hôm qua thì anh bảo tại chúng em rủ nhau đi di tản. Hôm nay chắc anh lại định nói tại tụi em từ chối đất nước mình chắc? Có phải trong đầu anh đang nghĩ như vậy không?
– Tôi không nói thế. Đất nước không từ chối ai cả! Chính chú đã có lúc thừa nhận là lần này trở về lại có giá hơn lúc ra đi đấy thôi!.
Hai Phong chưa kịp dứt lời, hai tay Năm Thịnh đã nắm lấy hai tay ông, đổ lửa:
– Ông nội ơi, không còn lời thú tội nào tệ hơn điều anh vừa nói ra nữa! Lần này chính tự anh nói ra!.. – Năm Thịnh buông Hai Phong ra, ngồi vật xuống gốc cây ngay cạnh nơi anh mình đứng, một lúc sau rền rĩ: – …Phải… Đúng là có giá hơn lúc ra đi! Nghĩa là cái giá mới cao hơn cái giá cũ! Trời ơi là trời!.. Tụi em bây giờ có cái gì mà đáng giá hơn cái giá cũ hả anh Hai? Anh nói đi! Cái gì?.. Anh nói thật lòng đi!… – mặt Năm Thịnh nhăn nhó, đỏ tía.
Hai Phong mím môi ngồi im, vừa quá bất ngờ về phản ứng gay gắt của Năm Thịnh, vừa lúng túng không biết trả lời thế nào.
– Cái giá mới hơn cái giá cũ ở chỗ nào?!. Vì mấy đồng đô-la tụi em gửi về sao?.. Chỉ có thế thôi hả anh Hai? Không hơn không kém?!..
– …
– Trời đất!.. Như thế này thì làm sao nói đến hòa hợp dân tộc! Như thế này thì hiểu gì về hòa hợp dân tộc!.. Tại làm sao những người chiến thắng như các anh, những người thất trận như đám ông Thiệu không hiểu nổi những nỗi đau của người dân nước mình! Tại sao lại vô tâm hay mê muội đến thế?!.
Hai Phong kinh ngạc nhìn em mình chằm chằm nhưng vẫn không nói được gì.
Tay vân vê mấy hòn sỏi trước mặt, mãi Năm Thịnh mới nói tiếp:
– Em không hiểu đám người thất trận như ông Thiệu nghĩ gì, nhưng em hỏi thẳng anh: Chẳng lẽ trong đầu người chiến thắng các anh chỉ có trắng và đen, vô sản và tư sản, cách mạng và phản động. Ngoài cái đạo lý sơ cứng chết tiệt này ra các anh ra không có cái gì thuộc về con người?
– Đừng nói linh tinh thế em! – Hai Phong gần như van xin.
– Trời đất ơi, thế nào là linh tinh? – Năm Thịnh vừa kêu vừa giãy lên. – Hay là người cộng sản các anh không đau nỗi đau của dân tộc? Không khát vọng những khát vọng của dân tộc?!. Chỉ vì các anh là người chiến thắng! Có phải vậy không?!. Có phải vậy không?!..
– Chú bình tĩnh lại đi…
– Em đang rất bình tĩnh mà anh Hai. Thế còn cuộc sống này? Số phận con người trong một đất nước đã bị chiến tranh băm vằm mấy chục năm như thế này? Những người đã chết, những người còn sống!.. Tất cả chẳng có ý nghĩa gì sao?. Mà thế nào là trắng, là đen? Thế nào là cách mạng, là phản động?. Rồi cả cái thế giới chung quanh lăm le đang nhằm vào đất nước này nữa!. Không có cái gì thoát ra khỏi cái thước đo này của anh sao anh Hai?.. Mà thước đo này, cách nhìn này ai dám đặt ra như thế? Trả lời em đi anh Hai! Ai được phép định ra nó như vậy?.. Trả lời em đi!. – Năm Thịnh lắc mạnh tay Hai Phong, giục giã.
– Anh… anh chỉ có thể thông cảm với chú!.
– Không! Không! Em không cần anh thông cảm gì cả! Nói đi! Nói đi chứ anh Hai!
Hai Phong đờ đẫn, với lấy tay em mình, im lặng.
– Em hỏi lại anh một lần nữa: Có phải là nhà này nuôi cách mạng không?
– Sao chú lại hỏi lẩn thẩn thế?
– Để nhắc nhở anh thôi.
– Tôi có làm gì sai trái đâu mà chú phải nhắc? – Hai Phong bực bội.
– Xưa nay em cứ đinh ninh là trách nhiệm của người chiến thắng nặng nề lắm… Cuộc chiến càng khốc liệt, trách nhiệm càng nặng nề. Nào ngờ…
– Chú ngờ cái gì nữa? Ngỡ như thế chưa đủ sao?
Năm Thịnh lần chần mãi không nói, rồi bất giác rên lên:
– Anh Hai ơi… Thì ra suy cho cùng người cộng sản các anh cũng chẳng thoát được cái quy luật được làm vua thua làm giặc của con người!
– Trời ơi Năm Thịnh! Không được nói thế…
Năm Thịnh dường như không nghe thấy Hai Phong nói.
– Nhưng tôi hiểu… Tôi hiểu chú…
– Anh hiểu cái gì?
– Tôi hiểu và thông cảm được với chú!.. Cả đời chú lớn lên trong vùng địch… Dù sao chú cũng khó có thể nhìn khác hơn và hành động khác hơn!
– Chết thật rồi! – Năm Thịnh kêu to lên, vừa ngơ ngác, vừa thất vọng. – …Anh nói thế có nghĩa là chiến tranh vẫn chưa kết thúc ngay trong cái nhà này!.. Trời đất ơi!.. Hết đường!.. Hết đường!.. – loáng thoáng nghe thấy tiếng má Sáu Nhơn vui đùa với mấy đứa trẻ đâu đây, Năm Thịnh vội dừng lại, hạ giọng: – Thôi, em không muốn lại hỗn với anh một lần nữa! Em có việc em phải đi đây… Không thể nói chuyện với anh được… – Năm Thịnh buông tay Hai Phong ra, đứng dậy sửa lại quần áo.
– Đi đâu? – Hai Phong như choàng tỉnh ra khỏi cơn mê.
– Ủy ban Mặt trận Thành phố mời em lên họp mặt… Như anh đã nói lúc nãy ấy mà: Bỏ nước đi di tản bây giờ hóa ra lại có giá!..
Hai Phong chới với.
Đúng ngày bà Sáu Nhơn thượng thượng thọ 85 tuổi, mọi người ở nhà không thiếu một ai. Không biết có bảo nhau trước hay không, ai cũng ăn mặc chỉnh tề hơn lúc bình thường. Bà Sáu mặc bộ quần áo dài màu ngà, hàng tơ tằm, tuy giản dị nhưng trang trọng. Tóc má trắng xoá càng hợp với màu quần áo này. Từ sáng sớm tiếng cười nói trong nhà ngoài sân như không dứt. Mấy cái máy ảnh và video kỹ thuật số của các cháu nội má Sáu quay chụp lia lịa, nhưng là gặp đâu quay chụp đấy, hoàn toàn tự nhiên, không bài trí… Bảo Vân có một tín nhiệm kỳ lạ với má Sáu, dắt được nội của mình đi hết chỗ này chỗ khác trong đám con cháu, mỗi nơi dừng lại một tí cho các nghệ sĩ nghiệp dư làm việc theo ngẫu hứng…
– Con đảm bảo với nội là sẽ có một album và một băng video độc đáo về sinh nhật của nội, không giống bất kỳ ở nhà nào! – Bảo Vân hứng chí nói với nội của mình.
– Các con thấy chưa, ở nhà với nhau thế này có sướng không! Quần tụ với nhau cả một ngày cho chán thì thôi. Ngày mai lại tha hồ ai đi việc nấy, đi đâu thì đi… Vợ chồng Hải đi đâu rồi? Vợ chồng Võ Sang hứa đến mà giờ này chưa thấy. – Bà Sáu nói giữa nhà.