– Không phải. Chúng đang đi quá đà. Đám trẻ bây giờ là như thế tuốt…
– Hèn gì, cứ vào bữa cơm, em lại thấy anh nói một đằng, các cháu nghĩ một nẻo. Các cháu biết phận mình là con nên không dám bắt bẻ lại anh đó thôi.
– Anh không muốn để xảy ra việc gì có thể tổn hại đến thanh danh là gia đình cơ sở cách mạng của nhà ta. Có đến nỗi chết đói đâu mà phải ôm đồm tham lam đến thế!
– Nói thế thì em cũng phải cãi lại anh, chứ đừng nói các con anh. Chí ít bảy cơ sở kinh doanh của các cháu tạo công ăn việc làm cho hơn một nghìn người. Thế là công hay là tội?
– Em chẳng hiểu gì cả. Chuyện này còn liên quan đến bóc lột lao động! – ông Hai Phong không giữ được điềm tĩnh.
– Thôi, em nói chuyện khác. Có điều là khi hỏi các cháu đến chuyện đất đai nhà cửa, chuyện thuế má, chuyện bảo hộ sở hữu, bảo hộ kinh doanh, hoạt động của ngân hàng.., thì em hãi quá. Đại hổ lốn như món lẩu má đôi khi vẫn đãi chúng ta vậy. Ví dụ như cái xưởng chế tạo cơ khí của các cháu, đất đai thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, lại do một xí nghiệp quốc doanh đứng ra cho thuê quyền sử dụng. Về lý mà nói, cái gọi là hợp đồng thuê đất chỉ là mảnh giấy viết tay, không qua một cơ quan pháp luật nào cả. Xí nghiệp quốc doanh làm gì có quyền đem đất mình đang sử dụng đi cho thuê? Thế là bất hợp pháp. Nhà nước giở lý ra đòi lại lúc nào cũng được, bấp bênh lắm. Làm sao tính chuyện lâu dài?
– Khổ lắm, anh đã khuyên các cháu là đừng tham lam ôm đồm… – lo lắng hiện rõ trên mặt ông Hai Phong.
– Anh đừng sợ, em đang nói chuyện khác. – Năm Thịnh thông cảm với anh mình. – Đã vậy mọi chuyện làm ăn đều dùng tiền mặt hết, thế mới chết chứ, không qua ngân hàng. Tha hồ mà gian lận, tha hồ mà nhũng nhiễu.
Anh vẫn khuyên bảo các cháu phải làm ăn thật thà, chứ có nhắm mắt cho qua mọi việc đâu.
– Không phải thế, anh chẳng hiểu mô tê gì hết! Nói chuyện với anh khó quá. – Năm Thịnh cười gằn, đến lượt mình phải cố kiên nhẫn. – Trên thương trường người ta làm ăn theo lệ nhiều hơn theo luật, theo tính toán được thua, mọi lời khuyên chỉ là kinh thánh để cầu nguyện thôi. Mà gian lận và nhũng nhiễu thường sinh con đẻ cái với nhau, mọi hậu quả bệnh hoạn thì cả nền kinh tế gánh chịu, tức là dân gánh chịu.
– Như thế là chính em cũng phải thừa nhận cái mặt ghê tởm của thị trường!
– Anh Hai ơi, thị trường không quan tâm đến việc nó ghê tởm hay không ghê tởm. Làm ăn kiểu thế này ở nước ta đến khi nào chịu không nổi thì Nhà nước lại ra lệnh cấm, ra lệnh xóa chắc? Hay là cái hệ quả lô-gích này sẽ tiêu ma Nhà nước ta trước khi Nhà nước ta kịp ra tay trị nó?
– Em vẫn còn gọi là Nhà nước ta?
– Thôi thì em cứ nói như thế cho thuận miệng. Nhưng anh chưa trả lời em.
Hai Phong ngẫm nghĩ. Chính ông đã nhiều lần tự hỏi mình là mọi chuyện sẽ đi tới đâu. Ông đủ từng trải để hiểu rằng mọi chuyện đã có gì là chắc chắn nếu như không dám tách bạch cái gì đúng, cái gì sai, cái gì phải làm… – Các cháu nghi ngờ sẽ có cải tạo xã hội chủ nghĩa lần nữa à? -… Theo chúng cháu cái chưa được duy nhất trong đổi mới là cái được cũng chỉ là miễn cưỡng thôi ạ!… Bà Sáu đã kể lại cho Hai Phong nghe rành rọt câu chuyện giữa ông Tám Việt và các con ông hôm đám cưới Võ Sang…
– Anh Hai, tay đôi với em, anh luôn thua. Có phải thế không? – Năm Thịnh hỏi dồn.
– Chuyện nghiêm túc mà em cứ nói như đùa.
– Không phải, em trêu anh cho anh tỉnh ngộ ra thôi. Từ khi biết nước ta bắt đầu đổi mới, em ngó tới ngó lui. Dù sao, em vẫn thừa nhận là nước ta làm giỏi đấy, không bù cho mấy anh chàng cộng sản Nga Xô – Đông Âu…
– Vẫn còn dành cho đất nước một lời khen nhỉ!..
– Nhưng về lâu dài có một điều làm em lo nhất. Gần hai tuần nay thăm thú các nơi trong Thành phố em càng nghĩ như vậy. Gốc gác mọi điều tốt xấu sau này sẽ bắt đầu từ đây…
– Chuyện gì mà hệ trọng vậy?
– Chưa có sự rành rọt, chắc chắn nào trong vấn đề sở hữu, dù là sở hữu công hay sở hữu tư cũng vậy. Sự bát nháo như vầy đáng sợ lắm!
– Thế mà anh cứ tưởng là em sẽ nêu lên một vấn đề chính trị nghiêm trọng… – Hai Phong cảm thấy như vừa thoát hiểm.
– Trời ơi anh Hai, vấn đề sở hữu còn nhạy cảm hơn cả chuyện chính trị anh à. Nó là thứ chính trị cao nhất đấy.
-Em nói gì mà lạ thế? Chính quyền Nhà nước nắm chắc trong tay!
– Hỏi vậy, rõ ràng là anh đang sống trên cung trăng. – Năm Thịnh thất vọng ra mặt, cố tìm cách nói cho anh mình hiểu. – Anh có muốn biết cánh làm ăn người Việt ở bên ấy nghĩ gì không?
– Em nói đi.
– Họ nói bây giờ thể chế kinh tế của ta nước trong nước đục như thế này trở về kiếm ăn mới dễ. Nếu chưa có gì lâu dài, thì tính chuyện chụp giựt, giựt cho đổ thì càng hay! Vỏ quýt dày móng tay nhọn, lo gì! Cò con, cò mồi, đều có đủ mặt. Em tin chắc là đã có nhiều kẻ làm được những quả lừa ngoạn mục.
– Đấy là đồn đại hay sự thật?
– Bang em ở có thằng cha Tuyến cò, chuyên nghề môi giới và ăn bẩn. Nó về đây mở cái công ty Transpacific, lải nhải mấy thứ nào là công nghệ sinh học, nào là công nghệ thông tin, đưa về nước vài công thức vi sinh cũ rích cho biogas, vài cái máy điện toán do mấy công ty bên kia thải ra… Từ tay trắng bây giờ nó có hai cơ ngơi đàng hoàng. Văn phòng của nó ở quận Cam em biết, là một phòng đi thuê bé teo ở lầu 8 của một chung cư. Văn phòng của nó ở đây hôm qua em vừa mò đến xem tận nơi, rất đàng hoàng. Nghe đâu nó còn được Thành phố tin dùng nữa.
– Nếu được việc thì cứ dùng chứ sao? – Hai Phong ướm hỏi.
– Vậy mới thành chuyện. Bữa gặp em ở Los Angeles nó lôi thư của quỹ tín thác Người đi săn ra khoe, có địa chỉ, có đóng dấu hẳn hoi, chào mời cho vay tiền. Nhưng ai mà không biết ở Mỹ chỉ mất vài trăm Mỹ kim phí tổn đăng ký và in ấn là lập được một quỹ như vậy. Rồi thư uỷ nhiệm của một cơ quan nào đó trong nước, có tên gọi là Cục Dự trữ III. Em chẳng hiểu đó là cục dự trữ gì. Lương thực hay tiền tệ, phân bón hay sắt thép? Dự thảo thư cử nó thay mặt phía Việt Nam thương lượng việc đi vay. Số tiền đàm phán là sáu trăm triệu Mỹ kim chứ không phải tiền tiêu vặt.
– Lớn dữ vậy! Chính phủ vay chính phủ có vài chục triệu đô còn phải đàm phán lên đàm phán xuống vỡ mật nữa là…
– Anh thấy chưa! Nó rủ em chung tiền chạy áp-phe (affair) này. Em nghi lắm, nên không chơi. Nó cũng mắng em là đồ ngu, cơm bưng đến miệng mà không biết ăn! Nó còn nói chờ chủ tịch Quỹ trao thư chào hàng chính thức thì sẽ xin được thư của Thủ tướng Việt Nam uỷ nhiệm cho nó đứng ra thương lượng việc này. Thế là xong, hoa hồng 1,5% coi như nằm trong túi. 1,5% của sáu trăm triệu Mỹ kim, anh có hiểu không?
– Chẳng lẽ tiền là vỏ hến? – ông Hai Phong lắc đầu, vì ngạc nhiên hơn là vì hoài nghi.
– Em vẫn không bập vào, nó gạ chung vốn mở nhà máy làm kem, lúc đầu bán ở Sài Gòn, đắt khách sẽ mở rộng ra cả nước. Em cũng “say: No!” Nó giải thích, dân mình ở xứ nóng thích ăn kem lắm, kinh doanh sản phẩm này sẽ trúng đậm, một vốn bốn lời!
– Làm dịch vụ cho ta vay tiền, sao nó lại phải gạ em chung vốn?
– Chung vốn trong trường hợp này là góp cho nó một cục tiền để lo các thủ tục, mướn các luật sư và các người làm lobby, nói nôm na là mua các quan hệ, lo các phí tổn giao dịch khác… Công việc mỹ mãn thì có hoa hồng để chia.
– Nó gạ em góp bao nhiêu?
– Một trăm ngàn Mỹ kim anh ạ. Nếu mỹ mãn, phần được chia của em là một triệu Mỹ kim. Nó còn nói sẽ coi em là khách hàng đặc biệt, nếu công việc không mỹ mãn nó sẽ hoàn trả vốn trong vòng hai mươi bốn tuần lễ, sẽ thuê luật sư làm chứng bảo đảm cam kết này.
– Chắc như cua gạch vậy mà em từ chối?
– Em đã tính rồi, cứ cho cái ap-phe này là thực đi, khả năng tốt nhất em có thể đạt được là đòi lại được vốn cho Tuyến cò vay một trăm ngàn Mỹ kim sáu tháng ròng không lãi, không kể những phí tổn tiền bạc, thời gian và hao mòn tâm trí đi kiện cáo đòi lại số tiền đã bỏ ra. Còn cái ap-phe này là giả thì chẳng có gì phải nghi ngờ. Nhưng bây giờ em vẫn băn khoăn là không biết phía ta đã làm gì với thằng Tuyến cò.
– Thế là em hãy còn tâm địa lo cho phía ta?
– Sao lại không?
– Ngồi trong nước làm sao biết được thực giả nhỉ?
– Trong trường hợp này thực cũng chết chứ đừng nói là giả. Trong làm ăn em học được ở má một điều quan trọng anh ạ. Má vẫn bảo tụi em: Ta không tự lừa mình thì đỡ bị lừa!
– Nói như thế, trong nhà này chỉ có anh là ngốc, có phải thế không, Năm Thịnh?
– Ai bảo anh đi vào con đường chính trị! Nhưng lập trường kiên định như anh thì cũng chỉ là thứ chính trị nửa vời thôi!..
– Lại bắt đầu gây sự hả?
– Em nói thật đó. Nếu là nhà chính trị thì từ điều em vừa nói anh phải rút ra kết luận: Tự lừa mình thì khôn ngoan đến đâu cũng sẽ bị lừa!
– Thà chú mày lại mắng anh như hồi nào còn hơn là giở cái thói vô lễ một cách lịch sự như vầy! – Mặt Hai Phong đỏ rần.
– Hồi nãy anh vẫn nợ em một câu trả lời. Thực tình em thấy anh ngày càng không bắt nhịp được với cuộc sống sau chiến tranh. Em thương anh chứ không trách anh đâu. Anh vốn dĩ được nhào nặn như vậy mà. Chỉ vì anh là người quá tốt, làm theo đúng những điều anh được tôi rèn… Hơn nữa, lại vào tuổi anh…