– Ôi chú, bây giờ chú có thể tin được là cháu hiểu sự lựa chọn của chú vừa khó khăn, vừa đau đớn, vừa can trường biết chừng nào!
– Cháu ơi, không một ai có quyền gây thêm đau thương cho dân tộc này! – Ông Học đặt cả hai tay lên vai Nghĩa rồi nắm chặt lại, lắc mạnh: – Không một ai! Cháu hiểu không?
Nghĩa choáng váng vì lời giục giã của ông Học, bất giác nắm lấy hai tay chú mình hồi lâu. Nghĩa cố thở mạnh, như để lấy lại sức cho chính mình. Trăm ngàn mũi kim châm vào hai bên thái dương Nghĩa, lan toả ra toàn thân Nghĩa, tê dại… Những câu nói sang sảng vang lên …Lời tạ từ cuối cùng… Đấy sẽ là lời tạ từ cuối cùng… Cháu hiểu không?!..
Vô tri vô giác, Nghĩa lảo đảo buông thõng hai tay chú mình lúc nào không biết…
Thế giới chung quanh Nghĩa tự nó bỗng rơi vào thinh không, tan loãng trong không khí, đầu óc Nghĩa như đang vỡ ra từng mảnh… Nghĩa khó nhọc lết lết cái chân giả của mình để tới gần chỗ ông Học ngồi, nhìn sát vào tận mặt ông, hai tay phải vin cả vào người ông, gắng gượng:
– C hú ạ… – từng cơn giật mạnh từ cái chân giả lại xuyên lên thái dương nhức buốt, cắt ngang câu nói của Nghĩa.
– Gì thế cháu?
– … – những cơn đau nhói làm cho Nghĩa ý thức được bản thân mình, thế mà Nghĩa vẫn chưa hết lưỡng lự.
– Cháu định nói gì?
Nghĩa hít thật sâu để có thêm can đảm, rồi cả quyết:
– Cho cháu hỏi lại một lần nữa ạ…
– ??? – ông già Học nhìn Nghĩa chằm chằm.
– Thưa chú, nếu sự lựa chọn của chú là sai thì sao ạ?
Ông già Học đăm chiêu, ông cầm lấy tay Nghĩa, mãi mới nói được lên lời:
– Cháu ạ… Nếu sự lựa chọn của chú là sai lầm… Có thể như thế lắm chứ… Hoàn toàn có thể như thế…
– Xin chú nói tiếp đi!.. – Nghĩa nắm lấy cả hai tay chú mình, lạy van: – …Cháu xin chú! Cháu xin chú!
– Phải… Nếu sự lựa chọn của ta là sai lầm… Ta đã nói cho cháu nghe rồi… Không còn gì để nói nữa!.. Ôi…, nếu sự lựa chọn của ta sai lầm… Sẽ không còn gì để nói… Dứt khoát không còn gì để nói nữa… – mấy câu sau cùng ông Học như nói với chính mình, giọng ông lạc hẳn đi.
– …
– …
Lễ mừng đại đại thọ bà Sáu Nhơn thật ra chỉ là cái cớ để đoàn tụ gia đình và hội tụ bạn bè. Nếu không có hai lý do này, bà Sáu sẽ không cho lễ lạt gì cả.
– Các con các cháu về đông đủ là nội vui rồi, như thế là đại lễ, không phải làm gì thêm nữa!
Bà Sáu chỉ nói một câu như vậy, không ai dám trái lời. Không có thắp hương làm lễ cúng bái tổ tiên, không cả áo điều, khăn điều… Cũng không tiệc tùng, tuyên bố lý do…
Bà Ngân xin có mục con cháu tụ họp để tặng hoa, chụp ảnh, Bà Sáu cũng gạt đi:
– Ô hay! Má có là diễn viên đâu? Nhà mình đâu có phải là sân khấu.
Bảo Vân là người hiểu nội mình nhất, dự định sắp xếp lễ thượng thọ theo đúng ý muốn của bà Sáu, nghĩa là không làm gì định trước, chỉ cốt sao nội của mình có niềm vui lớn về con cháu mình. Hai bà cháu vốn hợp nhau nhất, nên có nhiều điều bà Sáu chỉ tâm sự với Bảo Vân:
– Nội không thể hình dung nổi bây giờ nội lại có đủ các con cháu trong ngôi nhà này. Bù lại những đêm nội khóc thầm…
– Nội ơi, con cảm thấy không gì có thể chia lìa được gia đình nhà ta!
– Đấy là cái phúc lớn nhất của nhà mình. Chỉ còn thiếu dì Út Thạnh và em Thơ con… Mà hình như con và Thơ bằng tuổi nhau đấy… – bà Sáu đang nói quay mặt đi, cố giấu giọt nước mắt.
– Nội lại buồn?
– Cả nhà này có lẽ nội thương nhất dì Út con và em Thơ.
– Gần như không một nhà ai tránh được mất mát, nội ạ. Nhưng thật con không dám nghĩ là các chú thím con, các em lại về được đông đủ thế này. Mấy ngày nay nhiều lúc con cứ tưởng rằng nhà ta vừa mới trải qua một trận đất trời đảo lộn quay cuồng, nhưng cuối cùng thì gần như cả nhà vẫn vẹn toàn, đông đủ.
– Nội nhớ mãi ngày ấy. Các chú các thím, các em con quỳ xuống tế sống nội để tạ từ. Nội nghĩ thế là hết. Ôi nếu ông nội con được chung niềm vui hôm nay!
– Con không biết các chú thím và các em ra đi như thế nào. Nhưng hôm các chú thím và các em vào đến nhà, chú Ba bảo tất cả cùng quỳ xuống lạy nội, con ngỡ ngàng quá, cũng quỳ theo. Con chưa bao giờ thấy nội điềm tĩnh đến như thế. Nội tươi cười đỡ tay các chú thím con đứng dậy. Nếu con là nội, con đã oà lên khóc!
– Nội cũng không hiểu tại sao lúc đó nội không khóc được, có lẽ nội mừng quá. Hay là nội tự tin quá? Nội vẫn nghĩ nội không thể mất con cháu mình được. Mà đúng là như thế!
– Bây giờ con vẫn không sao tả được nội hôm ấy. Nội khoan thai, cao cả lạ lùng. Lúc ấy bố mẹ con, các chú thím con, các em các cháu.., tất cả chúng con cứ như là đàn gà con chíp chíp, nhảy nhót, rúc rúc vào hai bên cánh gà mẹ là nội…
– Hôm ấy nội cảm thấy bình yên, thanh thản Bảo Vân à. Chưa bao giờ nội có được cảm giác nhẹ nhõm như thế. Là con cháu của nội thì phải về với nội, không thể khác được…
– Có lẽ nội được bù đắp phần nào cho sự mất mát và phải chịu đựng quá nhiều trong cuộc đời.
– Nhưng con không biết chuyện này, đêm hôm đoàn tụ ấy, nội đã về buồng khóc một mình, khóc cho thoả nỗi đau những năm phải chịu đựng cảnh mất con mất cháu. Con nghĩ đúng, Bảo Vân à, gia đình nhà ta tỏ ra xứng đáng trước thử thách này.
– Thú thực lúc đầu con cũng lo lo. Nhưng hình như năm tháng làm cho tâm lý bất mãn của các chú các thím đối với chế độ dịu đi. Con thấy không ai nhắc lại chuyện cũ, mà chỉ nói toàn chuyện làm ăn trước mắt.
– Sống với quá khứ ích gì hả con?
– Con thấy các chú thím con dạy các em con giỏi quá. Không thấy các em chê bai đất nước mình còn nghèo, còn lạc hậu. Chẳng bù cho một số gia đình là khách hàng của bọn con. Họ cũng có người thân ở nước ngoài về thăm. Những người này mở miệng một câu chê đất nước một câu, mở miệng hai câu chê đất nước hai câu…
– Nội vẫn lo là sang Mỹ các em con sẽ theo lối sống Mỹ, nhưng xem ra các chú thím con vẫn gìn giữ được nền nếp nhà mình. Để ý kỹ, thấy các em con thưa gửi có trên có dưới rõ ràng, vẫn giữ được gắn bó ruột thịt. Các em con kể nhiều chuyện ngày xưa về nội mà chính nội đã quên. Nội thở phào. Bây giờ thì nội yên tâm. Con cháu của nội có thể bay đi bốn phương trời…
Bảo Vân nằm ôm gối đầu tay cho bà mình, hai bà cháu thì thầm nhỏ to với nhau như thế mãi vào trong đêm khuya…
…
Lúc các em các cháu mình chưa về, ông Hai Phong đã trù tính thuê khách sạn cho các gia đình Ba Tước, Tư Quang và Năm Thịnh, nhưng bà Sáu dứt khoát gạt đi: “Chật rộng, tất cả ở trong nhà này. Trải thêm chiếu xuống đất mà ngủ! Nếu con cháu nào chê ỏng chê eo thì đừng về thăm má nữa”.
Ông Hai Phong làm theo lời mẹ. Cuối cùng thì cũng thu xếp được chỗ ở gọn gàng, ấm cúng cho tất cả. Ông thấy mẹ mình vui sướng và lanh lẹn hẳn lên, bỏ cả đi bộ thường lệ buổi chiều trong vườn để chuyện trò với người này người khác. Bà hỏi han rất kỹ từng đứa con, đứa cháu mình. Ông Hai Phong tràn ngập cảm nghĩ gia đình mình hình như chưa có một lần nào bị chia lìa.
Tuy chẳng có tiệc tùng gì, song những ngày rày nhà má Sáu Nhơn như là có hội, còn vui hơn hội. Tiếng cười nói, niềm vui đoàn tụ, họ hàng khách khứa đến thăm, những câu chuyện không dứt. Thường thường vào buổi tối là cả nhà đông đủ nhất….
Một lần, dưới gốc cây soài tượng trong vườn, Năm Thịnh ngồi nói chuyện riêng với Hai Phong:
– Hết giận em chưa anh Hai?
– Giận làm gì, lúc đó buồn nhiều hơn.
– Lúc bấy giờ giận mất khôn, thành ra em vô lễ với anh. Tha lỗi cho em, được không anh Hai?
– Chuyện gần hai mươi năm rồi, anh đâu để bụng làm gì.
– Anh Hai nè, bây giờ em thấy trong nước, có quá trời chuyện chẳng biết ra sao là ra sao…
– Mới về mấy ngày mà tư tưởng đã linh tinh rồi hả?
– Em là phần tử lạc hậu mà, anh chẳng quy kết em như thế là gì? Chuyện kỳ cục lớn nhất là nếu bây giờ còn cải tạo thì các con anh phải cải tạo gấp bọn em hàng chục lần. Nhưng các con anh lại được mời phát biểu trên tivi, được đăng báo. Như thế có phải là chuyện luẩn quẩn không?
– Thôi đừng nói những chuyện anh không thể giải thích.
– Anh sắp làm em nổi nóng rồi đấy! Vẫn chứng nào tật ấy! Nếu hồi ấy không có cải tạo thì chắc gì tụi em đã bỏ đi… Hay là sẽ bỏ đi muộn hơn?..
– Chưa bỏ được cái thói Năm Lửa, phải không?
– Bản tính của em như vậy mà.
– Sao không mắng anh một lần nữa đi?
– Anh lại xui em vô lễ với anh?.. – Năm Thịnh cười. – …Em khác anh. Em không bao giờ chịu dại một cái dại nào đến hai lần đâu anh Hai! Nói về kinh tế đất nước, em tóm gọn trong một câu thế này: Vừa qua là phá rồi lại xây. Anh Hai nè, đầu bài mới em đặt ra cho anh là thế này: Sắp tới thì đến bao giờ sẽ lại phá? Trả lời em đi anh Hai.
– Em hoài nghi bậy bạ quá. Chết cái nết cũng không chừa.
– Đã có lần anh còn mắng em là đồ phản động, hoài nghi bậy bạ ăn thua gì!
– Thôi đi, ông Năm Lửa ơi! – Hai Phong hết kiên nhẫn.
– Đi xem các cơ ngơi, rồi nói chuyện với các con anh, em thừa nhận bây giờ thông thoáng quá trời so với trước. Phải thừa nhận các cháu giỏi quá anh à. Đúng là: “Con hơn cha là nhà có phúc”.