– Cháu cũng kỳ vọng như vậy!
– Nếu thế, để xảy ra sự phí phạm cơ hội này sẽ còn tồi tệ hơn cả tự hủy diệt! Cháu có thử đặt ra điều này không?
– Sự phí phạm, theo chú…
– Đừng bắt chú phải nói ra tất cả! Đảng cháu phải xứng đáng với cơ hội do lịch sử tạo ra! Thước đo lòng trung thành với lý tưởng phụng sự dân tộc do chính Đảng cháu tự đề ra cho mình đấy!
Nghĩa rót trà mới cho chú mình, kiếm cớ im lặng nghe tiếp.
… Theo chú, đổi mới ở nước ta mới chỉ bắt đầu, cháu ạ. Mới chỉ vỡ vạc ra thôi, còn có thể đi nhanh, đi xa rất nhiều. Đơn giản là trong thời đại trí tuệ ngày nay, trong cái thế giới mở này, nhiều điều trước đây là không thể thì bây giờ là có thể cháu ạ. Cái lợi duy nhất của nước đi sau!..
– Chú chắc như vậy ạ?
– Sao lại không hả cháu? Không một dân tộc nào chịu bó tay chết đứng đâu cháu ạ! Cháu thử nghĩ xem, theo chú chưa bao giờ dân tộc ta cần tự do dân chủ như bây giờ để có thể cọ xát với cả thế giới, rất cần sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cháu để đạt được mục tiêu trọng đại này. Chính đòi hỏi này của dân tộc, cùng với truyền thống cách mạng đã được tôi luyện của Đảng cháu, hai yếu tố này đang tạo ra cho Đảng cháu cơ hội lớn lao mà trước đây không thể hình dung được.
– Chú nhìn cơ hội này như thế nào ạ? – Nghĩa muốn biết chú mình suy nghĩ gì về hướng này.
– Nhất là một khi Đảng cháu làm cho từng người dân có khả năng và bản lĩnh làm chủ trí tuệ, làm chủ chính mình! Nếu không đất nước độc lập thống nhất để làm gì? Ý này, Cụ Hồ nói rõ trong Di chúc của mình – Dừng lại một giây, ông Học tiếp:
– Nếu được tự do dân chủ như thế, Việt Nam ta sẽ là một quốc gia tuyệt vời cháu ơi!.. – Ông già Học sôi nổi.
– Như thế, những gì chú mong muốn là diễn biến hòa bình đích thực đấy ạ!
– Nghĩa! Chú không quan tâm đến ngôn từ của Đảng. Nói cho chính xác, vì muốn tiết kiệm xương máu, nguồn lực và thời gian của dân tộc mình, chú lựa chọn Đảng của cháu làm người đi đầu khai phá sự phát triển tất yếu này của đất nước. Chú không có sự lựa chọn nào tốt hơn. Nói đến mức ấy cháu đã hiểu chưa? Hay là chú nhầm?
– Cháu hiểu ý chú ạ. Theo con đường này, vai trò lãnh đạo của Đảng phải…
Ông Học không chờ nghĩa nói tiếp:
– Đảng của cháu phải luôn tự giác vươn lên làm được vai trò lãnh đạo trong mọi bước đi của đất nước trong quá trình phát triển tất yếu. Nếu chúng ta có tầm nhìn và biết lựa chọn!.. Cháu hãy nhìn lại xem: Gần như trong một đêm thoát khỏi nạn đói, lại còn có gạo xuất khẩu, tự tìm ra con đường riêng của mình chống được lạm phát và tạo ra tăng trưởng mà hầu như không nước nào làm được như thế, chấm dứt hẳn được nạn thuyền nhân di tản làm liêu xiêu đất nước, và bây giờ là bộ mặt kinh tế xã hội hoàn toàn khác trước!.. Ôi đoạn đường đổi mới đã đi qua như thế không đáng rút ra kết luận gì hay sao? Trong những thành quả này cháu nhìn thấy những tiềm năng gì cho tương lai?
Tai Nghĩa ù lên, mãi mới nói được:
– Chú tổng kết những năm đổi mới vừa qua đấy ạ?
Ông Học cười, lắc đầu:
– Không phải thế đâu cháu ạ. Đấy là các đánh giá của một số học giả ở Mỹ tại Boston về những cái được trong đổi mới của Việt Nam. Chú thấy họ có lý. Một số trong bọn họ đã sang Việt Nam nhiều lần. Chú đã đọc, so sánh các số liệu, và đã kiểm chứng được nhiều điều trong chuyến về thăm lần này. Lúc khác chú sẽ nói cho nghe những cái họ chê.
-Cháu cũng nghe, cũng thấy họ chê quá nhiều rồi, chú ạ.
– Sự thiếu tự giác, môi trường không công khai minh bạch, sự tha hóa, sự lúng túng, và trên hết cả là những bất cập cháu ạ… Bất chấp tất cả là cuộc sống cứ tự nó vận động với tất cả những yếu tố tiêu cực như vậy, không chờ đợi.., nghĩa là sẽ có nhiều cái tự phát không lường trước được!
– Chú cảm thấy như vậy ạ?
– Không! Chú đã nhìn thấy, ngửi thấy như vậy, cháu ạ… Từ cái mậu dịch quốc doanh chỉ còn lại cái tên, đến các hợp tác xã vỏ thực ra là các doanh nghiệp tư nhân của các cháu bà Sáu Nhơn, những câu chuyện cướp ngày ông Tư Cương kể về xí nghiệp in quốc doanh Tự Lực, những chuyện chú đọc trên báo ở ngoài Hà Nội, rồi ở trong này… Cuộc sống cứ bước đi với sức sống của chính nó, bất luận hay dở thế nào! Nó không biết chờ đợi, không thèm chờ đợi, cháu nên nhớ điều này… Vì thế phải tự giác cháu ạ… Không tự giác, sự vận động tự nó của cuộc sống sẽ dẫn đến đa nguyên của đổ vỡ… Điều này chú tin. Tự giác mà không đến mức, thì sớm muộn cũng chẳng tốt đẹp gì hơn… Tất cả những chuyện này làm chú nhớ lại những năm tháng sống ở châu Phi, ở châu Mỹ Latinh… Hay là… – đến đây ông Học bỏ dở câu nói vì phải cân nhắc thêm trong đầu.
Nghĩa nhìn chú mình một lúc, vẫn quyết hỏi tiếp:
– Chú vẫn còn điều gì phân vân ạ?
– Chú thừa nhận vẫn còn nhiều khía cạnh phân vân lắm… Hay là phải từ đổ vỡ, mới hình thành ra được một trật tự mới? Cũng có thể như thế lắm chứ!.. Chẳng lẽ nhất thiết cứ phải như thế?.. Hay là… triệt để nhất thì phải như thế hả Nghĩa?..
– Chú suy luận hay là chú có kinh nghiệm ạ? – Nghĩa lúng túng hỏi lại.
– Chú không biết… Sự vận động của nước Nga bây giờ và công cuộc đổi mới của nước ta theo chú đều mới đang ở giai đoạn khởi đầu… Mọi con đường đang còn để ngỏ cháu ạ… Hay là chú đánh giá quá cao khả năng tự giác của con người?.. Mà như thế cũng có nghĩa là chú quá yêu Đảng của cháu hay sao?.. Chú có thể lẩm cẩm đến như vậy sao?..
– Càng nghe, cháu càng thấy chú vẫn đánh giá thấp ma lực của quyền lực…
– Có thể cháu có lý… – ông Học cân nhắc. – …Nhưng chú lại có cái đạo lý của chú…
– Cháu hiểu, tâm trí chú cố hướng Phật ạ…
– Tùy cháu phán xét… Theo chú, lịch sử có thể làm tấm gương cho tương lai nhìn vào để tự soi mình. Hoàn toàn có thể như thế lắm chứ! Kinh nghiệm đường đời của chú đấy! Giác ngộ được lẽ tất yếu đi tiên phong mở đường cứu nước, Đảng của cháu đã làm nên lịch sử. Nên chú nghĩ, cũng chỉ giác ngộ được lẽ tất yếu đi tiên phong khai phá con đường phát triển tất yếu của đất nước, Đảng của cháu mới có thể đi vào tương lai… Cái giá phải đi tiên phong lần này đắt lắm cháu ạ… Hay là chú quá yếu đuối và nhầm lẫn?
Nghĩa ngồi im trầm ngâm.
… Trời ơi, ông già này! Không trách gì thím mình ngồi đâu cũng kêu ca phàn nàn là chú mình hết trăn trở điều này điều khác lại đứng ngồi với sách vở, mà đã phải đi mổ mắt lần thứ hai rồi chứ có ít ỏi gì đâu…
Mãi Nghĩa mới nói tiếp:
– Cháu vẫn muốn được nghe chú giải thích nữa ạ.
– Xem ra, tại các cháu giáo điều, nên ông Các Mác của cháu hình như có công với chủ nghĩa tư bản nhiều hơn là với chủ nghĩa xã hội đấy Nghĩa ạ!
– Trời ơi, chú nói cái gì thế ạ? – Nghĩa không tin vào tai mình.
– Nghe đây, câu chuyện là thế này: Từ phân tích bản chất của kinh tế tư bản, Mác đi đến nhận định chủ nghĩa tư bản đang tự đào huyệt chôn mình. Nhiều học giả phương Tây(*) [(*) Trong số này có Schumpeter, trong cuốn Capitalism, Socialism and Democracy, Harper & Row, New York 1942, P.A. Samuelson trong cuốn Economics, tái bản tới 19 lần; McGraw Hill, New York 1989, P.R. Drucker, trong cuốn Weltwirtschaftswende, Tendenzen fuer dia Zukunft, Langen – Mueller/Herbig, Gernamy 1984 và D.S. Landes, trong cuốn The Wealth and the Poverty of Nations, Norton & Company, New York 1988 v.v…] bằng cách này hay cách khác đã thừa nhận lời tiên tri này như một sự cảnh báo. Cháu thử nhìn lại xem: Trong cuộc sống thực tế, chủ nghĩa tư bản đã rút ra kết luận gì?
– Cháu xin được nghe tiếp ạ.
– Chủ nghĩa tư bản coi đấy là lời răn đe, là thanh gươm Damocles thường xuyên lơ lửng trên đầu! Nó đã lấy sự phát triển thường xuyên và năng động để thích ứng, chống lại tha hóa theo cách của nó, để ứng phó với lời răn đe này của Mác. Vì thế trên thực tế nó đang tiếp tục phát triển, nó tìm được một cơ chế luôn luôn tự điều chỉnh, trước hết nhờ tận dụng động lực con người, trong một hệ thống mở… Nói đơn giản là nó tạo ra cái thể chế hàm chứa Bill Gates để tạo ra những Bill Gates, cho nên nó vẫn đang tồn tại và phát triển… Ngày nay khoa học trên phương diện này tiến xa lắm rồi cháu ạ… Đó cũng là cơ may mở ra cho các nước đi sau.
– Có phải chú đang ca ngợi chủ nghĩa tư bản không ạ? Cháu hỏi như thế xin chú đừng giận.
– Đừng lo, chú muốn tranh luận với cháu đến cùng! Trong khi tiên đoán về con đường dẫn tới sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản, đồng thời mặc nhiên Mác đã đặt ra những biển cảnh báo hữu ích đối với nó trên con đường phát triển. Cháu biết không, chủ nghĩa tư bản lấy phát triển để đẩy lùi nguy cơ diệt vong của mình! Nó hiểu Mác như vậy đấy Nghĩa ạ. Đúng ra phải ghi sổ là chủ nghĩa tư bản nợ Mác nhiều lắm! Còn Đảng Cộng sản của cháu, những người đảng viên như cháu? Ngay chính bản thân cháu, cháu đã rút ra kết luận gì cho mình về những nhận định thuộc loại này của Mác? Ai thức, ai ngủ đây hả Nghĩa?
– Chú định kết luận là chỉ có người cộng sản ngủ thôi ạ?
– Chú muốn nói điều quan trọng hơn nhiều: Cuộc sống là như thế cháu ạ! Mọi chiến thắng vinh quang luôn luôn là con mồi ngon nhất, dễ đánh cắp nhất đối với sự tự mãn và tha hóa! Trong một hệ thống chính trị đóng kín lại càng như thế cháu ạ.
– Vâng, cháu hiểu. Nhưng đã mấy lần chú phải thừa nhận với cháu là chú thờ Phật mà vẫn có nhiều điều chú không theo được Phật đấy ạ!