Sau vài ba câu chuyện chiếu lệ về công việc, mấy đồng nghiệp còn lại lơ thơ của Lễ trong Ban chỉ bàn bạc với nhau mỗi việc duy nhất: Mách nước nhau chạy giấy phép đặc biệt giành chỗ máy bay đưa gia đình đi di tản! Đại tá Mạch Văn Thành còn đưa ra ý kiến xin Nguyễn Cao Kỳ đặc cách cho thuê một trực thăng riêng.
Không ai nói ra, nhưng tất cả đều hiểu: Phải có nhiều tiền! Lễ toan hé miệng xin một xuất cho gia đình mình, nhưng lưỡi cứng đơ. Vừa ở nhà lao ra, gia sản khánh kiệt, Lê Minh Đạo còn nói xỏ xiên về chức đại tá giấy, Lễ hiểu mình không có gì để tham gia cuộc đổi chác này. …Có quỳ xuống chắp tay lạy xin chúng nó cũng bằng thừa! Một lát sau Lễ đứng dậy, không chào không hỏi, lẳng lặng cắp cặp ra về. Không một con mắt nào thèm nhìn theo.
Đấy cũng là ngày cuối cùng Lễ đến nhiệm sở.
Trong khi cả Sài Gòn hoảng loạn huyên náo bao nhiêu, trong căn nhà Lễ càng yên ắng bấy nhiêu, gần như một căn nhà chết. Sức khoẻ Thảo đã khá hơn, song vẫn phải nằm nghỉ trong phòng riêng và phải hạn chế đi lại. Huệ và Tín giúp mẹ và ông Thành một số việc lặt vặt. Từ một tuần nay Huệ phải kiêm việc đi chợ thổi cơm, vì người bếp sợ chiến tranh ập tới Sài Gòn nên đã tự ý bỏ việc.
Thỉnh thoảng tạt sang thăm Thảo, an ủi đôi lời, Lễ lại trở về buồng mình nằm thượt trên giường. Nhiều lúc hàng giờ liền Lễ không nói không rằng, mắt lúc nhắm nghiền, lúc trâng trâng không động đậy. Nằm chán lại ngồi lên bật radio nghe tin chiến sự, rồi lại nằm… Từ radio, tiếng Tổng thống Thiệu quyết liệt ban lệnh cố thủ phòng tuyến Xuân Lộc…
Ôi giá có một liều thuốc tiên cho cả nhà cùng uống và cùng vĩnh biệt cuộc đời này một cách êm ả!.. Việt cộng vào cũng chết, lúc này dắt díu nhau đi di tản thì cũng giẫm lên nhau mà chết, nhất là Thảo đang yếu như thế này…
Có lúc cả ông Thành, Huệ và Tín cùng nhau giục Lễ phải tính toán thế nào, vì cả Sài Gòn đang tan vỡ, điên loạn.
– Ba nghĩ cách đưa má và cả nhà trốn đi! Ba xem, chết đến nơi rồi đây này! – Huệ mếu máo, dúi vào tay Lễ một cuộn to tướng báo chí các loại, đăng tải những bài và những hình ảnh đốt phá, cướp bóc, giết tróc, những thân thể bị chặt đầu, những bàn tay phụ nữ bị rút móng tay… Những hàng tít lớn: Việt Cộng tắm máu Ban Mê Thuột!.. Hành động tàn sát dã man của Việt Cộng…
Lễ cầm lên ngó qua rồi quẳng xuống đất, vẫn nằm thượt không nói không rằng. Nhiều khi đến bữa ăn, giục mãi Lễ cũng không buồn dậy… Ông Thành khẩn khoản thế nào, Lễ vẫn cứ nằm yên như người không hồn, thỉnh thoảng mồm vẫn lẩm nhẩm: Giá mà có một liều thuốc tiên… Ông Thành không hiểu Lễ nói cái gì, càng bối rối. Huệ đứng ngồi không yên, phần vì cảnh nhà lúc này, phần vì người yêu của Huệ đã theo gia đình di tản cách đây mươi ngày. Riêng Tín cảm thấy thoải mái, vì nhìn thấy chắc không phải thi kết thúc niên học.
Dần dà Lễ bỏ cả việc thỉnh thoảng tạt sang buồng bên hỏi thăm Thảo… Hai ngày, ba ngày, bốn ngày… Mãi đến lúc Thảo nhờ hai con xốc nách lết sang buồng Lễ, trong tay tập báo Huệ mang về hôm nào. Ông Thành cũng đi theo. Đến lúc này Lễ mới nhỏm dậy đỡ vợ ngồi xuống cạnh mình:
– Em cần nằm yên tĩnh dưỡng, sao vội đứng dậy đi lại làm gì! – tay lần lần các tờ báo một lúc, Lễ nói tiếp: – Vứt các tờ báo này đi!
– Chết đến nơi rồi anh ơi. Anh xem đây, Việt Cộng tàn sát Buôn Mê Thuột dã man lắm.
– Toàn là hù doạ! Lên gân mọi người đánh lại Việt cộng… – Lễ giải thích, tay vẫn gạt nắm báo. – Những cái trong ảnh là thật. Nhưng đấy là những ảnh các cuộc càn quét của lính thuỷ đánh bộ Mỹ và quân Cộng hòa trong chiến dịch “tìm diệt”, lưu trữ của Ban anh có cả đống!
– Trời, lại còn có chuyện như thế nữa! – ông Thành kêu lên.
– Anh ơi, theo binh tình này Việt Cộng vào Sài Gòn đến nơi rồi. Hiếu thắng như tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng đã cho vợ con, tài sản đi hết. Cánh họ Lý gọi điện thoại nói với em như vậy.
– Bọn họ có rủ em đi không?
– Có, nhưng phải nhiều tiền. Chắc tốn không kém việc chạy cho anh ra khỏi trại giam đặc biệt. – giọng Thảo lạc hẳn đi.
– Nằm đây cũng chết. Tiền không, quyền không, …chạy bộ thì cũng bị giẫm bẹp mà chết.
– Thế thì nằm đây chờ chết còn hơn, ba nói có lý đấy… – Tín xen ngang.
– Hàng chục nghìn người chạy được, anh là đại tá mà không lo được cho gia đình chạy thoát thì còn làm gì nữa! – Thảo chì chiết, giọng nói run bắn.
– Anh nhận lỗi với em, với cả nhà. Nhưng đến nông nỗi này thì hết đường rồi.
Sau khi mọi người trở ra giữa những tiếng khóc não nuột của Thảo và Huệ, Lễ lại nằm thượt.
Tối 21 tháng tư đài phát thanh Sài Gòn phát đi diễn văn từ chức của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Lễ lắng nghe nhưng vẫn nằm bất động trên giường. Diễn văn hết, radio đã chuyển sang những tin tức khác từ lâu, Lễ cũng chẳng buồn ngồi dậy tắt đài. Chỉ có những tiếng thở dài kéo dài hơn trước… Vài giờ sau đột nhiên Lễ cười rống lên một cách điên dại: “Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đích thân nói với tôi sẽ thăng cấp cho ông lên đại tá…”. Cả nhà cuống cuồng chạy vào phòng Lễ.
Cũng lúc này ông quản gia nhà in của ông Phạm Trung Học, chạy tới nhà Lễ:
– Cậu Hai tính thu xếp cho gia đình chạy đi! Tổng thống Thiệu đã từ chức rồi. Tiền đây, lo cho cho cả nhà chạy nhanh lên. – dứt lời, ông quản gia rút ra từ trong người một gói đô-la và vàng dúi vào tay Lễ.
– Cảm ơn chú Tư. – Lễ xưa nay vẫn gọi ông quản gia như vậy. – Chú giữ lại đi. Chú còn phải lo cho gia đình chú nữa. Bây giờ có bán cả nhà in cũng không đủ tiền để chạy thoát ra nước ngoài… Có bán cũng không ai mua lúc này. – Lễ dứt khoát đẩy cái gói lại.
– Cậu Hai không cầm thì mợ Hai cầm lấy, dù ít dù nhiều chắc chắn có khi phải dùng tới. Tôi đã giữ lại một phần cho gia đình tôi rồi. – Ông quản gia đưa gói tiền cho Thảo, hỏi tiếp: Cần bao nhiêu tiền thì đủ cho đi di tản hả mợ Hai?
– Vô ích, chú Tư ạ, cánh họ Lý nói phải tương đương với số tiền như đã chạy cho anh Lễ ra khỏi trại giam Thủ Đức.
– Vô phương. Thế thì vô phương thật rồi.
– Nghĩa là đành ngồi chờ chết, hả ông Tư?
– Trông chờ vào số phận thôi, ông Thành ạ! Dắt lấy vài đồng vào người… Đóng chặt cửa ngồi yên trong nhà. Tôi khuyên cả nhà không nên đi đâu lúc này. Xin chào tất cả… – ông quản gia vừa từ biệt mọi người, vừa tự tay mở cửa ra về.
Vào một ngày, lúc chiều chạng vạng, Huệ đi nghe ngóng động tĩnh bên cánh họ Lý, hớt hải chạy về nhà, mang đến cho Lễ tin Nguyễn Văn Thiệu và gia đình đã ra nước ngoài một hai hôm nay rồi. Lễ đang nghe con kể, đột nhiên có nhiều loạt tiếng nổ dữ dội. Thành phố rung chuyển . Những tiếng nổ ấy hất Lễ ra khỏi giường. Hoàn toàn theo bản năng, Lễ đi vội đôi giầy, không nói không rằng kéo ông Thành xuống vườn mở cổng cho mình. Chạy ra ngoài cổng Lễ còn quay lại hét vào tai ông Thành:
– Khoá chặt cổng! Không ai được ra khỏi nhà!
Ra đến ngoài đường Lễ có cảm giác mặt đất rùng rùng dưới chân. Chưa kịp định thần, dòng người đã cuốn phăng Lễ đi. Lúc này Lễ thấy thành phố rung chuyển ngày càng mạnh, vì cả một biển người và xe ầm ầm, điên loạn. Tiếng còi rú, tiếng kêu thét, la ó từ mọi ngả phố vang vọng va đập vào nhau liên hồi nghe như tiếng thác nước đổ ào ào. Tất cả đều hướng về phía đại sứ quán Mỹ. Chạy được một quãng, những người cùng chạy cho Lễ biết những tiếng nổ vừa rồi là do không quân và trọng pháo của Hà Nội đã tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Đến cách đại sứ quán Mỹ chừng gần một trăm thước, thác người và xe tắc nghẽn hoàn toàn. Nhìn về phía đại sứ quán, Lễ thấy nhiều người đang leo lên tường rào, lính thuỷ đánh bộ Mỹ đứng trên tường dùng báng súng, dùi cui quật họ rơi xuống đất, có lúc phải đưa tiểu liên ra bắn chỉ thiên. Mấy cái loa phóng thanh của đại sứ quán mở hết cỡ kêu gọi mọi người giữ trật tự, nước Mỹ sẽ không bỏ rơi những người bạn của mình… Tiếng chửi rủa, tiếng kêu khóc ầm ĩ. Cách Lễ vài người, những tiếng hét thất thanh của mấy em nhỏ nào đó bị biển người chen lấn giẫm bẹp… Đứng ngây dại, ngày càng khó cử động trong biển người mỗi lúc một đặc cứng, Lễ chợt hiểu: Không thể đứng đây chờ chết. Phải chạy ra khỏi cái biển người này. Lễ đem hết sức lực đấm đá, giẫm đạp, tìm đường chạy ngược trở lại.
Về đến nhà, mặt mũi thân thể Lễ nhiều vết tím bầm, quần áo rách bươm, cánh tay phải bị một vết đâm sâu hoắm. Lễ hoàn hồn biết mình thoát chết bẹp. Thấy vẫn đủ mọi người trong nhà, Lễ thở phào.
Gần trưa hôm sau, Huệ khóc khóc mếu mếu chạy sang lôi Lễ ngồi dậy:
– Ba ơi bây giờ có muốn chạy cũng không được rồi! Chết đến nơi rồi! Con vừa ở bên chỗ cánh họ Lý về. Mọi người nói với nhau ngay cả máy bay của ông Thiệu định chở đô-la và vàng của chính phủ ra nước ngoài cũng bị kẹt rồi. Hết đường chạy rồi ba ơi…
– Đừng khóc nữa con… Chết thì cả nhà cùng chết… – Lễ ôm con gái vào lòng.
Gần trưa ngày 30 tháng Tư, nghe tin trên đài phát thanh tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, Lễ giấu hết quân phục, giấy tờ liên quan đến quân đội Cộng hòa, rồi chạy ra đường. Huệ và Tín cũng chạy theo. Ông Thành cũng muốn đi lắm để xem binh tình ra sao, nhưng Lễ đẩy ông về nhà trông Thảo. Trước mặt Lễ là một Sài Gòn đầy người, cờ hoa, tiếng cười. Bộ đội Giải phóng trẻ măng, niềm nở, áo quần giản dị, hoà đồng vào mọi người dân hai bên đường như đã quen biết nhau từ lâu.