– Chú có lý để nhận xét như vậy ạ.
– Người ta nói 20 phần trăm nhân loại có mức sống sung túc hiện nay chiếm giữ 80 phần trăm của cải toàn thế giới. Nhưng chú thì lại tự hỏi mình tại sao một nửa thế kỷ nay trong số trên một trăm ba mươi quốc gia giành được độc lập chỉ có dăm ba quốc gia ngoi lên được vị trí nước mới công nghiệp hoá? Đã thế những con rồng, con hổ này toàn là những nước nhỏ, thậm chí có anh chỉ là một thành phố! Câu hỏi day dứt lắm cháu ạ.
– Nếu lực lượng lãnh đạo nước ta trở thành con rồng là Đảng Cộng sản Việt Nam thì chú có chấp nhận đảng này không ạ? – Nghĩa vớ được cơ hội bàn luận với chú mình vấn đề tế nhị nhất.
– Sao lại không hả cháu? Chính vì thế chú đang đứng trước sự lựa chọn khó nhất trong đời mình!
– Nhưng trước sau chú vẫn nói là không thể chấp nhận được cộng sản ạ?
– Không chấp nhận, thực lòng chú như vậy. Nhưng vẫn phải lựa chọn. Bởi vì nếu có một Đảng Cộng Sản Việt Nam như thế, thì trước hết đấy sẽ là một Đảng vì lợi ích của dân tộc này.
– Nghĩ được đến thế mà chú vẫn còn lưỡng lự ạ?
– Cháu hỏi gì mà kỳ cục thế!.. – ông Học bỏ lửng câu trả lời, ngửa mặt lên trần nhà như muốn tìm kiếm cái gì đó trong không trung. Trong tâm trí ông cuồn cuộn những ngày sóng gió của năm tháng đã qua.
… Cả một đời người mình đã quay lưng đi! …Cả một đời người mình đã chạy trốn đất nước!..
Nghĩa vừa bị bao nhiêu ý nghĩ dồn nén, vừa nóng lòng muốn biết suy nghĩ của chú mình, đánh liều hỏi:
– Thưa chú, nếu cháu có nói điều gì không đúng xin chú đừng giận. Cháu xin hỏi thực điều gì còn làm cho chú lưỡng lự như vậy ạ?
Ông Học hắng giọng, uống nước, xong vẫn lặng yên.
Câu chuyện giữa hai chú cháu ông Nghĩa bỗng dưng tắt ngấm.
Nghĩa càng nôn nóng muốn biết tận cốt lõi suy nghĩ của chú mình. Chờ mãi, Nghĩa lại liều mạng:
– Hay là tại vấn đề cải tạo tư sản cái nhà in của chú ạ?
Nghĩa vừa mới dứt lời ông già Học đã bật đứng dậy, hai mắt quắc lên giận dữ:
– Cháu nói cái gì? Cháu đánh giá chú như thế à?
Nghĩa bất ngờ đến tột độ, lưỡi cứng lại, không biết nên trả lời ông Học như thế nào, đành chằm chằm ngồi nhìn chú mình, sẵn sàng chịu đựng những phản ứng tiếp theo của ông Học.
Chờ một lúc không thấy Nghĩa trả lời, ông già Học hạ giọng:
– Sao, cháu vẫn chưa nghe ra câu hỏi của chú?
– Cháu xin lỗi chú, cháu thực lòng muốn biết căn nguyên sự lưỡng lự của chú. Cháu không thể dừng lại được…
– Ta hiểu… – ông Học đã bình tĩnh trở lại.
Càng nghĩ, ông càng cảm thấy cái trần nhà cũng quay cuồng theo. Ông đứng dậy ra đứng trước cửa sổ, bỏ mặc một mình Nghĩa ngồi lại trong phòng. Mãi một lúc sau ông mới quay vào:
– Cháu nhất định bắt chú phải trả lời à?
– Vâng, cháu xin chú!
Ông Học còn đắn đo một lúc nữa. Ông tự tay rót nước cho Nghĩa và cho mình, ngồi xuống ghế uống một ngụm dài rồi mới chậm rãi:
– Thôi được, ta nói: Đúng là chú lựa chọn như thế chỉ vì thương dân tộc mình, chứ không phải vì chú chấp nhận chủ nghĩa cộng sản. Chấp nhận miễn cưỡng thì vẫn là chấp nhận, nhưng lo thì vẫn lo.
– Chú còn lo gì nữa ạ?
– Câu chuyện là thế này, cháu phải đủ bình tĩnh nghe: Chú vẫn còn ngờ vực!
– Thưa chú, cháu nghĩ là cháu có thể hiểu được điều này!
– Chưa chắc!
Câu nói cụt lủn của ông già Học bật Nghĩa đứng dậy khỏi ghế. Hai tay đặt lên bàn, mắt nhìn thẳng vào ông Học, Nghĩa mạnh dạn hỏi:
– Thưa chú, cháu mà chú cũng không tin ạ?
– Nói thế nào cho cháu hiểu đây! – ông Học lục lọi trí nhớ, đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng, vừa đi vừa nói: – Cháu có biết không, trong đời làm ăn của mình chú mất lớn cũng nhiều, cái nhà in của chú chẳng thấm tháp gì. Thậm chí đã một lần chú mất trắng tay, đến mức chấp nhận đi đẩy xe bò. Nhưng tự do của chú thì không đời nào! Không bao giờ!
Đứng đối diện với chú mình, cách nhau có mỗi cái bàn uống nước mà Nghĩa cảm thấy khoảng cách vời vợi trước mặt không sao san lấp được. Nghĩa rời chỗ ngồi, vừa đi đi lại lại quanh chú mình, vừa nói:
– Thế nhưng chú vẫn lựa chọn rồi đấy ạ.
– Phải, sự lựa chọn nung nấu đầy day dứt. Cháu biết không, trong khi chuẩn bị chuyến về thăm đất nước lần đầu tiên, tình cờ người thư ký của chú tìm được trong tư liệu lưu trữ trên mạng của Rand Corporation câu nói của ông Lê Duẩn: …Chiến thắng này là chiến thắng của cả dân tộc Việt Nam ta! Cả dân tộc! Không của riêng ai!.. Ông Duẩn nói như thế khi đặt chân tới sân bay Tân Sơn Nhất sau 30 Tháng Tư… Ôi, đọc xong chú lặng người đi vì xúc động, mặc dù câu nói ấy đã được nói ra trước đó cả hàng chục năm trời! Nhưng ngay sau đó chú thấy tim mình thắt lại!.. Bởi vì trong những năm sau đó biết bao nhiêu điều trái ngược đã xảy ra… Bao nhiêu ngày đêm chú đã phân vân tự hỏi mình về sự trái ngược này… Vì sao lại thế hả cháu? Chiến thắng của toàn thể dân tộc ta, không phải của riêng ai cơ mà! Ôi nếu giữ được điều tinh túy này! Chú không sao cắt nghĩa được, cháu ơi…
Ông Nghĩa ngơ ngác nhìn chú mình, trong thâm tâm thừa nhận mình còn quá nông cạn. Ông yên lặng chờ đợi, vì chỉ sợ nói thêm điều gì nữa thất thố.
– Trước đây cháu có nghĩ là cuộc sống sau ngày 30 tháng Tư lại diễn ra như đã xảy ra không hả Nghĩa?
– Nghĩa yên lặng, trong thâm tâm nhớ lại những buổi tranh luận không dứt với Lê Hải về thời kỳ hậu chiến, lại nhớ đến Lễ…
– Cháu vẫn nợ chú câu trả lời! – ông Học giục. – Vì sao ông Duẩn đã nói lên được tâm nguyện mong đợi của từng người dân như thế, mà cuộc sống lại không tiếp diễn ra như thế hả cháu?
Nghĩa cảm thấy như có một ngọn mác đâm vào ngực mình, hai tay chống bàn ôm lấy đầu, mắt nhắm nghiền. Biết bao nhiêu cuộc tranh luận nóng bỏng với Lê Hải, trong chi bộ, trong Viện… ầm ầm nổi sóng trong đầu. Những câu hỏi tình hình mới, nhiệm vụ mới, về những tha hóa mới, bất cập mới lại giao chiến với nhau dữ dội… Nhưng Nghĩa vẫn chưa làm sao tìm ra được câu trả lời nào thích hợp để nói với chú mình…
– Cháu ạ, chú hiểu tâm trạng của cháu! Ở vào địa vị cháu có lẽ chú cũng phải suy nghĩ lao lung như cháu lúc này…
Nghĩa đứng lên, đi đi lại lại, nhưng chẳng đi tới câu trả lời nào cả, trong lòng thốt lên: “Ôi làm sao nói được cho chú hiểu hết sự tình trong nước chú ơi!”.
– Chẳng ai chuẩn bị được cho mình điều gì đáng kể về những cái mình chưa biết đến, chưa nghĩ đến… Chú bây giờ cũng thế thôi. Vì vậy sự lựa chọn của chú bây giờ đầy day dứt cháu ạ! Day dứt lắm! Sự lựa chọn này hình như là cuộc mạo hiểm lớn nhất. Có lẽ là cuộc mạo hiểm cuối cùng trong đời chú!
ÔÂng Nghĩa lặng người ngồi xuống ghế, trong lòng xót xa điều gì đó, hai bàn tay tự nhiên nắm chặt lại.
Lâu sau ông Học bước lại, đặt tay lên vai Nghĩa:
– Nghĩa ạ, Lễ kể cho chú nghe cuộc tranh luận huyền thoại giữa hai anh em cháu. Lễ đặt cho cuộc tranh luận giữa hai anh em cháu ngày ấy cái tên như thế. Đến bây giờ chú vẫn nghĩ rằng ngay cả cháu có khi cũng chưa hiểu hết những hy vọng gì của cả dân tộc này hồi ấy gởi gắm vào câu nói của ông Lê Duẩn đâu. …Chiến thắng của cả dân tộc! Cháu có hiểu nổi không?
– Ôi chú Học, bây giờ cháu càng hiểu! – ông Nghĩa cảm thấy chân tay mình bủn rủn, với tay nắm lấy tay ông Học.
Chờ cho sự xúc động của Nghĩa qua đi, ông Học mới nói tiếp:
– Thôi, chú không muốn hỏi cháu điều cháu chưa nói được. Chú hỏi chuyện khác. Đảng của cháu có thể là Đảng của dân tộc được không hả cháu, đảng hiểu đúng như chú nghĩ?
– Cháu muốn chú tự tìm câu trả lời ạ. Vì đấy mới là câu trả lời thuyết phục nhất ạ!
– Có lẽ là như vậy… Trước khi lên máy bay về nước lần này, trên bàn làm việc của chú là bản Tuyên ngôn Độc lập mùng Hai tháng Chín. Đọc lại lần này mới càng thấy nhiều ý nghĩa sâu xa cháu ạ! Hay là… – ông Học bỏ dở câu nói vì sợ làm cháu mình phật ý.
– Hay là làm sao ạ?
– Hay là… bây giờ thắng rồi…
Ông Học bỏ lửng câu nói
Một cảm giác choáng váng nữa, nó không bốp chát như khi Nghĩa được nghe câu Năm Thịnh mắng Hai Phong ngày nào, nhưng day dứt gấp bội…
Ông Học không nói tiếp. Ông đứng dậy đi đi lại lại trong phòng, mắt ngước lên trần. Chính ông cũng đầy vẻ ưu tư khi nói ra điều này.
Nghĩa hiểu tâm trạng của chú mình, lại càng muốn được nghe chú mình nói. Nghĩa cố chờ một lát rời mới hỏi:
– Thưa chú, chú tin cậy vào lịch sử, nhưng vẫn còn hoài nghi Đảng trong tương lai ạ?
– Chú không hoài nghi Đảng của cháu, nhưng chú biết thế nào là ma lực của quyền lực!
– Biết như thế rồi mà chú…
– Nếu Đảng của cháu tự coi mình là Đảng của dân tộc thì trước hết phải vì dân tộc, nhưng quan trọng hơn nữa là phải cố trở thành lực lượng tinh tuý của cả dân tộc! Ông Học đắn đo một hồi rồi tiếp – Tai ác một nỗi là tại các nước đang tìm đường đi lên như nước ta bản thân dân chủ và thị trường không tự nhiên mọc lên được, mà phải nhờ vào phát triển, phải có lãnh đạo cháu ạ. Trừ phi ta muốn có cây cỏ hoang dại… Đấy là chỗ khó của bài toán!… Song cũng là đất dụng võ cho sự lãnh đạo sáng suốt, cháu hiểu không? Về nhiều mặt dân chủ cũng là bản thân của sự phát triển. Vì thế làm thế nào để Đảng của cháu được tôi luyện thành lực lượng tinh tuý của cả dân tộc thì mới hy vọng vượt qua được ma lực đầy hiểm nguy này cháu ạ. Một thách thức vô cùng khó, cháu hiểu không? Vì thế chú nghĩ sự lựa chọn của chú đầy rủi ro.