– Sao chú có thể đi xa đến thế được ạ? Chú cũng tin vào các bài viết về con rồng Việt Nam ạ?
– Việt Nam ta có là con rồng hay không là con rồng thì chú lại hoàn toàn chưa có câu trả lời. Chẳng có gì bảo đảm nó không phải là chuyện hoang đường. Cũng không nên phí phạm thời giờ toạ hưởng trí tưởng tượng của các nhà báo hay các học giả làm gì. Có gì bảo đảm trí tưởng tượng ấy không phải là một thứ nha phiến đối với chúng ta? Có gì bảo đảm không?
– Thế thì chú tin vào cái gì ạ?
– Suy nghĩ của chú đơn giản thôi: tin vào hành động của mình. Chú muốn nói vui thế này: Mười ngày nay, ngó nghiêng nơi này nơi khác, cái mũi của chú cảm thấy đất nước bắt đầu có gì khang khác, là lạ. Chú đã có cảm giác này khi tìm đường đi vào thị trường tiền tệ các nước châu Mỹ La-tinh năm nào… ở đấy lúc đó là một nền kinh tế bắt đầu đi lên… Phải chăng tương lai của nước ta bắt đầu hé mở từ những điều đang cần được rút ra từ cuộc sống này? Hay tất cả chỉ đến rồi lại đi… Chỉ thoảng qua như một làn gió… Cũng giống như một số nước châu Mỹ La-tinh hồi đó…
Nghĩa nhăn mặt trong giây lát, rồi chuyển hướng câu chuyện, gần như theo một bản năng:
– Cháu hiểu ạ. Cháu rất thích câu nói cửa miệng của chú: Máu tham hễ thấy hơi tiền là đi! Chú nói với cháu không biết bao nhiêu lần câu này. Cháu ước ao có được sự nhạy cảm như của chú! Có lúc cháu hình dung chú là anh chàng cao bồi, không chăn bò nhưng đi tìm vàng như trong các phim đồng quê của Mỹ.
– Anh chàng cao bồi già này bây giờ đã xuống đất dắt ngựa rồi, trong tay không còn khẩu col nữa, mà đã phải cầm một khúc côn lò dò từng bước đi… Một viên đạn lạc.., một vách núi lở, hoặc một thân cây nào đó bỗng nhiên đổ ập xuống… thế là người cao-bồi ấy sẽ yên nghỉ mãi mãi dưới lớp cỏ xanh… – giọng ông Học trầm trầm về đường đời của mình.
– Ông già cao bồi này bây giờ còn phải đứng trước sự lựa chọn nào không ạ?
– Có lẽ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay mới thôi cháu ạ!
– Cậu mợ cháu vẫn kể cho chúng cháu nghe là chú không bao giờ sống buông thả mình.
– Cha mẹ cháu lúc nào cũng nghĩ tốt về chú. Chính cha mẹ cháu nuôi chú thành người… Có một kỷ niệm chú không bao giờ quên về bố cháu. Năm ấy chú đã học xong première année, ông bà nội mất từ lâu rồi. Nhân lúc chú phạm lỗi không biết nhường nhịn bạn bè, bố cháu kể cho chú nghe một lần bố cháu được đi ăn cơm tối với ông nội ở bên nhà ông bà ngoại. Bố cháu thích lắm. Lúc ấy bố cháu mới ở tuổi chuẩn bị vào cour enfantin. Đi ăn cơm xong về đến nhà, ông nội hỏi bố cháu: Ăn cơm tối nay con thích món gì nhất. Bố cháu hồn nhiên trả lời: Con thích nhất món nem cua ạ, nên con ăn không biết chán. Ông nội cháu nghe xong không nói không rằng, bắt bố cháu nằm lên giường rồi lấy roi mây đánh cho ba roi thật đau. Bị đòn xong bố cháu không khóc, mà lại đứng dậy khoanh tay hỏi ông nội: “Thưa bố, tại sao tự nhiên con lại phải đòn ạ?”. Ông nội giải thích: “Cả mâm cơm có đĩa nem rán là ngon nhất, con cứ ăn theo sở thích của mình, thế vừa là tham ăn, vừa là không biết cái lễ phép làm người phải kính trên nhường dưới!”. Bố cháu nói với chú: “Có lẽ đến lúc chết anh sẽ không bao giờ quên ba roi này!”. Câu chuyện ấy của bố cháu là lời răn suốt đời đối với chú…
– Có lẽ bố cháu đẻ ra đã là thầy giáo ạ! – Nghĩa nói vui. – Thế nhưng như chú bây giờ chú vẫn còn phải lựa chọn gì nữa ạ?
– Có lẽ chú đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn nhất trong đời mình…
– ???
Ông già Học hình như vẫn còn đang đánh vật với những ý nghĩ khác nhau, hết ngước nhìn đâu đâu rồi lại nhìn trời. Nghĩa kiên nhẫn chờ đợi.
– Nói thế nào cho cháu hiểu nhỉ… – sự lưỡng lự vẫn còn nguyên trên nét mặt ông Học. Ông nhấp nháp thêm mấy ngụm nước nữa rồi mới nói tiếp: – Cháu ạ, gia cảnh nhà ta, đất nước ta… Rồi đến những năm đau khổ, gian truân… Thế là đủ lắm rồi cháu ạ. Cháu hãy nghe chú bộc bạch tâm can mình, chú chỉ nói riêng cho chính mình: Dù ai muốn nghĩ gì nói gì đi nữa, Đảng Cộng sản Việt Nam trên con đường của mình đã dựng được một mốc son là người lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước. Đảng này đang đặt được nền móng đầu tiên cho sự nghiệp tiếp theo… Cháu xem, có gì ngăn cấm hay cản trở Đảng này từ đó tiếp tục đi tới mốc son thứ hai cho thời kỳ dựng lên một nước Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như Cụ Hồ hằng mong ước? Có gì cản trở việc này không cháu?
– Xin chú cứ nói tiếp ạ.
– Cháu xem, vua Minh Trị nước Nhật ngày xưa làm gì có những điều kiện thuận lợi bên trong bên ngoài to lớn như Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ! Nếu các con số không đánh lừa chú, thì hình như Việt Nam hiện tại đã vượt xa Hàn Quốc trong thập kỷ đầu tiên của nước này trên trên con đường trở thành con rồng!
– Vâng, đất nước đang đứng trước thời vận lớn ạ.
– Hay là đang có nguy cơ đánh mất thời vận lớn hả cháu? Cháu phải nhìn xem cả vế trái này nữa chứ!
Nghĩa lặng yên chăm chú nhìn ông già Học.
– Cháu ạ, chịu mê muội bóc ngắn cắn dài, như đã thường xảy ra ở một số triều đại sau khi đăng quang? Hay là chịu nuôi dưỡng chí khí và sức dân để có trường lực lo kế hưng thịnh lâu bền cho đất nước như Nguyễn Trãi đã từng khuyên bảo các ông vua của mình?.. Chung quy câu chuyện bây giờ vẫn là tùy thuộc vào việc Đảng của cháu lựa chọn cái gì mà thôi! Chú thực lòng rất băn khoăn.
– Chú lo về đảng cầm quyền là cộng sản, lo về ý thức hệ hay là lo về chế độ xã hội ở nước ta ạ? – nỗi lo lúc nãy của Nghĩa lại trỗi dậy.
– Còn hơn tất cả những thứ đó cháu ạ. – giọng ông Học lắng hẳn xuống. – Những gì chú được biết về Nga Xô, về Trung Cộng, về nhiều chuyện khác… khiến chú không thể và không bao giờ chấp nhận được cộng sản cháu ạ. Không bao giờ! Lễ và chú giống nhau chỗ này. Chú thừa nhận Lễ và chú không thay đổi được nữa rồi… Nhưng cả chuyện này nữa chú cũng gạt sang một bên. Cứ cho là những loại vấn đề cháu vừa nói đã được giải quyết một cách mỹ mãn đi. Cứ cho là cuối cùng thì đất nước này cũng sẽ sinh thành ra được và đào tạo được những thế hệ lãnh đạo như thế hệ Hồ Chí Minh đi… Cứ cho là cuối cùng cũng lựa chọn được thể chế chính trị tốt đẹp nhất cho phát triển đất nước đi… Cứ giả thiết là đất nước có được trong tay tất cả những điều đáng mong ước ấy đi, cháu ơi hãy nhìn đi, nhìn cho kỹ cả cái thế giới nước ta đang phải chung sống, đang phải đối mặt! Cháu có thấy gì không?
– Chú vừa mới nói về thời vận, thế mà…?
– Nghĩa ạ, từ khi biết làm người, lúc nào chú cũng lo mình có thể bị mọi đối tác của mình ăn gỏi bất kỳ lúc nào, trở thành con mồi của bất kỳ ai cháu ạ. Với năm tháng nỗi lo bị ăn thịt ngấm vào máu, gần như trở thành bản năng của chú trong cách nhìn nhận thế giới! Đến mức chú sống không thể thiếu nghi ngờ cháu ạ. Không thể nào bàng quan với nỗi lo như vậy!
– Nhưng thế giới ngày nay khác xưa rồi ạ. – Nghĩa chưa hiểu ý chú mình.
– Quả là ngày nay hầu hết mọi quốc gia trên thế giới đã giành được độc lập, chế độ thuộc địa hoàn toàn lỗi thời và đã bị xoá bỏ, chú thừa nhận điều này. Ấy thế mà vẫn khối nước bị ăn gỏi một cách khốn khổ đấy cháu ạ, bằng kinh tế, bằng chính trị, bằng quân sự hay là bằng những đòn tổng hợp của tất cả những thứ này… Ai nói trước được hả cháu? …Lúc đầu có thể chỉ là một sản phẩm nào đó của nền kinh tế bị phá sản, bị loại bỏ.., hoặc là những dư chấn của một cuộc khủng hoảng kinh tế ở một nơi xa xôi tít tắp nào đó, những tác động của một cơn sóng thần kinh tế hay chính trị từ một châu lục khác… Làm sao lường hết được cái thế giới hôm nay hả cháu? Một cơn sóng thần tài chính tiền tệ đã làm sụp đổ kinh tế của một loạt nước Đông Nam Á trong một đêm… Đã có một vài quốc gia tự tan rã trong một cơn sóng thần chính trị của chính mình và đương nhiên dễ trở thành miếng ngon cho kẻ chuyên ăn gỏi người khác… Rồi còn thiên tai dịch bệnh, ai dám nói trước được?..
– Trời đất, chú nói cho cháu nghe về nhân tình thế thái trong cộng đồng các quốc gia mà cứ như là đang mô tả thế giới động vật hoang dã vùng Amazon vậy!
– Cháu phải buộc tội ông Darwin(*) [(*) Charles Robert Darwin (1809 – 1882).]. Đó là cuộc sống thực. Cháu hãy nhìn vào các nước vùng Nam Mỹ, vùng Balcan, hãy xem bản đồ các nước châu Phi, nhìn vào Trung Đông, Trung Á… Cháu hãy nhìn xem tình hình náo động hiện nay của những quốc gia thuộc Liên Xô cũ…
– Chú nói thế thì cháu hiểu. Darwin là thần tượng của chú có phải không ạ?
– Không! Hình như chú không có thần tượng nào cả, chú chỉ thần phục độc có lẽ phải và đồng tiền chú làm ra… – ông Học ngẫm nghĩ. – Còn về con người, quả thực chú có lẽ thích phong cách Darwin. Ông ta dám sống độc lập, coi tự do của mình là trên hết, tự làm việc cho mình, không chịu đứng dưới trướng một trường nào, không quy phục một trường phái nào! Hình như ông ta chỉ quy phục quy luật!
– Chú khác hẳn với cậu cháu về tính mạo hiểm.
– Một thời làm nghề quản lý và kinh doanh các nguồn vốn uỷ thác, chú đã phiêu lưu làm ăn ở các nước có thị trường hoang dã, đã đến kinh doanh tại các nước nghèo khổ nhất thế giới, cả những vùng hãy còn bộ lạc và phong tục quần hôn ở châu Phi… Cuộc đời dạy chú nhiều lắm… Chú đã vật lộn trên thị trường của các loại quốc gia khác nhau. Hiện tại chú đang sống trong quốc gia có nền kinh tế và quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Hành trình này khiến chú có cảm tưởng mình đã đi dọc chiều dài phát triển bốn năm trăm năm gần đây của nhân loại…