– Cháu thấy chú phảng phất có ý chống chủ nghĩa tư bản, có phải thế không ạ? – Nghĩa ngạc nhiên.
– Hỏi như thế hình như cháu định cho chủ nghĩa tư bản và tự do vào cùng một rọ có phải không? Hiểu thế thì nhầm to đấy.
– Nhưng xin chú biết cho là đổi mới ở nước ta mới chỉ bắt đầu thôi ạ. – Nghĩa nhắc lại ý này để trấn an chú mình.
– Phải. Chính vì thế chú mới băn khoăn. Không tự giác tiếp tục đổi mới để phát triển thì kiểu gì cũng sẽ đi theo luật rừng.
– Thực ra cháu mới chỉ để ý đến chuyện mấy anh em Vũ phàn nàn về cái tội có quá nhiều người vòi phong bì. Hết công an hỏi thăm, lại đến phòng thuế, bảo vệ môi trường, thậm chí cả Ủy ban phường, quận, hộ tịch viên nữa! Đấy là những cái gai nhìn thấy được…
– Phải nói đấy mới chỉ là những mụn ghẻ lặt vặt thôi cháu ạ, nhưng lại không thể giải quyết theo cách ngứa đâu gãi đấy! Chú đã làm ăn ở châu Phi, ở Mỹ Latinh… Tại đấy người ta có thể nuốt chửng cả một doanh nghiệp, bỏ túi cả một cái cầu như cầu Chương Dương ngoài Hà Nội, một xa lộ…
– Vì đó là những nước đi theo con đường tư bản!
– Cháu nghĩ thế à? – ông Học cười to.
– Cháu tin là như thế.
– Để xem.
Ông Học uống hết chén nước rồi ngồi yên. Nghĩa phải giục:
– Chú không tin ạ?
– Nói với cháu thế nào nhỉ? Chú sợ rằng đồng tiền không có khả năng phân biệt nhà tư bản với người cộng sản, nghĩa là nó chén tất!
– Chính vì thế nhà nước phải nắm quyền kiểm soát kinh tế, chú có đồng ý như vậy không ạ? Mặc dù là cần khuyến khích tự do làm ăn.
– Nghĩa này, bây giờ ngồi với cháu ở đây mà chú vẫn chưa hết sững sờ trước cái vĩ đại của thuỷ điện sông Đà, của mạng lưới điện cao thế trải khắp nước với đường dây 500 kilô vôn… Một nước nghèo và lạc hậu như nước ta mà có được những công trình ấy là quý lắm! Không thể tưởng tượng nổi. Nhưng sau khi được hỏi chuyện mấy người lãnh đạo ở đấy, chú băn khoăn tại sao chính phủ ta lại nhập cục người sản xuất điện và người bán điện lại làm một. Cả nước cũng chỉ có một người sản xuất và bán điện duy nhất là Tổng cục Điện lực, lại còn trong vòng tay ôm ấp của Nhà nước nữa chứ! Như thế có phải là thực hiện quyền kiểm soát của Nhà nước không? Cá mập tư nhân và cá mập quốc doanh liệu có gì khác nhau không cháu? Tổng cục Bưu chính viễn thông cũng thế, nhà nước vừa quản lý, vừa khai thác!.. Vừa đá bóng vừa thổi còi, như thế là tham nhũng sinh con đẻ cái ngay trong hệ thống rồi, chống làm sao được hả cháu? Bài học của cả thế giới đấy cháu ạ! Chú còn thấy nhiều ví dụ khác nữa…
– Thưa chú, ở nước ta ngoài Nhà nước ra, không thành phần kinh tế nào có thể làm nổi điện chú ạ. Ngành bưu chính viễn thông, các ngành khác cũng thế ạ…
– Đừng nghĩ vậy! Ai làm cũng được, nhưng không được độc quyền… Không có độc quyền nào là tốt, kể cả độc quyền một đảng lãnh đạo… Nước Mỹ cũng chỉ có một giới thống trị, nhưng cũng phải chia ra con voi và con lừa(1) [(*) Đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ.] lúc nào cũng phải cạnh tranh sát phạt nhau!
Nghĩa cảm thấy một luồng điện nào đó chạy qua người mình, vì vấn đề quá nhạy cảm. Nghĩa đang lo xem phải đối đáp với chú mình như thế nào, thì ông Học đã nói tiếp:
– Điện là đầu vào của cả nền kinh tế, để một người, một đơn vị kinh tế lũng đoạn là tối kỵ. Tại sao không tạo ra hai hay ba công ty quốc doanh về điện độc lập với nhau? Cho cả nước ngoài kinh doanh nữa! Tại sao không tách người sản xuất điện và người bán điện thành các công ty riêng rẽ? Nhiều người bán, nhiều người phân phối, tất cả phải sòng phẳng, người tiêu dùng được nhờ. Đọc báo chú thấy nhiều công ty xuyên quốc gia cỡ hàng đầu thế giới vào ta xin làm điện. Có nhiều cách lắm cháu ạ! Nhiều nước tư bản vẫn còn các công ty kinh tế lớn thuộc sở hữu nhà nước. Song tất cả phải cạnh tranh nhau về hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội. Thiện chí không đáp ứng được những đòi hỏi này đâu, dù là thiện chí của các công ty nhà nước. Chú có thể cam đoan với cháu như thế. Dứt khoát phải trông chờ vào thể chế luật pháp phát triển và chống kinh tế độc quyền. Đấy là cái mà nước ta chưa có.
– Cháu thừa nhận cứ coi quốc doanh cái gì cũng tốt thì không ổn. – Nghĩa thở phào trong lòng.
– Thế là cháu đang bị chú diễn biến hoà bình đấy. Ông Học cười xòa.
– Xin chú cứ nói tiếp đi. – Nghĩa cười. – Dù sao cháu vẫn cảm thấy chú dị ứng với quốc doanh, có phải thế không ạ?
– Lễ thường nhận xét với chú là cháu rất bôn-sê-vích. Có lẽ Lễ đúng đấy. Lễ kể cho chú nghe những cuộc tranh luận với cháu, nhất là cuộc tranh luận đêm nào giữa hai anh em. Lễ gọi đấy là cuộc tranh luận huyền thoại.
Đến đây cả hai chú cháu cùng cười. Nghĩa pha ấm nước mới và xin phép ông Học được hút thuốc để tiếp tục câu chuyện, Ông Học không hút, nên từ nãy Nghĩa cứ phải nhịn mãi.
– Được chú và Lễ thừa nhận cháu là bôn-sê-vích thì chứng tỏ là chú không diễn biến hoà bình được cháu rồi có phải không ạ. – Nghĩa châm thuốc, vừa nói vừa cười.
– Đấy là cháu vu oan cho chú thôi. Tôn sùng thị trường một cách thái quá, hay thị trường méo mó đều tai hại. Theo chú nghĩ, chuẩn mực hay thước đo cuối cùng là phát triển.
– Dạ, nói như chú thì mỗi thành phần kinh tế trong xã hội đều phải lấy hiệu quả đối với toàn bộ nền kinh tế và xã hội làm tiêu thức chung? Có phải như thế không ạ?
– Nhất định là như vậy, được cưỡng chế bằng luật pháp và các thể chế.
– Hệ quả cuối cùng ắt hẳn là kinh tế quốc doanh không thể duy trì vị thế hiện tại của nó? Chú có thừa nhận thế không ạ?
– Cháu bôn-sê-vích hết chỗ nói! Sao cháu không đặt câu hỏi cháu định lựa chọn cái gì? Tạo sức mạnh cho toàn bộ nền kinh tế, hay là chỉ lo ưu ái một mình kinh tế quốc doanh?
– Thưa chú xây dựng kinh tế quốc doanh là đầu tàu, là chủ đạo cho cả nền kinh tế. Đó là sự lựa chọn của Nhà nước ta đối với toàn bộ nền kinh tế chú ạ.
– Chú có một thước đo khác. Cọc cạch ưu ái một anh nào đó trong nền kinh tế thì trước sau cũng suy sụp. So với các nước cộng sản Đông Âu và Nga Xô trước đây kinh tế quốc doanh của nước ta hiện nay đã thấm tháp gì hả cháu?.. Đấy là những nước công nghiệp, trình độ phát triển của họ hơn nước ta nhiều bậc, thế mà…
Nghĩa lặng thinh hồi lâu, đâu đó nơi chân răng nhói buốt.
– Dạ thưa chú… Như thế là dứt khoát phải tư nhân hoá quốc doanh?
Ông Học không trả lời ngay được, phải lục lọi trí nhớ của mình:
– Chú thật không đủ hiểu biết để đưa ra một lời khuyên nào, đấy cũng không phải là việc của chú. Nhưng chú đã hỏi cháu rồi, câu chuyện là cháu định lựa chọn gì. Lựa chọn phát triển đất nước hay lựa chọn phát triển thành phần kinh tế?
– Xin chú nói thật cụ thể xem ạ.
– Cháu định làm cho mỗi đồng vốn của toàn xã hội phải sinh lời hay chỉ muốn ưu ái một bộ phận kinh tế nào đó? Thực ra câu hỏi này chỉ đặt ra cho lãnh đạo của cháu thôi, còn dân ta thì đã lựa chọn rồi!
– Trời đất, làm sao chú dám nói như đinh đóng cột thế ạ? – Nghĩa không giấu được ngạc nhiên của mình.
– Cháu không thấy sự hưởng ứng chủ động của dân với đổi mới à? Đi đến đâu chú cũng thấy điều này, sinh động quá cháu ạ. Các cháu bà Sáu Nhơn thì đã được bà nội của mình chuẩn bị từ nhiều năm trước! Dân mình tài lắm… Là người đứng ngoài cuộc, chú dám nói chính dân mình mới là người đầu tiên thúc đẩy công cuộc đổi mới ra đời.
– Chú lý sự như thế thì cháu chịu. – Nghĩa đồng tình với nhận xét của ông Học.
– Mà hình như lãnh đạo của cháu cũng đã lựa chọn rồi thì phải. Chú lo rằng đã lựa chọn mà hình như không biết, không muốn, hay là không quyết tâm lựa chọn, nghĩa là chẳng qua chỉ vì tình thế bó buộc… Chú nói như thế không hiểu có quá kiêu ngạo không, cháu đừng cố chấp!
– Cháu hiểu sự băn khoăn của chú… – Nghĩa bỏ dở câu nói, đứng lên ngồi xuống, đi đi lại lại trong phòng. Mải nghĩ, ông châm thuốc hút, quên cả xin phép ông Học…Tự giác hay bản năng đối phó đúng là chỗ này đây!..
Ông Học cũng dừng lại, vì chỉ sợ mình đã quá lời.
– Chú sống xa đất nước như thế, làm sao chú có thể nhận xét là lãnh đạo đã có trong tay sự lựa chọn rồi mà vẫn không quyết chọn ạ?
– Chính vì thế chú mới lo là mình quá kiêu ngạo. Thôi thì đã trót buột miệng rồi, phải nói hết vậy. Mấy ngày nay đi thăm các nơi, bên cạnh niềm vui đến sững sờ về nhiều bước phát triển năng động, chú cũng thấy lo lo về cái phập phù, cái không nhất quán của luật pháp, của chính sách, nhất là sau khi trò truyện hồi lâu với đám anh em Vũ. Nếu có những phân tích, đánh giá, kết luận chuẩn xác rút ra từ mười năm đổi mới vừa qua để đi tiếp thì hay lắm…
– Ôi chú phạm vào nghề nghiệp tổng kết của cháu!.. – Nghĩa kêu lên, như bị ai giẫm phải chân mình.
– Vậy hả? Nếu thế thì hay lắm! Từ cái việc cháu gọi là tổng kết ấy mà tìm ra được những bước đi tiếp, để không quay lùi thì hay quá!.. Ôi nếu được như thế!.. Không phải nước nào cũng làm được đâu cháu ạ.
– Cháu nghĩ là nước ta làm được.
– Đấy là cháu nghĩ, còn chú thì cầu mong nước ta làm được.
– Chú còn hoài nghi ạ?
– Cháu phải biết, đối với nước ta kinh nghiệm rút ra từ những năm này có lẽ còn quý hơn cả một kho kim cương. Không một học thuyết hay trường phái kinh tế nào có thể chứa đựng nổi những điều quý báu của kho tàng kinh nghiệm này đâu!