Bốn anh em Vũ đọc đi đọc lại bài báo, chẻ ngược chẻ xuôi từng câu, từng chữ.
– Nó nhắc đi nhắc lại là không xin đểu, nhưng nói sặc giọng kẻ cướp! – Bích Ngọc bàn với mấy anh em mình.
Những ý ca ngợi công ty Ngọc Vân trong bài báo đầy rẫy những đại ngôn, đọc lên bốn anh em Vũ không tránh khỏi rùng mình. Song nhiều hoạt động cụ thể của công ty Ngọc Vân được bài báo mô tả rất đậm nét một cách có ý tứ, khiến người đọc có thể dễ dàng đi tới phán xét công ty Ngọc Vân là một cai đầu dài có hạng – nhất là những đoạn nói về cách huy động vốn trong dân, huy động nguồn kiều hối… Đoạn văn ca ngợi Công ty xây dựng Ngọc Vân 2 mở đầu bằng câu “Tấc đất nằm trong tay công ty trở thành tấc vàng!..” Không có một câu đả kích nào, nhưng bài báo lại đưa ra nhiều chi tiết được lựa chọn có chủ đích. Người đọc chỉ có thể hoặc là khâm phục tính năng động sáng tạo của công ty Ngọc Vân, hoặc là dễ dàng khép công ty này vào tội vi phạm những quy định về đất đai, về tài chính, về ngoại tệ… Bốn anh em Vũ không sao hiểu được Thắng đào ở đâu ra lắm số liệu và dữ kiện đến thế! Gần như đúng một trăm phần trăm! Bốn anh em Vũ thấy không có điều gì đáng lo ngại về mặt pháp luật, nhưng chẳng còn đâu là bí mật kinh doanh nữa!.. Tai mắt của Thắng có khắp mọi nơi?.. Cả đến cái tên tác giả của bài báo cũng làm bốn anh em Vũ bận tâm. Thắng ghi rõ chức danh tiến sĩ kinh tế, Tổng giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và thương mại Bình Tiến là có dụng ý gì? Tăng thêm sức nặng cho bài báo, ghi điểm đối với giới lãnh đạo của Thành phố, tự đề cao mình, hay là tăng thêm ánh sáng phát ra từ Trung tâm Bình Tiến?..
Tùy trình độ và góc nhìn của người đọc, bài báo có thể gây ra những phản ứng khác nhau. Hệ quả chung bao trùm là bài báo đưa công ty Ngọc Vân vào ống kính hay ống ngắm của nhiều người.
– Miệng đời và cái hố chôn người có gì khác biệt nhau đâu hả nội!.. – Vũ đã phải rên lên như vậy với bà Sáu.
– Nội đủ từng trải để hiểu. Càng thành đạt, càng phải tỉnh táo và khiêm tốn các con ạ.
Khoảng một tuần lễ sau, Thắng lại đến thăm, cũng không hẹn trước. Lần này Thắng vận quần áo màu đen từ đầu đến chân. Cái cặp kính trắng trên mặt gọng vàng, cái vòng xích vàng bự ôm lấy cổ tay, ngực lủng lẳng một cái nanh hổ… Tất cả những thứ đó cùng với mấy cái răng bịt vàng trên mặt lúc nào cũng nhăm nhe chóe ra càng tăng thêm vẻ “bụi” của Thắng.
Mặc dù có Vũ cùng tiếp chuyện, Thắng đi đi lại lại như chỗ không người, hai tay đút túi khuỳnh khuỳnh, nửa nạc nửa mỡ với Bích Ngọc:
– Xin lỗi, có việc bận quá, đến không hẹn trước được.
– Tổng giám đốc Trung tâm thì nhất định phải vất vả hơn trợ lý giám đốc nhà in rồi, bọn tôi thông cảm anh Thắng ạ. – Vũ đỡ lời vợ.
– Toàn việc nhân sự hệ trọng, không thể chùng chình được. – Thắng vẫn nói năng trống không.
– Anh Thắng định tham gia thành uỷ hay tham gia Trung ương khoá Đại hội tới chắc? – Bích Ngọc trêu chọc.
– Chuyện ấy nói sau. Nhưng đã đến mức đích thân phải đi gặp ông Chín Tạ thì về đại thể công việc có tầm quan trọng không kém. – Thắng chủ ý nhắc đến tên CHÍN Tạ NHƯ VậY Để NGầM BảO CHO Vợ CHồNG VŨ BIếT Họ ĐANG NÓI CHUYệN VớI ai. Trong cái thành phố to đùng này đứa trẻ con thò lò mũi cũng biết CHÍN Tạ LÀ AI…
Trời ơi, nếu thế thì anh Thắng chuyển sang nghề chính trị rồi. Cả thành phố này ai không biết ông Chín quyền sinh quyền sát về công tác tổ chức và nhân sự! – Vũ kêu lên.
– Đến thăm hai bạn là câu chuyện kinh tế, chứ không phải chuyện chính trị. Bài báo của tôi được đấy chứ, có phải thế không? Thưa bà chị? – Thắng quay hẳn sang phía Bích Ngọc. – Nếu không đủ tiền trả nhuận bút thì đưa Ngọc Vân về Trung tâm của mỗ gia. Làm ăn chung vui vẻ với nhau, được không?
Tai Vũ nóng ran, song vẫn điềm tĩnh chờ đợi, vì mình không phải là người được hỏi chuyện. Bích Ngọc nhớ lại những ý kiến đã bàn giữa bốn anh em, cân nhắc xem nên trả lời vị khách không mời mà đến này như thế nào. Ngọc rót nước đưa tận tay cho Thắng, trở lại chỗ của mình ngồi cho ngay ngắn, rồi mới thủng thỉnh:
– Anh Thắng rất hài. Anh Thắng nói lời chào mời hay hăm doạ đấy?
– Câu chuyện mới mào đầu thôi mà, đã làm gì có hồi tiếp theo!.. – Thắng vẫn tiếp tục cách nói trống không.
– Chỗ quen biết đến thăm nhau mà anh Thắng cũng chia câu chuyện ra thành các giai đoạn ạ? – Bích Ngọc điềm đạm.
– Các giai đoạn, hoặc đốt cháy các giai đoạn. Trong kinh doanh phải sẵn sàng các phương án khác nhau. – Thắng vẫn giữ nguyên cách nói trống không.
– …
Trong câu chuyện, Thắng phô trương sức mạnh kinh tế và quyền lực của Trung tâm, lời lẽ huênh hoang đến mức uy hiếp. Cuộc thăm không thèm hẹn trước lần thứ hai này của Thắng phảng phất bầu không khí tanh tưởi… Khi ra về Thắng không thèm giấu diếm ý đồ muốn sáp nhập công ty Ngọc Vân vào Trung tâm…
– Gần đất xa trời mất rồi, còn nuối tiếc công lên việc xuống gì nữa! Thế nhưng tại sao càng về già những lo lắng về đất nước lại canh cánh hơn trước trong lòng mình? – ông già Học lẩm bẩm với chính mình.
… Lạ thật, cũng đất nước này, khi còn trẻ mình tìm mọi cách đứng ngoài cuộc, dửng dưng trước mọi thời cuộc! Nhưng bây giờ lại thấy day dứt một nỗi niềm gắn bó nào đó…
Hồ tử quy thủ khưu
Cố hương an khả vong(*)
[(*) Đại ý: Cáo chết cũng quay đầu về núi, làm sao có thể quên được cố hương! Ngôn ngữ dân gian cũng nói: “Cáo chết ba năm quay đầu về núi!”.]
Câu nói của cổ nhân thực là chí lý!..
Tâm trạng ông Học trong những năm gần đây là như vậy. Lúc đầu còn chưa rõ rệt lắm, nhưng ngày càng tấy lên.
Bước vào cái tuổi thất thập cổ lai hy ông Học vẫn còn làm các ap-phe tài chính lớn giữa Mỹ và châu Phi, với nhiều chuyến đi dài ngày, với nhiều cuộc đàm phán căng thẳng mà chính công việc đầy rủi ro này đòi hỏi. Nghĩa là mới cách đây mấy năm thôi, ông vẫn còn làm việc như một người máy: lạnh lùng, triệt để, theo mọi tính toán đã cài đặt… Không tinh ma năng nổ thì sẽ bị ăn gỏi ngay tức khắc trong cái thế giới của đồng tiền! – ông thường tự nhắc nhở mình như vậy. Công việc giao dịch tiền tệ, làm các dịch vụ tài chính và chứng khoán của ông có khi chỉ cần chậm mất một phút trên mạng, đến sau một cú điện thoại, hoặc thần kinh kém chai sạn một tí, lười biếng lơi lỏng một tý… là cũng có thể khuynh gia bại sản ngay tức khắc.
– Công việc trâu bò của tôi là nghệ thuật lao động trí tuệ chống lại số phận trâu chậm uống nước đục mà! – ông thường nói như vậy khi bà Học ngăn cản không cho ông làm việc quá sức.
… Ấy thế mà đã một lần ông Học đành khoanh tay chịu mất gần hết vốn liếng của công ty mình, chỉ vì chậm mất một cú điện thoại! Những vấp ngã nhỏ hơn không kể. Lần ấy luật sư của ông gọi điện khuyên ông bán tháo ngay một loại trái phiếu công ty đang nắm giữ, vì tính toán gần như cầm chắc sẽ mất giá. Nhưng trước cú điện thoại này mấy phút, ông đã trót ký bán cho khách hàng một loại trái phiếu khác. Các máy tính trong đầu ông Học làm việc, ông đành gọi lại cho luật sư của mình:
– Đành làm theo nguyên tắc ký trước thực hiện trước(*) [(*) Nguyên tắc “Fist comes first” trong kinh doanh theo fair play.] vậy. Tiền mất sẽ lại kiếm ra được. Uy tín công ty mất thì mất hết!
Chuyện đại bại này loan ra trên báo chí, thành ra công ty của ông được nhiều người biết đến và khâm phục. Có bài báo so sánh việc làm này của ông Học với hành động chạy làng của một vị lãnh đạo công ty dầu khí Texas Oil nguyên là thượng nghị sĩ Dick Caine …
Công ty dịch vụ tài chính của ông Học sau vụ thất bát này phất lên như diều. Ông nói với luật sư của mình:
– Coi như chúng ta chơi sang trong việc quảng cáo và làm marketing vậy!
Nhưng đúng là từ khi buộc mình nghỉ hưu, mới cách đây mấy năm thôi, nhất là từ khi bước vào tuổi tám mươi, ông thấy tâm trạng mình thay đổi hẳn. Có thể một khi đã đứng bên lề cuộc đời thì người ta bắt đầu nghĩ nhiều về cuộc đời. Thời gian như trở nên hào phóng, để cho ông có thể thoải mái đối chất, kiểm nghiệm mọi hiểu biết, mọi triết lý, kể cả lẽ sống của mình. Xưa nay ông vẫn có hai bửu bối, hai nguồn sức mạnh giúp ông luôn luôn có nghị lực trong mọi hoàn cảnh. Đó là đức tính không chịu luồn cúi ai và ý chí muốn làm những công việc thách thức khả năng của mình.
Ông tự cho mình là người hạnh phúc, với ý nghĩa là cả cuộc đời lăn lộn ông thấy mình luôn luôn giữ được lòng trung thành với đức tính của mình, nghĩa là trung thành với chính mình và cảm thấy vừa lòng với những gì ông đạt được. Cảm nghĩ này hình thành từ sự phán xét bản thân khi về già chứ không phải là tâm trạng thoả mãn, mặc dù về phương diện tiền bạc, sức khoẻ, những mối quan hệ của con người… ông không thể nói là mình nghèo.
Ông thường tự răn mình phải sống theo đạo lý cha mẹ hiền lành để đức cho con, nhưng ông đã không cản được con cháu mình đi vào con đường binh đao chém giết. Cay đắng hơn nữa là ông đã mất đứa con trai duy nhất của mình. Ông thừa nhận đấy là thất bại lớn nhất và cũng là vết thương lớn nhất trong đời ông phải gánh chịu. Sự trớ trêu này càng làm cho ông tìm mọi cách xa lánh chiến tranh, xa lánh chính trị, thúc đẩy ông đi tìm những phương trời xa lạ, với hy vọng có thể dồn hết sức vào công việc mình ưa thích. Bà Học không khỏi lo lắng. Bà hiểu trong những phiêu lưu của chồng ít nhiều có tâm trạng chạy trốn, nhất là từ khi Mạnh chết.