Tôi thừa nhận từ khi đổi mới, kinh tế nơi này nơi khác bắt đầu khởi sắc, quân đội chưa theo kịp.
– Chính lúc này tôi mới càng thấy nhân dân ta bản lĩnh cao cường, tình nghĩa với Đảng lắm. Dân vẫn tin vào Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ Đảng…
– Đúng là suy nghĩ của người lính già. Anh làm tôi thêm can đảm. Hay là tại vì ở nước ta, nhân dân và Đảng cùng quyết tâm đổi mới nên trụ được? – Trần Thu hỏi lại.
– Cách mạng nước ta đã bao phen thăng trầm anh Thu ạ, nhưng rõ ràng là chừng nào còn giữ được lòng tin của dân thì còn tất cả. Nghĩ như thế, nên tôi nghi nội tình các nước Liên Xô Đông Âu ắt có điều gì không ổn. Cái phá bên ngoài không lo bằng điều này.
– Đúng là không thể nhìn nhận vấn đề một cách hời hợt được anh Hải ạ, nếu không muốn tự sát.
– Anh xem, thành trì của cách mạng thế giới, mấy chục triệu người hy sinh trong chiến tranh thế giới thứ hai đã cứu nhân loại thoát được hoạ phát xít, cũng nhờ đó mới có thời cơ cho cách mạng Việt Nam, bảy mươi năm xây dựng và cầm chân chủ nghĩa đế quốc… Thế mà bây giờ ra mây khói hết!..
– Vâng đau lắm, anh Hải ạ, người cộng sản chúng ta không thể nghĩ khác được.
– Đúng như người đời xưa nói, lỡ chân một bước hận nghìn năm, ngảnh mặt nhìn lại trăm tuổi mất rồi(*)…
[(*) Ý từ một câu thơ cổ nổi tiếng của Ngụy Tử An, đời Thanh, Trung Quốc, nguyên văn: Nhất thất túc thành thiên cổ hận, Tái hồi đầu dĩ bách niên thân]
Sáng chủ nhật.
Bân có hẹn với Yến, nhưng còn nhiều thời giờ quá, tại dậy sớm hay tại sự bồn chồn nóng hẹn?
Bân làm một số việc lẽ ra dành cho chiều nay. Lật lật được mấy trang sách, đã bỏ sách xuống đi tìm giấy bút. Viết được vài dòng lại quăng bút đi, đứng dậy ra bàn pha nước… Bân chịu không làm sao thắng được sự mung lung của mình, cốc nước cầm mãi trong tay không nghĩ đến uống.
Bân trở lại bàn viết, ngồi chưa nóng chỗ đã đứng lên, cố sắp xếp một vài suy nghĩ. Nhưng trong đầu chỉ toàn là những câu hỏi và câu hỏi. Nỗi bứt rứt không cho Bân đi đến sự lựa chọn nào dứt khoát.
… Ngày hôm nay sẽ định đoạt số phận mình!
Bân khoá cửa phòng ở rồi dắt xe ra đường. Còn những mấy tiếng đồng hồ nữa!
Phố xá yên tĩnh, đang ngái ngủ trong buổi sớm của ngày nghỉ cuối tuần. Trong tiết vào thu bầu trời thành phố buổi sáng xanh vắt, khiến màu sắc cây cối sáng bừng lên. Bân cảm thấy như chính mình được đánh thức. Cái mát dịu phảng phất chút gió lành lạnh. Thỉnh thoảng một vài giọt sương nhỏ li ti trên cây vương vào mặt một cảm giác dễ chịu. Bân căng ngực hít thở những luồng gió từ bên kia sông Hồng tạt sang, trong lòng dần dần trấn tĩnh trở lại…
Ngồi trên cái Honda đen, trung tá Bân đi lòng vòng mãi lên tận đường Yên Phụ, rồi đi hết đường Nghi Tàm… Tới gần địa phận Tứ Liên anh mới nghĩ đến chuyện quay lại thành phố.
Từ khi ở chiến trường Campuchia về, nhân thể những lúc phải đi làm việc gì hoặc khi rỗi rãi, Bân thích đi lại khắp nơi, để được ngắm nghía thành phố đang lớn dần lên trong những năm đổi mới. Thói quen này nhiều lúc còn là cách san lấp những giờ phút khắc khoải của hy vọng, của chờ đợi…
Nếu so với ngày Bân cùng với Nam lên đường hành quân đi Campuchia, bây giờ thành phố có thêm nhiều đường phố chưa làm sao nhớ tên hết được. Nhiều đường phố gần đây Bân mới biết đến, Bân thú thực trong đầu có nhiều tên người Bân không biết họ là ai… Đôi lúc Bân bị lạc, bị mất hướng trong những khu dân cư mới.
…Mười hai mười ba năm nay rồi còn gì nữa kể từ khi lên đường… – quãng đời đẹp nhất của tuổi thanh xuân! Đổi mới trong cả nước đã bước sang năm thứ ba! Chỉ có sự vận động của K8 là quá ì ạch so với bên ngoài… Chẳng lẽ đã bắt đầu trong mình biểu hiện nào đó của già cỗi, cũ kỹ?!
Đã mấy lần Bân dạo xe máy trong tâm trạng như vậy trên đường Yên Phụ – Nhật Tân – Tứ Liên.., thế mà hôm nay Bân vẫn cứ tưởng là có một bàn tay vô hình nào đó vừa mới đắp lố nhố lên trên những ruộng hoa của vùng này những khu dân cư mới tinh. Nhìn đâu cũng thấy nhà cửa mọc lên như nấm, mọi kiểu dáng, đủ các màu sắc, chẳng theo một quy hoạch hay trật tự nào…
Ngỡ ngàng, hay luyến tiếc?.. Ký ức bừng sáng trên triền đất cũ…
Mới những ngày nào Bân cùng với Nam hối hả đạp xe đi về như con thoi trong khắp vùng này để làm các việc cho đơn vị lên đường… Có lần cả hai đều thốt lên khi thấy mình lọt thỏm giữa những cánh đồng trồng đào bát ngát hai bên ven đê.
– Bân ơi, cái đẹp trong bao la vĩ đại mới đẹp làm sao!..
Hình như tiếng nói của Nam vẫn còn vương đâu đây. Bân nhớ trong các tranh của Nam mình thu nhặt từ Siêm-riệp mang về trao lại cho Yến, có một bức tranh mang đề tựa “Gửi nỗi nhớ thương da diết!..” Đó là hoa đào đủ các màu thắm nhạt, là rừng đào xa hút mãi, tất cả như chìm trong một cái nhìn thăm thẳm từ đâu đó… Nam đã vẽ bức tranh ấy bằng nỗi nhớ…
… Hoa không thấy nữa, các miệt vườn không còn, hay là mùa đào chưa đến!
…Yến không hiểu tình yêu của ta, hay là Yến không thể có một tình yêu nào khác?
Mấy lần Bân giảm ga cho xe đi thật chậm, nhưng không phải để nhìn trời nhìn đất, mà chỉ để chế ngự cái cảm giác mung lung đang xâm chiếm đầu óc mình…
– …
– Cho anh nói với em lời cuối cùng đi!.. Yến!..
– Xin anh đừng nói gì nữa! Anh Bân, thông cảm cho em…
– Nhưng em phải nói vì sao chứ!
– Em hiểu tất cả, và cũng mong anh hiểu tất cả.
– Nhưng mà Yến..! – Bân nắm lấy tay Yến. Đấy là lần đầu tiên trong đời… Cả giọng nói và tay Bân run lên.
Yến không rụt tay lại, mà cả hai tay Yến nắm lấy tay Bân, chân thành:
– Anh Bân, xin anh đừng nói gì nữa. Mong anh hãy hiểu em cho em… – đoạn Yến nhẹ nhàng gỡ tay Bân ra, đứng dậy. Cũng vừa lúc ấy cún Nam chạy vào tìm mẹ…
…
Ôi!.. Có đến hàng trăm, hàng trăm lần Bân tự thuật lại, tự diễn lại với chính mình bữa nói chuyện hôm ấy. Hàng trăm lần Bân mổ xẻ từng câu nói, từng cử chỉ, giọng nói của Yến, từng hơi thở của Yến đi theo từng lời… Tay Bân như vẫn đang run lên trong tay Yến… Hàng trăm lần Bân tự đặt các câu hỏi, tự trả lời, nghĩ ra không biết bao nhiêu giả thuyết… Tất cả đều xoay quanh nỗi mung lung duy nhất, không sao xác định được…
Bân phải ghếch xe vào vệ đường, leo lên ngồi trên con trạch của mặt đê, nghĩ tiếp.
… Lúc dắt xe ra khỏi nhà, mình đã cố tâm tâm niệm niệm một ý nghĩ dứt khoát. Nhưng bây giờ lại phân vân, lại mung lung…
… Nam ơi, cho mình một lời khuyên đi! Hãy hô tất cả đứng nghiêm rồi ra lệnh đi! Mình cầu cứu Nam đấy, hãy ra lệnh đi!..
Bân không thể quên được cử chỉ, giọng nói của Nam trong buổi họp chi bộ hôm ấy. Cả quyết, dứt khoát, giữa cái sống và cái chết! Ôi, một con người, sống tha thiết, yêu tha thiết!
… Nam ơi hãy ra lệnh cho Yến và cho mình đi! Phải làm gì cũng được, nhưng ra lệnh đi!
… Hôm nay mình phải có lời dứt khoát với Yến!
Cũng như bao nhiêu lần khác, chỉ có một ý nghĩ duy nhất đem lại cho Bân sự cân bằng, tâm trạng trấn tĩnh:… Phải làm theo mong muốn của Yến!
Bân gần như ra lệnh cho chính mình.
Bân không thể tự cắt nghĩa cho mình vì sao ý nghĩ đó lại mạnh mẽ đến như vậy. Chỉ biết là ý nghĩ đó làm cho Bân trong lòng cảm thấy thanh thản với chính mình, sự thanh thản mênh mang nỗi buồn không sao cắt nghĩa được. Chính ý nghĩ này giúp Bân hiểu mình yêu Yến như thế nào…
Ngồi mãi như thế, cuộc sống chung quanh tấp nập huyên náo dần lên, kéo Bân trở về thực tại. Trước mắt Bân xe tải các kiểu nối đuôi nhau chở vật liệu xây dựng kéo vào thành phố. Xe tải từ thành phố ngược dòng đi ra chở các phế thải. Những tiếng rú ga của động cơ các máy móc đủ loại phả lên từ lòng đường những cụm khói nồng nặc mùi xăng dầu. Các máy trộn xi-măng đâu đây ầm ĩ thi nhau chạy hết tốc lực. Bên kia chân đê các toán công nhân kéo đường dây cao thế í ới gọi nhau… Bân có cảm giác mình đang ngồi trước một công trường xây dựng lớn…
Một ngày mới bắt đầu, rộn ràng, náo nhiệt.
Bất giác Bân tự hỏi: Chẳng lẽ mình cứ đứng mãi bên lề đường như thế này?
Trong những năm tháng Yến đi học, ông bà Chính và bố mẹ Yến đối xử với Bân như con cái trong nhà. Bân cũng coi bố mẹ Yến và ông bà Chính như bố mẹ mình. Những ngày nghỉ cuối tuần, các dịp lễ tết, khi thì bố mẹ Yến, khi thì ông bà Chính mời Bân đến ăn cơm. Cũng có lúc Bân được nhờ giúp việc này việc khác, tin cậy. Có lần bé Dũng, con của Loan, bị ốm phải nằm viện. Nhà neo người, có lúc ông bà Chính phải nhờ Bân đưa cơm vào cho Loan trong bệnh viện, chạy đi tìm thuốc này thuốc khác…
Tướng về hưu Lê Hải có lần nói với Bân:
– Chú thấy cả nhà họ Phạm hậu thuẫn cho cháu. Bố mẹ Yến không mong gì hơn là Yến quyết định sớm. Tả phù hữu bật như thế, cháu thật là diễm phúc…
Bân uống những câu nói gần giống như thế, của tướng Trần Thu, của chú Nghĩa, của Loan, của Mai… để nuôi hy vọng…
Sinh ra ở Tiền Hải nổi tiếng trong cả nước là lá cờ đầu 5 tấn(*) [(*) Thành tích sản xuất nông nghiệp của Thái Bình, tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt năng suất 5 tấn lúa/hécta.] và quê hương anh hùng trong chống Mỹ, Bân thừa hưởng nhiều đức tính tốt đẹp của vùng quê mình. Người dân Tiền Hải, dù thuộc xã nào, bên lương hay bên đạo, đều tôn thờ Nguyễn Công Trứ – người khai hoá ra quê hương mình. Truyền thống hiếu học và nhiều giá trị tốt đẹp khác của quê Bân bắt nguồn từ đấy. Trước Cách mạng tháng Tám, xã của Bân vốn bao đời lam lũ, nghèo nhất huyện. Từ khi giải phóng miền Bắc tới nay tính gộp lại, riêng xã Bân có tất cả 142 người tốt nghiệp đại học, bao gồm những người đã hy sinh, về hưu hay đang tại chức khắp nơi trong cả nước. Xã đứng đầu toàn tỉnh về phương diện này. Ngoài ra xã của Bân còn có một đại tướng, một trung tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam và hai tiến sĩ. Cấp tá phục viên về làng có đến gần một chục. Song muốn biết tường tận sự hy sinh của xã này cho cuộc kháng chiến chống Mỹ thì phải ra thăm nghĩa trang liệt sĩ! Người đến thăm ai cũng chú ý đến một bia lớn, ghi tên 29 liệt sĩ chưa tìm thấy thi hài – trong đó có 5 liệt sĩ cùng nhập ngũ một ngày, cùng hy sinh trong một đêm ở Quảng Trị, hai chiến sĩ hy sinh trên mặt trận Lào, ba chiến sĩ hy sinh trên mặt trận Campuchia… Trước bia là một bát hương lớn, không một ngày nào tắt khói hương. Năm kia, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Cách mạng tháng Tám, xã vừa được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang kháng chiến cứu nước… Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, quê hương Bân tự bảo nhau rộn rã phong trào thoát khỏi xiềng ba sào(**) [(**) Thái Bình ruộng đất chỉ có bình quân 3 sào Bắc bộ cho một nông dân.]. Người người trong quê đổ nhau đi làm ăn bốn phương, ngày mùa mới kéo nhau về dăm mười hôm cho gọn việc đồng áng. Có người thỉnh thoảng tạt về làng họp chi bộ Đảng, kết hợp thăm gia đình. Trong các nẻo làng xuất hiện ngày càng nhiều ngành nghề mới. Đồng quê Thái Bình lan đi câu nói năm xưa: Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng… Người thì nói đấy là của Lê Quý Đôn, người thì nói đấy là tổng kết của các lão nông Thái Bình. Có người lại nói đấy là tổng kết của Trung Quốc… Của ai cũng được, hiển nhiên là Thái bình không một giây phút mệt mỏi tìm đường phát triển. Rặng tre xanh, hàng cau phải nhường chỗ dần dần cho các ngôi nhà ngói hoá, bê- tông hoá. Đường dây điện, đường trải nhựa ngoằn ngoèo bò vào làng, lác đác có cả điện thoại. Trên vùng quê đất chật người đông này cuộc sống lúc nào cũng nào cũng vận động hết nhịp.