Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Ông Tư nói đúng ý bọn cháu đấy, bác Tám ạ. – Bảo Vân không thể ngồi yên quá lâu. – Ví dụ việc chúng cháu đi mua phế liệu cũng có thể bị khép vào tội đồng loã với ăn cắp tài sản nhà nước xã hội chủ nghĩa, bất kể lúc nào cũng khép tội được. Mà còn kẻ ăn cắp, thì còn người mua đồ ăn cắp… Tụi cháu không mua thì người khác mua…

– Thưa bác, ý em Vân cháu muốn nói ăn cắp và mua đồ ăn cắp chỉ là câu chuyện trên ngọn thôi ạ – Vũ nói thêm vào cho rõ ý của em gái mình. – Còn câu chuyện dưới gốc là cái cơ chế cho phép mất cắp và cho phép ăn cắp nảy nở.

Cả nhà ngồi chết lặng.

Vũ thấy vậy hoảng quá. Biết là mình lỡ lời, định lắp bắp điều gì để thanh minh nhưng mãi không nói được, Vũ đưa mắt cầu cứu các em.

Đến lúc này ông Tám thật sự cảm thấy có ai cầm roi quật vào mình. Ông thấy đau trên mặt, giơ cả hai tay vuốt tóc, vuốt đầu, cho đỡ nhức nhối, nhưng vẫn nghe tiếp.

– Thưa bác đúng như thế ạ. Nhưng trong cái hợp tác xã đồ đồng nát của cháu thì ăn cắp một thước dây điện cũng khó. Ở chỗ cháu không ai dại gì chỉ vì đánh cắp một thước dây điện mà để mất việc làm có lương cao hơn biên chế nhà nước gần gấp ba! Hơn nữa, để ai, đuổi ai, một mình cháu quyết là xong ngay, điều lệ và hợp đồng đều ghi rõ như vậy ạ..! – Quân hỗ trợ cho Vũ.

– Chú Tám ơi, chính đấy là cái xí nghiệp quốc doanh của cháu không có ạ! – Hai Hân im như thóc từ đầu cuộc, bổng nhiên buột miệng kêu lên.

– Thưa ông Tám, hai cái hợp tác xã này nói về số người lao động còn lớn hơn nhiều doanh nghiệp tư sản đã cải tạo sau 30 tháng Tư đấy ạ!… Mới chỉ có một Nghị quyết VI mà tư sản mới đã mọc lên như nấm..! – thái độ nói năng của Bảy Dự có hơi hướng khiêu khích – chủ định nhằm vào Hai Hân.

– Tôi còn nhớ tại bữa cơm đầu tiên tôi được mời ở đây hôm nào, anh nằng nặc đòi khai lại lý lịch. Có đúng thế không anh Bảy? – tay ông Tám chỉ chỉ về phía Bảy Dự.

Bảy Dự mở miệng cười để tránh câu trả lời. Anh định mượn cớ chọc Hai Hân, nhưng câu nói của anh lại vô tình chạm lòng tự ái của ông Tám.

– Tôi chưa quên đâu – giọng Tám ông có ý trách móc. Ông đứng dậy, dùng cả hai tay cào cào tóc ra phía sau, dáng điệu mệt mỏi: – …Bây giờ đã muộn rồi, tôi xin cáo từ. Cảm ơn bà Sáu, cảm ơn tất cả. Bác chúc hai cái hợp tác xã giả của các cháu có nhiều kết quả tốt.

– Trước khi ra về bác có điều gì khuyên tụi cháu không ạ? – Bảo Vân không để lỡ cơ hội.

– Lời chúc của bác là câu trả lời rồi – ông Tám vừa đi vừa nói. – …Các cháu cần kiên trì. Cứ lấy kết quả làm thước đo công việc của mình. Nội các cháu dặn đúng lắm, đừng có tham lam, đừng quên mục đích. Chỉ cần giữ như thế là được!

Ông Tám quyết định không nói gì thêm. Ông có bản lĩnh đón nhận mọi điều mới mẻ, nhưng cũng rèn được cho mình đức tính kìm giữ trong lòng những ý nghĩ của mình khi chưa có điều kiện nói ra. Từ ngày đi làm cách mạng, cuộc sống đã rèn luyện ông trở thành con người có tính nguyên tắc chặt chẽ.

Hai Hân máu như sôi trong người. Ông Tám đứng dậy rồi mà chưa nói được một lời nào về xí nghiệp của mình. Không còn cách nào khác, Hai Hân liều chạy đến nắm tay ông Tám:

– Chú ơi, cháu có chuyện quan trọng lắm, xin chú cho cháu vài phút…

– Thôi, bây giờ đâu có phải là lúc giải quyết công việc.

– Không nói được với chú thì xí nghiệp cháu tan mất.

– Trời có sập ngay đâu mà lo. Mai đến chỗ tôi, 6 giờ 30 sáng. Tôi cho anh 30 phút, được không?

Ông Tám chủ động chào mọi người rồi ra về. Ông Tư và má Sáu Nhơn tiễn ông Tám ra tận xe.

Trái với sự lanh lẹ gần như bẩm sinh, ngay cả khi mới đến đây chiều nay cũng vậy, bây giờ – nghĩa là chỉ sau vài tiếng đồng hồ hội ngộ với thế hệ trẻ nhà bà Sáu Nhơn – ai cũng thấy bước đi của ông chậm hẳn, nặng nề… Ông cảm thấy khô đắng trong cổ.

Khi xe ông Tám đi khỏi, bà Sáu Nhơn nói với ông Tư Cương:

– Ông Tám Việt hôm nay ra về coi bộ đăm chiêu quá. Tôi chỉ e bọn trẻ làm ổng phật lòng.

– Vâng. Tôi cũng thấy vậy bà Sáu ạ. Tôi…Tôi thấy lo lắm!

Ngồi trong xe, ông Tám gần như nói chuyện một mình: …Hợp tác xã đồ đồng nát. Con đường đồ đồng nát… Cơ chế cho phép mất cắp và ăn cắp nảy nở… Phải thừa nhận bọn trẻ dũng cảm… Rút lại lời thề… lời nói từ đáy lòng chúng hay là …sự thách thức mới đối với Đảng?!. Chúng cháu buộc phải lựa chọn cách chiến đấu không có gì để mất. Trời ơi thế hệ trẻ của dân tộc ta ngày nay! Tại sao chúng ta lại buộc chúng phải lựa chọn con đường đồ đồng nát như vậy! Chính ta phải trả lời những câu hỏi hóc búa này.

Những điều ông cảm nhận được, những ý tưởng mới nảy ra từ chính ông, của chính ông.., tất cả như đang muốn phá tung cái mũ Kim Cô vô hình lúc nào cũng xiết lấy đầu ông… Bỗng dưng ông oằn người lên: Ô hay, chính mình đã tôn thờ những khuôn vàng thước ngọc này cơ mà. Chẳng lẽ đã đến lúc mình phải xem lại mình? Đã đến lúc phải tự giải phóng khỏi chính mình chắc? Xưa nay mình chỉ nghĩ đến giải phóng mình và mọi người khỏi bất công, áp bức… Chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phải tự giải phóng mình ra khỏi chính mình. Hay là các vấn đề giai cấp, vấn đề dân tộc… bây giờ đều mang nội dung khác – chỉ vì cách mạng thành công rồi!? Còn sự ngờ vực nào trong nhân dân lớn hơn thế?..

Thành phố tối om vì thiếu điện, ngồi trong xe ông Tám cảm thấy như mình đang mò mẫm tìm đường, tìm lối…

Tuy vậy sớm hôm sau ông Tám vẫn giữ đúng lời hứa tiếp Hai Hân 30 phút.

Chưa đầy một tuần lễ sau đó, mụ kế toán trưởng có quyết định chuyển đi xí nghiệp khác. Không có quyết định nào dành riêng cho số phận Hai Hân, nhưng quyết định của Sở thuyên chuyển công tác của kế toán trưởng viết rất rõ:

“Điều 4 Giao cho giám đốc XNQD in Tự Lực Hà Văn Hân và kế toán trưởng Nguyễn Thị Bội thi hành quyết định này…”

– Có thế chứ! Ta đã chiến thắng… Ta đã chiến thắng!..

Cầm tờ quyết định của Sở trong tay, Hai Hân vừa nói vừa nhảy cẫng một mình trong phòng làm việc, điệu bộ chẳng khác nào một siêu sao bóng đá vừa mới ghi được một bàn quyết định. Cũng may lúc này trong phòng làm việc không có ai. Song niềm vui chợt giảm đi rất nhanh khi Hai Hân đọc lại kỹ càng từng dòng từng chữ của quyết định.

… À thế ra Sở vẫn tự ái, không chịu có một quyết định riêng về số phận mình, nhưng vẫn ghi rõ là giám đốc Hà Văn Hân… thi hành quyết định này!.. Thôi, thế cũng chẳng sao. Có bao giờ cấp trên tự nhận mình là sai đâu!..

Vài hôm sau Hai Hân nằn nì nhờ ông Tư xin cho gặp được bà Sáu để cảm ơn. Nhưng lần này ông Tư thất bại. Đền ơn ông Tư Cương, Hai Hân chạy ngược chạy xuôi giúp ông và Vũ giải quyết nốt những vướng mắc để hoàn tất việc hợp thức hoá hợp đồng thuê nhà ký với Sở Quản lý nhà đất. Ông bà Tư Cương và vợ chồng Vũ cùng nhau loay hoay mấy năm trời mà không làm sao hợp thức hoá được việc thuê nhà, mặc dù đã mất khối tiền. Vợ chồng Thắng đã dọn đến nơi ở mới từ lâu rồi, trước khi ông Thành đi Mỹ.

Nhảy dù vào chỗ ông Thành, ông Tư Cương được gần một năm, Hồng – vợ Thắng được người cùng làm căng-tin mách cho một căn hộ đầy đủ tiện nghi của người đi di tản, chỉ cần bốn cây vàng là có thể chạy xong việc sang tên hợp đồng thuê nhà. Đến xem tận nơi, căn hộ ở tầng trệt, mặt tiền quay ra phố, rộng gấp ba bốn lần nơi gia đình mình đang ở. Hồng nêu chuyện này ra với Vũ, đòi 6 cây.

Đào đâu ra 6 cây vàng? Vũ thưa chuyện này với cả nhà. Bà Sáu Nhơn đưa cho Vũ cái nhẫn hột xoàn:

– Nhẫn cưới của bà đây! Nó có thể đủ mua cả một biệt thự trọn vẹn!

Vũ nhất quyết từ chối, vì đấy là báu vật của cả đại gia đình họ Huỳnh. Cuối cùng mọi việc cũng được thu xếp ổn thoả. Ông bà Tư cho một ít, ông Thành gửi về cho một ít, ông bà Hai Phong cho một ít…

16.

Tướng về hưu Lê Hải vừa mới đặt điện thoại xuống, đun vội ấm nước, đã nghe thấy tiếng ô-tô đỗ xịch ngoài cổng, rồi tiếng bấm chuông.

– Chào anh Thu! Tôi không ngờ anh đến nhanh như thế!

– Chào anh. Tôi sốt ruột quá, không thể chờ thêm được. Nếu không đi miền Trung, tôi đến thăm anh tuần trước rồi. – thiếu tướng Trần Thu bước vào, vừa chào vừa tự kéo ghế ngồi.

– Tôi cũng đang mong anh đến để hỏi xem giới tại chức như anh có biết gì thêm về tình hình Liên Xô không? Thế là mất Đảng rồi! Tuần trước nghe nói bên ấy vừa mới xảy ra binh biến để cứu Đảng, nhưng không thành, mấy tướng hay là nguyên soái tự sát!

– Có chuyện đó. Đảng bị giải tán và bị đưa ra Tòa án Hiến pháp. Nhưng tôi đến gấp gáp thế này là vì chuyện khác.

– Binh biến thất bại thì gay lắm rồi anh Thu ạ! Hết đường cứu chữa! Bức tường Berlin sụp đổ đã hơn một năm mà tôi vẫn ngỡ là chuyện mới xảy ra hôm qua. – trong đầu Lê Hải vẫn chưa ra khỏi Liên Xô.

– Vâng, còn hơn một cơn ác mộng!..

– Tôi nghe đồn cách đây khoảng một năm nhà sử học Trần Quốc đã xem tướng cho Gorbachov. Nói là ông ta tuổi Tân Mùi, lại có cái bớt đỏ trên đầu nữa, thế nào cũng mất chức! Có đúng thế không anh?

– Trên báo Pháp Luật tôi có đọc chuyện ông Quốc xem bói, anh Hải ạ. Trong bài báo này theo tôi chuyện bói toán không quan trọng, nhưng quan trọng thật sự là ông Quốc nhận xét một chế độ xây dựng trên sự giả dối thì trước sau cũng sụp đổ!

Tác giả: