– Thế còn máy may? – ông Tám hỏi.
– Ôi bác Tám! Chúng cháu có thể ngay lập tức mở thêm một xưởng nữa ạ, cả thành phố này còn nhiều lắm. Xong như thế đi nhanh quá, dễ bị chiếu tướng lắm. Nhà xưởng của chúng cháu cũng sẵn sàng… Nội chúng cháu dặn không bao giờ được tham lam…
Càng nghe, ông Tám càng cảm thấy mình đang bị lạc vào cuộc sống thật, có nhiều đường đi ngõ ngách ông chưa nghe tới, chưa đi tới…
– Phơi bày ra như thế các cháu không sợ lộ hết bí mật làm ăn à? – ông Tám thăm dò bọn trẻ.
– Thưa bác, bí mật làm ăn của tụi cháu là bí mật giữa ban ngày ạ. Nghĩa là ai cũng biết, cũng thấy ạ. Nhưng chắc gì ai cũng làm được. – Bích Ngọc trình bày suy nghĩ của mình. – Nhưng để bí mật trở thành bí quyết và thực hiện được bí quyết thì còn là cả một chặng đường dài nữa bác ạ. Tính ra chúng cháu chà đi xát lại thị trường của thành phố này đến sáu năm rồi.
– Nhưng đấy cũng chỉ là câu chuyện tạm thời thôi, chị Ngọc ơi, mọi chuyện trên thị trường thay đổi hàng ngày hàng giờ mà – Quân bổ sung thêm ý kiến của Ngọc.
– Bác có thể sẽ tố cáo các cháu? – ông Tám cố giữ vẻ mặt nghiêm nghị, mặc dù ai cũng hiểu câu hỏi vui của ông.
– Nếu bác tố cáo bọn cháu, thì bọn cháu sẽ cãi lại với chính quyền là chúng cháu chỉ kể những điều ông Tám Việt thích nghe thôi ạ. Còn muốn xử phạt bọn cháu thì chính quyền phải căn cứ vào sự việc, giấy tờ, sổ sách hợp pháp.., trừ phi họ cố tình xoá sổ chúng cháu thì… mọi đạo lý sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa bác ạ…
– Cháu đối đáp giỏi đấy. – Ông Tám cười. – Nghĩa là chính quyền không có cách gì xoá sổ các hợp tác xã giả hiệu của tụi cháu bằng pháp lý?
– Thiếu gì cách ạ.
– Bảo Vân, cháu cứ nói tiếp đi.
– Nếu đánh tụi cháu theo kiểu như cải tạo tư sản vừa qua thì được quá chứ ạ! Đánh lúc nào cũng được. Còn nếu đánh theo luật pháp và chính sách hiện hành, dù là còn rất mập mờ, thì chính quyền thua bọn cháu. Còn nhiều chỗ chúng cháu lách được, lách đẹp, hoặc lách không đẹp là tuỳ hoàn cảnh thôi ạ…
– Bác có thể không vui, – Quân đỡ lời cho vợ, – nhưng thưa bác, đánh một cái hợp tác xã toàn là đồ đồng nát, vốn đồng nát, phương tiện sản xuất đồng nát, vật tư sản xuất đồng nát, đến cái ban chủ nhiệm cũng là đồ đồng nát nốt, thì khó tìm ra được đạo lý thuyết phục. Mà mấy cái thứ đồng nát ấy đang tạo công ăn việc làm cho không ít người…
– Cứ cho là các cháu có lý đi!.. – Ông Tám muốn nghe nữa.
– Vâng, cả cái hợp tác xã đồng nát của bọn cháu chỉ có mỗi cái tư duy kinh doanh thì không đồng nát chút nào, cái vốn vô giá của hợp tác xã!.. Vì thế em Vân cháu nói vẫn còn nhiều chỗ lách được ạ. Nhưng đánh theo kiểu chỉ vì muốn đánh, không cần đến đạo lý, thì kiểu gì tụi cháu cũng thua. – Vũ phụ thêm ý kiến của mình.
Nghe đến đây Hai Hân như bị điện giật. Chính nhờ có cái chuyện “đánh” không cần đạo lý như thế mình mới có địa vị như ngày nay. Song những gì Bảo Vân kể, nhất là sự nhập nhằng giữa lãng phí và ăn cắp thì đúng là câu chuyện xảy ra hàng ngày trong xí nghiệp của Hai Hân. Qua miệng người khác, chưa bao giờ Hai Hân thấy rõ thực trạng xí nghiệp mình như hiện nay. Hai Hân vẫn kiên nhẫn ngồi nghe.
– Bảo Vân và Quân, hai con nói quá lời rồi. – Bà Sáu nhắc nhở.
– Nội bảo tụi con phải thưa chuyện thật với ông Tám mà! – Quân bênh vợ.
– Xin bà Sáu cứ để các cháu nói. Bác muốn nghe những câu chuyện thẳng thắn như vậy. Thế các cháu có lo bị “đánh” không?
Quân định bảo Vũ trả lời, vì câu hỏi khá tế nhị, song Vũ bảo Quân cứ nói thẳng đi, vì mọi chuyện đâu có phụ thuộc vào câu trả lời của mình. Quân đồng ý:
– Chúng cháu thường xuyên lo ạ. Chúng cháu không muốn nói dối. Thưa bác, anh em cháu thường tâm sự với nhau thế này: …Phải bảo nhau noi gương các bậc cha chú mình thì đúng rồi! Nhưng lại cũng có thể bị các bậc cha chú mình nện cho chí tử lúc nào không biết! Nói thực với bác chúng cháu rất buồn. Hay là trình độ chính trị chúng cháu còn thấp kém quá?..
Ông Tám đau điếng người vì những câu nói của bọn trẻ. Đó là những câu nói vừa rất thật, song cũng đầy oán trách, dù ít nhiều hài hước… Nhưng ông nhất định chôn chặt trong lòng câu trả lời định nói ra. Ngẫm nghĩ một lúc ông nói theo cách khác:
– Các cháu đúng là các cháu của bà Sáu Nhơn! – Trong đầu ông nảy thêm nhiều câu hỏi, ông tiếp – Lo như thế thì các cháu làm thế nào?
Quân dứt khoát đẩy cho Vũ trả lời câu này:
– Anh em chúng cháu khi bàn với nhau về Nghị quyết Đại hội VI đã tính nát ra rồi.
– Bàn ở đâu?
– Dạ ngay trong nhà này.
– Có học không mà bàn?
– Trừ anh Vũ cháu ra, chúng cháu làm gì được học. Nhưng chúng cháu đọc đi đọc lại không sót một chữ, tự giảng cho nhau, tự tranh luận với nhau. – Bích Ngọc phụ thêm vào với chồng.
– Các cháu hiểu Nghị quyết Sáu như thế nào?
– Nghị quyết Sáu có ba cái được ạ. – Bảo Vân cướp lời. – …Đó là thừa nhận thị trường, thừa nhận kinh tế có nhiều thành phần và xoá bao cấp ạ.
Ông Tám cười, thán phục. “Bọn trẻ này ghê gớm quá! Mình chưa thấy ai tóm tắt Nghị quyết Sáu ngắn gọn, rõ ràng đến thế”.
– Đó là đáp án của riêng cháu hay là của bốn anh chị em cháu?
– Dạ không hoàn toàn là của chúng cháu ạ. Nội là người tổng kết lớp học nghị quyết của chúng cháu đấy ạ!
– Ôi bà Sáu! – Ông Ba Khang và ông Tư Cương thốt lên gần như cùng một lúc.
Ông Tám gần như không tin vào tai mình. Câu nói của Bảo Vân khiến ông nhớ lại ý kiến sắc sảo của bà Sáu trong bữa cơm đầu tiên hôm nào: …Là chủ thành phố này, sẽ không đời nào tôi lại cho phép Ba Khang gỡ các xe đò của tôi ra thành từng mảnh rồi trao vào tay những người không hiểu biết gì về xe pháo… Là người dân tự do… Câu nói ấy giờ đây vẫn như dao cắt vào da thịt mình, lại thêm cái cuộc tranh luận nảy lửa mấy hôm sau đó… Hôm nay, lại chính bà Sáu là người tổng kết việc học nghị quyết cho con cháu mình! Ông Tám ngồi im cố làm chủ sự kinh ngạc của mình.
– Bảo Vân nói sai rồi. Các cháu hỏi nội, nội chỉ tóm tắt những điều nội thích nhất thôi. Làm gì có chuyện tổng kết nào ở đây. Ông Tám đừng tin vào những lời khoa trương của tụi trẻ này. – Bà Sáu vừa nói vừa xua xua hai tay.
– Như thế đúng là tổng kết đấy, bà Sáu ạ. Xin cho phép tôi tiếp tục làm thầy giáo truy bài các cháu: – Còn những gì các cháu cho là chưa được?
– Anh Vũ cho em trả lời nhé? – lại Bảo Vân.
Nhìn thấy Vũ gật đầu, Bảo Vân nói liền:
– Chỉ có một điều chưa được thôi ạ… – Bảo Vân bỏ lửng câu trả lời.
Các đảng viên Hai Phong, Ba Khang, Bảy Dự, bà Ngân, Hai Hân… hết nhìn nhau rồi lại nhìn bọn trẻ. Hai Phong rất hiểu chí hướng của ông Tám Việt mà vẫn không hết lo cho các con mình quá vạ mồm vạ miệng. Riêng bà Sáu Nhơn mắt như ánh lên một niềm kiêu hãnh thầm kín nào đó, nhất là về Bảo Vân.
Ông Tám thấy rõ tâm trạng mọi người. Bản thân ông cũng hồi hộp, không hiểu trong đầu bọn trẻ này còn có những suy nghĩ gì nữa. Ông giục:
– Cháu nói tiếp đi.
– Cái chưa được duy nhất là tất cả những cái được cũng mới chỉ là miễn cưỡng thôi ạ.
– Thôi chết, cái con này… – bà Ngân buột miệng kêu lên.
– Bảo Vân, con đòi hỏi nhiều quá đấy. – Bà Sáu Nhơn tìm cách kiềm chế cháu mình. – Ba cái được ấy là cả một cuộc đổi đời rồi mà còn đòi hỏi gì nữa. Xin ông Tám đừng cố chấp sự bồng bột của các cháu tôi.
Dứt lời, bà Sáu đặt tay mình lên tay Bảo Vân như không muốn cho Bảo Vân nói. Bà không muốn cháu mình đi quá xa.
Ông Tám thấy tai mình ù lên, phần vì câu trả lời làm ông choáng váng, phần vì cả một quá khứ tranh luận gay gắt trong quá trình soạn thảo Nghị quyết lại bùng nổ dữ dội trong tâm trí ông, những lời nhắc nhở ông đang chệch hướng… Trong giây lát ông quên mất mình đang sắm vai thầy giáo truy bài.
Quân phân bua thêm cho ý của Bảo Vân:
– Chính vì vậy anh em tụi cháu tính toán phải trù liệu mọi tình huống bác Tám ạ, kể cả tình huống sẽ có cải tạo tư sản toàn quốc lần thứ ba! – Quân bênh vợ mình. Tuy thế vừa nói vừa đưa mắt nhìn bà Sáu.
– Cháu nghĩ rằng sẽ có cải tạo tư sản toàn quốc lần thứ ba sao? – Ông Tám lúc này mới ra khỏi sự choáng váng của mình.
– Thưa bác tụi cháu làm sao biết được, nhưng phải nghĩ phòng xa thôi. Sử dụng để cải tạo, cải tạo để sử dụng tốt hơn.., tinh thần nghị quyết có ý này ạ. Cháu hiểu là khi nào muốn thì Đảng lại tiến hành cải tạo! – Vũ nói chen vào.
…Cha mẹ ơi, Nghị quyết có ý này thật sao? Ai giảng như vậy? Mình nhớ là đây là một trong những câu tốn nhiều thời giờ tranh cãi và giấy mực trong lúc soạn thảo đề cương, sau đó mình không để ý nó được viết thành văn như thế nào trong Nghị quyết…
– Có phải vì thế các cháu cho rằng tất cả những cái được mới chỉ là miễn cưỡng không?
– Những câu nhiều nghĩa như thế trong Nghị quyết nhiều lắm. Cháu quên mất con số tụi cháu liệt kê những câu ý trái nhau hoặc những câu hiểu thế nào cũng được, nghĩa là vận dụng thế nào cũng được. Chắc chắn là con số hàng chục bác ạ. – Quân muốn làm rõ thêm ý của vợ.
– Tất cả tùy thuộc Đảng và Chính phủ dồn chúng cháu vào con đường nào đó thôi! Em Quân cháu và cháu đều là đảng viên, nhưng cũng xin thực lòng thưa với bác như vậy! – Vũ nói.