Dứt lời ông Tám Việt nâng ly rượu.
Cả bàn tiệc đứng dậy nâng cốc…
Mọi người chuyện trò vui vẻ. Riêng má Sáu thoáng một lúc tư lự. Mọi người nghĩ rằng có thể má Sáu hơi bị mệt, vì tuy là “nhạc trưởng” – Bảo Vân phong cho bà chức mới trong đám cưới này – má có nhiều việc phải làm, nhất là ở cái tuổi gần tám mươi… Nhưng thật ra trong má cảm giác vui buồn lẫn lộn, từ yêu thương dạt dào đến xót xa… Má nhớ lại hôm nào một nách năm con đứng trước mộ chồng, má nhớ đến mẹ con Út Thạnh, các con cháu của ba gia đình đang sống bên Mỹ…
“Ông Tám Việt này nói đúng, ai có đi qua những đoạn trường này, mới cảm nhận được tất cả!.. Ôi sao dân mình khổ vậy, đất nước mình kẻ còn người mất… Người còn sống chia lìa nhau mãi đến bao giờ?!” – Má Sáu trong lòng tự hỏi mình.
Kim, người ít tuổi nhất bàn tiệc, thì thầm vào tai má Sáu:
– Bà ạ, ông Tám Việt nói đúng tâm trạng mẹ cháu đấy. – Bây giờ thì cháu hy vọng cháu sẽ… – Kim bỏ lửng câu nói của mình.
Bà Sáu hiểu điều Kim đang nghĩ và tìm cách lái câu chuyện sang hướng khác. Chính má cũng muốn hôm nay là một ngày vui…
Hai Hân được má Sáu để ngồi cạnh vợ chồng ông Tư, nên cả bàn tiệc chỗ nào cũng chuyện, cười nói rôm rả, mặc dù thực tế trong con mắt má Sáu, Hai Hân không có mặt trong buổi tiệc cưới hôm nay. Hai Hân đủ nhạy cảm để nhận biết điều này nên không dám ho he nói năng hay làm gì vượt quá cái biên giới vô hình má Sáu đã khoanh cho Hai Hân trong bữa tiệc này… Mình đã làm tan nát gia đình người ta như thế mà còn được ngồi chung bàn với nhau thế này cũng là quá sự mong đợi rồi! Cái chính là phải cứu bằng được xí nghiệp… Hai Hân tự nói với mình như vậy để luôn luôn giữ được mọi ý tứ cần thiết…
Bà Sáu quả là con người tinh tế. Các món ăn trên bàn chủ yếu toàn đồ nhắm, vừa ngon, vừa được bày đẹp, không quá nhiều. Thức ăn nóng duy nhất là món mì Quảng nổi tiếng(*) [(*) Mỳ xào nổi tiếng của Quảng Nam.] , được chuẩn bị kỹ và đựng trong ba cái thố sứ lớn rất đẹp, có nắp đậy kín. Thố đều được ngâm nước sôi lâu trước khi bỏ mỳ, được ủ kỹ trước khi bưng ra bàn để giữ cho món ăn nóng lâu. Cả bàn tiệc không ai phải đứng lên ngồi xuống, nên mọi người trong nhà đều được tham gia từ đầu đến cuối vào cuộc vui. Khi má Sáu mở nắp thố mời mọi người món đặc sản mì Quảng là một niềm vui bất ngờ. Sau khi thưởng thức các đồ nguội, món mì Quảng bốc hơi nghi ngút quả là hấp dẫn…
Khi mọi người sang phòng bên ăn tráng miệng và ngồi chuyện trò uống nước được một lúc, vợ chồng Lê Hải, vợ chồng ông bà Nghĩa xin phép tiễn gia đình cô dâu chú rể về nhà mới. Quân khu đã bố trí mấy cái xe Ford sang trọng cho thủ tục đón dâu này. Bà mẹ của Chiểu thấy vui quá, cũng xin đi theo. Những người còn ngồi lại trong nhà gần giống như trong bữa cơm đầu tiên bà Sáu Nhơn mời ông Tám Việt cách đây khoảng 4 năm, chỉ có một chút thay đổi: cả trợ lý và bảo vệ của ông Tám Việt đều không có mặt. Ông Tám dứt khoát không cho họ đi cùng, vì ông cho đây là việc gia đình. Nhưng bữa tiệc này lại có mặt Hai Hân. Ông Tám đã nhiều lần được nghe về xí nghiệp này. Đến tai ông không thiếu tiếng lành tiếng dữ.., nhưng hôm nay là lần đầu tiên gặp Hai Hân.
– Tôi nghe nói các cháu đều trở thành chủ nhiệm hợp tác xã? – ông Tám Việt hỏi đám cháu bà Sáu.
– Thưa bác đúng như thế ạ. – Quân lễ phép trả lời. – Chị Ngọc cháu và Bảo Vân làm chủ hợp tác xã may mặc. Còn cháu là chủ nhiệm hợp tác xã cơ khí ạ.
– Quân, thưa với ông Tám con phải nói thật… – má Sáu nhắc nhở Quân.
– Thưa nội con nói đúng sự thật đấy chứ ạ. Chỉ có điều sự thật dài hơn một chút so với điều con vừa nói thôi ạ.
– Cháu kể hết sự thật đi xem nào. – ông Tám Việt yêu cầu.
– Thưa vâng. Đơn giản là hai hợp tác xã của tụi cháu chỉ có cái tên hợp tác xã là thật thôi ạ. Đấy là hai đơn vị kinh tế do vài ba người có vốn góp lại. Chúng cháu mời thêm vài ba người đã nghỉ hưu nhưng có cái danh chính trị rất oách vào ban chủ nhiệm. Họ toàn là bà con của tụi cháu cả, trong đó có cô chú đã từng là đại tá, là tỉnh ủy viên, dũng sĩ Củ Chi… Tất cả chỉ là thủ tục đúng như chính quyền đòi hỏi thôi.
– Cháu nói thẳng vào cái hợp tác xã cơ khí của cháu xem nào! – ông Tám yêu cầu.
– Thưa bác, từ các máy phay, máy tiện, máy cắt gọt… của hợp tác xã cháu toàn là đồ đồng nát. Có cái còn khá mới, nhưng mua rẻ như cho không ạ, vì xí nghiệp bán đi vừa được ít tiền, vừa đỡ mất chỗ chứa và còn hơn là bỏ gỉ sét… Xã viên của cháu thực chất là những người lao động chúng cháu thuê mướn, trả lương theo sản phẩm, biên chế hiện nay kể cả đội quân đi thu mua hàng đồng nát là 180 người. Bình quân lương công nhân gấp ba lần trong xí nghiệp quốc doanh, nhưng chúng cháu chẳng phải lo tem phiếu gì cả.
– Thế thì họ sống bằng giá chợ đen?
– Thưa không ạ. – Quân trả lời tiếp. – Họ có hộ tịch trong thành phố, nên cũng có tem phiếu các loại theo tiêu chuẩn nhân dân được cấp cho cả nước rồi, vả lại bây giờ đã bù giá vào lương rồi, tem phiếu chẳng còn nghĩa lý gì…
– Thưa bác, hợp tác xã may mặc của cháu 220 người, trong đó một phần ba là đi thu mua phế liệu, phần lớn là tuổi thanh niên chưa có việc làm, chúng cháu phải dạy họ học nghề 3 tháng – Bích Ngọc thưa chuyện về hợp tác xã của mình.
Ông Tám hiểu dích dắc của câu chuyện, nhưng vẫn muốn tự tai mình được nghe tiếng nói của người thực trong cuộc:
– Sao các cháu lại phải mang cái tên giả như vậy?
– Thưa bác tụi cháu không dại gì mà xin lập doanh nghiệp tư nhân. Nghe nó sặc mùi tư bản lắm ạ. – Bảo Vân trả lời.
– Còn sớm quá bác ạ, như thế sẽ ăn đòn chết! Chính sách của Đảng và Luật pháp của nhà nước ta đã có sự bảo hộ nào rõ ràng cho doanh nghiệp tư nhân đâu. – Bích Ngọc phụ hoạ thêm với em chồng.
– Nhà này đã có bốn tư sản cải tạo, tôi nghĩ trong một gia đình như thế là quá đủ, có phải vậy không ông Tám? – Ba Khang đế vào.
Nhưng thực chất các cháu là tiểu chủ rồi còn gì nữa? – Ông Tám vẫn theo đuổi suy nghĩ của mình.
– Thưa bác Tám, đúng như vậy ạ. Nhưng thế cũng là quá chậm. – Bảo Vân thưa lại.
– Hai năm các cháu làm được như vậy phải nói là nhanh và giỏi chớ, từ tay trắng quật lên!
– Thưa bác, cháu vẫn cho là chậm ạ. – Bảo Vân không chịu. – Nếu đúng là kinh tế thị trường từng giờ từng phút đẻ ra chủ nghĩa tư bản như chúng cháu được học, thì chúng cháu vẫn là quá chậm ạ. Sau hai năm đổi mới chúng cháu mới chỉ là loại tiểu chủ chưa có cái tên thật của mình. Như thế sao gọi là nhanh và giỏi được ạ?
– Cháu thuộc loại đáo để, Bảo Vân ạ… – ông Tám vừa nói vừa lắc đầu.
Ông Tám hỏi tiếp rất nhiều về quá trình ra đời hai cái hợp tác xã giả hiệu này. Bà Sáu Nhơn bắt bọn trẻ nói thật, nên chúng chẳng giấu diếm điều gì. Ông Tám không thể ngờ được bọn trẻ tinh ranh quá, bắt đầu từ nhìn thấy được thị trường cần cái gì và có cái gì. Thì ra mấy năm trời đi bỏ sữa chua cho các nhà hàng, má Sáu đã dạy cho chúng phát hiện và biết nhìn thị trường cần cái gì để chúng có thể tìm cách đáp ứng được. Chúng nó biết nhiều lắm, nhưng bàn bạc với nhau chán rồi mới quyết định thử mở đầu bằng hợp tác xã cơ khí và hợp tác xã may mặc, nếu suôn sẻ sẽ tính thêm…
Điều đơn giản là cả đồng bằng Nam bộ có không biết bao nhiêu xuồng đuôi tôm, bây giờ có quá nhiều xuồng phải chèo bằng tay, vì các động cơ hiện có phần lớn đã hỏng, cũ, không có ngoại tệ nhập mới thay thế. Quân tìm được một số thợ cơ khí giỏi trong thành phố, lại biết có một số doanh nghiệp chế tạo cơ khí của nhà nước đang thiếu việc làm, có cái là của quân đội… Thế là ý tưởng lập một xí nghiệp chế tạo cơ khí ra đời, trước hết dưới cái vỏ hợp tác xã.
Sản phẩm đầu tiên là động cơ cho xuồng đuôi tôm…
Thiếu vốn, Quân rủ thêm một số bạn bè chí cốt hùn vào, có đáng là bao đâu… Đầu vào gần như vô tận: đi thu mua các máy đuôi tôm hỏng với giá đồng nát, thịt cái nọ phục chế cái kia, chi tiết nào thiếu giao cho các doanh nghiệp nhà nước làm gia công, họ rất thích vì đang thiếu việc làm… Sắt vụn không thể dùng được nữa thì lại lọc ra đem bán cho các lò luyện thủ công… Bí nhất là thiếu một số thép tốt làm vỏ và làm một số chi tiết khác.
Một bạn của Quân đưa ra sáng kiến: đi mua sắt vụn thải ra trong việc vá và sửa chữa tàu thuỷ cùng các phế liệu khác của xí nghiệp đóng tàu Ba Son, rất rẻ, chỉ mất thêm ít tiền chở về Thành phố… Ôi một nguồn nguyên liệu vô tận!..
Hợp tác xã may mặc của Ngọc và Bảo Vân cũng hình thành theo một tư duy kinh tế như vậy. Cầu gần như thênh thang, vì quần áo may sẵn bán không tem phiếu bao nhiêu cũng hết. Còn cung thì chỉ cần đi thu mua cái “lãng phí” của các doanh nghiệp nhà nước là vô khối đầu vào.
…Tụi bay làm ăn theo kiểu vốn thất nghiệp, lãi quan viên, coi bộ nội không uổng công với tụi bay!.. Chính bà Sáu Nhơn đã có lần bình phẩm như vậy về hai cái hợp tác xã giả hiệu.
Bảo Vân nói thật:
– Bác Tám ạ, tụi cháu thật sự không phân biệt được thế nào là lãng phí, thế nào là tham ô, nói đơn giản là ăn cắp. Vì nhiều lúc người của bọn cháu đi thu mua phế liệu mà mua được cả vải nguyên súc, chỉ khâu nguyên đai nguyên kiện. Còn những mảnh vải đầu thừa đuôi thẹo may được một hai cái áo người lớn hay vài bộ quần áo trẻ con là chuyện bình thường… Đã thế sản phẩm của tụi cháu bán không cần tem phiếu. Ngày càng nhiều cửa hàng mậu dịch đề nghị chúng cháu ưu tiên cung cấp hàng cho họ.