Núi biển hùng vĩ bao la chuyển động trước mặt, nhưng Kim lặng lẽ gửi gắm những ý nghĩ trong tâm hồn mình vào niềm yêu thương dạt dào mênh mang không sao xác định được…
…Trang ơi, khi anh nhận ra cái ngốc về lãng phí thời gian của mình, thì đây là đợt bổ sung quân lần thứ ba! Tiếc ơi là tiếc… Súng lại nổ trước mặt rồi… Rút kinh nghiệm, đợt bổ sung quân lần sau có lẽ anh sẽ viết được dài hơn…
… Ngoài các cuộc chiến dữ dội mịt mù tiếp nối nhau không dứt, khói bom đạn nhiều khi đến nghẹt thở.., trong thành Quảng Trị thời gian bây giờ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Chẳng có gì khác nhau giữa ngày và đêm để tính xem anh đã xa em và con bao nhiêu lâu rồi. Đành dùng các đợt bổ sung quân để đo đếm thời gian vậy!..
Lại một đợt bổ sung quân nữa… Đại đội Bách Khoa(*) [(1) Đợt tuyển quân năm 1970, Đại học Bách khoa có hơn một trăm sinh viên và trợ giảng nhập ngũ, trong đó Lâm và Đại cùng là trợ giảng, cùng được Thành đội Hà Nội phân công phụ trách C45, thuần người của Bách khoa. Sau đó, đợt tuyển quân năm 1971, số sinh viên Bách khoa nhập ngũ còn đông hơn…] của anh đến hôm nay chỉ còn mỗi anh và Đại. Lần này anh giao hết mọi việc nhận quân và phiên chế cho Đại, cái ông “Einstein con” của chúng ta ấy mà. Cái triết lý “tương đối” của Đại rất được việc, vì làm cái gì cũng nhanh gọn. Kể từ đợt bổ sung quân đầu tiên, trong đại đội bọn anh không làm sao biết ai vào với ai để gọi tên từng người. Lính mới đến và đi đều rất gấp, không kịp nhận mặt nhau…. Tất cả bây giờ chỉ có một cái tên chung bất tửi C45… Nhận quân mới Đại cũng không đủ thời giờ mà đếm, chỉ hô: “Ai được phân về C45 đứng vào đây!” Không ai còn tên riêng của mình… Lệnh gì phát ra cũng chỉ gọn lỏn “C45!”, dù là có lúc chỉ còn vài ba người… Hôn em và con. Chào cậu mợ và tất cả cho anh.
… Đại thật hào phóng. Nó lại nhận hết mọi việc để anh viết được vài dòng này, với điều kiện phải chuyển lời khen của nó về bữa bánh tôm hôm nào em khao bọn anh trước khi lên đường. Tại em rán bánh ngon hay là nhờ tem phiếu nhà mình hôm ấy mua được bột mỳ trắng? Tụi anh nói với nhau không biết bao nhiêu lần về chuyện này. Kim đã bi bô được thành câu chưa em? Nhớ em và con vô cùng…
Đợt bổ sung quân lần thứ năm.
Đại hy sinh mất rồi Trang ơi!.. – Đợt nhận quân bổ sung quân lần thứ bảy, anh phải giao cho một chiến sĩ giữ chốt để đi nhận quân mới….
…
Cái thư bác Nghĩa năm nào chuyển từ chiến trường về cho mẹ Kim chỉ là hai trang giấy đã úa vàng, hình như được xé ra từ quyển sổ nào đó.., với những câu viết ngả nghiêng, vội vã, không đầu không đuôi… Lá thư cuối cùng của bố Lâm!..
Từ khi lên cấp III, càng có nhiều chuyện phải nói với bố Lâm trên bàn thờ, Kim càng giở lá thư cuối cùng này ra, đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. Có lần chỉ là để nói chuyện với bức thư. Mỗi lần là một cảm nhận mới, suy nghĩ mới. Song chỉ gần đây thôi, từ khi chợt nghĩ được rằng mình còn phải yêu mẹ thêm cả phần yêu của bố dành cho mẹ, Kim cảm thấy mình trở thành người lớn. Gần đây thỉnh thoảng Kim xin phép một mình về thăm mộ bố Lâm chính là do điều này thôi thúc… Cũng có lúc Kim còn nghĩ chính mình là bố Lâm, càng yêu thương mẹ da diết… Chính vì yêu mẹ với cả tình yêu của bố Lâm, Kim hiểu ra phải giúp mẹ đi bước nữa. Mẹ chịu đựng bao nhiêu hy sinh như thế là quá nhiều rồi! Càng thương mẹ vô cùng…
Lúc này, đứng trước khoang cửa sổ tàu hỏa, Kim ôm mẹ, nhưng vẫn giữ kín điều này trong lòng. Vì Kim nghĩ bây giờ mình đã là người lớn…
Nhìn phong cảnh bao la mênh mang bên ngoài khoang cửa sổ, Kim càng ôm riết lấy mẹ mình, không nói không rằng.
Kim cố ôm riết mẹ để giấu nước mắt…
… Nhất định mẹ sẽ hiểu mình! Nhất định mẹ sẽ hiểu con, bố ơi!..
Con tàu kiên nhẫn trườn đi, lắc lư đày vô tư. Nó dường như không hay biết hoặc không cần hay biết suy nghĩ của mọi người. Trong khoang, trừ Lê Hải và Nghĩa, đây là lần đầu tiên bà Nguyệt và Hậu đi tàu Bắc – Nam. Không khí vui vẻ trong khoang tàu và bao nhiêu chuyện để nói lúc này thu hút hết tâm trí họ, chưa ai kịp ngắm nhìn quang cảnh mới lạ bên ngoài cửa sổ đang chạy ngược đoàn tàu…
…
Trang và Sang quyết định làm lễ cưới thật đơn giản: Làm thủ tục tại trụ sở cơ quan đăng ký kết hôn của thành phố, có sự chứng kiến của đại diện các cơ quan và bạn bè. Lễ cưới chính thức được tổ chức tại nhà má Sáu Nhơn, hoàn toàn trong phạm vi gia đình. Sang nhờ má Sáu Nhơn lo cho việc này, vì họ hàng thân thuộc của mình ở Vĩnh Long phiêu dạt hết mỗi người mỗi nơi. Lâu nay bà Sáu coi Sang như con mình.
Má Sáu bắt dẹp hết mọi đồ đạc trong phòng khách lớn, thay rèm mới cho các cửa sổ, dựng thêm bốn cây đèn chùm nhỏ ở bốn góc phòng, lấy bàn xếp lại thành một bàn ăn dài chung cho tất cả cô dâu, chú rể, khách và chủ nhà. Má sai kết một lẵng hoa to và đẹp, kê trên bục cao phủ khăn trắng đặt ở một góc phòng. Thoạt trông như ở đấy mọc lên một cây hoa đời tươi tắn các màu sắc, rất vui mắt, nhưng thoáng đạt, tao nhã. Ánh đèn rọi vào làm cho cây hoa càng thêm sinh động. Bàn ăn trải khăn trắng, điểm xuyết một vài lọ hoa nhỏ, toàn hoa hồng, các màu sắc khác nhau. Đũa bát và các ly uống rượu được sắp đặt theo kiểu tiệc ngồi trang trọng. Ngắm nghía, sửa chỗ này chỗ khác cho thật vừa ý, má bắt đầu loay hoay lên sơ đồ, xếp đi xếp lại chỗ ngồi cho từng người, cứ như là tiệc của nguyên thủ quốc gia chiêu đãi các khách quý vậy.
Đám trẻ trầm trồ thừa nhận mọi thứ được má Sáu sắp đặt đẹp quá. Tất cả cứ ngỡ rằng trong nhà mình tự nhiên hiện ra một phòng tiệc của một nhà quý tộc nào đó mà chúng thường thấy trong các phim châu Âu… Song chúng kinh ngạc hơn khi thấy giảng đến đâu, má Sáu lại chỉ những trang sách, những trang ảnh của quyển sách má cầm trong tay. Má Sáu nói rất tỉ mỉ về sơ đồ chỗ ngồi… Chúng đã thấy quyển sách này trong thư viện của ông nội, đã một vài lần giở ra xem, chủ yếu là xem ảnh, đứa nọ hỏi đứa kia không biết ngày xưa ông bà nội mình mua quyển sách này để làm gì. Bây giờ thì chúng hiểu.
Giảng giải xong ở phòng tiệc, mấy bà cháu kéo nhau sang phòng khách bên cạnh, nhỏ hơn. Má bắt bọn trẻ sắp xếp, kê lại tất cả – đúng với chỗ tiếp khách trước khi vào tiệc và để quây quần chuyện trò sau khi tiệc xong. Bọn trẻ hì hục khuân khuân vác vác…
– Cũng may có đám cưới của chú Sang, nếu không nội quên khuấy mất phải dạy các con cách giao tiếp, cách tổ chức một bữa tiệc sang trọng. Dù phải tự làm lấy hay thuê khách sạn, không thể thiếu hiểu biết về mục này các con ạ. Trong kinh doanh, các con cũng phải thạo những việc mang tính chất lễ tân như thế này. – Má Sáu giải thích cho bọn trẻ.
– Cháu ngày càng hiểu nội dạy thế nào là học ăn, học nói, học gói, học mở… – Bảo Vân đề cao bà nội.
– Các cháu ạ, giao tiếp lố lăng suồng sã là khiếm nhã hoặc bộc lộ sự yếu kém của mình, giao tiếp đúng mức là thể hiện bản lĩnh của mình, đức tính của mình và có khi còn là cách tự đề cao mình nếu cần thiết. Rồi đây đi vào kinh doanh, nhất là kinh doanh lớn, các cháu đừng quên chi tiết ban đầu này…
Trong danh sách dự tiệc cưới, ý của ông Tám Việt đề nghị mời thêm mẹ của Chiểu, được má Sáu coi là một ý hay, má nói với Hai Phong:
– Ổng nghĩ được như vậy là có trước có sau, không quên người mình chịu ơn. Bà mẹ của Chiểu sẽ dịu bớt nỗi đau mất con. Má rất vui về đề nghị này…
Nhưng Hai Phong và ông Tư Cương gặp một rắc rối lớn.
Qua vợ chồng Thắng, Hai Hân biết ông Tám Việt sắp vào trong này dự lễ cưới con nuôi má Sáu. Hai Hân khẩn khoản ông Tư Cương:
– Bác cố xin bà Sáu Nhơn cho tôi được dự đám cưới này. Việc của tôi bác biết rồi. Đây là dịp duy nhất tôi có thể báo cáo trực tiếp với ông Tám, để ổng trị bọn chúng một trận.
– Nhưng mà đám cưới của nhà người ta, ai lại đem chuyện xí nghiệp của cậu ra đây mà nói! – Ông Tư không chịu.
– Bác tính, về danh nghĩa tôi bị treo giò ba bốn tháng nay rồi! Như thế tôi làm việc thế nào được! Tôi đã lên Sở mấy lần rồi, báo cáo đi báo cáo lại mãi… Nay Sở bảo sẽ có quyết định về tôi, mai Sở nói quyết định về tôi đang được xem xét… Mà cái mụ kế toán trưởng thì sau một hai tháng vào khuôn phép, bây giờ lại tiếp tục lộng hành. Bác không chỉ giúp tôi, mà còn cứu cả xí nghiệp!
– Cậu xin gặp riêng ông ấy có được không?
– Tôi không dám, mà cũng sẽ lỡ dịp mất, nhất là nếu không trực tiếp báo cáo được với ổng.
– Nhờ người khác báo cáo giùm!
– Hổng được, bác còn lạ gì cái trò tam sao thất bản!
– Cậu làm tan nát gia đình người ta rồi, tôi không thể muối mặt nhắc đến tên cậu trước mặt bả, chứ đừng nói đến điều này điều khác!..
Hai Hân quỳ xuống trước mặt ông Tư:
– Tôi biết lỗi lầm của mình. Nếu tôi chỉ vì tôi, bác Tư ơi, tôi cóc cần. Đời này có hay không có cái thằng Hai Hân này không là cái gì hết! Bác hiểu cho, tôi không cam tâm nhìn cái xí nghiệp này tan nát!.. Bác nghĩ rằng tôi không dám xé bất kỳ một quyết định vớ vẩn nào của Sở à? Bác có nghĩ thế không? Bác nói thật đi! Bác có nghĩ như thế không? Nếu phải xé, thì giấy gì thằng Hai Hân này cũng xé! Đừng có khinh thường thằng Hai Hân này!.. – Mắt Hai Hân long lên.
Ông Tư vẫn không nhúc nhích.