Nỗi đau đớn hun đúc lên ý chí quyết tâm nuôi con nên người.
Má sáu Nhơn là chủ hôn đám cưới của Võ Sang. Ông Tám Việt là khách danh dự. Hai năm trời lặn lội của Lê Hải và biết bao nhiêu cố gắng của Hai Phong, của Nghĩa, cuối cùng đã thực hiện được một ước nguyện mà những người thân thương của cô dâu và chú rể đều mong muốn. Bà Nguyệt và bà Hậu xứng đáng là hai cố vấn cao cấp trong việc tác thành cho đôi vợ chồng này. Cô dâu là Nguyễn Thị Trang, quả phụ trung uý liệt sỹ Lê Tùng Lâm, người đã cứu sống Nghĩa.
Khi Lê Hải đến nhà ông Tám Việt chuyển lời của má Sáu Nhơn mời ông dự buổi lễ thành hôn cho Sang và Trang, ông Tám nhận lời ngay.
– Má anh mời, tôi không thể từ chối, hơn nữa đây lại là đám cưới của Võ Sang, vừa là người quê thứ hai của tôi, vừa nguyên là chỉ huy đơn vị đã bảo vệ cơ quan tôi hồi chạy về Vĩnh Long, ơn nghĩa nhiều lắm.
– Anh xem, nếu ngày cưới Sang mà anh bận quá thì chúng tôi có thể chủ động xê xích ngày cho khớp với lịch làm việc của anh, vì má tôi và cả Võ Sang đều không có thói quen xem ngày xem giờ, nhưng má tôi không muốn anh vắng mặt…
Ông Tám xem lịch sổ tay, tính toán một lúc, rồi đáp lại:
– Ngày này có bận thật, nhưng không sao, tôi đổi lịch làm việc một chút và sẽ báo cáo vắng mặt vì có công việc quan trọng trong gia đình.
– Ôi nếu thế thì má tôi và Võ Sang vui lắm. Mấy lần anh vào thăm, má tôi đều nhận xét anh là người má tôi có thể nói chuyện được.
– Bà già của anh là người có tính cách mạnh mẽ, tôi rất mến những ý kiến sắc sảo của bả, nói thẳng, nhưng tế nhị.
– Thú thực với anh, thỉnh thoảng má tôi vẫn cho bọn con cháu chúng tôi những bài học đích đáng. Nhưng tôi vẫn lo…
– Bả còn minh mẫn lắm.
– Vâng, tôi vẫn lo má tôi và anh Hai Phong tôi suy nghĩ khác nhau quá…
– Má anh năm nay bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?
– Cuối năm nay chúng tôi sẽ tổ chức lễ đại thọ chúc mừng má tôi 80 tuổi.
– Ở vào tuổi của bả như vậy là quý lắm. Nếu gia đình không thấy gì trở ngại, tôi đề nghị nên mời thêm mẹ cậu Chiểu, cho tôi có dịp được chào bà, vì thời giờ ít quá và cũng đã lâu tôi chưa đến thăm bà được.
Và theo yêu cầu của Tám Việt – Lê Hải còn kể cho ông nghe câu chuyện “đám cưới Bắc-Nam” này.
… Thật ra việc thuyết phục cô dâu chú rể đi đến quyết định thành hôn lúc đầu không có nhiều khó khăn lắm. Trang coi ông bà Chính và ông bà Nghĩa như các anh chị lớn của mình, những lời khuyên bảo từ phía gia đình họ Phạm rất hợp tình hợp lý và có ảnh hưởng lớn đối với Trang. Tướng Lê Hải là thủ trưởng cũ của Võ Sang, Hai Phong là người kết nạp Võ Sang vào Đảng trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở Vĩnh Long. Hai người này vừa hiểu rõ tính tình Sang, vừa có uy tín lớn đối với Sang. Cuối cùng thì cô dâu chú rể cũng thấy thương yêu nhau và nhận ra phải sớm tái tạo một mái ấm gia đình.
… Nhưng không ai nghĩ là việc thuyết phục cháu Kim lại khó đến thế.
Khi Trang bàn chuyện này với con gái, Kim bắt đầu lên cấp ba. Con gái ở tuổi này tâm lý rất tế nhị và nhạy cảm. Mấy lần Trang gợi chuyện, con gái đều im và lảng sang nói chuyện khác. Trang hiểu những suy nghĩ của con mình…
… Kim không thể hình dung được đến một lúc nào đó trong nhà tự dưng có một người đàn ông từ đâu đến, …rồi mình sẽ phải gọi người đó là ba, chiếm một phần yêu thương của mẹ mình… Trong khi đó tất cả yêu thương của mình đã dành cho bố Lâm… Cùng với những năm tháng côi cút, mẹ càng nói về bố Lâm bao nhiêu, Kim càng thương yêu bố Lâm bấy nhiêu. Ngày ngày, trước khi đi học, hoặc giả lúc đi học về, nhìn lên bàn thờ, nhiều khi Kim nghĩ rằng bố đang chào mình, đang hỏi mình hôm nay con được mấy điểm, đang nói với mình một câu chuyện gì đó… Không hiếm những lúc Kim hỏi bố trong ảnh về điều này điều khác.., nhất là khi trong lòng gặp điều gì khó xử… Cả nhà chỉ có hai mẹ con, nên Kim rất cởi mở với mẹ, thương yêu mẹ vô cùng, song không phải điều gì cũng có thể hỏi mẹ được. Những lúc ấy Kim lại tìm bố trên bàn thờ…
Cả Sang và Trang đã có lúc phải bàn với nhau:
– Hay là chúng ta chờ thêm vài năm nữa, cho đến khi Kim trưởng thành hơn… Em chờ được…
– Anh xin tuỳ hai mẹ con em quyết định. Chờ đợi như vậy anh chịu đựng được… Đừng lo gì cho anh… Anh không mong gì hơn là hai mẹ con em hạnh phúc…
Đã thế, lên lớp 12, Kim lại có thêm nhiều bạn bè mới, nghĩa là thêm nhiều sợi dây níu kéo Kim ở lại Hà Nội, mà Võ Sang thì lại muốn cả nhà vào Sài Gòn…
Bà Nguyệt và bà Hậu mất công sức gần hai năm, bắt đầu từ việc làm cho Kim thấy hai bà là chỗ dựa tin cậy của mình… Nhất cử nhất động mọi việc của Trang và Võ Sang hai bà đều trao đổi cặn kẽ với Kim, nghe ngóng phản ứng của Kim…
Thế nhưng khoảng một năm nay, cứ vài ba tháng Trang lại thấy con mình xin phép về quê ngoại ở Thường Tín thăm mộ bố…
Trang, rồi bà Nguyệt, bà Hậu đoán già đoán non, nhưng không hiểu ra sao cả…
Gia đình Trang và bên gia đình Lâm đã mấy lần đi đi về về, nhờ bao nhiêu cơ quan, lặn lội khắp nơi trong vùng Bắc Thạch Hãn và cuối cùng đã tìm được mộ Lâm và đưa về mai táng tại quê ngoại được ngót nghét mười năm nay rồi… Thường thường trước ngày giỗ Lâm và cuối năm trước khi Tết đến, cả hai bên gia đình Trang và Lâm đều đi viếng mộ Lâm.
Việc Trang đi bước nữa, đều được cả hai bên bố mẹ hết sức vun vào. Thế nhưng thỉnh thoảng Kim xin phép một mình về thăm mộ bố như thế này, làm cho người lớn cả hai bên càng thêm lo.., nhất là ngày làm lễ cưới cho Trang và Võ Sang sắp đến nơi rồi…
Bao nhiêu lần Trang tìm cách tâm sự để hiểu rõ con mình… Song Kim lần nào cũng tìm cách chuyển rất nhanh sang nói các chuyện khác…
– Hay là hai mẹ con mình cứ sống mãi với nhau như thế này con nhé? – Trang thực lòng hỏi con gái mình.
…Kim chỉ ôm lấy mẹ, không nói không rằng…
Trên chuyến tàu Bắc – Nam, khi vợ chồng Lê Hải, vợ chồng Nghĩa và hai mẹ con Trang đã ổn định song khoang ở của mình, vợ chồng Lê Hải và vợ chồng Nghĩa kéo nhau sang khoang hai mẹ con Trang, Kim mở đầu câu chuyện:
– Các bác ơi, cháu thấy đường sắt của ta kém quá các bác ạ.
Bốn người lớn vào thăm khoang của mẹ con Kim không hiểu cháu mình nói thế là ý gì: chê bai, đỏng đảnh? Vẫn còn hờn dỗi với đám cưới của mẹ sao..?
Còn Trang thì ngoài nhiều điều lo khác, còn lo con mình sẽ thất lễ với các bác.
Cũng may là con tàu lắc lư, tạo ra những khoảng cách ngắt đoạn câu nói, bà Hậu kịp nghĩ ra một ý thăm dò cháu mình:
– Theo cháu cái gì là kém nhất?
– Theo cháu kém nghiêm trọng là khác, các bác ạ. Kém đến mức không thể chấp nhận được!
Năm người lớn nhìn nhau bằng những con mắt lo lắng. – Vào làm lễ cưới trong kia mà con bé cứ nhấm nhẳng thế này thì gay go quá… – bà Nguyệt thì thào vào tai bà Hậu, tiếng ồn va đập của con tàu giúp bà giữ kín được nỗi lo của mình.
– Kim ơi, nước mình còn nghèo, có tàu chạy thông suốt Bắc – Nam, khoang nằm sạch sẽ, như thế là quý lắm rồi chứ con. Lẽ ra phải đi hai ngày rưỡi, bây giờ rút xuống còn hai ngày. Như thế con phải có lời khen mới công bằng chứ!.. – Trang tìm cách kiềm chế con.
– Không mẹ ạ. Chuyện nào đi chuyện ấy. Con vẫn dứt khoát, chê là chê, rất chê!..
– Bác chịu cháu rồi, cháu chê cái gì nào? – bà Nguyệt tìm cách làm cho không khí chuyện trò trong khoang dịu lại.
Kim lấy kẹo đưa cho mọi người:
– Cháu mời các bác ăn kẹo ạ, con mời mẹ. Xin các bác và mẹ ăn kẹo để bình tĩnh nghe con nói rõ con chê bai cái gì ạ… – chia xong kẹo, Kim về chỗ ngồi của mình, nói tiếp: – Các bác ạ, mẹ ạ… – vẻ mặt Kim tỉnh bơ trong khi nói, -… đây là chuyến tàu Bắc – Nam chở cô dâu vào Sài Gòn làm lễ cưới, thế mà không kết nổi mấy dây hoa tết vào toa tàu!.. – khi nói gần hết câu, chính Kim cũng phải tủm tỉm cười…
Tiếng cười bùng lên trong khoang tầu. Bà Hậu ôm lấy Kim:
– Con đành hanh quá con ơi! Chàng trai nào sau này được con chọn làm hoàng tử thì chắc sẽ bị con bắt nạt không ngửng mặt lên được!..
Không khí vui vẻ trong khoang tàu tự nhiên ở đâu ập đến. Song có lẽ hào hứng nhất là tướng Lê Hải. Ông mở mấy chai bia Vạn Lực(*) [(*) Tên nhãn một loại bia chai Trung Quốc vào thị trường nước ta lúc bấy giờ. Thời kỳ này chủ yếu ta mới chỉ sản xuất được bia hơi. Đàm phán bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc còn đang tiếp diễn, nhưng hàng hóa Trung Quốc đã bắt đầu tràn vào.] và nước ngọt, rót vào các cốc mời từng người:
– Cháu Kim nói đúng quá, đây là chuyến tàu làm lễ cưới Bắc – Nam. Chiến công này trước hết thuộc về cháu Kim, mẹ Nguyệt và mẹ Hậu! Xin mời nâng cốc!..
Mọi người đang cười nói vui vẻ, Kim lại lên tiếng:
– Bác Hải ạ, đám cưới của mẹ cháu vui là thế mà ngôn ngữ của bác đầy chiến tranh!
– Chết chưa anh Hải, nghỉ hưu bao nhiêu năm rồi mà vẫn chưa sạch cái nghề tướng! – bà Hậu chọc tức chồng…
Lê Hải bàng hoàng, vì vui và không ngờ:
– Ôi cháu tôi đáo để quá!..
Nhân lúc vợ chồng ông Lê Hải và vợ chồng ông Nghĩa mải cười nói râm ran với nhau về đám cưới sắp tới, Kim đứng dậy dắt tay mẹ mình ra đứng trước khoang cửa sổ bên ngoài để ngắm phong cảnh. Thực ra Kim muốn có cơ hội ôm chặt lấy mẹ mình để nói với mẹ những điều không thể nói bằng lời…