Tập 1
Dòng Xoáy
1.
Cuốn theo dòng đời cùng năm tháng
Một mảnh tình riêng ta trong ta…
Trung tá Phạm Trung Nghĩa vóc người cao lớn, thời thanh xuân vốn nổi tiếng là đẹp trai và có duyên. Trong đám nữ sinh cùng học ngày xưa, trong đám bè bạn con gái trên đường đời sau này, không biết đã bao nhiêu người yêu thầm nhớ vụng Nghĩa trong lòng. Đám bè bạn con trai tị nạnh về hình dáng ưa nhìn của anh phần nào, nhưng nhiều người thực sự vừa ghen vừa mến dáng điệu nói năng hiền từ và hình như không bao giờ vội vã của Nghĩa.
Bây giờ tóc ông đã ngả sang màu muối tiêu, đuôi mắt nheo lại sâu hơn nữa sau cặp kính trắng. Những gì còn lại của nét mặt thanh tú thuở xưa hình như chỉ tăng thêm sự đôn hậu cho giọng nói tiếng cười của ông.
Đám bè bạn đồng chí thân thuộc thời chinh chiến gọi ông là công tử bột. Vì lính tráng gì mà to lớn, trắng như Tây, mặt mũi chẳng một chút dấu vết phong sương hay khói lửa của chiến trường.
– …
– Cha mẹ sinh ra thế, da dẻ mình không bắt nắng mà…
– Béo tốt thế này, thủ trưởng cắt bớt khẩu phần của anh Nghĩa giành cho thương binh đi!
– …
– Anh Nghĩa, cho em xin một đứa con làm giống!
– …
– Đừng cho nó! Cho mình em thôi!
– Không, em cũng xin một đứa, nhỡ anh hy sinh mất thì hoài…
– …
Những giai thoại, những khoảnh khắc như thế nhiều lắm. Nghĩa nhớ không xuể.
Nhiều lúc thiếu ăn hay sốt rét trong rừng, hoặc sau những chiến dịch dài ngày, Phạm Trung Nghĩa gầy rộc đi rất nhanh, xanh như tàu lá, chứ không sạm nắng. Được chăm sóc, anh cũng lại người rất nhanh.
Nghĩa còn được đồng đội và cấp trên tặng cho danh hiệu “lính tạch tạch xè”(Tạch tạch xè: “tts” = tiểu tư sản), vì học thức và cách sống nho nhã phần nào, con nhà giáo nòi mà. Song điều mọi người đều thấy là Nghĩa rất thích âm nhạc, như một niềm đam mê, đam mê đến lãng mạn.
Những lúc cùng đơn vị nằm ém quân hàng ngày, hàng tuần trong vùng đường 9 Nam Lào hay vùng rừng núi Quảng Trị – Thừa Thiên, những lúc nằm im chịu phi pháo địch đánh cầm chừng hoặc cấp tập dội xuống từng đợt, từng đợt, mặc… Những lúc trận đánh lắng xuống, những đợt đơn vị nghỉ xả hơi và củng cố lại sau mùa chiến dịch, những khoảnh khắc thư giãn chờ lệnh cấp trên giữa những buổi họp hành. Nghĩa là khi nào được rỗi rãi, thích thú nhất đối với Nghĩa là bật cái bán dẫn National lên, dí sát vào tai để khỏi làm phiền những người chung quanh, dò dò tìm tìm. Để tâm hồn trầm bổng theo âm nhạc.., nhất là đôi khi Nghĩa bắt được đài tiếng nói Việt Nam phát đi một bản giao hưởng nào đó… Ôi, đấy là những lúc thế giới riêng của Nghĩa trở nên bất khả xâm phạm. Cũng vì thói quen này, đối với Nghĩa quà thưởng của cấp trên, hoặc những thứ nhân dân địa phương tiếp tế cho, không gì quý bằng mấy cục pin. Ba-lô Nghĩa nặng đến mấy, lúc nào cũng phải có vài cục pin Văn Điển dự trữ.
Trong những giây phút như thế, nằm giữa chiến trường, có lúc Nghĩa thả những suy tư của mình bay đi đâu đó, có lúc như đang tâm sự với Nguyệt, vui đùa với hai con mình, nhớ đến bố mẹ, gia đình, những bước đường đời… Đấy là cách Nghĩa cố quên đi những nỗi nhớ thương da diết. Những lần như thế, không hiếm trường hợp anh phải chuốc lấy nhiều điều day dứt hơn, về thân phận biết bao nhiêu con người anh đã giáp mặt giữa sống và chết trong chiến tranh, về đất nước…
… Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng cánh chim xao xuyến gió mùa xuân…
Gửi lời chim yêu thương….
Từ thời còn là học sinh, Nghĩa đã tìm đọc nhiều, hiểu biết nhiều về âm nhạc, say mê tiểu thuyết. Cuộc đời và tình yêu càng dẫn dắt Nghĩa vào thế giới tâm hồn. Có khi cao hứng, Nghĩa thầm hát trong đầu một giai điệu nào đó. Nhưng Nghĩa không bao giờ cầm đến cây đàn hoặc bất kỳ một nhạc cụ nào. Bạn bè hay đồng đội truy hỏi, thường được Nghĩa trả lời:
– Tớ chỉ là kẻ hưởng thụ. Một thế giới tâm hồn như thế không hưởng thụ sao được! – Một nụ cười sau khoé mắt cố thanh minh cho sự đam mê của mình.
– Ông coi bộ tâm sự với âm nhạc hay nhớ nhà? Thực lòng đi! – một lần chỉ huy trưởng của Nghĩa gạn hỏi như vậy.
– Cả hai, nhưng lúc này là tâm sự.
– Với ai?
– Với mình. Với những người anh em không bao giờ trở về nữa cậu ạ… Không bao giờ nữa…- Giàu triết lý quá ta. Mở to cái đài lên, cho nghe nhờ một tý – chỉ huy trưởng mắc võng lại sát võng của Nghĩa ngay trước cửa địa đạo. Cả hai đều ngước nhìn lên những tán cây trơ trụi in thẫm trên nền trời, lửa của bom đạn đã làm cho chúng trở thành những bộ xương cháy rụi…
Giây phút ấy xẩy ra vào giờ nghỉ đổi ca trực chiến, khoảng một tuần sau trận tấn công ác liệt kéo dài liên tiếp 3 ngày cuối tháng ba năm 1967 của Mỹ – ngụy vào khu hậu cứ của ta tại vùng A Sao – A Vương, nơi giáp ranh hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam. Trận địa trong tuần lễ ấy lặng ngắt như một bãi chết, có lúc nghe rõ cả tiếng cây đổ răng rắc. Hì hục đào bới, tìm kiếm sáu bẩy ngày liền không nghỉ, đơn vị Nghĩa vẫn không sao thu gom đủ thi thể những chiến sỹ đã hy sinh. So với danh sách và quân số thì còn thiếu nhiều quá… Cũng may là trên kịp thời tổ chức ngay nhiều đợt tấn công mới vào các cứ điểm ngoại vi thành Quảng Trị để giảm sức ép cho A Sao – A Vương. Đơn vị Nghĩa được dịp củng cố lại trận địa, nhận thêm quân tiếp viện, rà soát lại bản đồ đánh dấu nơi chôn cất các tử sĩ, kiểm điểm rút kinh nghiệm trận đánh, kiểm tra và huấn luyện các chiến sĩ mới được bổ sung…
Tất bật, thầm lặng…
Trận huyết chiến đó là lần đầu tiên đơn vị Nghĩa được nếm mùi thế nào là ăn miếng trả miếng với chiến thuật “bão lửa” của Mỹ – ngụy.
Đánh trận này vào A Sao – A Vương, Mỹ – ngụy muốn triệt hạ khu căn cứ địa của ta, đồng thời muốn trả đũa cuộc tấn công của ta vào sân bay Đà Nẵng tháng trước. Đó cũng là mục tiêu chính của chiến dịch “Mini Junction City” trải rộng khắp miền Trung. Chiến dịch này được tiến hành đồng thời với chiến dịch Junction City phía Tây bắc Sài Gòn và dọc biên giới Việt Nam – Campuchia. Vào thời điểm này cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ bắt đầu leo thang ác liệt trên cả hai miền đất nước.
… Trước khi xảy ra trận đánh, nhiều tuần liền chất độc da cam đã làm cho khu rừng trú quân của đơn vị Nghĩa trụi lá. Nghĩa hiểu đây là một tín hiệu báo trước, sớm muộn sẽ đụng độ nẩy lửa. Tình báo quân sự cũng dự đoán như vậy. Toàn đơn vị Nghĩa dốc sức chạy thi với thời gian. Ban chỉ huy vắt óc suy nghĩ ăn miếng trả miếng như thế nào để địch không thể nhổ bật ta ra khỏi khu rừng quan trọng này.
Ở thời kỳ chuẩn bị, vũ khí chiến đấu chủ yếu là cuốc xẻng. Toàn đơn vị lao động cật lực, làm tất cả mọi việc để chìm sâu hơn nữa vào lòng đất, sắp đặt trận địa sao cho có thể vô hiệu hoá tối đa ưu thế của giặc về phi pháo.
Không biết đây là cuộc chiến bằng cuốc xẻng lần thứ bao nhiêu. Nhưng lần nào cũng thế, các chiến sĩ trong đơn vị Nghĩa đều cảm thấy cuộc chiến không súng ống này vất vả gấp mấy lần so với lúc xung trận. Mọi người đều hiểu muốn ít thương vong thì phải tốn mồ hôi. Điều khác trước là bây giờ hậu cần sung túc, cho phép làm được nhiều việc mà trước đây chỉ là mơ ước, nhất là nhờ vào mấy cái máy đào đất dã chiến chạy bằng diesel. Nhờ có chúng hỗ trợ, tiến độ công việc nhanh hẳn lên, việc bố trí địa đạo, hoả điểm thuận lợi hơn nhiều.
Điện mật của trên gọn lỏn: “Chốt giữ bằng được A Sao!”
Đơn vị Nghĩa hiểu đấy là nhiệm vụ bảo vệ đến cùng cửa ngõ đi vào khu hậu cứ của ta dọc biên giới Việt – Lào.
Ngày đêm Mỹ cho máy bay trinh sát khuấy động bầu trời khu rừng, tầm bay mỗi ngày một thấp dần. Quân ta vẫn im ắng. Thế rồi đột nhiên B52 từng đợt, từng đợt ném bom rải thảm suốt từ A Lưới đến A Sao. Xen giữa là các đợt hoạt động của trọng pháo đặt trên đường 14. Rồi đến các đợt ném bom na-pam (napalm), bom bi loại 250 kg… Đấy là những loại vũ khí vô cùng lợi hại, buộc quân ta phải lặn sâu hơn nữa vào lòng đồi núi. Toàn trận địa lúc này chỉ còn là một vùng đất đầy khói lửa, loang lổ các hố bom, hố pháo. Sau cùng là các đợt ném bom Daisy Cutter loại bảy tấn rưỡi(*) [(*) Loại bom này có sức công phá rất mạnh, lần đầu tiên Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, lần thứ hai Mỹ bắt đầu dùng loại bom này từ ngày 10 tháng 12 năm 2001, ném xuống địa phương Tora Bara có địa hình hiểm trở ở Đông Afghanistan trong khi truy quét tàn quân Taliban (của Osama Bin Laden).], nhằm tạo mặt bằng cho trực thăng thả các xe tăng và đổ quân.
Lúc này quân ta mới từ dưới đất ngoi lên phản công.
Khi điện đài khu cửa rừng im bặt tín hiệu, tiếng súng của quân ta ở phía này tắt hẳn, Nghĩa xin trung đoàn trưởng cho phép rời vị trí chỉ huy, lấy theo hai trung đội gần đấy, lần theo chiến hào ra quan sát tại chỗ. Tới nơi, trước mặt Nghĩa các chiến sỹ nằm ngổn ngang, nhiều người thân hình nguyên vẹn, nhưng không còn ai sống sót. Trọng pháo và bom áp lực sát thương bằng sức ép đã giết chết họ.
Từ xa, xe tăng của giặc bắt đầu xuất hiện. Được sự yểm trợ chính xác của trọng pháo, chúng dàn hàng ngang ầm ầm gầm rú lao tới như vào chỗ không người. Núp sau xe tăng là lính thuỷ đánh bộ Mỹ và quân ngụy, vừa chạy vừa hò hét. Mọi cỡ súng của giặc xối xả, hỏa lực vượt quá mọi dự tính của ta.
Không còn cách nào khác, chưa kịp giáp mặt địch đã phải thực hiện phương án tác chiến cuối cùng: đánh giáp lá cà!
Nghĩa giao cho các chiến sĩ phụ trách hai khẩu đại liên làm nhiệm vụ yểm trợ, những chiến sỹ còn lại đi gom tất cả B40 trên tuyến này, chọn địa hình và một số công sự cho phép tập trung hai trung đội thành một hoả điểm mạnh nhưng có thể di động được. Tất cả chịu nằm im cho trọng pháo đấm lưng, chờ giặc tiến gần. Khi từng loạt, từng loạt trọng pháo của giặc dọt xuống ngày một xa về phía sau lưng mình, các chiến sĩ hiểu giờ quyết định đang tới gần.