Sực Tâm nhớ ra ông già đã nói chuyện với Tâm là không có con, vậy thì là nghĩa làm sao?
Tâm ngẫm nghĩ, rồi bảo:
— Nhà Cụ giàu lắm nhỉ.
Con bé gật đầu, rồi nói:
— Cậu lên nhà trên mà coi nhà nhé, tôi phải đi làm việc đây.
Tâm hỏi nữa, nhưng nó lảng. Tâm đành thở dài lên nhà, ngồi ngẫm nghĩ.
Đồ đạc bày biện quanh mình làm Tâm nhiều phen ngạc nhiên. Cái gì cũng có. Ở trên bàn gỗ mộc, thì bày vài cái lọ sứ mà men đã rạn và hai ba cái lư, cái thì bằng đồng vàng, cái thì bằng đồng đen. Ở cột thì treo một thanh kiếm ngắn, chuôi bằng ngà chạm. Trong tủ khóa, một hôm Tâm nhìn trộm trong khi ông già mở ra, thấy có áo gấm và các thứ áo rét. Thấy Tâm chú ý nhìn, ông già nói:
— Con chớ lấy làm lạ, thày có những thức này, vì xưa kia thày có làm quan.
Tâm nửa tin nửa ngờ, nhưng Tâm quyết ông già không nói dối, vì Tâm thấy trong buồng, dưới gầm giường, có rất nhiều đồ đồng, như nồi, xanh và những lọ rất đẹp. Tâm nghĩ: “Chỉ có ông quan mới nhiều những cái này”
Hễ khi ông già về, thì Tâm lại làm ra dáng ngoan ngoãn vui vẻ. Mà ông già cũng không để cho Tâm có thời giờ nghĩ ngợi điều chi nữa.
Thành ra Tâm hậm hực quá. Tâm ở đây mà chẳng biết là làng nào và ông cụ tên là gì. Và ông cụ là hạng người gì, Tâm cũng không biết. Tâm không được thấy ai đến chơi với ông cụ cả. Những điều mập mờ ấy, Tâm đành chịu không biết, chẳng hỏi được ai.
Rồi hôm sau, Tâm không thấy cái Đĩ nó đến hầu hạ như mọi ngày nữa. Tâm hỏi ông già thì ông bảo nó ốm.
Có một bận Tâm xin phép ông già đi chơi quanh làng, thì ông cười đáp:
— Ở đây xa làng, xung quanh đây là ruộng và núi rừng, có nhiều thú dữ lắm, con chớ nên đi. Ở nhà thày nói chuyện cho mà nghe, có vui hơn không.
Tâm thơ thẩn ra bờ ao, ngồi gốc cây, thả cần câu xuống nước. Thế là Tâm đành như mù như điếc. Cho nên Tâm càng không dám tỏ thực bụng mình cho ông già biết. Trước mặt ông, Tâm vẫn cố làm vui vẻ hình như không hề nhớ mẹ thương cha. Song, kỳ thực, Tâm vẫn cất kín đồng năm xu trong túi thỉnh thoảng mới dám lấy ra nhìn, mà vì Tâm cầm đến luôn, nó trắng và sáng quắc.
Một hôm, có một người gọi cổng:
— Ai trong nhà ra mà nhận thư.
Ông già chạy ra, Tâm cũng đi theo. Nhưng ông già xua tay, Tâm phải đứng dừng lại.
Có tiếng nói vào:
— Cụ Bảy có nhà không? Có thư đây.
Tâm hiểu là người phu trạm và mừng nhất là biết tên ông già là cụ Bảy. Ông già mở cổng ra để đón thư, Tâm nhận thấy có con đường rộng và hai ba người đàn bà gánh hàng đi chợ.
Tâm đoán chắc đường này nhiều người qua lại lắm.
Ông già đóng cổng lại, rồi vào nhà xem thư. Đoạn ông rút trong ngăn kéo bàn, lấy bút mực và giấy ra để viết.
Một ý hay nảy ra trong óc Tâm. Tâm định nhân lúc nào vắng cũng viết một bức thư. Song gửi đưa ai? Vả biết đây là đâu mà nhắn đích chỗ?
Rồi tự nhiên, Tâm tự thấy như một tên tù giam lỏng, mà không biết phải giam cho đến ngày nào và vì lẽ gì. Quyết ông già không cốt nuôi Tâm như ông đã nói.
Tâm buồn lạ. Tâm trông mây chạy, gió cuốn, chim bay mà thèm. Giá được như mây, như chim, thì Tâm được tự do biết bao nhiêu. Tâm thơ thẩn ra bờ ao, ngồi gốc cây, thả cần câu xuống nước. Ánh mặt trời quằn quại trên làn sóng gợn, Tâm càng đau đớn. Cảnh quanh mình lặng lẽ làm cho Tâm tê tái nỗi lòng. Tâm chỉ biết thở dài, thở dài để đỡ uất ức, khó chịu.
XI. Rổ Bẫy là gì?
Thường để ý các đồ đạc trong nhà, Tâm thấy nó thay đổi luôn. Cái nồi ba mươi hôm trước đặt trong gậm giường, thì hôm nay không thấy nữa, mà trong tủ lại thêm cái lư đồng.
Có bận Tâm đánh bạo hỏi, cụ Bẩy đáp:
— Thày bán lại cho người ta.
Hoặc bảo:
— Thày cho một người trong họ.
Bởi vậy, Tâm càng muốn thỏa trí tò mò. Chính đã có một lần Tâm ngờ những thức bày trong nhà này là của ăn cướp. Song, khi thấy cụ Bẩy đối vơí Tâm, chiều chuộng, dịu dàng, thì Tâm không nỡ ngờ.
Càng ngày cụ Bẩy càng yêu mến Tâm. Cụ dạy Tâm đánh cờ, cụ cho Tâm tiền để làm vốn để đánh tam cúc tay đôi với cụ. Có một lần, cụ bảo Tâm thử hút thuốc phiện, nhưng Tâm không dám. Rồi không biết đùa hay thật, cụ bảo Tâm rằng:
— Trong làng này có một đứa con gái bằng trạc con nó mê tít con đi. Con muốn lấy nó, thì thày bói cho.
Tâm thích chí, tủm tỉm cười.
Nhưng tối hôm ấy, ngồi cạnh cụ Bẩy, Tâm vơ vẩn nghĩ, hối hận lạ thường. Thì ra Tâm được vui chơi mà không nhớ không thương gì cha mẹ đang vất vả khổ sở. Tâm thở dài rồi vờ nhức đầu nói với cụ Bẩy:
— Bẩm thày, hôm nay con thấy khó chịu trong mình, thày cho phép con đi ngủ.
Cụ Bẩy đang nằm bàn đèn, tay vê cái tiêm, mắt mơ màng, vội sực ngồi dậy, hỏi:
— Con thấy sao?
— Con thấy khó ở.
Cụ Bẩy sờ vào trán Tâm, bảo:
— Chắc con chạy nắng, nên hơi bị khó ở. Vậy con cứ đi ngủ trước đi.
Tâm vào trong buồng, nằm vắt tay lên trán, nhìn qua kẽ vách, ngắm cụ Bẩy. Cụ Bẩy thở phì một hơi khói rồi vắt chân chữ ngũ một lúc. Đoạn cụ nhổm dậy, vớ cái áo cánh rồi hỏi: – Tâm còn thức không con?
Tâm vờ ngủ, không đáp. Cụ Bẩy lại hỏi gặng lượt nữa, rồi lắng tai nghe trong buồng. Tâm cố thở cho đều. Khi đã yên trí rằng Tâm ngủ thật, cụ Bẩy đi ra, và khóa trái cửa lại. Lúc ấy Tâm mới dám mở mắt. Nhưng cụ Bẩy đi, mà hình như đi ra cổng. Trong nhà lại yên lặng như tờ.
Tâm thở dài, đứng lên, đi bách bộ quanh buồng. Nhìn bốn bên, Tâm thấy như bị tù, mất cả tự do. Tâm bực quá. Bỗng Tâm nghĩ: “Hay là lúc nào chờ nhà vắng thì ta trốn quách đi.”
Nhưng trốn để được về nhà mà thôi, thì chả hóa ra Tâm ích kỷ lắm ru? Tâm định đi tìm bọn cướp, đảng Rổ Bẫy, để minh oan cho cha. Ấy thế mà nay chưa làm được trò chống gì, đã về, thì chẳng hóa ra hèn lắm ru? Vậy thì ít ra trước khi về, Tâm cũng phải biết qua loa một vài nơi ổ cướp bóc để mách quan Huyện mới được. Nhưng ở đây, thì làm sao biết được? Vả ngần này tuổi đầu, Tâm sao có thể bắt chước những nhà trinh thám lão luyện bên Mỹ, bên Âu?
Thế là Tâm lại buồn, ngồi phịch xuống giường mà thở dài. Rồi mệt, Tâm ngả lưng xuống, thiu thiu ngủ mất.
Bỗng Tâm sực thức dậy. Có tiếng người nói chuyện xào xạc bên ngoài. Thấy một sự rất lạ, Tâm bèn nghé mắt ra nhìn, nhưng không rõ. Từ ngày vào đây, lần này là thứ nhất, Tâm thấy một người khách của cụ Bẩy. Nhưng sao khách lại đến chơi lúc ban đêm.
Bóng trăng xanh rọi qua khe cửa sổ trông ra vườn. Tâm nhìn, thấy tà gần ráp đầu ngọn núi. Tâm đồ là đã tới hai ba giờ sáng. Bỗng mấy con gà từ xa gọi nhau bằng những tiếng gáy dài.
Tâm thật tỉnh ngủ, mới rón rén áp tai vào khe cửa để nghe, nhưng không rõ lắm, vì hai người nói với nhau rất khẽ, chỉ tiếng ừ, và tiếng vâng là to thôi.
Mà người khách, Tâm không trông rõ mặt là ai cả. Tâm càng muốn biết, vì giọng nói nghe rất quen.
Tâm cố ngồi chờ, đến nửa giờ sau, người khách lạ đằng hắng một tiếng, rồi châm đóm hút thuốc lào. Nhưng vì người ấy quay lưng lại Tâm, nên Tâm không thể biết được là ai.
Nhưng rồi may làm sao, sẵn cái đóm đang cháy to, người khách mới soi xuống gầm giường tìm đôi guốc. Tâm giương to hai mắt ra nhìn, không còn hồ nghi gì nữa, Tâm giật mình đánh thót.
Người khách lạ đó nào phải ai đâu, chính là người sẹo má mà ngày nọ Tâm gặp ở Huyện, mà vì người ấy đã mời Tâm về nhà chơi, nên Tâm mới bị bắt.
Bao nhiêu câu hỏi quay cuồng trong óc Tâm. Tâm toan đập cửa chạy ra để mách cụ Bẩy. Nhưng mà, nhanh trí khôn, Tâm nghĩ ra ngay.
Thế này thì thật nguy cho Tâm rồi.
Nếu người sẹo má không thông với lũ ở thuyền, thì sao Tâm đã bị bắt. Nếu cụ Bẩy không quen biết lũ bắt Tâm, thì sao cụ lại quen với người sẹo má. Thôi đích họ cùng bọn với nhau rồi. Hay chính là đảng Rổ Bẫy đây?
Tâm chờ người sẹo má ở ngoài sân đi vào để nhìn kỹ một lượt nữa. Tâm đoán không lầm được. Mà chính là đảng Rổ Bẫy đây.
Cha Tâm bị bắt, và ngồi tù. Hẳn là đảng Rổ Bẫy thấy Tâm ra vào trong Huyện luôn, thì sợ tên đảng mình đến tai quan Huyện, quan Huyện sẽ bắt bớ, nên phải triệt Tâm đi. Tâm hối hận, vì đã chót khờ, mà khoe với mọi người ở phố Huyện rằng chính đảng Rổ Bẫy làm cho cha Tâm bị bắt oan.
Nhưng đảng Rổ Bẫy đâu?
Có phải những người này là ở trong đảng Rổ Bẫy không?
Tâm nhăn trán, cau mặt để nghĩ. Rồi lắng tai để nghe. Nhưng vẫn không ích gì, người ta nói khẽ quá.
Ông cụ Bẩy là người thế nào của đảng Rổ Bẫy?
Ăn cướp? Đích là không. Vì Tâm không mấy khi thấy ông đi đêm, vả ông cũng không khỏe mạnh gì, để đi làm việc nguy hiểm ấy được.
Hay ông cụ Bẩy là đầu đảng?
Đảng Rổ Bẫy?
Rổ Bẫy nghĩa là thế nào? Cái rổ bằng tre đan ấy à? Cái bẫy chuột, bẫy chim ấy à? Hay là bọn cướp này đi đâu cũng dùng cái bẫy cò ke để bẫy chó. Nhưng bọn ăn trộm mới hay dùng bẫy cò ke, chứ bọn ăn cướp, thì người ta đi đông, ai sợ gì mấy con chó?
Vậy thì Rổ Bẫy nghĩa là thế nào?
Cái rổ, cái bẫy, có dùng vào việc ăn cướp được không?
Tâm nghĩ kỹ quá, song không thể biết được. Hay là đảng này dùng những thức ấy mới tránh được những sự bắt bớ của quan trên chăng?
Tâm vừa nghĩ, vừa nhìn cụ Bẩy.
Bỗng hai mắt Tâm tròng trọc vào nét mặt ông Bẩy, như nghĩ ra được điều gì mới lạ vậy, rồi vui sướng, Tâm nghĩ:
— Thôi phải rồi.