Tâm ngồi xuống phản, nghĩ ngợi, nhưng không thể kiếm một câu trả lời đúng để đoán rõ cái số phận mình ra sao. Cứ xem những đồ đạc trong buồng, thì Tâm không lấy gì làm lo ngại cho lắm, vì nó cũng thường như các nhà khác mà thôi: cũng giường, cũng phản, cũng ghế, cũng bàn; trên tường thì treo hai bức tranh sơn thủy.
Song, nhà này là nhà ai? Tâm phải giam ở đây đến bao giờ? Tâm có nên đi trốn không? Trốn thì rồi đi đâu? Vì biết chỗ này là chỗ nào?
Nhưng thế nào cũng phải trốn mới được.
Tâm bèn ra lách mắt ngó qua khe cửa. Ngoài bày biện đồ đạc sang trọng lắm. Hẳn chủ nhà này rất giàu. Song Tâm chẳng thấy một người nào. Cố lắng tai hồi lâu cũng không có một tiếng động. Đánh liều, Tâm khe khẽ cậy then cửa. Tâm làm khẽ khàng và thong thả. Thỉnh thoảng cái then rít vào chốt hơi mạnh một chút, là Tâm lại phải ngừng tay, xem có động dạng gì không. Nhưng mà Tâm chỉ sợ hão huyền chứ từ lúc mở mắt dậy chưa hề nghe thấy một tiếng động.
Chẳng mấy chốc, cái then gài đã hết nấc. Tâm nâng cánh cửa lên để mở cho nó đỡ cọt kẹt. Một luồng ánh sáng tóe ra khắp trong buồng. Trống ngực Tâm nổi lên thình thình. Bỗng:
— Hãy khoan!
Một bàn tay vỗ vào vai Tâm và câu nói ấy làm Tâm sợ mất vía. Tâm giật mình quay lại, thấy một người. Tâm sợ xám mặt, ù tai, hoa mắt.
Người ấy dịu dàng nhìn Tâm, và nói:
— Anh định đi đâu, anh Tâm?
Tâm càng kinh ngạc. Run cầm cập, Tâm ấp úng chưa kịp trả lời thì người ấy nói:
— Anh chớ sợ. Lão rất yêu anh.
Định thần lại, Tâm nhìn người ấy. Đó là một ông lão mặt rỗ, râu dài, vẻ mặt hiền lành. Ông lão mỉm cười, nói:
— Anh định đi đâu, sao không gọi ta? Ta nằm ở cái phản thấp phía trong kia.
Tâm nhìn theo tay trỏ, thì mãi mới thấy cái phản kê ở sát đất mà lúc nãy Tâm không để ý đến.
Ông lão hỏi:
— Anh hết sợ chưa?
Vẫn còn run, nhưng Tâm đáp:
— Bẩm cụ, con hết sợ rồi.
Song kỳ thực, ruột Tâm rối như mớ bòng bong.
Ông lão nói:
— Anh hãy ngồi đây, ta kể chuyện cho mà nghe tại sao?
Hơi yên tâm, Tâm bèn theo ông lão mà ngồi xuống ghế. Ông lão nói:
— Ban nãy anh gọi ta là cụ, nhưng ta không muốn thế. Ta coi anh như con. Anh cứ gọi ta là thày. Ta là cha nuôi của con.
Rồi Tâm nhận thấy trên mặt ông lão có vẻ buồn rầu; Tâm đưa mắt nhìn xuống nghĩ ngợi. Ông lão lại nói:
— Con nên hiểu rằng thày đã cứu con qua cơn tai nạn. Nguyên hôm qua thày đang đi đường, thày nhìn xuống dưới sông, thấy một chiếc thuyền đi rất mau, ra ý vội vàng hấp tấp. Thày bèn đứng lại xem, thì người chèo thuyền thấy thày trông, có dáng lo sợ và hình như gian dảo. Thày bèn bắt thuyền đứng lại và xuống xem xét. Thấy con bị trói, bịt mồm bịt mắt một cách rất thương, thày bèn ra tay cứu con. Thày phải đánh nhau với bọn họ trong nửa giờ đồng hồ. Rút cục, bọn họ thua, chạy tán loạn, và bỏ con ở đó. Vậy tại sao con bị họ bắt?
Tâm nhìn ông lão bằng đôi mắt rất thực thà. Nhất là khi nghe nói ông lão đã cứu mình, thì Tâm càng động lòng. Nên Tâm đem đầu đuôi việc cha phải bắt ra nói rất rõ, khi Tâm nói đến ba tiếng Đảng Rổ Bẫy thì ông lão ngừng lại và hỏi:
— Đảng Rổ Bẫy, con có biết Đảng ấy có những ai không?
— Bẩm không.
— À, ra con chỉ nghe thấy thế thôi đấy. Thày khen con có hiếu, có can đảm, lại có trí khôn nhé.
Được khen, Tâm vui sướng lạ lùng. Ông lão nói:
— Thày góa vợ và không có con. Thày cứu được con, thì chắc là lòng trời run rủi. Vậy con cứ ở đây với thày. Thày nuôi con như cha mẹ con, thày sẽ cho con đi học, con là con của thày, thày hết sức chiều chuộng, con muốn gì được nấy. Nhà này là nhà của con, đồ đạc này là đồ đạc của con.
Cảm động, Tâm nhìn trộm ông lão, rồi lại cúi đầu.
— Con ở đây, nên vui vẻ, đừng nhớ nhà nhé.
Tâm ngậm ngùi đáp:
— Bẩm thày, nhưng thày con, u con mong con.
Ông lão cười đáp:
— Để rồi thày nhắn cho u con đến đây thăm con luôn chứ gì, và thày cũng nói thực với u con rằng thày xin con để thày nuôi, thì chắc u con cũng bằng lòng ngay. Thày không có con trai, nên chỉ ước ao nuôi được con nuôi mà thôi. Đã nhiều người trong vùng này đem con đến xin thày nuôi hộ, nhưng thày không bằng lòng đứa nào cả. Có đứa thông minh thì lại hư, có đứa ngoan thì lại dốt. Nay thày thấy con mặt mũi sáng sủa, lại học giỏi, lại có bụng hiếu thảo thì thày rất yêu, và mừng rằng ngày sau thày có chết, cũng đã chọn được người xứng đáng để lại cho cái cơ nghiệp.
Tâm lặng người, thở dài.
Nói xong, ông lão dắt Tâm đi xem nhà vườn tược. Tâm tuy đi khắp mọi nơi nhưng trong bụng vẫn bối rối. Tâm lại hối hận đã trót gọi ông lão bằng thày. Cứ những lời ông lão vừa nói thì quả ông là người tốt bụng, muốn nuôi Tâm, nhờ ông lão, chắc ngày sau được nên khá giả. Nhưng biết nếp tẻ ra sao mà dám nhận lời hấp tấp được. Tâm còn bé, việc này phải tùy ý định của mẹ Tâm.
Rồi Tâm buồn man mác. Bên tai, ông lão cứ nói chuyện hoài:
— Con xem, ở với thày, con sẽ được sung sướng.
Tâm lễ phép, chắp tay nói thực:
— Bẩm thày, cái ơn của thày cứu con không bao giờ con quên được, nếu con không đền đáp được thày, thì chắc thày cũng gặp những người lành nó đền cái bụng thày thay cho con, nhưng thưa thày, thày cho phép con về hỏi u con.
Ông lão cười, lắc đầu:
— Con không phải về. Thày sẽ nhắn u đến đây. Con cứ vui vẻ và yên lòng nghe chưa. Thày là một người hiền lành nhất vùng này.
Vụt một ý nẩy trong óc Tâm, Tâm sờ tay vào túi, vẫn thấy đồng năm xu, chưa mất, ông lão vỗ vai Tâm nói:
— Còn bé mà ăn nói như người lớn, thày thương cho con.
Con đừng từ chối lời thày mà phụ thày nhé.
Tâm nghẹn ngào không đáp. Nhưng nhìn xung quanh, thấy hàng rào vừa cao vừa kín vả Tâm chưa biết chỗ này là đâu, nên định ở lại vài bữa rồi sau sẽ liệu, bèn đáp:
— Bẩm thày, con được gặp thày thực là may mắn.
Ông lão cười, vui sướng, vuốt râu nói:
— Ừ, người khôn ngoan có khác, bao giờ cũng nghĩ được những điều phải để làm.
Rồi ông lão dọn riêng cho Tâm cái phòng để Tâm ở. Tâm vờ vui vẻ, cho đến tối mới dám nằm vắt tay lên trán thở dài.
X. Những điều mập mờ
Ông già coi Tâm như con, mà có lẽ hơn thế, vì Tâm thấy được ông chiều chuộng lạ thường. Không có cái gì Tâm muốn mà ông không cho được vừa lòng. Lúc nào ông cũng vui vẻ. Thường ông cho Tâm ngồi cạnh, hoặc dắt Tâm dạo quanh nhà, ngồi bóng cây, kể những chuyện cổ tích rất hay cho Tâm nghe.
Buổi chiều, lúc mặt trời tà, hoặc buổi tối, lúc trăng lấp ló đầu non, ông thỉnh thoảng nắm tay dắt Tâm đi bách bộ trong vườn. Con đường đỏ quanh co hai bên bờ cỏ xanh xanh. Lá xột xoạt, hoa sen thơm mát dịu, lá liễu tha thướt theo ngọn gió đưa. Tâm được khoan khoái nhẹ nhàng những lúc ấy thì bao giờ Tâm cũng giật tay ra chạy nhảy hớn hở. Ông già mỉm cười, nhìn Tâm, chỉ những lúc ấy, ông mới hỏi:
— Con ở đâu con được vừa lòng như ở đây với thày không?
Tâm ngậm ngùi, nhìn ông già, âu yếm, đáp:
— Thưa không.
Ông già ôm lấy Tâm, vuốt ve, gật gù ra ý rất bằng lòng.
Nhưng thỉnh thoảng Tâm thấy nóng ruột lắm. Tâm không hiểu nóng vì đâu. Tâm lại rựt mình chạy ra vườn, ra bờ ao, lên nhà trên, xuống bếp. Song sự lặng lẽ quanh mình Tâm càng làm cho Tâm buồn bã. Bởi vì có khi ông già đi vắng cả ngày, có một con bé con là đày tớ, nó lại đi chợ. Tâm chỉ muốn chạy ra cổng đứng nhìn ngoài đường cho vui mắt, nhưng không sao được. Người nhà đi vắng thì cổng đóng chặt và khóa cẩn thận ở mặt kia. Hàng rào thì dầy và kín, Tâm cố lách mắt để trông ra, nhưng không thấy gì.
Có một điều là Tâm muốn hỏi tên ông già và nghề nghiệp của ông, nhưng hễ Tâm định nói thì lại ngập ngừng, ấp úng. Một lần, Tâm vớ vẩn hỏi đứa đày tớ:
— Cụ tên là gì?
Cô bé có ý sợ hãi, nhìn trước nhìn sau, rồi ghé vào Tâm mà nói:
— Cụ tên là Cụ.
Tâm lại khẽ hỏi:
— Người ta gọi là Cụ, nhưng tên cụ là gì chứ?
— Tôi chỉ thấy gọi thế thôi.
Tâm bật cười, hỏi:
— Cụ làm gì?
Nó lắc đầu:
— Không biết.
— Làng này là làng gì?
— Làng ta.
— Làng ta ở Tỉnh nào?
Con bé cười, như nhạo Tâm, rồi thật thà, đáp:
— Làng ta ở làng ta, chứ còn ở tỉnh nào nữa.
Tâm giảng:
— Có chứ, làng thuộc về huyện hay phủ, huyện hay phủ lại thuộc về tỉnh. Thế làng ta này thuộc về đâu?
Nó lắc đầu:
— Không biết.
Tâm cho là nó nói dối, móc túi lấy ra năm đồng xu, toan cho nó, để dỗ nó nói thực.
Song Tâm lại thôi. Tâm muốn giữ đồng tiền ấy, vì là của mẹ Tâm cho Tâm. Tâm chỉ còn đồng năm xu này là di tích của mẹ mà thôi. Áo quần của Tâm mặc hiện nay là của ông già mới may cho Tâm một lượt; mà những thứ cũ, ông cất cả đi, không cho Tâm dùng, vì ông bảo nó cũ và xấu.
Tâm hỏi nó:
— Thế mày tên là gì?
— Tôi là cái Đĩ.
Rồi như không chịu được cái tò mò của Tâm, cái Đĩ nhăn mặt:
— Gớm, cậu hỏi mãi, cụ đã cấm đấy!
Tâm nói:
— Cụ có nhà mới sợ, chứ bây giờ cụ đi vắng kia mà. Mày đến đây ở từ bao giờ?
— Mới độ ngót một tháng.
— Mày người làng nào?
— Tôi người làng ta.
— Thày u mày làm gì?
— Tôi không có thày u. Cụ nuôi tôi đã lâu.
Tâm ngạc nhiên:
— Thế mày cũng là con nuôi Cụ như tao à?
Nó lắc đầu:
— Tôi là đày tớ.
— Thế sao mày bảo mới ở đây ngót một tháng?
— Vì trước tôi ở đằng kia.
— Đằng nào?
— Đằng nhà cậu cả.
— Xa đây hay gần?
— Xa.