Tâm sực nghĩ ra, hối hận rằng không cố nhận đường đi để dễ nhớ. Tâm hỏi. Ông Bẩy cười:
— Thế thì con hớ quá. Nếu làm đường riêng như vậy, thì ai không tìm thấy. Thày chỉ cốt kín đáo.
— Từ đây đến chỗ thày định đưa con đến, gần hay xa?
— Sắp đến nơi rồi, trèo qua một dốc nữa thì tới.
Tâm nóng ruột muốn xem ngay nơi ấy bèn nói với ông Bẩy đi.
Lần đi sau, không nhọc nhằn lắm. Độ chừng nửa giờ, thì Tâm tới trước một tảng đá.
Ông Bẩy đứng lại, nói:
— Đến nơi rồi.
Đoạn ông dang hai tay ra để thở, và bảo Tâm:
— Con nhìn xuống chân núi mà xem, có thấy rợn không.
— Bẩm không.
— Thế thì tốt. Nhiều người lên trên cao, không dám nhìn xuống, thế thì nhát quá.
Rồi ông trỏ tảng đá, hỏi Tâm:
— Con quanh đây, rồi tìm cho thày một cái gì mà con lấy làm lạ.
Tâm nghe lời ông Bẩy, cố nhận xét từng tý, song không có cái gì đáng chú ý cả. Tâm càng ngạc nhiên, đến gần ông Bẩy, nói:
— Bẩm thày, con thấy như thường.
Ông Bẩy cười:
— Phải, chính người lớn cũng không tìm thấy nữa là con. Sở dĩ thày làm ăn được bình yên lâu dài, cũng là nhờ chỗ này. Nhiều lần, thày bị bắt bớ, song thày không sợ gì cả, thày cứ lẩn lút ở đây, là yên thân.
— Nhưng sao thày còn ở làng? Con tưởng thày nên ở đây luôn có hơn không?
— Thế con có biết thày là ai không?
Tâm nhìn ông Bẩy Rỗ:
— Chủ đảng Rổ Bẫy !
Ông Bẩy tròng trọc nhìn Tâm, sợ hãi quá, tái mặt lại.
Lặng người một lát, ông hỏi:
— Sao con biết? Người lớn cũng không rõ thày là ai kia mà. Tâm đáp:
— Cái đó, thày không nên hỏi con. Xin thày mừng rằng nếu con biết tên thày và nghề thày, thì là con có thể nối nghiệp được thày.
Ông Bẩy vui vẻ cười, đáp:
— Nhưng con nên biết rằng thày có thanh gươm sắc lắm. Hễ con lộ ra cho ai biết, thì con đừng nhận thày là cha nữa, nghe không?
Tâm run sợ, nhìn ông Bẩy. Tự nhiên Tâm thấy trên mặt ông, có những nét dữ tợn, gian ác lạ thường, mà lúc khác Tâm không để ý. Tâm nói:
— Thày dạy con nghề, rồi chắc con giỏi hơn thày, chứ không chịu chỉ bằng thày mà thôi.
Ông Bẩy lại nhìn Tâm, thở dài, nghĩ ngợi. Một lát ông đáp:
— Thày thấy con có chí, thì thày yêu lắm. Không dạy con nghề của thày, thày tiếc lắm. Nhưng kiếm ăn nghề này nó nguy hiểm lắm. Vô ý một tý là chết. Người làng ta và các người làng cạnh, ai ai cũng đều sợ thày, cho nên hễ động hơi có tin tức gì, là người ta báo trước cho thày biết ngay. Vì vậy thày không bị bắt bao giờ.
— Bẩm thày, thày có bao đày tớ?
— Độ năm sáu chục.
— Người làng ta cả.
— Không. Làng nào cũng có người theo thày. Rồi thày cho con biết mặt một vài người chân tay của thày mà thôi.
— Bẩm thày, con xem ra thày chỉ đủ tiêu, chứ không giàu.
— Mỗi bận lấy của người ta, thì thày cho mọi người. Thày là chủ, được phần nhất. Thường thày để ở đây.
Tâm ngạc nhiên. Ông Bẩy mỉm cười, gật:
— Đây là chỗ thày để của và trốn tránh trong khi nguy hiểm.
— Sao thày không ở luôn đây, có đỡ lo lắng không?
— Nhưng ở đây thì lấy gì mà ăn. Vì xa làng xóm, chợ búa. Vả đây là nơi kín đáo, thày muốn chỉ ít người biết mà đến thôi. Bây giờ thày cho con biết trước đây là cái hang, vậy con tìm cho thày cái cửa vào.
Tâm lại đi xung quanh, nhìn nhận, xem xét từng tý, mà vẫn không thấy gì cả. Lúc tới chỗ ông Bẩy đứng khi nãy, thì Tâm không thấy ông đâu nữa.
Tâm giật mình run sợ. Bụng bảo dạ, Tâm cho ông Bẩy là con ma, hay là ông thần, biết hiện ra người và biết biến đi mất. Tâm đứng thần người ra, nghĩ ngợi hồi lâu, rồi gọi:
— Thày đâu?
Chẳng thấy tiếng trả lời. Tâm lại gọi:
— Thày đâu?
Rồi tự nhiên, Tâm nghĩ đến nỗi mình, ở vào nơi xa lạ, cheo veo sườn non, xung quanh rặt những thứ nguy hiểm cả, thì bỗng òa lên muốn khóc.
Nhưng may quá, ông Bẩy đã đứng ở sau lưng Tâm từ bao giờ. Tâm mừng rỡ, ông Bẩy nói:
— Không thấy thày sao con không tìm, không gọi.
Tâm nhanh trí gượng bạo dạn, đáp:
— Con tìm chắc không tài nào thấy được, mà gọi thì chắc gì thày nghe tiếng mà thưa.
— Thế thì con biết suy xét. Thôi, đi về.
Tâm ngớ người, hỏi:
— Thày không cho con xem gì à?
Ông Bẩy nghiêm sắc mặt, lắc đầu:
— Bao giờ con học lành nghề, thì thày cho con biết ở trong này thày có những gì.
Tâm buồn quá, hỏi:
— Thế thì thày đã bắt con làm một việc rất vô ích, là theo thày đến đây mà không được học thêm một tý gì.
— Con học thêm được cái trèo núi. Con biết thày có cái kho tàng ở đây.
— Đây là kho tàng, à thày ?
Thấy Tâm tròn xoe mắt lên hỏi câu ấy, ông Bẩy bật cười, gật:
— Con muốn xem à?
— Vâng.
Ông Bẩy làm hiệu cho Tâm theo.
XIV. Vào hang
Ông Bẩy đưa Tâm đến chỗ có cành lá xòa rũ xuống. Ông nâng cành lá, thì Tâm thấy một kẽ đá con con, ở ngang sát mặt đất.
Ông Bẩy trỏ, và bảo:
— Đây là cửa vào. Con không tìm thấy nó vì con không để ý đến nó.
Thì tự nhiên Tâm thấy cái cửa ấy trông rõ ràng quá. Tâm ngắm nghía một lúc, bỗng ngạc nhiên hỏi:
— Nhưng thưa thày vào thế nào được?
Ông Bẩy cau mặt nói:
— Con còn phải hỏi cả những cái ấy ư? Không thể làm thế nào được à?
Tâm ngượng nghịu, cúi đầu xuống nhòm vào, thấy trong hang tối um, rồi nói:
— Bẩm phải chịu ạ,
Ông Bẩy hắt tay bảo Tâm đứng dẹp ra, rồi nhanh thoăn thoắt, ông nằm sát đất bò vào. Tâm thấy ông tránh những răng đá rất khéo.
Đến lượt Tâm vào, Tâm rất lo ngại, vì không hiểu lối đi trong ấy thế nào.
Ông Bẩy thò tay ra vẫy gọi, Tâm phải liều, luồn qua kẽ đá, tay sờ xoạng, trống ngực thình thịch.
Vào được bên trong, Tâm vẫn còn thở, mà trong bụng bồi hồi quá. Bỗng có cái tay nắm vào cổ Tâm, Tâm giật mình, suýt rú lên. Nhưng đó chỉ là tay ông Bẩy. Ông Bẩy sờ cổ, đến vai, rồi dắt cánh tay cho Tâm đi theo.
Mùi mốc xông lên. Nhất là cái hơi lạnh ngắt càng làm cho Tâm phải ghê tởm. Ông Bẩy hỏi:
— Con thấy thế nào?
— Bẩm con chẳng thấy gì cả.
— Phải, bởi vì con không quen nhìn chỗ tối. Cái đó chỉ là thói quen. Thày thì trông rõ lắm. Đây thày giảng cho con.
Ông Bẩy đưa Tâm sờ một vật nhẵn thín, và nói:
— Đó là một bức tượng.
— Đây là cái lọ sứ tầu.
Sờ xoạng xung quanh cái lọ, Tâm thấy nó to. Ông Bẩy bảo:
— Nó cao hơn đầu con kia đấy.
Sực nghĩ ra một điều, Tâm hỏi:
— Thế trước thày bảo những đồ đạc bày trong nhà thày mang đi đâu. Muốn chừng thày cất ở đây cả.
— Phải.
— Nhưng cái lọ to lớn thế này, thì thày đem sao lọt cửa.
— Được chứ. Thiếu gì cách, thiếu gì lối vào. Những thứ kềnh càng lắm, thì thày mới phải để đằng kia.
— Bẩm đằng kia là đằng nào ạ.
— Rồi con sẽ biết. Thày nhiều hang lắm. Như vậy thì trốn tránh mới dễ, mà người ta mới khó tìm.
Vờ ngớ ngẩn, Tâm dò:
— Thày có mấy cái hang cả thảy?
— Năm cái. Duy có cái này gần nhà nhất.
— Thày có ở đây bao giờ không?
— Có, nhưng ít khi. Vì ai có biết thày làm nghề này đâu.
— Giá bây giờ con phải đi một mình từ nhà đến đây, tất là con lạc.
— Phải, vả con nhớ làm gì.
Rồi ông Bẩy cho Tâm sờ nhiều thứ rất lạ. Tâm hỏi:
— Thưa thày, độ bao nhiêu lâu thày lại đến đây một lần?
— Độ mười hôm. Đến đây là thày dò xem có ai vào đây hay không mà thôi. Nếu đồ đạc y nguyên, thì thày rất yên trí.
— Con tưởng thày đánh dấu bằng những viên đá con con ở cửa vào có hơn không. Thế ngộ có ai nấp ở trong này rình bắt thày thì sao?
— Con nói cũng có lẽ. Nhưng bắt sao nổi thày. Các quan dò thày, thì thày cũng phải dò các quan chứ.
Qua một chỗ quanh thì lối đi hơi rõ: Ngẩng đầu lên, Tâm thấy có một tia ánh nắng ở ngoài chiếu vào qua chỗ tách đó và hiện ra rất lắm màu. Ở ngay chỗ tách thì ánh vàng, rồi càng chiếu vào càng xanh, sau thì lờ mờ như bóng trăng hôm trời có nhiều mây ám. Tâm đứng lại, ngắm nghía, thích lắm.
— Cho con ngồi nghỉ đây một lát, rồi ta về.
— Bẩm trong hang này chỉ có thế thôi?
Ông Bẩy gật đầu.
Độ nửa giờ sau, Tâm về. Lúc chui được ra, Tâm thấy khoan khoái. Tâm vươn vai, đứng thẳng người, nhìn lại bốn bên.
Rồi khi rẽ cánh đồng mà đi, Tâm thỉnh thoảng quay cổ lại, để nhận quả núi ấy.
Đến nhà, Tâm mường tượng theo trí nhớ, vẽ thành một bản đồ bằng nước muối, rồi cất giấu đi.
Từ hôm sau, ông Bẩy dạy Tâm học võ.
Tâm mong mãi không thấy có ai xưng tên là Sáu vào bán thuốc phiện cho ông Bẩy. Hay là thư Tâm viết, người ta vứt đi và chẩm mất năm xu? Hay là quan Huyện Tâm quen đã đổi đi chỗ khác?
Nhà ông Bẩy hôm nào cũng vắng như hôm nào, mà Tâm cũng mới chỉ được ra ngoài có mỗi một lần. Còn thì cổng vẫn gài then im ỉm, Tâm không được thấy một người nào ra vào.
Ông Bẩy kể cho Tâm lắm truyện rất hay. Nhiều lúc ông bắt Tâm xem xét và suy nghĩ. Lắm câu hỏi, ông Bẩy làm Tâm phải nghĩ ngợi hàng ngày mà không ra. Đến lúc ông giảng, thì Tâm chẳng thấy cái gì là khó cả.
Cho nên ông bảo:
— Trẻ con phải tinh nhanh, tháo vát, thì ngày sau mới làm ăn dễ dãi được.
Song, trái lại, Tâm hỏi ông Bẩy nhiều câu cũng rất tò mò, hóc hách, khiến cho ông Bẩy lắm lúc phải rối trí.
Cho nên ông Bẩy rất yêu Tâm, mà Tâm cũng rất mến ông Bẩy, mến đến nỗi Tâm quên cả ông tướng cướp đã làm cho cha Tâm bị bắt oan.
Một hôm, có người gõ cổng. Tâm mừng thầm chắc là người mật thám của quan Huyện. Ông Bẩy ra mở cổng. Tâm thấy người ấy ăn mặc quần nâu, vai đeo tay nải.
Không biết người ấy nói gì với ông Bẩy thì ông Bẩy cho vào.
Người lạ mặt đến trong nhà, giở tay nải ra bầy ở mặt đất biết bao nhiêu cuộn lá đã khô hình như để làm thuốc chữa bệnh.
Song, một lát, ông Bẩy bảo Tâm:
— Con ra vườn chơi.
Người lạ mặt lắc đầu nói:
— Bẩm không hề gì. Con đi bán đã nhiều nơi mấy năm nay, cho nên con chẳng e ngại gì. Cụ cứ hỏi quanh vùng đây xem ai còn lạ tên Sáu nữa không.
Bỗng trống ngực Tâm nổi lên. Tâm bối rối nhìn Sáu, lại nhìn ông Bẩy, sợ hãi như sắp gặp nguy biến vậy.
Khi Sáu bán xong thuốc phiện và ra, Tâm mới được yên lòng.
Tâm không biết làm thế nào để báo thêm một vài tin tức cho quan Huyện biết được mà cũng chẳng hay quan Huyện định bắt ông Bẩy bằng kế thế nào.
Từ hôm sau, ông Bẩy đi vắng. Ông dặn Tâm ở nhà với một đứa đày tớ mới, vì ông phải đi chưa biết đến hôm nào mới về được. Tâm vờ ngậm ngùi xin đi theo, nhưng ông bảo:
— Thày phải xa nhà ít ra nửa tháng mà công việc của thày không ai được biết.