Giờ tất cả khác quá rồi. Chắc phòng ốc cũng chẳng còn đánh số như cũ nữa. Mà làm sao tôi nhớ nổi số. Cô cứ xếp cho tôi theo hướng ấy là được.
Con gái đứng cạnh cũng mủm mỉm cười với những biểu hiện từ ông.
Đẩy cửa vào phòng, nhìn quanh quất trước sau, ông nhíu mày.
Hình như đúng cái phòng này con ạ. Ban công phía sau, có vạt núi kia đập ngay vào mắt. Chỉ có điều cây cối giờ đây trơ trụi hơn trước. Ba nhớ thuở ấy, sườn núi xa hơn đó, còn nhiều cổ thụ lắm.
Ba cứ hoài niệm đi. Thực sự con có nhớ gì đâu.
Đúng, hồi ấy con còn được ba địu sau lưng. Anh con chạy lúi cha lúi chúi, vấp té không biết bao nhiêu lần.
Sao trong đầu ba chứa nhiều thứ cũ xưa quá vậy?
Ừ, ba đã nói, ba già rồi mà. Con có đi dạo với ba một chút không? Nếu bây giờ ăn tối ngay, kể cũng hơi sớm.
Ba cứ đi đi, con ngủ một lát.
Ông lững thững trước mặt tiền đầy cỏ hoa. Những bảo vệ, tiếp tân đồng phục tất bật đón khách mới. Vẫn lối đi này, khi xưa đầy lở lói. Những tảng đá hộc bung ra. Bê tông vỡ vụn, trộn cùng lá chết, rêu xanh. Ông một bên, cô một bên, con trai ở giữa, con gái địu sau lưng. Đúng hình ảnh một gia đình hạnh phúc.
Ông còn nhớ, trước chuyến đi, hai vợ chồng phải chạy mượn mãi mới ra được một đôi giày tây cho ông. Suốt bao năm trời chỉ mang dép, thậm chí dép đứt hàn lại, kể cả khi lên lớp. Chẳng lẽ du lịch cũng thế. Đôi giày mượn khá chật, sau một ngày khập khễnh, gót chân ông bị mép giày phía sau cứa đứt, bước đi như cực hình. Nhưng nếu bỏ đôi giày ra, ông chỉ còn cách đi chân không, dép đã để ở nhà. Suốt mấy ngày, đôi giày trở thành nỗi khốn khổ, đầy ám ảnh, đối với ông.
Mắt lại muốn rưng rưng, ông phải mồi điếu thuốc mới, rít mấy hơi thật dài để trấn tĩnh. Cái mũi đất nhô ra biển, phía xa kia, bao năm trời tồn tại trên bức hình lưu niệm treo nơi phòng khách. Núi vẫn còn đó, sừng sững đóng đinh vào trí nhớ ông. Riêng bức hình, chắc cô đã gỡ bỏ rồi. Bữa chuyển nhà, ông không có mặt. Phần đồ đạc của riêng ông, cơ bản chỉ có mấy tủ sách. Ông đã nhờ hai con nói mẹ chuyển giúp theo.
Con gái bất ngờ xuất hiện.
Con chẳng ngủ được. Hay mình đi ăn tối luôn đi ba.
Ừ, ăn xong cũng còn sớm, ba con mình ra ngồi quán cà phê nhé. Ba nhớ, cách đây khoảng vài trăm mét, có cái quán cà phê bên sườn núi. Thuở ấy, lần đầu tiên anh con được ăn kem ly đó.
Ba với con, hai người ngồi quán cà phê?
Thì sao chứ?
Ba thấy có… hơi kỳ cục không?
Sao lại kỳ cục? À à – Ông sực nhớ – Chắc con sợ người ta hiểu lầm. Buồn cười nhỉ. Giờ nó vậy đó. Con nhạy bén liên tưởng, chứ ba nhiều khi không nghĩ tới đâu. Nhưng không lẽ, suốt cả hành trình, ba với con sẽ không bao giờ vô chung một cái quán nào đó?
Quán cà phê ven biển, nơi thành phố du lịch, trong một buổi tối nó khác chứ ba.
Ông lặng lẽ cười buồn.
Suốt bữa ăn tối và cả đêm ấy, ông như người lẩn thẩn. Con gái quay qua làm bạn cùng game điện thoại và đi ngủ sớm. Cái ban công phía sau phòng mờ mịt khói thuốc, gió biển thổi vòng qua sườn núi cũng không xua đi kịp. Đốm đỏ lập lòe dìu ông qua từng trang hồi ức. Tất cả đã đổi thay, đã cuốn tới, chỉ mình ông ngồi lại, hay lạc sang một nẻo khác của cuộc đời.
6
Những ngày mới đột nhiên nóng hập, dù theo lịch đã vào mùa đông. Dải duyên hải thuần một sắc trắng, pha chút vàng rơm, không phân định sỏi đá hay cây cối. Lâu lâu, một khoảng biển xanh ngắt lộ ra. Ông lái chậm. Máy lạnh trong xe được con gái đề nghị mở suốt ngày. Ý tưởng ngỏ cửa đón gió biển của ông đành nhượng bộ theo ý con. Ông cảm thấy tiếc, khi không hòa nhập được trọn vẹn với cái nắng, cái gió ngoài kia. Chỉ khi hai cha con mở cửa xuống đường, vận động đôi chút, ông mới cảm nhận được cái nóng rần rật trên da mặt.
Sát mé lộ, một cánh đồng nằm trong thung lũng, giữa hai vách núi đá dựng ngất. Ông không hiểu người ta có thể canh tác gì trên đó. Bóng một người đàn ông đen thẫm, lầm lụi theo sau con bò gầy guộc, cày trên những luống cát khô. Ông muốn lại gần hỏi dăm câu, nhưng sợ người đàn ông sẽ gián đoạn công việc, thêm con gái ngồi trong xe hẳn tỏ ý mỏi mệt, nên lại thôi. Đứng chừng nửa phút, mồ hôi bắt đầu rịn ướt áo ông. Hút hai đầu con lộ, những luồng hơi run rẩy dưới hiệu ứng của sức nóng. Ông nấn ná, mở lại cửa xe.
Ba muốn lái loanh quanh, tìm một cái nhà trọ đâu đó trong khu vực này.
Ở đây liệu có nhà trọ không ba?
Ba đoán, ở đâu cũng có thôi, quốc lộ mà, thiếu gì người lỡ độ đường.
Vùng này kinh khủng quá ba. Giống như sa mạc vậy.
Ba đã đọc đâu đó, vùng này còn khô hơn cả sa mạc.
Thành phố phía trước còn xa không ba?
Chắc cũng không xa lắm. Nhưng tự nhiên ba muốn ở lại vùng này một đêm. Chúng ta sẽ trải nghiệm đủ hết, biển, núi, đồng bằng và cả… sa mạc nữa chứ?
Tùy ba thôi.
Trời ngả chiều, vẫn không có dấu hiệu sức nóng giảm bớt. Ông thấy bên mé phải bóng dáng một tòa tháp cổ, bèn nhả chân ga.
Ba con mình lên đó chút không con?
Cái gì vậy ba?
Một tòa tháp cổ.
Ghê quá à.
Con… sợ ma sao?
Con gái ông ngước nhìn đoạn đường dẫn lên tòa tháp, ngập ngừng.
Thôi, ba lên đi, con… ở lại coi xe.
Chỉ sợ con sốt ruột.
Ba cứ lên, pin điện thoại của con vẫn còn.
Những vạt xương rồng dựng đứng hai bên lối dẫn lên tòa tháp. Tịnh không một bóng người. Song không hoàn toàn hoang phế. Mới vài chục mét, ông phải dừng lại thở. Mồ hôi đổ từ gáy xuống tận bắp chân, nhóp nhép trong giày. Nhưng càng lên cao, gió càng mạnh khiến cái nóng giảm bớt sự khó chịu.
Tòa tháp nằm giữa đỉnh đồi. Biển tạo thành một vòng cung xanh ngắt, nối với chân trời xa ngút. Vài cụm dân cư lác đác, ẩn sau mấy vệt cây cối hiếm hoi dưới tầm mắt ông. Một thân cổ thụ vặn vẹo lạ kỳ uốn trên khoảng đất sau tháp, tỏa bóng râm loi lẻ lên tường tháp đã ngả chiều. Ông ngồi phịch xuống một tảng đá lớn dưới bóng cây.
Màu gạch cam kia đã trường tồn bao thế kỷ? Trải qua những biến thiên nào của lịch sử? Ông trầm ngâm chạm mặt dấu tích xa xưa, hơn nửa đời chỉ thấy trên sách báo.
Lòng tháp mát dịu, mờ ảo những phiến gạch nối nhau, lẫn dần vào thẳm sâu, xa hút phía trên. Tịch liêu, u ẩn bao trùm.
Đảo một vòng, ông thấy bóng chiếc xe dưới dường như xa lạ. Việc trở lại với nó, sẽ cắt đứt một giấc mơ ông chưa từng được trải nghiệm bao giờ. Bấm điện thoại, ông gọi con gái.
Này con, lên đây một chút đi. Đẹp tuyệt vời.
Làm biếng quá à ba.
Con sẽ không bao giờ thấy lại được cảnh này đâu.
Có gì trên đó vậy ba?
Thì tòa tháp và… biển.
Vậy có gì lạ đâu?
Thôi được rồi.
Ông thở hắt ra, cúp máy. Mặt trời xuống dần trên rặng núi phía tây. Giá đêm nay có thể bỏ chiếc xe dưới chân đồi, dựng cái lều bạt mang theo để ngủ lại dưới chân tháp, nghe ngàn năm liêu tịch vào khuya. Một lần nữa, ông thở dài, không khỏi tiếc nuối cho hành trình, đã bị thay đổi ít nhiều theo dự định.
Con gái ông gọi:
Ba làm gì trên đó lâu quá vậy?
Tại sao con không lên cùng ba? – Giọng ông không được đồng tình.
Con đói bụng rồi. Trưa nay mình ăn sớm.
Chờ đó chút đi, ba sẽ xuống.
Lẹ đó nghen ba.
Trên quãng đường đi xuống, ông có cảm giác mình vừa đánh mất một thứ gì. Suốt hành trình này, mỗi giờ qua đi, sẽ là mỗi giờ mãi mất, bởi nó không thể lặp lại như nhịp sống thường ngày.
Ông dập cửa xe hơi mạnh.
Ba chán con quá, phải tập khám phá, trải nghiệm đi chứ. Đây là một di tích gắn liền với cả đoạn dài lịch sử đó.
Con gái ông chọn giải pháp im lặng, không đáp. Dường như con ông có nỗi bực dọc riêng mà ông thoáng nhận ra.
Con sốt ruột à?
Chứ sao nữa. Ba lên đó cả tiếng.
Không muốn đẩy tình trạng tới căng thẳng, ông thở dài.
Giờ ba kiếm chỗ để con ăn. Chắc sắp có một cái thị trấn nào đó phía trước rồi.
Một thị trấn không xa biển lắm, ông nhắm chừng thế, nằm lẻ loi ven lộ. Có cả nhà trọ, những dãy quán dành cho khách lữ hành.
Ông tấp xe mé đường, hỏi một người đàn ông chở sau lưng sọt cá.
Đây gần biển không anh?
Quẹo phải nửa cây số.
Trong đó có nhà trọ không?
Có chớ – Ông ta cười, khóe mắt chân chim, hàm răng lỏng chỏng, rất khó đoán tuổi.
Ông cảm ơn, quay sang con gái.
Trọ ngoài lộ, ba không thích lắm. Hình như toàn cánh xe tải đường dài. Mình chạy sâu vô trong một chút, gần biển hơn, được không con?
Tùy ba thôi.
Căn nhà trọ bề thế, hơn hẳn những gì ông tưởng tượng. Đậu xe, tắm rửa qua loa, ông háo hức muốn dạo một vòng quanh khu vực. Nhưng con gái than đói liên tục, ông đành chọn giải pháp đi tìm quán ăn.
Cái tụ điểm dân cư nửa làng chài, nửa thị trấn này hóa ra không tệ lắm về mặt dịch vụ. Hàng quán với đầy đủ các món ăn, bia, rượu, trái cây. Khác hẳn hình dung ban đầu của ông về một sa mạc bên đường.
Ông gọi một chai bia, lim dim dưới bóng dừa nhìn ra mặt sóng. Bà chủ hàng to phệ, ngồi bên nồi nước lèo nghi ngút khói, dòm hai cha con vẻ thăm dò.
Chú ở xa tới đây à?
Tôi đi ngoài lộ, thấy chỗ này hay hay, ghé ở thăm tí xíu. Đây là thị trấn gì vậy chị?
Chỗ này là xã thôi, nhưng có cái bến cá. Sáng sớm chú ra coi, tàu về nhiều lắm. Có cả tàu đánh bắt xa bờ.
Hèn chi tấp nập quá. Chắc hàng quán ở đây cũng phục vụ ngư dân đi xa về?
Đâu chỉ ngư dân chú. Dân vùng này cũng có, dân nơi khác tới làm mướn cũng có. Trong kia còn mấy cái vựa cá, xưởng chế biến hải sản lớn lắm. Mấy ông nhà báo ra viết bài hoài chớ chi.
Nhà cửa quanh đây cũng bề thế dữ.
Hồi đó vùng này nghèo lắm. Nhưng nhờ có dân đi nước ngoài mấy chục năm trước trở về. Họ đầu tư vốn liếng làm ăn, mở xưởng tôm cá này nọ… Rồi mua đất đai, xây biệt thự, khách sạn… Vì vậy nên cũng đỡ.
Ông quay sang con gái, hỏi thật nhỏ:
Đồ ăn được không con?
Được, nhưng… không biết có dơ không nữa? – Con gái ông liếc nhanh về phía bà chủ hàng.
Chắc chẳng sao đâu, con cũng phải tập dần – Ông cười khẽ – Thuốc đau bụng ba có mua, để trong xe kìa.
Con gái ông cười, gật gật.