Cuộc đời ngoài cửa – Nguyễn Danh Lam

Chắc lại một cơn trái gió trở trời tuổi mới lớn. Ông đành ra chỗ đậu xe. Con gái ngồi co ro nơi băng sau. Gương mặt lầm lì, má còn hoen mấy vệt nước.

Con làm sao thế?

Không có gì hết.

Rõ ràng ba thấy con vừa khóc xong, ngó gương chiếu hậu mà coi.

Con không khóc.

Con phải cho ba biết điều gì vừa xảy ra chứ. Ba không thể yên tâm khi thấy con như vậy.

Con nói rồi, không có gì hết. Ba đi ăn sáng đi, con ngồi đây đợi ba.

Nếu con chưa nói, ba cũng sẽ đứng đây, chẳng đi đâu cả.

Sao ba biểu, luôn tôn trọng những chuyện riêng tư của con?

Đây là chuyện tình cảm riêng tư à?

Không phải.

Thế thì là chuyện gì?

Con gái ông bặm môi, bất ngờ nảy lên.

Mẹ vừa gọi cho con. Con nói đi chơi xa. Mẹ bắt con về ngay lập tức.

Ông hoảng.

Cho đến phút chót trước khi đi, con vẫn không nói với mẹ sao? Ba đã dặn con, đằng nào cũng phải nói cho mẹ biết mà. Con thấy đó, ba không tiện nói chuyện trực tiếp với mẹ.

Con vừa mới nói đây thôi. Mẹ điên lên. Mà ba thấy đó, tới hôm nay, đã cả tuần lễ rồi, mẹ mới biết tới sự vắng mặt của con ở nhà.

Tại sao lại như vậy chứ? – Ông bất lực vò đầu.

Có lẽ, chủ yếu mẹ điên lên là do con đi cùng ba. Chẳng hiểu sao mẹ lại thù ba đến vậy?

Ba cũng chẳng biết nữa. Ba không hề giành giật với mẹ quyền được nuôi hai con. Dù ba có thể giành. Cho con theo lần này, cũng chỉ là một chuyến con đi chơi với ba thôi mà?

Con biết tính mẹ. Thứ vứt trước cổng nhà thì chẳng sao, nhưng có bà ve chai ghé lượm, mẹ sẽ chửi ầm lên.

Rốt cuộc ý mẹ là sao?

Mẹ nằng nặc bắt con trở về. Chỉ có vậy thôi.

Thiệt tình, nếu việc xảy ra như vậy, ba càng khó nghĩ khi để con theo ba.

Kệ đi. Đây chỉ là lúc mẹ… lên cơn thôi. Con nói rồi, nếu ba bắt con quay về, con sẽ tự tử.

Con đừng nhắc lại cái điều đen tối ấy nữa.

Con dám cá với ba. Ba cứ cho con theo. Mẹ sẽ chẳng gọi lại đâu. Trừ khi mẹ… sực nhớ ra. Lúc ấy con cũng sẽ nói với mẹ, nếu mẹ bắt con về, con sẽ tự tử.

Ông mở cửa xe, ngồi phịch xuống ghế tài. Tính cách vợ ông dường như thay đổi hoàn toàn sau biến cố. Không loại trừ cô đã vướng phải những bất ổn, tới mức bệnh lý về mặt tinh thần. Cô cay nghiệt, nhiều khi điên loạn. Tất cả đều tan nát.

Ông sợ, nếu đẩy tình hình tới mức căng thẳng hơn, đến lượt con gái cũng sẽ vượt qua ngưỡng chịu đựng tinh thần. Nó đang ở cái tuổi bấp bênh, ngặt nghèo của xúc cảm. Cần tiếp tục hành trình, để mọi thứ lắng xuống rồi tính sau.

Thôi, tạm để mọi việc như thế đã. Mẹ biết con đi cùng ba là được rồi. Giờ ba con mình đi ăn sáng.

Con nghĩ nên đi luôn. Ăn sáng rồi quay lại nhà trọ này à?

Ừ nhỉ. Vậy mình đi luôn. Dọc đường, nếu thấy cái quán nào hay hay sẽ tấp lại vậy.

Ông trả phòng trọ. Thị trấn lưu trú đầu tiên trong chuỗi hành trình lùi sau tay lái, với một chút nao lòng. Ông rà côn chầm chậm khi ngang qua khoảng hè phố hồi đêm. Dấu vết cuộc nhậu vẫn còn đó, chưa ai dọn dẹp. Những mảnh lá bàng dùng làm chén, bịch ni lông, mấy cái vỏ chai nhựa đựng rượu. Những người đàn ông ấy, hẳn giờ đã bắt đầu một ngày mới. Đơn điệu, nhạt nhòa, vô vọng.

Đêm nay chắc mình ngủ lại thành phố biển. Ba sẽ kiếm cái khách sạn gia đình mình từng lưu trú, từ khi con còn rất nhỏ. Ý con sao?

Tùy ba thôi. Mà tại sao lại phải ở cái khách sạn đó? Ba vẫn hoài niệm à?

Đừng vì những tan nát hôm nay mà phủ nhận hôm qua. Nhiều khi quá khứ chính là nơi ba quay về ẩn náu, những lúc quá buồn. Nhớ lại nụ cười của mẹ, của hai anh em con, ba vẫn thấy ấm áp.

Con thấy, chỉ tổ buồn hơn.

Có lẽ vậy. Ba già rồi, sống bằng quá khứ. Con còn trẻ, sống với tương lai.

Thôi ba chạy nhanh lên đi. Con đói bụng rồi.

Thay vì đưa cái CD cho ông, con gái mở nhạc từ điện thoại, gắn cặp phone lên tai. Quãng đường lại chia đôi. Ông một mình lầm lụi cùng tay lái.

Khi mặt trời lên chéo, biển bất ngờ hiện ra. Bao nhiêu năm rồi ông mới lại nhìn thấy biển từ một khoảng cách gần đến như vậy. Bật lên một tiếng reo, ông quay lại phía sau:

Biển kìa con.

Con gái gỡ cặp phone khỏi tai.

Gì vậy ba?

Biển, biển kìa con.

Ba làm con hết hồn. Nhớ ngó tìm cái quán nào nha ba.

Hơi hẫng, song biết con quả thực cũng đã đói, ông chú ý hơn trong việc tìm một cái quán ven đường.

Ngay chân sóng, một mái lá được dựng lên, với bảng hiệu quán ăn hải sản. Ông tấp vội tay lái vào. Con gái nhổm dậy, mau chóng gỡ cặp phone khỏi tai.

Giờ này có lẽ bữa sáng cũng thành bữa trưa rồi. Mình vô nghỉ ngơi luôn nha con. Ba bốn giờ sẽ chạy vào thành phố cũng không muộn.

Sao quán vắng vậy ba?

Có lẽ cũng còn hơi sớm.

Theo kinh nghiệm của con, quán nào vắng, thường đồ ăn không ngon.

Nhưng vị trí của nó thơ mộng quá. Mình cứ vô đại coi sao.

Bàn kê sát dải cát, chỉ qua một liếp ngăn. Những tảng đá khổng lồ dựng kề mép sóng. Gió thổi đầy ngực.

Ông nhường con gái thực đơn.

Cứ kêu thoải mái nha con. Đây là bữa đầu tiên mình thực sự thư giãn. Ăn xong có thể ngủ tí xíu trên ghế bố này.

Ba không cần phải tiết kiệm sao?

Ông bật cười.

Cũng chẳng tới nỗi đâu. Chừng nào sắp hết tiền, ba sẽ đưa con về ngay.

Đồ ăn được mang ra khá chậm. Con gái ông liên tục nhìn vào phía bếp. Sau cả nửa giờ, các món mới lần lượt được bưng lên.

Qua vài miếng đầu, ông chẳng biết mọi thứ ngon hay dở. Việc ăn uống đối với ông chưa bao giờ mang tính khoái cảm đời sống. Thậm chí nhiều khi nó là cả một cực hình. Những ngày ở phòng trọ, hễ phải mặc áo quần, cất bước ra tiệm ăn đầu hẻm, ông vô cùng ngao ngán. Nhiều lần ông ních đại một chai nước cho qua bữa.

Đồ ăn thế nào con?

Hơi tệ.

Thật thế sao? Ở đây giáp biển mà?

Chắc do họ nấu quê quá. Chẳng biết nêm gia vị gì cả.

Con có rành nấu ăn không? Ý ba là sau này đó.

Con không biết nấu, nhưng hổng lẽ hổng biết ăn sao ba?

Ba chịu thua khoản ăn uống. Cả một thời, có gì để ăn đâu, nên khẩu vị mình nó cũng chết theo luôn rồi.

Mỗi món con gái chỉ lướt qua một chút, ông lại thiên về uống bia, nên mọi thứ còn dư đầy bàn.

Con ráng ăn thêm đi.

Con ngán rồi.

Đành để lai rai vậy.

Con ra ngoài kia chụp hình chút nghe ba.

Con gái rút điện thoại, nhảy qua miếng liếp xuống bãi cát. Uống hết lon bia, ngồi một mình cũng chán, ông lững thững theo con.

Con gái ông tạo dáng, nhờ ba bấm một loạt hình qua điện thoại. Nó đã thành thiếu nữ thực rồi. Bóng dáng cô hiển hiện qua từng cử chỉ của nó. Nụ cười đầy nắng và tóc lùa đầy gió.

Bả làm gì vậy ba?

Nhìn theo hướng con gái chỉ, ông thấy bóng một người đàn bà đang lúi húi với cái xô kề ngay ghềnh đá.

Hai cha con lại gần. Dưới vành nón rách tưa, gương mặt người đàn bà đen quắt. Bà ta đang lùa một cái đục vào mép đá.

Cô cạy gì vậy? – Con gái ông hỏi.

Hào đó cô.

Á à, con vừa ăn xong. Giờ mới biết hào sống như vậy. Một ngày cô cạy được nhiều không?

Ít lắm. Thứ này, giờ ngày càng hiếm. Chẳng hiểu tại sao. Hổng có đủ kiếm gạo đâu cô ơi. Họ bán cho khách thì mắc, chớ thâu lại của tụi tui rẻ bèo à.

Có tiếng gọi:

Má ơi.

Một thằng nhỏ lao ra từ cái căn nửa lều, nửa nhà mọc lên sau ghềnh đá. Có lẽ vùng này thường có bão. Nên mọi thứ, hoặc phải xây thật kiên cố, hoặc cất lên một cách vô cùng tạm bợ, để mau chóng dựng lại sau khi bị thổi bay. Tay thằng nhỏ cầm một cái vỏ ốc, trên mình duy nhất chiếc quần đùi. Thấy cha con ông, thằng nhỏ khựng lại, ánh mắt dè chừng.

Vô đi, nắng đó. Mày lại bệnh rồi khổ tao – Ngước lên hai cha con ông, người đàn bà thở dài – Nó mới bị đau bụng, phải đưa lên tới tỉnh, nằm cả tuần. Nhà tui muốn chết luôn vì nó đó. Làm còn không đủ sống, đổ bệnh một cái chỉ có cách đi vay nợ, rồi trả tới cả đời thôi.

Thằng nhỏ bước thụt lùi. Chẳng có dấu hiệu gì chứng tỏ nó có thể nhiễm thêm nắng gió. Ông nghĩ, bệnh đau bụng hẳn do một nguyên nhân nào đó khác, nhưng lòng không khỏi ngổn ngang trắc ẩn.

Kéo con gái ra một quãng, ông thì thầm:

Ba có nên đưa thằng nhỏ ít tiền mua quà không con?

Nó có biết xài tiền không mà ba đưa?

Chắc biết chứ.

Đi vòng qua tảng đá, tránh để người đàn bà nhìn thấy, ông bước vội theo thằng nhỏ. Khi đã chặn ngang trước mặt nó, ông rút bóp, đưa ra một tờ bạc.

Bác cho con ít tiền mua đồ chơi.

Thằng nhỏ nhìn ông đầy hoảng hốt. Nó lách ngang, tìm lối chạy. Qua khỏi ông một quãng xa, ngoái đầu ngó lại, sắc mặt nó vẫn chưa tan vẻ sợ hãi.

Ông không hiểu lý do nào, để nó có những biểu hiện như vậy. Có lẽ mình quá xa lạ với nơi đây.

Không dám nhìn lại người đàn bà thêm một lần nữa, ông cúi đầu như trốn chạy khỏi ghềnh đá. Nhìn mớ đồ ăn còn lại trên bàn, ông mau chóng tính tiền, dẹp luôn ý định nghỉ ngơi.

***

Tấp lại lề đường hỏi mấy lần, cái địa danh đầy tính cũ xưa, ông mới mơ hồ nhận ra chốn ấy. Tất cả đã thay tên đổi họ. Trên những bản đồ du lịch mới nhất, hẳn nhiên mọi thứ cũng đổi thay theo. Khối nhà nằm lưng chừng núi, mặt hướng ra phía biển. Nó đã trải qua nhiều luân chuyển, với mấy phân đoạn lịch sử. Khởi đầu, một khách sạn tư nhân. Kế đó, biến thành nhà nghỉ cho viên chức, loại viên chức cỡ ông, nên thuở ấy nó xuống cấp trầm trọng. Nước thiếu, điện chập chờn, giường ngủ trải chiếu và toilet vàng khè. Thế nhưng với gia đình nhỏ của ông, tất cả như một thiên đường. Và giờ, nó khoác một vẻ ngoài sang trọng đến lạnh lùng, xa cách. Nếu không vì một chút hoài niệm, ông sẽ không thể can đảm đặt chân vào cổng.

Cô có thể xếp cho tôi cái phòng, ở dãy phía sau, mặt quay ra núi đó?

Tụi cháu còn phòng hướng biển. Giá cả cũng không chênh nhau mấy. Hay chú chọn phòng hướng biển cho đẹp?

Phòng hướng biển dành cho ban giám hiệu với gia đình họ. Tụi tôi chỉ được ở phòng phía sau thôi.

Ý chú là sao?

Ông giật mình, tự bật cười.

À, tôi quên đi mất, mải nhớ chuyện ngày xưa. Cách đây gần hai chục năm tôi đã ở khách sạn này, với cái phòng quay về hướng núi.

Cô tiếp tân bật cười theo.

Chú có nhớ cụ thể phòng nào không? Nếu còn, cháu sẽ xếp cho chú?