Cuộc đời ngoài cửa – Nguyễn Danh Lam

Ông nghĩ nhanh trong đầu, hẳn đây là một lần hòa nhập thú vị. Cả đời ông đã bao giờ được ngồi trong một chiếu rượu kỳ lạ như thế này. Đây sẽ là một phần của hành trình, với những thứ mà ông muốn tìm kiếm, trải nghiệm.

Vòng tròn lập tức giãn ra, chừa một chỗ cho ông. Vị trí ấy thậm chí rộng rãi, trang trọng nhất. Ly rượu chào bàn nóng sực, đầy mùi cồn. Quả tình ông không mấy quen với rượu. Món uống thân thuộc xưa nay vẫn là bia.

Vô miếng mồi đi chú. Đặc sản ở đây đó. Gần biển mà.

Ông liếc mấy cái đĩa dở dang, lổn nhổn. Thêm chén nước chấm đã lầy hầy giữa chiếu. Quả thực trong bụng có phần ái ngại. Dù sao cũng buộc lòng phải gắp lên một miếng, nhưng không dám chấm. Một loại cá nào đó, ông không rành lắm, mang mùi vị khai khai là lạ.

Chú từ đâu tới, thành phố phải không?

Dạ, tôi ở thành phố, đi có công chuyện. Ngang đây hơi mệt nên ghé nhà trọ. Tôi có gì sai, mấy anh bỏ qua cho.

Chú đừng khách sáo. Nếu chú có gì sai, tụi tui chỉ phạt một ly thôi.

Đã an vị, ông nhìn lại nhóm người. Bốn thanh niên, thêm một ông lớn tuổi hơn, nhưng có lẽ cũng thua ông cả con giáp. Tất thảy đều đen đúa, gân guốc, nhưng không ai có dấu hiệu đáng để phải e ngại.

Chú đi đâu ghé đây vậy? – Ông lớn tuổi nhất, ngồi kế bên ông hỏi.

Tôi là thầy giáo, nhưng nghỉ hưu rồi. Đi chơi chút chút thôi.

Trời, cả đời tui mấy khi được nhậu với thầy giáo – Vẫn người lớn tuổi nhất lên tiếng – Mấy anh em đây toàn dân thợ thuyền, làm vườn rẫy nhăng nhít, cả thất nghiệp nữa. Nhưng thầy đừng có ngại. Bữa nay có thằng này trúng số. Bèo thôi, nhưng nó khao. Anh em tiện đó gom lại nhậu chơi. Nhà nó trong hẻm kia. Nhưng anh em kéo ra đây ngồi cho mát. Ông bà già nó khỏi nhằn. Thầy vô tiếp ly nữa đi, cho tui được kính thầy cái.

Cách nói ý tứ, trọng vọng của người đàn ông khiến ông khá bất ngờ, cảm động. Truyền thống quê kiểng xưa nay ông cũng biết phần nào, phàm ai làm nghề thầy giáo đều ít nhiều được vị nể, không tan biến giữa cái bể người mênh mông như ở thị thành. Lại một ly rượu nữa. Miếng mồi được gắp sẵn, thả giữa chén ông. Nói đúng hơn, đó là một cái lá bàng, được bứt từ đâu đó. Lần này, ông nhai miếng mồi dễ dàng hơn.

Người đàn ông lớn tuổi nhất bất ngờ cất giọng ỉ ôi. Một ca khúc cũ xưa, nhưng chưa bao giờ người ta hết hát. Mấy người còn lại gõ muỗng đũa làm nhịp. Không khí thực sự khiến ông tò mò, ngồi yên lặng quan sát từng người.

Gã trai có gương mặt trẻ nhất phun bãi nước miếng cái bép ngay cạnh chiếu ngồi, ngửa cổ khà một hơi trà đá. Có lẽ gã là người lúc nãy đã gọi ông.

Đ.m, chú hen. Giá ngày nào mình cũng vô con đề.

Mày chửi tao là sao mày? – Người lớn tuổi nhất ngưng ngang tiếng hát, giật cho gã một cái cùi chỏ.

Mày biết để trúng cái này, tao thua bao nhiêu rồi không? – Người trúng số lên tiếng.

Thì mày cưa chân giường ông bà già mày đi bán mấy lần rồi chớ gì.

Có lẽ đụng trúng chuyện cũ, gã trai nảy lên.

Cưa cái đầu ba má mày thì có. Nhưng mà vẫn phải chơi.

Rồi mày cũng bán hết nhà mày thôi.

Bán con c…, mày đừng có trù ẻo.

Tụi bay chửi thề trước mặt thầy là sao? – Lại người đàn ông lớn tuổi, sau khi chỉnh đám trẻ, ông ta quay sang ông – Thanh niên ở đây không thằng nào không chơi số thầy ạ. Nghèo quá, chỉ còn biết trông vô ông trời cho đổi vận, chớ biết kiếm đâu ra tiền. Mà số ở đây là số đề đó thầy, không phải vé số đâu. Thành thử tụi nó trúng hổng bao nhiêu mà bán nhà, bán ruộng đầy hết. Tụi bay đừng có cãi tao, vụ này nói thiệt mà.

Câu chuyện lập tức quay sang chủ đề được thua, còn mất bởi đề. Kẻ nào bán ruộng, kẻ nào đánh đập vợ con, kẻ nào trốn xứ mà đi… Ông nghe lùng bùng, hoàn toàn chẳng có chút kiến thức cụ thể nào. Xen giữa câu chuyện vẫn là màn ngửa cổ xoay tua không dứt. Ông bắt đầu nghe hơi men rần rần vành tai.

Chú nè – Gã trẻ nhất đột ngột quay sang ông – Chú ở thành phố, biết chỗ nào người ta mướn người làm không? Con đang tính sau Tết lên trển với mấy thằng bạn. Tụi nó bỏ học ngang, lên thành phố hết rồi.

Ông hơi bất ngờ.

Thiệt tình, tôi… cũng đang thất nghiệp. Dạy học, nhưng nghỉ rồi. Xưa giờ chẳng rành gì về vụ này.

Ở dưới này đói lắm chú ơi. Đi làm mướn lòng vòng. Không biết tới bao giờ mới lấy được vợ. Mà con gái tụi nó bây giờ cũng khôn bà cố. Mấy thằng như con đứa nào ngó.

Há há, nó coi phim bậy rồi… tự làm mỗi ngày đó chú. Ghiền có vợ lắm rồi. – Một gã khả ố chen ngang.

Tao đã nói tụi bay, không được hỗn với thầy à nghe. – Người lớn tuổi lại quát.

Gã vừa nói không chịu thua.

Tui nói thiệt chớ bộ. Gái gú thằng nào hổng ghiền. Nhưng ở đây, giờ muốn kiếm một em đứng đường cũng hổng có. Tụi nó lên thành phố hết rồi. Còn lại toàn mấy bà già vú mướp thôi.

Lập tức, trí nhớ kéo ông về cái hốc tường sân vận động. Cô gái ấy, biết đâu cũng có xuất phát điểm tự một nơi nào đó giống nơi này. Những cuộc dạt phiêu lòng vòng, lẩn quẩn. Ông thoáng thấy trong giọng điệu của gã trai, có chút gì đó định kiến với cái gọi là “thành phố”.

Thành phố hay tỉnh, đâu cũng vậy thôi mấy anh. Người dưới này muốn lên trển. Người ở trển lại tìm cách đi. Người đã đi lại muốn quay về. Lòng vòng như đám kiến hết.

Thầy nói đúng, tui từng ở thành phố về chớ đâu – Người lớn tuổi nhất gục gục, ực ly mới.

Vậy sao? Xưa ở trển, anh ở đâu, làm gì?

Tui đi học, cũng được ba năm. Rồi kiếm việc ở trển không nổi. Phần nữa tui con lớn, ông bà già kêu về, thế là về lại đây. Về đây, cái nghề tui học hổng nơi nào cần. Rốt cuộc bỏ ngang, đi làm xưởng cưa. Xưởng cưa đóng cửa vì hết rừng, hết gỗ, tui theo tàu cá. Chủ tàu cá bán tàu, tui lại đi làm vườn. Mười mấy năm lòng vòng vậy rồi đó thầy.

Hóa ra ông ta là người có học, nên cách ăn nói, vị thế cũng khác đám đàn em.

Vậy gia đình anh giờ sao. Có ổn không?

Vợ tui nó chết rồi. Đạp xe đi bán bắp ngoài lộ này, bị xe ben cán chết. Tui có thằng con trai, cũng mười mấy tuổi rồi, suốt ngày lang thang, uýnh lộn. Tui lo cày, không coi được nó – Ông ta nói chuyện khổ đau động trời với giọng khô khốc, chẳng hề tránh né.

Không khí chợt lắng lại. Ông biết, người đàn ông này không thể nào vô cảm. Có chăng, mọi trầm uất đã bão hòa, trượt trên trái tim lì chai, bầm dập của ông ta. Ông muốn nói, tôi cũng chẳng hơn gì ông. Nhưng hai nỗi đau phần nhiều khác biệt, chẳng dễ gì chia sẻ, an ủi cho nhau, nên lại thôi.

Chiếu rượu lặng dài thêm một lúc.

Còn mấy chai? – Người đàn ông quay qua gã trúng số.

Hai chai nữa. Cưa hết luôn đi ha.

Hết chớ sao.

Giật mình với tửu lượng của họ, nghĩ ngày mai mình còn phải lái xe, ông nhớm người lên.

Mấy anh ở chơi vui vẻ. Chắc tôi phải về nhà trọ, sợ họ đóng cửa.

Mới mười giờ, thầy không được đi đâu hết.

Ông nhìn lại đồng hồ, đắn đo. Một cuộc nhậu lạ lùng, từ trên trời rơi xuống. Ông như ở xa mà lại gần. Ở gần mà lại xa. Mình có thể định cư nơi đây, sống cuộc đời như những người này? Câu hỏi vừa đặt ra, phủ định đã tất yếu. Ông không có kỹ năng để sống cuộc đời của họ. Thoáng nghĩ về đứa con nơi phòng trọ, giữa những tiện nghi công nghệ, ông liên tưởng nó với đứa con trai của người đàn ông kia. Cùng một nỗi đau, mất mát và tan nát. Nhưng cũng như hai người cha, chúng chẳng có gì gần gũi, tương đồng.

Người đàn ông lại hát. Tiếng hát nhừa nhựa càng lúc càng vang vọng, xuyên nẻo lộ dài. Ông nhúng mình trong câm lặng, uống không từ chối bất cứ ly nào đến tua. Một vài ánh mắt khó chịu nhô ra từ những căn nhà mặt tiền. Nhưng có lẽ họ đã quá quen với cảnh này, nên chẳng ai lên tiếng nhắc nhở.

Ông gần như trở lại cảm giác tỉnh nguyên, khi chai cuối cùng trút hết xuống ly. Cuộc nhậu tàn, đồng nghĩa ông không còn bao giờ gặp lại những con người này nữa. Không số điện thoại, không danh thiếp đổi trao, đầy hẫng hụt.

Ông chủ động bắt tay từng người. Đám thanh niên lảo đảo, vương vất dưới ánh đèn khuya, tản dần vào mấy con hẻm. Người đàn ông đứng tuổi khoác vai ông.

Tui đưa thầy về nhà trọ.

Thôi, tôi ở cũng gần đây. Không dám phiền anh.

Tui buồn lắm thầy à. Buồn lắm. Để tui kiếm chỗ nào, ngồi uống tiếp cùng thầy – Đến phút chót, dường như mọi ẩn ức trong ông ta mới hiển hiện.

Ông băn khoăn.

Tôi cũng muốn vậy lắm. Nhưng sáng sớm mai phải đi rồi. Tôi còn đứa con, đang ngủ một mình trong phòng trọ. Có lẽ anh về nghỉ đi. Nếu trời còn cho duyên, anh em mình sẽ còn gặp lại nhau ở một nơi nào đó.

Chắc dưới đó phải không thầy? – Người đàn ông bật cười khùng khục. Có lẽ ông ta đã say lắm.

Một dòng lệ bất thần rỉ ra nơi khóe mắt người đàn ông. Không biết do cười hay do khóc. Ông ta như hoảng hốt, giật mình, vội vã đưa tay quẹt ngang. Không thêm một lời nào nữa, cái bóng hiu hắt quay đầu ngược hướng ông về phòng trọ. Ông đứng nhìn theo một lúc, trước khi quay đi theo hướng của mình.

5

Trong giấc chập chờn, ông thấy cổ họng mình khô khốc. Hiếm hoi mới có lần ông uống rượu, dường như loại đồ uống này khiến người ta mất nước nhiều hơn dùng bia. Mấy lần ngồi dậy, nhưng trong phòng không có tủ lạnh, thùng nước lại để quên dưới xe, ông đành nằm xuống. Cơn khát khiến giấc ngủ ông lay lắt. Khi ánh mặt trời xuyên qua cửa sổ một lúc lâu, hơi nóng tỏa nhiệt trên da mặt, ông mới tỉnh hẳn. Giấc đầu ngày bù cho giấc đêm.

Con gái không có trong phòng. Đoán nó chỉ lòng vòng đâu đó, sau khi rửa mặt, ông ra ban công đứng hút điếu thuốc đầu ngày. Hết điếu đầu, qua điếu thứ hai, chưa thấy con lên, ông hơi lấy làm lạ. Lần xuống gác, tầng trệt vắng hoe. Bà chủ cũng chẳng thấy đâu. Ông rút điện thoại, bấm tìm số con. Những tiếng tút dài, câm lặng. Ông bắt đầu hoảng. Hớt hải lao ra nhìn hút đoạn phố, suốt đầu dưới đầu trên, ông chẳng thấy bóng con đâu. Bỗng máy rung.

Con đang ở trong xe.

Đầu gối ông nhũn ra.

Con khiến ba hết hồn. Sao lại ra xe ngồi? Vô đi ăn sáng cùng ba.

Con không ăn đâu. Ba cứ đi đi.