Hai cha con cùng đói ngấu. Buổi chiều, sau khi lên hết con đèo, ông dừng nơi thị trấn gần đó mua hai ổ bánh mì, định bụng khi tới nơi sẽ ăn bữa chính. Đường lạ, nhiều đèo dốc, khiến kế hoạch dự kiến đổ bể.
Mình đi ăn rồi lên phòng, hay lên phòng rồi đi ăn?
Đi ăn luôn đi ba. – Con gái ông nhăn nhó.
Giờ này còn chỗ nào ăn uống được không cô? – Ông hỏi cô gái tiếp tân.
Nhà hàng tụi con đã nghỉ. Mấy chỗ gần đây, họ cũng đóng cửa hết rồi. Chú nên chạy ra chợ trung tâm, thứ gì cũng có.
Lại phải lết ra xe, gương mặt con gái ông vốn nhăn nhó, lúc này càng nhăn nhó hơn. Điệp khúc của nó luôn là đói. Ông hiểu, nó đang tuổi ăn tuổi lớn, không thể chịu đựng được như ba.
Ông tấp xe vào một dãy quán sáng đèn. Mấy cặp nam nữ chừng tuổi con ông đi chơi về khuya, co ro quanh cái bàn bên cạnh. Họ cười nói và văng tục. Cách phục sức, mấy chiếc xe đời mới, hoàn toàn chẳng có gì khác thanh niên thành phố. Thuở xa xưa, ông nhớ, sự khu biệt khá rõ ràng, bởi những cách ngăn về giao thông, hành chính.
Con gái ông bỏ dở gần nửa tô mì, trong khi ông húp cạn.
Sao vậy con, mệt không ăn nổi à?
Dở quá – Ông không biết món ăn dở thật, hay đó là nhận xét quen thuộc của con gái.
Ông gọi tính tiền. Một con số choáng váng. Ông hỏi lại lần thứ hai và biết mình không hề nghe lầm.
Đóng cửa xe, dường như tay ông vẫn chưa hết run.
Tại sao lại có cái giá kinh khủng vậy nhỉ?
Cái xe ba đậu ngay đó, mang bảng số thành phố. Họ nghĩ ba là khách du lịch nên chặt ba đó.
Ba nghĩ việc phân biệt thành phố với tỉnh giờ đâu còn. Ai dè vẫn vậy.
Thì dân thành phố thấy dân tỉnh cũng chặt mà ba. Vụ này khi đi với đám bạn con gặp hoài. Ra biển, lên núi, đâu cũng vậy.
Nếu vậy, với cả hành trình này chắc ba chết.
Sau nguyên một ngày ôm vô lăng qua những cung đường đèo dốc, ông ngủ vùi cho tới khi điện thoại đầu giường réo từng hồi. Tiếp tân báo ông có khách.
Gã ngồi nhả khói mịt mù nơi bộ bàn lớn màu nâu chói, kê giữa tiền sảnh. Thấy ông, gã bật dậy.
Mày già thế này rồi cơ à?
Ông nắm bàn tay lạnh mịn, nhìn lướt gã một lượt. Hầu như chẳng còn dấu tích anh chàng loắt quắt ngày nào. Gã mập ra thấy rõ với lớp cằm thứ hai đội lên dưới cổ. Nếu gặp gã giữa đường, ông sẽ không thể nào nhận ra.
Hôm qua mày có nói mày là bạn tao không?
Ông liếc lại phía quầy tiếp tân. Cô gái hồi đêm hình như đã đổi ca, thay vào đó một chàng trai trẻ.
Tôi có hỏi, nhưng có lẽ cô ấy là lính lác, nên không biết ông.
Đứa nào láo thế nhỉ? Cái thằng chủ khách sạn này, nó mê thơ tao. Lính lác dưới quyền, biết tao hết cả. Để tao hỏi nó.
Họ là nhân viên, làm sao biết được, ông thông cảm cho họ đi.
Gã chỉ tay vô cái kệ báo để nơi chân cột giữa sảnh.
Sách của tao kia kìa. Mười mấy cuốn ở cả đó. Ảnh tao in bự vậy mà không thấy sao?
Ông liếc lại phía kệ báo. Tấm ảnh gã chiếm trọn bìa một cuốn sách, lấp ló chen giữa mấy tờ tạp chí quăn mép.
Ông in nhiều thế rồi cơ à?
Mười mấy cuốn. Kinh chưa.
Bái phục. Tôi viết hai mấy năm, chưa in nổi một tập.
Mày gửi bản thảo lên tao. Tao in cho mày. Mấy cuốn cũng được. Nhưng phải có bài về địa phương này. Cố gắng, đi chơi mấy hôm về rồi viết.
Ông oách vậy à?
Chứ sao. Tao nắm hết, muốn in cái gì mà chẳng được.
Ông lại gần, cầm lên một ấn phẩm của gã. Cuốn sách nặng chịch. Tất cả các trang ruột đều in loại giấy láng bóng.
Đấy nhé, thơ, văn, nhạc, họa… đủ cả.
Tôi biết tài ông rồi.
Hồi này tao còn dựng cả kịch. Mấy vở diễn trong hội diễn toàn quốc rồi nhé.
Ông càng nói, tôi càng buồn cho mình. Thôi, đi kiếm cái gì ăn sáng, rồi uống cà phê. À, tôi còn đứa con gái, có thể cho nó đi chung không?
Kêu nó xuống đây đi. Nhanh nghe chưa. Ăn ngay tại nhà hàng trong này thôi.
Trong khoảnh khắc, ông thấy gã thần người khi chạm mặt con gái ông.
Con gái mày đây thật à? Đẹp như hoa hậu thế này à?
Ừ, lẹ vậy đó, hồi gặp ông hình như tôi mới lập gia đình – Ông ngập ngừng, tránh không đề cập thêm. Gã cũng chẳng hỏi.
Cháu mà ngồi mẫu cho chú vẽ tranh thì hết xảy.
Ông liếc nhanh, thấy con gái cất miệng chào lí nhí, trong khi nét mặt sầm xuống. Lúc gã gọi cô phục vụ, hỏi về mấy món cho bữa sáng, ông tranh thủ thì thầm với con:
Chú này hơi ồn ào một chút, nhưng không có gì đâu. Bạn ba, nên con đừng tỏ thái độ nặng nề nhé.
Con gái ông thở dài thay cho câu trả lời.
Gã vừa ăn vừa thuyết trình về mảnh đất nơi họ sẽ thăm thú trong một đôi ngày tới theo dự định. Trong khi ông còn đang đánh vật với tô bún đầy ắp, gã đã xong bữa, lấy tăm xỉa răng và gọi cô phục vụ bàn tính tiền.
Cháu ghi hết cho chú nhé. Rồi chú sẽ tính với sếp cháu.
Cô phục vụ bàn ngẩn người.
Tụi cháu phải kết toán theo từng ca. Mong chú thông cảm.
Sao lại thế, chú ăn ở đây bao nhiêu lần. Có lần nào phải tính tiền đâu?
Thấy rõ sự bối rối của cô phục vụ bàn, ông vội đưa tay đón tờ phiếu.
Ông để tôi trả. Khỏi phiền cô ấy.
Cô phục vụ bàn cầm tiền đi khỏi, gã vẫn không thôi càm ràm.
***
Cung đường hôm ấy thực sự thử thách tay lái của ông cũng như độ lì của chiếc xe. Theo gợi ý của gã, ông chọn một địa điểm xa nhất có thể đến về phía tây. Qua khỏi trung tâm thành phố vài chục cây, mặt nhựa bắt đầu bị băm nát, bốn bánh xe nảy lên như ngựa chạy. Con gái ông cắn chặt răng, ghì mép ghế ở băng sau, cặp phone chưa một phút rời khỏi tai, kể từ lúc trong xe xuất hiện người thứ ba.
Gã không ngừng nói, kể cả khi hai hàm dập vào nhau cầm cập, những lúc xe lao xuống ổ gà. Chưa ngày nào trong đời ông phải nghe thơ nhiều đến thế. Gã có một khả năng kỳ lạ, đó là thuộc tất cả những sáng tác của mình, thơ cũng như truyện ngắn và cả tùy bút.
Ông lơ mơ trôi vào trạng thái của những buổi họp từ hồi còn làm việc. Mắt nhìn đường, tai đón những âm thanh mất còn chẳng rõ. Mỗi khi phải bám đuôi một chiếc xe tải, ông căng hết toàn thân. Đám bụi đỏ mịt mù, xóa sạch mọi thứ trong tầm quan sát.
Quá trưa mới tới được huyện lị gần nhất. Một ngã ba hiu quạnh giữa núi rừng, với vài ba căn nhà đỏ ngầu một màu bụi, nằm như bị lãng quên đã tự ngàn đời.
Tao nhớ ở đây có một em chủ quán hay lắm. Có thằng chồng chân què, vì bị gỗ đè. Nó cứ phơ phớ. Ngày xưa chúng nó làm nghề thồ hàng, bán cho mấy buôn làng trong này. Sau chuyển sang thu mua lâm sản, gỗ lạt, tậu được căn nhà ngay mặt lộ. Giờ chẳng biết có còn ở đây không?
Tôi chỉ muốn kiếm cái gì bỏ bụng thôi. Ông vào hỏi coi có không?
Gã dập cửa xe, vạch quần, tiểu tiện ngay mép lộ. Con gái ông vội ngoảnh phắt đầu, khi ánh nhìn suýt va phải cảnh tượng ấy.
Chú này kỳ cục thiệt. Nhưng thôi, con đừng chấp – Ông tỏ ý áy náy.
Ba có thấy ổng nghển người, dòm con qua kiếng hậu hoài không?
Thôi, kệ chú ấy. Nghệ sĩ mà. Chú ấy thấy con dễ thương nên nhìn một chút cũng chẳng sao.
Đêm nay, ba làm ơn cách ly con cho thiệt xa cái người này đó.
Được rồi, để ba lo.
Gã quay lại sau khi đảo một vòng.
Vợ chồng chúng nó dọn khỏi đây lâu rồi. Cái quán mới chỉ có mỗi mì gói thôi. Mày có mua cái gì đem theo không?
Tất nhiên, tôi luôn phải dự phòng đồ hộp trong xe rồi.
Thế thì đem cả vào trong đó, nhờ chúng nó chế nước sôi.
Bữa trưa xì xụp dưới mái lá. Thi thoảng một chuyến xe tải lớn lắc lư lao qua, tung vào tận miệng thực khách những đám bụi lạo xạo. Ông thực sự lo lắng cho con gái. Nhưng khi liếc sang, thấy vẻ mặt lầm lì, đanh lạnh của nó, ông an tâm phần nào. Biểu hiện ấy, dù gì cũng vẫn hơn, nếu con bé tỏ ý muốn bỏ ngang chuyến đi vào cái chốn hẻo lánh, quá xa lạ với nó này.
Cung đường buổi chiều càng thêm khủng khiếp. Những đoạn suối không cầu liên tục cắt ngang mặt lộ. Hai vệt rãnh sâu hoắm, được tạo thành từ những chuyến xe quá tải vào mùa mưa, mặc định tay lái ông phải bám theo đó. Ông lo nhất xe bị đụng gầm, mắc cạn.
Ông để gã độc thoại hoàn toàn. Gã cũng chẳng thắc mắc gì về điều đó. Nhu cầu duy nhất của gã là được đọc. Có lẽ chẳng mấy khi gã gặp được một thính giả có thể im lặng nghe suốt như ông.
Đơn vị hành chính cuối cùng hiện ra khi trời đã ngả chiều. Bàn tay gác trên vô lăng của ông run bần bật bởi mệt và đói. Cho đến lúc này, ông vẫn chưa hiểu tại sao gã tư vấn cho ông vào đến cái nơi thăm thẳm như vậy. Mẫu người như gã, hẳn chẳng thích phiêu lưu.
Gã đưa tay chỉ về phía xa.
Cái làng này trước kia nằm dưới lũng. Sau người ta đắp đập, lùa cả lên đây. Xây cho nhà mới, nhưng dân tình ngó bộ không quen.
Ông nhìn hút cả khu dân cư dưới sắc chiều bợt bạt. Nhà cửa tuy xây gạch, nhưng đã xuống cấp từ lâu. Tường vách lở lói. Mái tôn rỉ nát, vá víu.
Những đứa trẻ ùa ra khi thấy chiếc xe xuất hiện nơi trung tâm hành chính của làng.
Mày chờ đây, tao vào liên hệ chỗ ăn ở. Cán bộ về, chúng nó phải tiếp hoành tráng. Đêm nay chắc chắn có thịt rừng cho anh em mình nhậu.
Tòa nhà trụ sở đã đóng cửa. Ông thấy gã đi vòng sang khoảng sân bên cạnh. Có vẻ như một cái lớp học, với những dãy bàn xiêu vẹo lấp ló phía trong.
Bóng một phụ nữ bước ra. Hai người chào nhau. Gã đập đập lên cánh tay cô. Trong khi cô có vẻ lúng túng.
Nói thêm vài câu gì đó cùng cô, gã quay lại.
Mày thấy con bé vừa rồi không?
Cô giáo hả?
Sao biết?
Thì cái gian bên cạnh ngó bộ giống trường học.
Đúng rồi, gọi trường chứ ở đây chỉ có dăm bảy đứa học trò, ở tình trạng xóa mù. Học trò học tới đâu, nó dạy tới đó. Hai cái phòng, một phòng là lớp, một phòng nó ở. Con bé này hay lắm, cứ núng na núng nính. Tao biết nó từ lần công tác trước.
Thế không có người của chính quyền à?
Có, nó đang đi gọi đấy. Ở đây gộp chung một chức, vừa là trưởng làng, vừa là người đứng đầu đơn vị hành chính. Lão này sợ tao lắm. Cán bộ về mà. Chỉ biết là cán bộ thôi, chứ chẳng phân biệt được thằng nào với thằng nào. Cứ xe hơi xuống, thét vài câu là tươm tướp chạy.