Con hoang – Lê Hồng Nguyên

Đêm. Hình như đêm sinh ra là để giải phóng cái tinh thần thoát khỏi sự giàng buộc thể xác với cuộc sống cộng đồng trần tục. Đêm tự do. Đêm phóng đãng và đêm lãng mạn. Đêm. Sùng sục bùng lên một cách mãnh liệt những ý nghĩ những ham muốn những đòi hỏi những nhu cầu phải được đáp ứng, được giải phóng ngay tức thời.

Cuồn cuộn trong ngoại nỗi nhớ chồng, khao khát ái ân. Nỗi nhớ và ham muốn rừng rực như lửa cháy. Như ruộng hạn như sông cạn khát lũ tràn về.

Đêm. Cái giá lạnh không từ sương từ gió. Cái lạnh thấu xương, buốt đến tận ruột đàn bà có chồng mà như quả phụ.

Đêm. Bà đi vệ sinh phải đi từ chỗ nằm trong buồng, qua gian nhà ngoài có chiếc giường bỏ không, qua gian giữa có kê cái sập gụ mà ở đó Mã đang nằm. Bà nín thở, rón rén bước bước chân nhẹ như cánh hoa hồng. Bà nín lặng tỉnh bơ không dám nhìn cái thân thể đàn ông đang nhắm mắt ngủ trên chiếc sập cổ. Bà làm như không nghe thấy tiếng ngáy đàn ông đang rất rền. Nhưng, trăng. Trăng cố ý lẻn vào nhà để trốn cái lạnh của đêm trường. Trăng lách qua khe cửa. Trăng nằm sáng trắng trong nhà. Trăng cợt nhả trườn lên gương mặt, trăng lướt nhẹ làn môi, trăng ôm trọn vòm ngực căng đầy hơi thở mạnh của chàng trai tuổi đôi mươi đang say ngủ giấc nồng. Trăng quá đáng. Trăng đắm đuối yêu đương lộ liễu đập vào mắt bà. Bà nép sau cánh cửa đứng rình. Bà tiến đến gần hơn, ẩn sau cái cột nhà nơi phía cuối chiếc sập gụ Mã nằm. Trăng chói chang, mắt cậu ta động đậy khe khẽ mở nheo nheo giống như là cậu bé lạc trong xứ sở diệu kỳ. Bà giật thột trốn nhanh như điện giật. “Điện giật” đã làm bà va vào thành sập gụ ngã sõng soài nằm vắt ngang trên bụng Mã. Bị bắt quả tang, bà run vì ngượng. Bà bật dậy để chạy, nhưng, chao ôi, người đàn ông bừng lên sức mạnh. Anh ta kéo tay bà, giữ bà thật chắc. Tim cậu ta có lửa. Bàn tay cậu ta, cơ thể cậu ta là cả một núi lửa một dòng điện có cường độ cực mạnh lan tỏa và truyền sang bà. Đâu rồi, cương vị một bà chủ? Đâu rồi thân phận kẻ làm thuê? Đâu rồi là chị là em. Đâu rồi đâu rồi tất cả những đâu rồi cuộc sống thường ngày làm ruộng cấy cày? Chỉ còn lại trăng. Đêm trăng. Chỉ còn lại núi lửa, tự do và bùng nổ, đích thực và bản năng. Bản năng đàn bà, bản năng đàn ông, tình yêu và đồng cảm… A men. Xin Chúa thấu hiểu và xá tội cho chúng con những con chiên đau khổ thiệt thòi. Và Thượng Đế tối cao. Thượng Đế sinh ra tất cả thế gian này. Chỉ có Thượng Đế mới thấu hiểu sự không làm chủ được bản thân của chúng sinh trong giây phút. Nhưng xin thưa, Thượng Đế cũng không thể lường hết được sức mạnh vô biên của tinh thần của dục vọng trong mỗi kiếp người.

Bà trở về phòng, một cảm giác lâng lâng khó tả. Giống như một giấc mơ, một cơn ma mị. Nhưng, khi tỉnh lại, trở lại với khuôn mẫu nhận thức đánh giá nhân phẩm con người trong xã hội mà ngoại đang chung sống, bà thấy mình tội lỗi. Tội lỗi, xấu xa. Bà vật vã tự vấn và nguyền rủa bản thân mình. Bà tự hỏi, tại sao lại như thế? Tại sao? Tại sao? Nhiều năm vắng chồng bà nhịn được, chịu được, sao lần này lại lao vào chuyện đó với kẻ ở trong nhà? Ma xui quỷ khiến nhập vào thân xác bà chứ đâu phải tự bà làm vậy? Ngày mai. Ngày mai trời sáng, mặt mũi nào bà dám nhìn cậu ta, quyền lực nào, tư cách nào bà sai khiến cậu ta? Và bà nhận ra rằng sẽ là những hậu quả chua xót nếu như bị ai đó phát hiện. Con thiêu thân mù quáng sa bếp lửa rực hồng. Hạnh phúc và khổ đau! Tự do và cạm bẫy!

Sự thật sáng mai không bi đát như bà nghĩ. Sự thật một sáng mai rạng rỡ nắng vàng, khí thế, xôn xang hơn mọi sáng mai. Một sáng mai thức dậy, như cô dâu vừa mới qua đêm tân hôn, như chú rể vừa mới nhậm chức làm chồng, có cái gì đó rất thiếu tự nhiên, bà và Mã, cả hai người có cảm giác bối rối, trốn nhìn vào mắt nhau, nhưng bề ngoài mọi công việc vẫn diễn ra như mọi ngày. Ăn sáng xong, Mã dắt trâu đi cày, bà vác cuốc đi sau. Nhưng hình như chiếc áo bà mặc đẹp hơn hôm qua, cái quai nón cũng mềm mại hơn cái quai nón của ngày hôm qua, mặc dù cái nón vẫn là cái nón ấy, chiếc áo vẫn là chiếc áo của mọi ngày bà thường hay mặc. Chỉ ai đó rất tinh, thật để ý mới nhận ra sự đổi khác này.

Bà tự nhủ nhiều lần, sẽ không bao giờ lặp lại chuyện hôm qua.

Từ không đến có là rất khó. Từ một đến hai là lẽ tự nhiên. Dù bà có quyết tâm sắt đá cũng không chống lại nổi cái sức mạnh vô biên, cái nhu cầu tất yếu của con người. Trái tim bà như kẻ đói ở gần mâm cơm, như kẻ lạnh thấy đống lửa không thể không tự thân nhích lại gần. Những thứ ta cần đang ở trước mắt, cám dỗ, mời mọc. Làm sao kìm hãm được! Làm sao thiếu được ái tình?

Và một đêm như thế, chồng bà bất chợt trở về. Ông gõ cửa không ai nghe. Ông đẩy cửa bước vào. Bắt gặp, hai con ma ái tình quấn lấy nhau không còn biết đâu là đất đâu là trời. Ông đứng sững như trời trồng, máu trong người bốc lửa, giận bừng bừng như muốn nghiền nát hai tấm thân kia thành đất vụn. Nhưng rồi! Nhận ra một thằng ở! Một thằng ở bất lương. Một con đàn bà tầm thường và đê tiện. Ông ném chiếc cốc xuống sàn nhà cho có tiếng động! Bỏ qua, ông vào buồng, vén màn, hôn lên trán con gái, bịn rịn, lạnh lùng, trầm ngâm, lưu luyến con, ông đứng dậy, bỏ đi.

Những tưởng đêm hôm đó, ông xuống thị xã ngủ trọ, đợi chuyến tàu sớm hôm sau. Nhưng không, ông trở lại sông Hồng, trở lại bãi đồng thậm màu phù sa, nơi trời đất đã cho ông gặp người con gái của quê hương này, và từ đó, ông gắn bó yêu thương coi quê hương vợ là quê hương mình. Đúng là, tình yêu chỉ có một, ngẫm lại ông càng thấy đúng. Thế mà nhiều khi, ông tự trách mình cổ hủ khi gặp bất cứ người đàn bà nào, dù đẹp đến mấy, đức hạnh bao nhiêu ông cũng thấy không bằng bà cả. Ông không hề ân hận. Ông ngồi thâu đêm ngoài nghĩa địa bên mộ vợ con. Gió sông Hồng trầm mặc, thi thoảng hú hú những tiếng buồn xa xa như hồn ai da diết hời ông ở lại. Gục đầu ôm bia mộ, nước mắt ông đậm ướt tên người. “Em và con ở trong anh, ở trong tim anh đây này. Em sống khôn chết thiêng hãy đi cùng anh, hãy theo anh, anh không thể nào sống thiếu em!”.

Thế là từ đêm ấy, ông ngoại tôi đi mãi, đi mãi, không trở về. Ông trở thành người mất tích. Bà ngoại lấy cái ngày có cái đêm xảy ra sự kiện ấy làm ngày giỗ chồng. Mộ ông là ngôi mộ tượng trưng, không hài cốt nên bọn trẻ trâu không sợ “ma”. Những ngày giỗ, tết, mâm cỗ đặt trên mộ, hương chưa cháy hết, bọn trẻ tranh nhau vồ sạch mọi thứ. Hình như bà ngoại cố ý để chúng vồ nên lần nào cũng vậy, khấn xong bà về nhà, không trở lại thu đồ, lễ tạ.

12

Để thay đổi cuộc đời, để cuộc sống bớt tẻ nhạt cô đơn, bà gia nhập đội du kích. Quãng đời làm du kích vào sinh ra tử, chiến công là những sáng kiến, những âm mưu tiêu diệt kẻ thù. Bà tôi chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt quân thù không kém đàn ông. Trong những thành tích chiến công ấy, có một chiến công ám ảnh bà, bám theo bà suốt quãng đời còn lại. Dư âm của chiến tranh, ám ảnh của tội lỗi, hồn ma kẻ bị bà giết khiến bà không chỉ hay mơ đêm mà thường xuyên nói mơ cả khi còn thức. Những năm già yếu cuối đời, hồn ma kẻ bị bà giết cứ lừng lững hiện về ngồi đối diện, đấu khẩu tay đôi với bà.

Bà tôi mất rồi, hồn ma vẫn không mất. Hồn ma, chất độc của chiến tranh đã ăn vào cơ thể mẹ tôi, đã trú ẩn trong tâm hồn mẹ tôi, con gái của bà tôi. Mẹ tôi trở về già, ký ức ấy, chất độc ấy, hồn ma ấy ám ảnh mẹ ngày một dữ dội hơn, sâu sắc hơn.

Đêm, người già khó ngủ, lũ mèo gào gọi bạn tình thảm thiết thê lương, trẻ sơ sinh khóc dạ đề nằng nặc canh khuya; ngày, tiếng lao xao trong buổi sớm mai bắt đầu ngày mới, tiếng gà gáy trưa lưa thưa đây đó, tiếng khóc nỉ non trẻ nhà ai trong hoàng hôn nhớ mẹ… Tất cả, tất cả, ngày lại ngày, năm vẫn năm, dậy lên trong mẹ cảm giác buồn xao xác, xót xa. Mẹ bảo ký ức như một thứ dịch vị, ngửi thấy mùi là tứa ra, là nhớ lại, là hiện về mới nguyên như là vừa mới xảy ra, như là đang hiện hữu.

Năm ấy Thắm, mẹ tôi lên mười.

Chuyện xảy ra vào một buổi sáng.

Một buổi sáng mặt trời chưa tỉnh ngủ, nhưng bầy chim đã hát loạn trong vườn, làm thức dậy thói quen bản năng con trẻ của Thắm. Thắm quờ tay tìm mẹ để được mẹ yêu, để được ấp ủ, để được gối đầu tay, để được vỗ về. Thắm thấy bên này, những gối những chăn như thể người lớn để chặn cho con trẻ sơ sinh khỏi giật mình. Thắm sợ hãi khi nhận ra, hình như suốt đêm ngủ không có mẹ! Thắm run rẩy gọi “Mẹ ơi!”. Không thấy tiếng mẹ trả lời. Thắm bật dậy khỏi giường, bước ra bậu cửa. Ban mai còn vương lớp màng của đêm, lằng nhằng ảo ảo. Thắm dụi mắt đi quanh nhà tìm mẹ. Thắm đi xuống bếp, dụi dụi đôi mắt, rấm rứt: “Mẹ, mẹ ơi, mẹ đâu rồi…”. Nghe tiếng gọi của con, phản xạ của tình mẫu tử, từ trong chuồng trấu mệt mê man, bà bật dậy ùa ra, ôm con. Tóc tai xũ xượi, vỏ trấu bám đầy người, trông ngoại như một con ma dại.

Thắm hét to:

– Bà ba bị!

Bà ôm chặt Thắm. Mùi tanh của bùn, mùi tanh của máu bốc ra từ bà ba bị khiến Thắm rùng mình ôm mặt. Bà nghẹn ngào trấn an con:

– Mẹ. Mẹ đây con…

Thắm thấy những vết xước bờ giậu rào mây cào chằng chịt như những con cuốn chiếu hằn trên má bà. Tóc bà són lại từng lọn, rối bời. Thắm không nhận ra mẹ mình. Gương mặt sợ hãi của con gái khiến ngoại bộc phát thốt lên:

– Tên phản bội khốn kiếp!… – Bà khóc.

Đứa trẻ hãi quá, thấy mẹ khóc cũng khóc to thành tiếng:

– Mẹ, mẹ ơi, mẹ đâu rồi, hu hu hu.

Ném con dao xuống đống tro tàn, bà ôm chặt con gái:

– Mẹ xin lỗi. Mẹ xin lỗi. Mẹ là mẹ của con thật mà. Đêm qua con gái mẹ ngủ một mình. Mẹ xin lỗi! Mọi chuyện xong rồi. Mẹ xin lỗi, mẹ sẽ không như thế nữa…

Thắm ôm mẹ.

– Hu hu hu. Mẹ bị làm sao thế? Ai đánh mẹ đau thế này! Hu hu hu. Con đi lấy dầu xoa cho mẹ.

– Không. Mẹ không sao. Mẹ đi rình bắt ông ba bị, mẹ phải giả vờ giống ba bị đấy mà…

Hai mẹ con chìm trong giấc ngủ muộn.

Mặt trời xé toạc màn sương đêm mỏng như the tự lúc nào, ánh nắng tuôn trào chứa chan từng lối ngõ, hai mẹ con vẫn say ngủ. Tiếng bước chân người nhộn nhịp ngoài đường cùng những tiếng xôn xao náo động, bà ngỡ mình mơ ngủ:

– Khủng khiếp quá.

– Một nhát dao phi trúng yết hầu.

– Phải là tay giết người chuyên nghiệp

– Sao? Ai giết ai? Ai bị giết?

– Lão Hiểu bị giết đêm qua.

– Chập tối, tôi vẫn nhìn thấy lão trên đường cái cơ mà.

– Chết thì làm sao mà biết trước được.

– Hắn có thù oán với ai nhỉ?

– Thời loạn. Biết ai giết ai bây giờ…

– Chả biết ra làm sao nữa. Thật là rùng rợn!

– Chắc Việt Minh nhà mình ra tay. Nghe đồn đâu đó, tay Hiểu làm chỉ điểm.

– Khe khẽ cái mồm thôi. Tội vạ gì đến nhà ông…

– Chẳng lẽ bọn chỉ điểm giết hại nhau?

– Lão Hiểu đĩ lắm. Hay rình bóp vú đàn bà. Vô phúc quờ quạng phải nữ du kích bị dính chưởng là cái chắc…