Con hoang – Lê Hồng Nguyên

Bỗng vai cày kọt kẹt. Khối đen trâu sững lại. Ông sững lại, nhìn soi mói cái lưỡi cày. Chà, một búi cỏ bện vào nhau ngăn cản. Ông cúi xuống, gỡ, căng, dứt nó ra, giựt, giựt. Lưỡi cày sắc, ngọt, cứa vào tay ông tứa máu. Máu nóng hổi ứa ra, nhỏ xuống lưỡi cày. Đêm. Cái bùi nhùi rơm có lửa, ông cầm, huơ huơ. Trong lửa ấm, lưỡi cày được sáng lên như mắt giúp ông tìm nhặt những ngọn cây lá nhọ nồi lẫn trong búi cỏ vo viên lại cho vào miệng, ông nhai đắp lên vết thương đang nhỏ máu. Dừng đến mười phút, máu ngừng nhỏ, cảm thấy vết thương như đã được khép lại, ông và trâu lại tiếp tục cày. Trâu to lớn, chậm rãi những bước chân trên bề mặt ruộng rạ. Trâu kéo lưỡi cày khía vào lòng đất. Ông đi sau tay vịn tay cày, bàn chân bước, lách khe rãnh luống đất đã được cày. Mỗi lần vắt vắt cái dây thừng sỏ mũi trâu, bàn chân ông dẫm lên đất ướt, vết thương xót, buôn buốt, nhoi nhói đau, xoáy vào lòng ông nỗi mất mát, cồn cào. Ông nhớ vợ, người vợ đầu tiên, tình yêu đích thực của ông. Vợ chồng cơ hàn sướng khổ có nhau, yêu nhau, thương nhau, nghĩ cho nhau đi đâu cũng có nhau. Ông nhớ bà, nhớ tình yêu trai trẻ. Ông quên sao được không gian xao xuyến buổi ban chiều thôn nữ giữa trời xanh say gió. Ông nhớ tấm lụa mềm nhuộm màu trinh nữ bay trong giáng chiều trên cánh đồng mênh mang như bất tận. Tuổi trẻ, tình yêu, tình chồng vợ hiện hữu trước mắt ông, từng bước đi theo ông, thầm thì bên tai ông, nâng bước chân ông. Linh cảm và linh thiêng, ông tin rằng dù ở thế giới bên kia, bà vẫn hướng về ông, dõi theo ông, nhớ ông, sẻ chia, lo lắng ân tình.

Bàn tay ông nắm tay cày như nắm bàn tay vợ. Gió thì thầm, giun dế hát ngân nga. Mối tình đầu chỉ có một mà thôi!

Bất chợt ông đưa mắt nhìn lên bờ, phía gốc cây gạo nơi có bó cỏ ông để dành cho trâu ăn khi tạm nghỉ cày, xuất hiện bóng người lờ mờ như mây khói di chuyển trong màn đêm như làn điệu nhập đồng. Ông nghĩ, mắt mình hoa! Ông dừng lại, dụi dụi. Ông căng mắt, chăm chú. Bóng dáng ấy rập rờn rập rờn, thấp thoáng thấp thoáng, như mời như gọi. Ông nhìn về mọi phía, không một vật thể nào di động trong không gian. Bóng dáng kia vẫn say mê màn trình diễn ấn tượng. Bóng dáng kia vẫn cứ rập rờn rập rờn làm ông u mê, làm ông thẫn thờ, làm ông rạo rực. Dại khờ, hoang tưởng hoang đường, ông cất tiếng gọi:

– Mình ơi!

Bóng nàng gục xuống u buồn.

Đúng là vợ ông rồi! Bỏ trâu bỏ cày, quần xắn ngấm bùn, chân chạy liêu xiêu, tim ông vang dội:

– Mình ơi! Mình… ơi!

– Mình cũng biết tôi ở ngoài này. Tôi đang nhớ mình!

Ông, kẻ si tình mù quáng. Đêm – mụ phù thủy lưu manh bệnh hoạn uy quyền biến bà tôi thành con ma tình ái khao khát điên cuồng quên cái gọi là liêm sỉ, tự trọng, không còn biết khái niệm của xấu hổ rị mọ.

Ông tôi nức nở bên nàng:

– Anh thương em, anh thương em lắm…

Không để cho ông nhìn thấy gương mặt mình, bà vục đầu sau gáy ông. Niềm khao khát yêu đương chứa chất trong bà bấy lâu nay như mồi lửa ủ lâu ngày, như mầm cây trong lớp vỏ rạo rực chực chờ đợi, giờ xuân đã về. Bà quỳ gối, siết chặt vai ông. Bà vục mặt sau gáy ông không rời cho tới khi bàn tay bà lần lần cởi hết các khuy áo ông, kéo chiếc quần luồn chun của ông ra khỏi ông, khi ấy gương mặt bà mới rời chỗ, hối hả áp môi lên môi lên ngực ông. Bà tháo vát lướt nhẹ tay dưới khe đùi, chạm vào sức nóng. Tro than lâu ngày bùng lên ngọn lửa. Bà đưa tay tìm chỗ ấy nhè nhẹ xa xa, đong đưa đong đưa, gần gần gụi gụi.

Ông thì thầm gọi tên vợ cả – người đàn bà quá cố của ông. Nhưng cũng không vì thế mà cơ thể bà hai không bùng lên khoái cảm tột cùng, nổ tung thành triệu triệu những mảnh vỡ rực hồng tan chảy hòa quyện trong ông để rồi ông trút trọn vẹn tinh túy trong bà, để yên, bất động.

Mồ hôi ông mát mịn, đượm thân thể bà. Viên mãn, toại nguyện. Cứ để thế, mồ hôi ông ngấm vào da thịt, nhiều ngày sau, tới mức cơ thể bốc mùi, bà mới chịu đi tắm.

Tiếng gà gáy bảng lảng mơ hồ từ phía làng vọng lại làm ông giật mình choàng dậy. Sương trời như tấm màn the lờ mờ bóng nhãn và mái nhà gianh ở phía làng. Khói bếp nhà ai lan trong sương. Hình như trong lúc ngủ, phần hồn của con người ra khỏi xác đi chu du nơi nọ nơi kia. Khi xác ngủ dậy, hồn hớt hải chạy về nhập vào xác làm một, đó là lúc ngái ngủ. Ngái ngủ, ông vẫn chưa định hình, chưa đủ tỉnh táo nhận diện mộng hay mơ hay thực những gì đã diễn ra đêm qua. Tinh thần ông hốt hoảng, cứng đơ như người vừa bị mất cắp. Ông nháo nhác nhìn đất nhìn trời. Trời tinh khôi trong veo như mắt trẻ. Ông nhìn về phía ruộng, con trâu bị ông bỏ mặc dưới đồng vai vẫn còn đeo ách. Thừng rợ và cày trâu vẫn quàng cõng phía sau. Cả đêm, mỏi và lạnh, trâu vẫn kiên nhẫn chôn chân ngóng chờ đợi chủ. Thấy ông nhìn, đôi mắt trâu ướt buồn, rướn đôi sừng gật gù như vẫy. Thấy trâu, ông như tỉnh lại trở về với thực tại. Ông băng xuống ruộng, chạy về phía nó. Luống cày mấp mô, ruộng cày sệt nước khiến ông loạng choạng chao ngã bên này ngã ngả bên kia. Trâu lo lắng, hồi hộp nhìn ông. Chưa kịp thật gần, ông đã nhao người vào nó, quàng tay ôm chặt cổ con trâu. Ông nghẹn ngào:

– Mày đợi tao lâu lắm phải không. Xin lỗi đã để mày cả đêm đói chôn chân dưới bùn.

Trâu nghẹn ngào cụp cụp hàng mi cong giấu tròng mắt lồi giàn giụa nước, mũi nó sụt sùi chảy nhớt như người bị cảm cúm.

Thấy bụng bà tôi lùm lùm, ông trợn tròn mắt hỏi:

– Bà làm cái trò gì thế?

– Tôi có chửa.

– Bà chửa với cái cột giường?

– Tôi chửa hoang.

– Bà đi hoang với ai?

– Tôi đi hoang với ông.

– Bà đừng gắp lửa bỏ tay người.

– Có chồng thì phải có chửa.

– Nhưng tôi với bà…?

– Ông đi mà hỏi con trâu nhà ông. Nó biết đấy.

– Bà đừng có quá quắt.

– Ông đừng có ác.

– Bà không biết thế nào là xấu hổ.

– Có chồng có chửa, chính đáng, sao tôi lại phải xấu hổ?

Ông tôi uất giận đập đầu vào cót thóc.

Bà tôi khóc kể dài:

– Có ai khổ như tôi không. Có ai nhục nhã như tôi không. Cưới xin đàng hoàng chứ có phải là con ở đâu cơ chứ. Con ở còn được nhận tiền công. Tôi quần quật tối ngày như trâu như chó. Đêm động phòng cũng không có, thôi cũng đành. Mang tiếng lấy chồng nào đã bao giờ được nằm kề tay ấp. Nào đã bao giờ được ông đoái hoài đến cái thân. Đàn bà lãi ở cái đứa con. Ông tưởng tôi phải làm cái chuyện ấy tôi sung sướng lắm à. Ông ác nó vừa vừa chứ. Cái bụng của tôi đây này, nó là con của ông đấy. Ông đừng có giả đò mê muội. Ông tỉnh lại đi. Chị ta chết rồi. Chết là hết. Ông tưởng chị ta còn về được với ông đấy. Ông hoang tưởng nó vừa vừa thôi! Ông phải có con, có con nối dõi ông hiểu chưa!

– Im đi! Đồ đê tiện!

– Ai là đồ đê tiện?

– Câm miệng!

Chín tháng mười ngày bà sinh được một bé gái. Bà đặt tên là Thắm. Sau này bà kể, sở dĩ đặt tên con như vậy là từ câu thơ “Có phải duyên nhau thì thắm lại. Đừng xanh như lá bạc như vôi”.

Nghĩa vợ chồng bắt nguồn từ đứa con chung.

Nhưng vốn sẵn trong mình cung Thiên di, năm lại năm, xong vụ gieo trồng, ông lại lên đường đi bôn ba thiên hạ. Để lại nhà, người đàn bà giàu có, một con, vắng chồng.

11

Người đàn bà là gái một con, nhiều ruộng nhiều vườn, quanh năm ngày tháng vắng chồng là bà ngoại. Và Mã, chàng thanh niên không phải trai làng. Mã là người làng bãi giữa sông Hồng, được người nhà đưa đến xin làm thuê cho bà ngoại. Mã còn ít tuổi mà trông rắn rỏi lắm. Nước da đỏ màu bánh mật, bờ vai cường tráng tuổi đôi mươi, nổi trội gương mặt là đôi mắt sáng như có lửa.

Bãi giữa cách nhà bà đến mươi cây số đường đi bộ nên bà cho phép chàng trai trong thời gian làm công được ở lại nhà. Mã ngủ ở nhà trên để trông coi trộm cắp. Ngoại ngủ trong gian buồng từng là của ông khi ông có ở nhà.

Mã có sức khỏe, hoạt bát, rất thạo việc nhà nông. Từ ngày đến làm người làm trong nhà, chưa việc gì Mã để bà phải phật ý. Chỉ có điều Mã không biết chữ nên có đưa sổ chấm công cho Mã để Mã tự biết bà đã tự ý tăng công cho Mã rất nhiều thì Mã cũng không biết, không quan tâm, không cảm xúc. Bà rất hài lòng, an tâm tin tưởng tính trung thành, tận tụy của Mã. Chồng đi vắng, không có đàn ông chủ sự trong nhà, nhiều việc bà thân tình tới mức coi Mã như người nhà để tham khảo ý kiến Mã. Mưa dầm thấm lâu. Tình cảm bắt nguồn từ lao động, từ những ngôn ngữ chân tình, sẻ chia.

Đêm. Sau một ngày lao động vất vả, no cơm, rượu say, dưới ánh sáng ngọn đèn, chàng trai lực điền có tên Mã đặt lưng xuống giường là chìm vào giấc ngủ. Từ ngày có Mã, đêm đêm tiếng thở, tiếng trở mình, tiếng ngáy hồn nhiên của Mã đã xóa đi sự âm u cô tịch của ngôi nhà, chồng đi vắng mãi, bây giờ ngôi nhà mới có được cái hạnh phúc ấm áp đó. Giờ đây, ngoài đứa con bi bô đang tập đi tập nói, ngoại đã có Mã để nói để gọi để chuyện trò.

Mã đang tuổi ăn tuổi ngủ sức lực bẻ gãy sừng trâu. Có những hôm cần phải dậy sớm ra đồng tránh nắng mà chàng trai vẫn say sưa chìm trong giấc ngủ. Ngại quá, bà đi đi lại bên giường gọi cũng chẳng được. Giận ư, làm sao mà giận được, chàng trai ngoan ngoãn như một đứa em, một người bạn ít tuổi. Bà thân mật đến gần vỗ vỗ vào vai đánh thức cậu ta. Cậu ta giật mình mở mắt, ánh mắt bé xíu, trong veo thứ ánh sáng như trời xanh qua kẽ lá ngác ngơ như đang mơ, ngoan ngoãn dậy theo bà.

– Nắng lên rồi, em ngủ quên mất, sao chị không gọi em dậy sớm hơn. – Vừa nói chàng trai vừa với áo quần vắt trên chiếc ghế tràng kỷ phía đầu giường mặc. Nhìn em, tác phong em, bóng dáng em, bà thấy gần gụi một nhà.

Bà thầm cảm ơn Mã. Có Mã, ngày lại ngày như phép lạ như nước cuốn trôi thời gian, cuốn trôi những nỗi buồn những ý nghĩ bất hạnh về ông.

Nhưng đêm. Lại là đêm. Thanh vắng cô tịch. Cô tịch dẫn người ta nghĩ ngợi ngẫm sự đời và ngẫm đến bản thân mình sâu đậm. Bà nhẫn nhục, dẻo dai và kiên nhẫn, mưu mô và thủ đoạn, vì lý do chính đáng mà bắt buộc bà phải làm thế. Bà khao khát có con, để được làm mẹ, để không phải chịu câu hát đồng dao “Cây khô không lộc, người độc không con”. Bà không phải là cây khô, bà không phải là kẻ độc.

Có con với chồng, vị thế của bà cũng được đổi thay. Bà không phải như con ở trước đây, bà là vợ là mẹ, mọi sự trong nhà đã được cải thiện, ông cũng bắt đầu cởi mở hơn với bà. Nhưng chuyện ân ái chồng vợ vẫn tuyệt nhiên ông chưa một lần tự nguyện. Mỗi khi thấy ông ôm ấp cưng nựng con, bà đắm mình trong hạnh phúc là mẹ, yêu chồng, bà muốn có cơ hội đẻ thật nhiều con cho ông. Nhưng mơ ước chỉ là mơ ước thôi. Ông đi biền biệt. Bà chẳng thể nào níu giữ được ông.