Con hoang – Lê Hồng Nguyên

Cho tới một ngày, cơ quan đánh thư về theo địa chỉ nhà mẹ cả, giục bố lên giải quyết công việc. Mẹ cả dắt đàn con lóc nhóc đến nhà, xỉa vào mặt mẹ tôi:

– Con đĩ, hại chồng tao lại còn muốn cướp trắng chồng tao.

– Bà có chồng thì bà phải giữ, liên can gì tới tôi.

– Ông ấy đi mấy ngày rồi mà vẫn chưa tới nơi

– Bà đến nơi ấy mà hỏi

– Mày khốn nạn vừa vừa thôi. Cơ quan người ta đánh công văn về kia kìa, mày giấu ông ấy ở đâu, mày thả ông ấy ra ngay.

– Chứng cớ đâu? Cút ra khỏi nhà tôi ngay.

Mẹ cả với cái chổi định đập vào đầu mẹ tôi. Trông thấy tôi, hình như tôi hao hao giống ai đó trong đàn con của bà, mẹ cả dừng tay, nói dịu:

– Gì thì gì cũng phải để người ta công tác tốt chứ!

Thế là từ đó, mỗi khi có dịp về quê, ngày, ông là của mẹ cả. Đêm, bước những bước vội vàng, ông đến với chúng tôi.

Tôi vẫn chưa có khái niệm về bố.

Khi tôi năm tuổi, mẹ sinh thêm em bé, tên nó là Quận. Em tôi xấu số, chào đời được ít ngày thì mất. Khổ thân em, sinh ra, không có hậu môn. Lúc em tôi mất, có bố tôi chứng kiến. Ông ôm tôi vào lòng, khóc “con ơi!”.

Được ôm vào lòng, được gọi con ơi giống như các bạn hằng ngày có bố, tôi sung sướng quá, liền ôm cổ ông. Tôi hạnh phúc đáp lại “Bố, bố, bố ơi”.

Bố tôi bỏ cơ quan trên Sơn La, Mộc Châu về hẳn quê làm phó thường dân sống cùng vợ và con.

Nhiều năm làm quan xã với cương vị chủ nhiệm hợp tác kiêm chủ tịch, kiêm cả bí thư đảng ủy, “chất quan” đi đâu ở đâu cũng được long trọng đã ngấm sâu vào xương tủy máu thịt bố tôi rồi, giờ làm sao bố có thể thản nhiên vác cuốc, đánh trâu ra đồng cày ruộng như những ngày xa xưa? Cái sĩ diện, lòng tự trọng của bố và ánh mắt dân làng làm sao có thể cho bố trở về với công việc đồng áng gốc gác của mình dòng dõi nhà mình một cách thản nhiên vô thường được!

Từ ngày mất chức, chưa một lần bố xuất hiện trước đám đông, chưa một lần bố tham gia lao động hợp tác xã.

Nhưng tình yêu, chỉ có tình yêu, tình thương vợ chồng mới giúp được bố tôi vượt qua được cái sĩ diện bấy nay của bản thân mình.

Mùa lũ năm ấy nước lên quá nhanh.

Mẹ tôi vừa mới sinh nở chưa tròn tháng, sức khỏe chưa hồi phục, em tôi qua đời.

Mẹ tôi ốm yếu cả thể xác lẫn tinh thần thế mà đã phải ra bãi lội nước sông ngập đến tận cổ nhổ cây đay.

Bất chấp sự dị nghị của mọi người, bố ra bãi lội ruộng giúp mẹ tôi. Bố kéo mẹ lên bờ, bắt mẹ về nhà nghỉ dưỡng để bố làm. Mẹ tôi không nghe, cứ nằng nặc đuổi bố tôi về. Mẹ tôi xanh mướt, nước thũng da. Sông ầm ào, nước nặng phù sa, lạnh ngắt. Đồng bãi ngập hòa cùng một dòng sông. Không khí lao động khẩn trương nhốn nháo như một bãi biển quá đông người. Mênh mông là vậy, đông đúc là vậy, tập trung lao động là vậy, thế mà bố vừa mới xuất hiện, mọi người nhận ra ngay. Họ để ý, chỉ trỏ, xầm xì.

Mẹ cả cùng đàn con nheo nhóc cung cúc nhổ cây đay trên phần ruộng nhà mẹ cả, thấy mọi người chú ý chỉ trỏ cũng tò mò nhìn theo. Nhận ra bố đang làm trên phần ruộng nhà tôi, mẹ cả lờ đi coi như không nhìn thấy. Nhưng, mọi con mắt đổ xô về phía mẹ cả. Những con mắt đảo liên hồi. Những con mắt tò mò muốn xem mẹ cả sẽ làm gì. Trong không khí như ngày hội, những con mắt muốn xem phim chưởng, những cái tai muốn nghe ca nhạc.

Họ tiêm kích:

– Nhìn kìa, đúng là vợ trẻ có khác. Ngạc nhiên chưa, lão nhà mày kia kìa, bỏ việc nhà đi làm cho con ranh…

– Vợ kèo con cột bằng thật chẳng ăn ai…

– Nóng mắt quá. Phải tôi, tôi sẽ cho con ranh ấy một trận.

– Bà hiền quá đấy. Thế mà cũng để yên được!

– Ít ra cũng phải cho nó một trận đòn cảnh cáo!

Bị kích động, mẹ cả tức giận nổi cơn thịnh nộ, cầm liềm xấn xổ đến chỗ mẹ tôi, bổ rách nón, túm tóc quấn mấy vòng dìm mặt mẹ tôi chìm xuống nước:

– Con đĩ không biết ngượng này, con đĩ này.

Bố đạp mẹ cả ra xa:

– Về làm đi. Đừng có ác. Người ta vừa mới ở cữ.

– Ái chà, bênh gái đĩ…

– Người nhà với nhau. Còn phải nể mặt tôi chứ.

– Con đĩ mà gọi là người nhà à?

– Ít mồm thôi. Vạch áo cho người xem lưng. Người ta đang nhìn mẹ nó kia kìa.

– Không vạch người ta cũng thấy. Quá quắt nó vừa vừa thôi!

Bố kéo mẹ cả về phần ruộng nhà mẹ cả. Ruộng mênh mông nước dập dềnh cản ngược lại, miệng ngập nước, đi sát bên nhau, một tay túm lấy nhau, tay kia giang ngang khua như mái chèo trông hai người như một cái bè nửa chìm nửa nổi. Nắng gắt chói chang lấp lánh theo làn sóng lúc chồm lên, ẹp xuống. Gió thổi bạt chiếc nón trên đầu mẹ cả. Cha kéo tay mẹ cả, nước ngập sâu mênh mông, ngỡ như cha đang vất vả cứu con thuyền đang bị chìm dần.

Không biết bố nói gì mà mẹ cả lặng thinh suốt buổi làm. Lặng thinh và lầm lụi như con thuyền mục nát nặng phù sa.

Tuổi thơ tôi được chứng kiến nhiều lần mẹ cả đến tận đầu ngõ chửi rủa mẹ tôi. Thương bố, mẹ tôi không chửi lại. Mẹ đứng giữa sân nói với bố nhưng là nói để mẹ cả nghe:

– Ông về đi, đừng bao giờ đến đây nữa. Ông bà tôi tội tình gì, hơi một tí là chị ta lôi ra chửi.

Mẹ cả xấn vào tận nhà túm tóc đánh mẹ tôi.

– Gái đĩ lại ra cái giọng chính chuyên. Mày có tội với tổ tiên nhà mày. Mày làm ô nhục tổ tiên nhà mày con đĩ ạ…

Bố bịt mồm mẹ cả. Những tưởng bố bênh người vợ trẻ, ai ngờ bố thương cả hai. Có bố ôm mẹ cả, mẹ tôi tranh thủ lợi thế xấn vào, giựt tóc, đấm đạp vào bụng mẹ cả. Không kịp trở tay, rất nhanh, bố văng người chịu cú đạp ấy thay mẹ cả. Cứ thế, bố như bia đỡ đạn, che cho bên này, đỡ đòn cho bên kia. Cả làng xúm tới xem ai cũng phải bật cười.

Mẹ tôi khóc:

– Chúng mày cút ra khỏi nhà tao ngay!

Bố theo mẹ cả, chính xác hơn, bố dẫn mẹ cả về nhà để điều đình.

Im ắng hàng tháng trời không thấy mặt bố, mẹ tôi ra ngóng vào trông. Đêm nào mẹ cũng sửa soạn giường chờ đợi. Còn tôi, tôi thấy ông gây phiền toái cho mẹ tôi quá nhiều. Ngoài đường, hễ trông thấy tôi là thế nào người ta cũng đàm tiếu làm tôi rất khó chịu. Vì thế tôi cũng không hào hứng về bố lắm. Tôi cảm thấy tôi và bố chưa có gì gắn bó tới mức lâu không gặp là nhớ. Tôi ghét ông.

Tôi nhớ mãi những ngày mùa đông gieo rắc buồn. Bàn chân tôi nứt nẻ vì heo may. Tối tối, mẹ đun nước bồ kết ngâm chân hai mẹ con. Những bàn chân két bùn ngâm nước bở như khoai. Sau đó, mẹ lấy mỡ gà xoa một lớp mỏng lên bàn chân bàn tay, lên má hai mẹ con. Khói bếp mùa đông ấm áp nhưng khô đến khó thở. Có thể là do ngâm chân lâu trong nước, có thể là do thời tiết, lần ấy tôi bị viêm phổi nặng, quặt quẹo hàng tháng trời phải nghỉ học. Bệnh tật và mệt mỏi tôi thấy nao nao buồn, thấy chán đời, thấy thiếu thốn, thấy mất mát một cái gì ấy mà tôi không nhận diện được thành lời. Có lẽ hoàn cảnh đã khiến tôi cả nghĩ, già sớm tuổi? Có thể con trai ở độ tuổi dậy thì, nhỡ nhàng nửa người lớn nửa còn trẻ con, tâm trạng, ý nghĩ dở dở ương ương? Tôi ghét sự có mặt của mình trên cõi đời này. Tôi ghét bố. Đôi khi tôi thấy ghét cả mẹ. Tôi cảm thấy mẹ lạc lõng với tôi. Tôi cảm thấy hình như mẹ muốn bứt phá muốn ruồng bỏ hiện tại. Có những lúc tôi lại thấy mình có lỗi với mẹ. Tôi ao ước làm được điều gì đó bù đắp cho mẹ.

Và rồi, bố đã trở lại. Bố trở lại vào lúc ban ngày. Tôi không bất ngờ lắm. Mẹ tôi cũng không vui.

Có bố công khai, chúng tôi lại có những nỗi buồn mới. Nỗi buồn của một gia đình không danh chính. Một gia đình vá víu vào nhau. Thực sự là mệt mỏi. Hình như cả ba chúng tôi ai cũng mệt mỏi, ai cũng chạy trốn ý nghĩ thật trong nhau mặc dù bề ngoài tất cả đều vì nhau, bù đắp cho nhau. Cả ba chúng tôi đều nỗ lực một cách vô thức để không cho ai thấy tâm trạng yếu đuối nơi tận cùng trái tim mình. Bởi chúng tôi thấy ai cũng đã quá khổ vì ai, ai cũng có lỗi với ai. Đời là một vở kịch. Kịch bản cuộc đời do mỗi tâm hồn, lương tâm mỗi nhân vật tự định đoạt.

Cả quãng đời tuổi trẻ linh hồn mẹ tôi thủy chung duy nhất một mối tình. Nhưng mẹ phải sống trong vòng vây của bố.

Nhiều đêm mẹ bỏ mặc chúng tôi, mẹ lao vào bóng tối, băng qua cánh đồng, băng qua những con đường vắng vẻ, băng qua những bãi tha ma, mẹ đến với đầm Vạc. Mẹ đứng với dòng sông. Sóng sông Hồng gầm gào muôn thuở vỗ ì oạp vào bờ, khắc dấu tuổi thơ. Tiếng sáo trúc thoang thoảng, vu vơ ùa theo tiếng gió dặt dìu, xa, rõ, rồi lại chìm, lại rõ. Tiếng sáo trúc của những chàng trai trẻ tuổi bên kia sông như âm vọng linh hồn từ đâu đó trở lại, ùa vào thể xác đang căng đầy ký ức của mẹ tôi. Ký ức bừng sáng lên khiến mẹ tươi mởn như một cô gái chưa chồng. Đẹp và buồn, tuổi thơ mẹ và Hạnh. Mẹ mơ màng trong tiếng sáo, mẹ say nồng ký ức thuở đang yêu. Thánh thót, du dương, rộng ràng, trầm bổng. Mẹ ngây ngất thả hồn theo tiếng sáo. Gió rung mạnh ruộng ngô, dào dạt lá. Mẹ tần ngần nhìn mãi những bóng ai. Dòng sông đêm, đen như dải lụa khổng lồ. Sóng miên man như những sợi chỉ dài vô tận. Mẹ không còn phân biệt được đâu là hư đâu là thực, là phép lạ hay là nếp nhớ nhung miền ký ức. Và rồi, giữa mênh mang ma mị của màn đêm, gió hoang dại oằn mình như lốc xoáy thổi bốc lên những đám cát dựng đứng như bóng hồn. Mẹ hét lên: “Cút đi, đừng ám ảnh tôi nữa. Hãy để yên cho tôi sống!”. Tim mẹ như vỡ ra. Mẹ quát bóng ma hay chính mẹ đang quát mẹ. Hạnh là linh hồn, là máu thịt là tất cả những gì làm nên mẹ.

28

Sau ngày giải phóng miền Nam ít năm, Bệnh viện Điều dưỡng thương binh tâm thần của tỉnh được xây dựng trên địa bàn xã mình. Khu Điều dưỡng thương binh Tâm thần cách nhà tôi chừng nửa cây số. Hàng trăm thương binh tâm thần được chuyển từ viện Điều dưỡng ở Nho Quan, Ninh Bình, ở Thuận Thành, Bắc Ninh về nơi đây. Kỳ lạ, những người chiến binh tâm thần, họ mất trí nhớ, họ nói linh tinh, họ không làm chủ được hành động của họ, họ mất khôn nhưng họ không quên chiến trường mà họ từng chiến đấu. Thương binh tâm thần mà vẫn nghiêm chỉnh thực hiện kỷ luật quân đội, kỷ luật của những trận đánh.

Sớm tinh mơ dân tình đã phải thức dậy bởi tiếng đồng thanh như hô như quát: “Nghiêm! Chào cờ chào”, “Xin thề! Xin thề” của các đồng chí thương binh. Chưa hết, các đồng chí ấy lần lượt hát Quốc ca, hát đủ những bài ca truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hát xong, hô “nghiêm” và “nghỉ”. Cứ thế ngày lại ngày diễn ra như một kịch bản cố định.

Những ngày đầu mất ngủ, sinh hoạt bị đảo lộn, bà con rất khó chịu. Sau, nghe nhiều thành quen, thành thuộc những bài hát của các anh. Tinh thần yêu nước của những chiến binh qua những bài hát, những lời đanh thép “Xin thề, xin thề” có sức truyền cảm, lan tỏa, tác động đến tâm hồn, ý chí người dân quê tôi. Từ khi có các thương binh về điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng, năm giờ sáng nghe thấy tiếng hô “Nghiêm. Chào cờ chào” là toàn dân thức dậy liền. Khí thế một ngày mới bắt đầu với những âm vang âm hưởng của những bài ca cách mạng.

Mùa hè, nhiệt độ lên đến ba tám bốn mươi độ, đó là thời điểm bệnh tật của những người chiến binh trong khu điều dưỡng trở nên trầm trọng. Phần lớn các đồng chí thương binh điều dưỡng ở đây từng là những sĩ quan chỉ huy tiểu đội, đại đội, trực tiếp tham gia, chỉ huy những trận đánh.