Con hoang – Lê Hồng Nguyên

15

Tôi đã lớn khôn bằng những câu chuyện mẹ thường hay kể, bằng những nỗi buồn những niềm vui của mẹ và những gì tôi tự thấy ở xung quanh. Tôi hít thở không khí miền quê, tôi uống nước sông Hồng ngầu đỏ phù sa dãi dầu mưa nắng. Tuổi thơ tôi là những trưa tháng Sáu tháng Bảy nắng đun sôi ruộng đồng, theo chúng bạn đi nhặt cua ngoi lên bờ, bắt những con cá con tôm thoi thóp lững lờ đờ đẫn trong chảo nước khổng lồ. Trưa tháng Bảy nhãn lồng chín rộ, tuổi thơ tôi với những kỷ niệm trèo cây trĩu quả, được nếm vị ngọt từ những chùm quả nhãn xù xì tự tay mình bẻ. Tuổi thơ tôi như những con chuột nhắt chén no nê những chùm nhãn đầu mùa mà không biết chán. Vị nhãn thơm thơm, hạt nhãn lấp lánh đen tròn như mắt cười của thiếu nữ quê tôi. Nhãn lồng Hưng Yên. Nhãn lồng chém ngập dao phay. Tâm hồn tôi dạt dào câu hát dân ca, đa cảm như tình mẹ, cuồn cuộn như dòng sông tháng Bảy, lai láng mênh mang như những buổi chiều hè trên con đê quai ngào ngạt hương sen hương lúa đang thì ngậm hạt. Tôi là con trai nhưng nữ tính lại hơi nhiều. Tôi giống mẹ. Những gì mẹ chưa biết, mẹ bắt tôi phải biết. Những gì mẹ không có được, mẹ muốn tôi phải đạt được. Những gì mẹ thiệt thòi, mẹ cố gắng không để tôi thiệt thòi. Một đứa con trai là tôi, tuổi thơ tôi chưa một ngày tôi xa mẹ. Mẹ là một nhân chứng, một nhân chứng của một giai đoạn lịch sử của làng quê. Mẹ chứng kiến bao mảnh đời éo le, oan ức, tủi hổ. Và chính mẹ là nạn nhân bị đời giày xéo bầm dập. Mẹ bảo, cũng may, tôi lại là con trai, con gái thì… khổ lắm!

Những đàn bà con gái thấp học luôn là đối tượng bị người ta lạm dụng. Mẹ đau khổ khi thấy mình có thai, cái thai bất chính. Nhưng mẹ lại hạnh phúc sinh ra cái thai ấy là trai. Con trai sẽ không bị khổ như mẹ. Con trai, lớn lên sẽ che chở cho mẹ. Mẹ hết lòng hết mực, tâm huyết dạy tôi nên người hiểu đời, hiểu người sống cho ra dáng đàn ông quân tử có nghĩa có tình. Hễ ở đâu có người có học tử tế, mẹ dắt tôi đến làm quen. Người mà mẹ dễ làm quen dễ gửi gắm tôi nhất là những sinh viên sư phạm về trường làng thực tập. Những sinh viên này được gọi là giáo sinh. Họ hầu hết là con gái. Giáo sinh đi thực tập, mộng mơ say nghề. Những buổi tối xa nhà ở lại trường, họ đua nhau đọc thơ, viết thư cho những anh bộ đội. Những anh bộ đội hành quân qua làng, dừng chân nghỉ lại, để lại tình cảm nhớ nhung. Những anh lính những cô giáo viết vội cho nhau những dòng lưu bút, chép vội cho nhau những bài thơ họ thuộc… Những bài thơ, những câu chuyện, những nỗi nhớ niềm thương của những anh bộ đội, những giáo sinh tôi yêu quý làm tôi cũng cảm động, ủy mị, mộng mơ theo. Những giáo sinh thực tập đi rồi, những anh bộ đội hành quân qua đã ra mặt trận. Xóm làng tôi cũng vắng vẻ, buồn tênh. Những buổi chiều trống vắng, tôi viết thư cho cô giáo, tôi viết thư gửi những anh bộ đội, tôi ngồi khóc một mình trong bóng tối. Nghe tiếng nức nở réo rắt chỗ nào đó trong nhà, mẹ tôi đi tìm và lôi tôi ra đánh. Lần đầu tiên trong đời tôi bị mẹ đánh rất đau. Mẹ gọi tôi là mày:

– Đàn ông phải ra dáng đàn ông. Đàn ông phải nghĩ những việc lớn, những việc đại sự. Sinh ra đàn ông là để chinh phục thế giới. Mày hèn nhát thế này, mày không phải là con tao!

Nhờ sự dạy dỗ của mẹ, tôi vào được đại học. Nhưng tính tình tôi dù có đổi thay theo tuổi tác thế nào, cái cốt lõi ủy mị, dễ buồn dễ thương vẫn là bản chất, tôi biết mà không làm sao thay đổi được. Đàn ông, muốn làm nên chuyện, muốn trở thành ông này ông nọ đòi hỏi phải bản lĩnh, phải khôn khéo, phải biết giành giật cơ hội, sát phạt, tranh chấp, thủ đoạn, thậm chí đôi khi cũng cần phải tàn nhẫn. Tàn nhẫn, giả dối và vô cảm. Tôi không thể làm được. Vì tôi mang bản tính của mẹ, ngấm vào máu vào não tạo nên nhịp đập của con tim tôi rồi. Tôi không thể nào thay đổi trái tim tôi.

Càng lớn, ngẫm sự đời từ tôi, từ xã hội, tôi càng thương mẹ. Thương tuổi thơ của mẹ, thương quãng đời của cụ tôi, tôi thương bác Hạnh. Tôi yêu tất cả những gì từng thuộc về mẹ của tôi. Những gì thuộc về mẹ đều ngấm vào tôi, có trong tôi. Tôi yêu mảnh đất quê hương. Yêu con sông Hồng làm nên tính cách tâm hồn chúng tôi. Chúng tôi thật thà, chúng tôi thủy chung, chúng tôi sôi nổi, chúng tôi ồn ào, chúng tôi cũng hung dữ và chúng tôi yếu đuối.

16

Hai đứa trẻ Hạnh và Thắm biệt lập mà không mấy ai để ý chúng biệt lập. Hai đứa trẻ già mà không ai biết chúng già, chúng quan sát và nhìn nhận mọi sự khác với những bạn cùng trang lứa.

Từ ngày ông Hiểu bị giết. Thắm và Hạnh thân nhau như anh em ruột, như vợ như chồng, như đôi bạn già lạc lõng với xung quanh. Càng lớn, Hạnh càng giống cha. Điều này làm bà ngoại sợ. Trưa hè nắng héo cây, hai đứa lụi hụi trong vườn nhà Hạnh. Thắm lấy dao khía vào vỏ cây, nhựa sung tứa ra, trắng như sữa bò lăn thành dòng trên lưỡi dao, rơi xuống mảnh sành Thắm cầm hứng trên tay. Gốc sung già, những cái rễ nhô lên như những chiếc ghế bên bờ ao. Những cái rễ như những cái bắp tay cứng như đồng duỗi trên mặt đất. Hạnh ngồi lên đó nắn nót vót từng thanh tre làm khung diều. Cái tâm thế cần mẫn say sưa, cái dáng lòng khòng, mớ tóc bồng bềnh, bờ vai vuông, Hạnh giống ông Hiểu y hệt.

Trưa, bà ngoại đi tìm con. Bà không dám gọi to mà chỉ ra bờ ao bờ đầm ngó nghiêng xem con bé có mải chơi bắt chuồn chuồn châu chấu hay vặt cỏ gà chơi chọi linh tinh. Không thấy. Bà vào sân nhà Hạnh, nhìn ra bờ ao, thấy hai đứa.

Bà hoảng sợ, xô đến đạp Hạnh ngã nhào:

– Mày hãm hại con tao phải không?

Hạnh đứng dậy, khoanh tay:

– Dạ thưa cô…

– Thưa với gửi cái gì. Từ nay tao cấm mày chơi với con tao.

– Mẹ! – Thắm đạp chân xuống đất quát mẹ.- Sao mẹ lại làm thế?

Không để cho Hạnh giải thích, bà ngoại ôm con, kéo con bỏ chạy.

Bà hốt hoảng lo sợ cũng là điều dễ hiểu. Mặc dù Hạnh chưa bao giờ và có lẽ sẽ không bao giờ biết được bố mình bị ai giết. Nhưng vong linh ông Hiểu biết. Vong linh ông ấy, oan hồn ông ấy bà tin lúc nào cũng ở bên Hạnh, đi theo Hạnh, vì Hạnh là đứa con trai duy nhất của ông ta. Đặc biệt đôi mắt Hạnh, trời đất ơi càng lớn nó càng giống cha, cái cười đuôi mắt nheo nheo. Đích thị đôi mắt Hạnh đôi mắt ông Hiểu. Ý nghĩ tâm hồn thể hiện trong ánh mắt, bà như thấy ông ấy là Hạnh hiện diện trước bà, nhận dạng, nhìn thấu tim gan. Bà sợ ông ấy trả thù. Bà sợ ông ấy cướp mất đứa con gái duy nhất mà bà khổ sở lắm mới có được! Bà sợ oan hồn cướp mất đứa con.

17

Thắm và Hạnh, hai đứa có một người bạn thân duy nhất đó là chị Hải.

Chị Hải là một cô gái từ quê khác về làm dâu làng tôi. Hôm cưới chị Hải lấy anh Hải, ai cũng tấm tắc khen, anh Hải keo kiệt lấy được cô vợ xinh. Thế mà đến sớm hôm sau, cô dâu rửa bát cầu ao, trẻ con chăn trâu đã có bài đồng thanh: “Hải cọm kiết sỉ kiệt keo. Lấy phải cô vợ bị khèo một tay”.

Nghe trẻ con kêu tên kêu tật của mình, cô dâu xấu hổ chạy vào nhà. Bọn trẻ thừa thắng càng la to: “Hải cọm kiết sỉ kiệt keo. Lấy phải cô vợ bị khèo một tay”.

Thế là từ đó, vợ anh Hải rất ngại ra đường, ngại tiếp xúc với xung quanh. Đi đâu chị cũng mặc áo có tay thật dài, bịt khăn kín mặt.

Người ta bảo, vợ chồng mới, có khác nào vợ chồng sam, đi đâu, làm gì cũng có nhau. Ác thay, chỉ vì câu hát vè bông đùa của bọn trẻ, vợ chồng anh Hải không có được hạnh phúc ấy. Ngày lại ngày, mùa nhãn, sớm tinh mơ, chị em phụ nữ hàng nối hàng kĩu kịt gánh nhãn trên vai, tung tẩy, rổn rảng nói cười trên con đường đê yên ả chạy dài tới tận chợ bán nhãn. Là dâu mới nơi đất khách, chị Hải bỡ ngỡ, ngại ngùng. Vì thế, người nhà quê tâm lý, ai cũng đon đả nồng hậu với chị. Nhưng, bài đồng dao thể hiện sự tinh mắt soi xét người lạ của bọn trẻ đã làm chị sợ. Chị tự ti, xấu hổ, chị ngại đám đông, lặng lẽ một mình.

Đợi tiếng nói, tiếng cười của chị em trong làng thật xa, không còn nghe thấy nữa, chị Hải mới lủi thủi, kẽo kẹt gánh nhãn đằng sau, đơn chiếc như một nàng chim di trú bị lạc bầy.

Con đê cao vắng vẻ. Gánh nhãn nặng trên vai. Bước chân nhanh thoăn thoắt. Cỏ ven đường đẫm sương quệt ướt đẫm ống quần lụa sa tanh chị mặc. Mồ hôi ướt đầm áo. Nặng và mỏi, chân như muốn khuỵu xuống, chị Hải đành dừng lại, ghé gánh nhãn bên vệ cỏ, nghỉ. Áo và quần ướt như tắm tạo nên một khuôn hình phụ nữ Á Đông sắc nét và mềm mại. Mặt phừng phừng đỏ như mặt trời, những sợi tóc bết mồ hôi trên má, chị đưa tay kéo chiếc nón trên đầu làm quạt. Ồ, đằng kia, sau những khóm tre ngà, vườn nhãn, xa xa là sông là chân trời sớm quá đang hé dần một làn môi đỏ thắm. Nhìn về phía ấy, chị phấn chấn, nón trắng trên tay, ghé vai gánh nhãn, chị dẻo bước cho kịp buổi chợ.

– Chào em…

– …

– Dừng lại đi. Anh mua hết cho em…

Người đàn ông lạ đứng chặn trước mặt chị.

Chị đưa mắt xung quanh tìm người cầu cứu. Con đê quai co quắp ngủ yên mang trên mình con đường trắng vắng tanh vắng ngắt. Chị tái dại vì sợ. Tim đập mạnh chị cố chạy thật nhanh. Nhưng, gánh nhãn quá tải lắc lư chòng chành trên vai như kéo chị ngược lại. Bất lực quá. Chị nghĩ đến việc bỏ của chạy lấy người. Chạy thoát thân. Nhưng, chị mới về làm dâu, gánh nhãn là tài sản của nhà chồng. Dâu mới, chị không có quyền được vứt bỏ gánh nhãn.

Người đàn ông, kẻ mạnh, nhìn chị, không nhịn được cười. Như thể thích đùa, hắn bước theo sau, thỉnh thoảng vươn bàn tay đàn ông quàng dây quang gánh, kéo lại.

Gánh nhãn trên vai chị chòng chành, lúc lắc, đánh đu.

Phụ nữ thôn quê đôi mắt như nai. Đôi mắt ấy, khi sợ, giống như con bồ câu gặp nạn, ánh lên nỗi sợ hãi rất hiền.

Thằng đàn ông, phong tỏa ánh nhìn. Hắn giang tay ôm, ghìm chị dừng lại. Chị bủn nhủn tay chân, gánh nhãn rời khỏi vai, rơi bịch xuống đường, lăn theo vệ đê xuống vực. Chị gồng mình, nghiến răng cắn vào tay hắn, vuột ra, chị lao theo thúng nhãn, đê cao dốc thoải, cỏ trơn sương ướt, chị ngã soài lăn tròn nằm lên những bó nhãn tan tác dưới chân đê.

Đê dốc, cỏ trơn, thằng đàn ông cũng bị trượt cỏ. Hắn giống như một mũi tên, đổ nhào vào chị, nằm lên chị, ghì chặt chị, hổn hển.

Rặng nhãn ven đê xù xì thân gốc, những tán lá lùm cây chằng chịt sợi tơ hồng.

Thằng đê tiện vạm vỡ sức voi. Xong rồi, nó đứng dậy, đi. Hắn để lại con bồ câu bé nhỏ đớn đau.

Ê ẩm, ê chề, nặng nề nhích nghiêng người, chị Hải co gối kéo chiếc quần rúm rụm dưới bàn chân mặc cao tới bụng. Chị tủi thân khẽ gọi: “Mẹ ơi!”