Lucy bảo: “Cô biết là anh ấy sẽ không sao đâu. Lincoln ấy mà”.
“Không, tôi không biết”, Sachs đáp.
“Tôi có linh cảm. Khi cô đã trải nghiệm nhiều như tôi – ý tôi là sự trải nghiệm trong bệnh viện – cô sẽ có linh cảm.”
“Tôi hiểu”, Sachs nói.
“Cô nghĩ sẽ mất bao lâu?”, Lucy hỏi.
Mãi mãi…
“Bốn tiếng đồng hồ, Tiến sĩ Weaver bảo vậy.”
Họ có thể nghe thấy từ đằng xa đoạn đối thoại xủng xoảng, gượng ép trong một bộ phim truyền hình. Văng vẳng có tiếng loa gọi một bác sĩ. Có tiếng chuông chùm. Tiếng cười.
Ai đó vội vã bước tới, rồi dừng lại.
“Chào hai chị.”
“Lydia”, Lucy mỉm cười nói. “Cô thế nào?”
Lydia Johansson. Sachs không nhận ra cô ta ngay vì cô ta mặc áo choàng và đội mũ trùm mầu xanh lá cây. Cô nhớ ra cô gái là y tá ở đây.
“Cô nghe nói chưa?”, Lucy hỏi. “Về việc Jim và Steve bị bắt ấy? Ai mà ngờ được?”
“Cả triệu năm cũng không ngờ được”, Lydia đáp. “Người ta đang bàn tán khắp thị trấn.” Rồi cô y tá hỏi Lucy: “Chị có hẹn kiểm tra lại à?”.
“Không. Hôm nay Rhyme sẽ lên bàn mổ. Xương sống. Chúng tôi là hai đội trưởng hoạt náo viên của ông ấy.”
“Chà, tôi chúc ông ấy mọi sự tốt lành”, Lydia bảo Sachs. “Cảm ơn cô.”
Cô gái to béo tiếp tục đi xuôi theo hành lang, vẫy tay chào rồi đẩy một cánh cửa.
“Một cô gái thật dịu dàng”, Sachs nói.
“Cô tưởng tượng được công việc đó không, làm y tá ở khoa ung bướu ấy? Khi tôi tiến hành phẫu thuật ngày nào cô gái cũng trực tại phòng bệnh. Vui vẻ hết mức có thể. Dũng cảm hơn cả tôi.”
Nhưng Lydia khác xa với suy nghĩ của Sachs. Cô ta nhìn đồng hồ treo tường. Mười một giờ sáng. Cuộc phẫu thuật sẽ được tiến hành bất cứ lúc nào kể từ lúc này.
* * *
Anh cố gắng cư xử tốt.
Y tá phòng tiền phẫu đang giải thích các thứ cho anh và Lincoln Rhyme gật đầu, nhưng họ đã tiêm vào người anh một mũi valium và anh chẳng còn tập trung chú ý nữa.
Anh muốn bảo người phụ nữ hãy yên lặng và cứ tiến hành công việc đi, nhưng anh nghĩ người ta nên cực kỳ giữ lễ độ đối với những người sắp sửa mổ banh cổ mình.
“Thế ư?”, Rhyme nói khi cô ta dừng lại. “Thú vị nhỉ.” Tuy nhiên, anh không hề xác định được cô ta vừa bảo anh điều gì.
Rồi một hộ lý tới và đẩy xe đưa Rhyme từ phòng tiền phẫu sang chính phòng mổ.
Hai y tá chuyển anh từ xe đẩy sang bàn mổ. Một người đi về phía đầu đằng kia căn phòng và bắt đầu lấy các dụng cụ ra khỏi nồi hấp tiệt trùng.
Phòng mổ trông bình thường hơn Rhyme tưởng. Gạch ốp màu xanh lá cây quá quen thuộc, các thiết bị bằng thép không gỉ, các dụng cụ, ống nghiệm. Nhưng cũng có rất nhiều hộp bìa các tông. Và một cái đài. Anh định hỏi họ sẽ mở loại nhạc gì, tuy nhiên anh nhớ ra rằng anh sẽ được gây mê và không quan tâm đến chuyện nhạc nhẽo nữa.
“Khá là buồn cười”, Rhyme lơ mơ lẩm bẩm với một y tá đang đứng bên cạnh anh. Cô ta quay lại. Anh chỉ có thể trông thấy được đôi mắt cô ta phía bên trên khẩu trang.
“Gì cơ?”, cô ta hỏi.
“Họ sẽ mổ ở cái chỗ tôi cần được gây mê. Nếu tôi phải mổ ruột thừa thì họ có thể mổ mà không cần gây tê gì cả.”
“Điều đó khá là buồn cười, ông Rhyme.”
Anh bật tiếng cười ngắn ngủi, nghĩ: Như thế có nghĩa cô ta biết mình.
Rhyme đăm đăm nhìn lên trần nhà trong tâm trạng suy tư, mơ hồ. Lincoln Rhyme vốn vẫn chia người ta ra thành hai loại: loại đến và loại đi. Có những người thích thú chuyến đi hơn là khi đã đến đích. Anh, về bản chất, thuộc loại người đến – tìm thấy câu trả lời cho các câu hỏi khám nghiệm là mục tiêu của anh và anh thích thú việc đạt tới giải pháp hơn là quá trình tìm kiếm nó. Tuy nhiên, bây giờ, nằm ngửa đăm đăm nhìn lên chùm đèn mổ mạ crôm sáng loáng, anh cảm thấy hoàn toàn ngược lại. Anh thích được tồn tại trong cái trạng thái hy vọng này hơn – tận hưởng cảm giác chờ đợi đầy hồi hộp.
Người bác sĩ gây mê, một phụ nữ Ấn Độ, đi vào và chọc kim tiêm vào cánh tay Rhyme, chuẩn bị thuốc, đổ nó vào cái ống nối với kim tiêm. Chị ta có đôi bàn tay rất khéo léo.
“Ông sẵn sàng ngủ một giấc chưa?”, chị ta hỏi với giọng nhẹ nhàng, trầm bổng.
“Sẵn sàng lắm rồi”, Rhyme lẩm bẩm.
“Khi tôi tiêm mũi thuốc này tôi sẽ yêu cầu ông đếm ngược lại từ một trăm. Ông sẽ thiếp đi lúc nào không biết.”
“Kỷ lục là bao nhiêu?”, Rhyme hỏi đùa.
“Việc đếm ngược ấy à? Có một ông, to béo hơn ông nhiều, đếm được tới bảy mươi chín.”
“Tôi sẽ cố gắng đếm tới bảy mươi chín.”
“Nếu ông làm được điều đó phòng mổ này sẽ mang tên ông”, chị ta tỉnh bơ đáp.
Rhyme quan sát chị ta bơm một ống truyền chất lỏng trong suốt. Chị ta quay đi nhìn màn hình kiểm tra. Rhyme bắt đầu đếm: “Một trăm, chín mươi chín, chín mươi tám, chín mươi bảy…”.
Cô y tá kia, cái cô đã gọi anh bằng tên, khom người xuống. Cô ta nói thấp giọng: “Xin chào”.
Giọng điệu nghe khác thường.
Rhyme liếc nhìn cô ta.
Cô ta tiếp tục: “Tôi là Lydia Johansson. Nhớ tôi chứ?”. Trước khi Rhyme kịp nói rằng tất nhiên anh nhớ, cô ta đã nói thêm bằng giọng thì thào đầy đen tối: “Jim Bell nhờ tôi chuyển lời vĩnh biệt ông”.
“Không!”, Rhyme lẩm bẩm.
Người bác sĩ gây mê, vừa nhìn màn hình kiểm tra vừa nói: “Được rồi. Cứ thư giãn nhé. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp”.
Ghé sát miệng vào tai Rhyme, Lydia thì thầm: “Ông không thắc mắc tại sao Jim và Steve Farr lại biết được những người nào đã mắc chứng ung thư à?”.
“Không! Dừng lại!”
“Tôi cung cấp cho Jim tên của họ, để Culbeau có thể đảm bảo rằng họ sẽ gặp tai nạn này khác. Jim Bell là bạn trai của tôi. Chúng tôi quan hệ với nhau nhiều năm nay rồi. Anh ấy là người sai tôi tới Bến tàu kênh Nước đen sau khi Mary Beth bị bắt cóc. Buổi sáng hôm đó tôi tới đặt hoa và loanh quanh canh chừng xem liệu Garrett có ló mặt không. Tôi sẽ nói chuyện với hắn để Jesse và Ed Schaeffer có cơ hội tóm hắn – Ed cũng trong hội chúng tôi. Rồi họ sẽ ép hắn khai nơi Mary Beth đang ở. Nhưng chẳng ai ngờ hắn lại bắt cóc tôi.”
Ồ, phải, chính trong lòng thị trấn này là mấy cái tổ ong bắp cày.
“Dừng lại!”, Rhyme kêu lên. Nhưng giọng anh chỉ còn là lẩm bẩm.
Người bác sĩ gây mê nói: “Đã được mười lăm giây. Có thể rốt cuộc ông sẽ phá vỡ kỷ lục. Ông đang đếm đấy chứ? Tôi không nghe thấy tiếng ông đếm”.
“Tôi sẽ ở ngay đây”, Lydia vuốt ve trán Rhyme, bảo. “Ông biết đấy, rất nhiều thứ có thể trục trặc trong lúc tiến hành phẫu thuật. Ống truyền oxy bị xoắn, thuốc bị nhầm liều. Ai mà biết được? Chúng có thể giết chết ông, có thể đẩy ông rơi vào hôn mê. Nhưng chắc chắn ông sẽ không thể ra cung cấp lời chứng được.”
“Khoan”, Rhyme hổn hển. “Khoan!”
“Ha.” Bác sĩ gây mê vừa nói vừa cười to, ánh mắt vẫn chăm chú vào màn hình kiểm tra. “Hai mươi giây. Tôi cho rằng ông sẽ thắng cuộc đấy, ông Rhyme.”
“Không, tôi không cho rằng ông sẽ thắng cuộc đâu.” Lydia thì thào và từ từ đứng dậy trong lúc Rhyme trông thấy căn phòng chỉ còn là một màu xám, rồi chỉ còn là một màu đen ngòm.
CHƯƠNG BỐN MƯƠI SÁU
Đây thực sự là một trong những chốn đẹp nhất trên thế giới này, Amelia Sachs tự nhủ.
Một trong những chốn đẹp nhất để làm nghĩa trang.
Công viên Tưởng niệm Tanner’s Corner, nằm trên đỉnh những quả đồi nhấp nhô, nhìn xuống sông Paquenoke cách mấy dặm ở phía dưới. Thậm chí vào hẳn bên trong còn thấy nó đẹp hơn là nhìn từ ngoài đường, như lần đầu tiên Sachs nhìn khi ngồi trên xe từ Avery tới.
Nheo mắt vì nắng, cô nhận ra cái dải nước lấp lánh của con kênh đào Nước đen nhập vào dòng sông. Nhìn từ đây, thậm chí dải nước đen thẫm, ô nhiễm, từng mang biết bao đau khổ đến cho biết bao nhiêu người, trông cũng hiền lành, duyên dáng.
Sachs đứng cùng một nhóm nhỏ bên trên một miệng huyệt. Bình tro đang được một nhân viên nhà xác hạ xuống. Amelia Sachs đứng cạnh Lucy Kerr. Garrett Hanlon đứng gần họ. Phía bên kia miệng huyệt là Mason Germain đứng cùng anh chàng Thom chống gậy, mặc sơ mi và chiếc quần miễn chê. Anh chàng đeo nơ bướm đỏ rực rỡ, nhìn có vẻ phù hợp mặc dù là trong cái thời điểm nghiêm trang này.
Fred Dellray diện bộ com lê đen cũng có mặt, đứng tách ra một mình, trầm tư – như thể đang nhớ lại một đoạn từ một trong những cuốn sách triết học anh ta vốn vẫn ưa đọc. Trông anh ta sẽ giống một đức cha của tổ chức Dân tộc Hồi giáo nếu anh ta mặc sơ mi trắng thay cho sơ mi màu vỏ chanh với các chấm tròn to tướng màu vàng.
Không có mục sư làm lễ, tuy đây là vùng quê mộ đạo và nếu định gọi mục sư đến phục vụ đám tang thì gọi được cả tá. Ông giám đốc nhà xác lúc này liếc nhìn nhóm người đang tập trung tại đây, hỏi xem có ai muốn phát biểu điều gì không. Và khi tất cả đều đưa mắt sang xung quanh tìm kiếm kẻ tình nguyện thì Garrett thọc tay vào túi chiếc quần rộng thùng thình lôi ra cuốn sách đã nhàu nát, cuốn Thế giới thu nhỏ.
Bằng giọng ngập ngừng, cậu thiếu niên đọc: “Có những người cho rằng không tồn tại một sức mạnh siêu phàm, nhưng nỗi hoài nghi của người ta thực sự bị thử thách khi người ta nhìn vào thế giới côn trùng, cái thế giới được vinh dự vì sở hữu biết bao nhiêu đặc điểm đáng kinh ngạc: những đôi cánh mỏng tới mức dường như khó có thể được hình thành từ bất cứ vật liệu sống nào, những cơ thể không có lấy một miligam trọng lượng thừa, những bộ dò tốc độ gió chính xác đến từng dặm một giờ, dáng đi hiệu quả tới mức các kỹ sư cơ khí đã bắt chước để chế tạo rô bốt và quan trọng hơn hết, là khả năng tồn tại đáng kinh ngạc của côn trùng trước sự chống lại ghê gớm của loài người, các loài săn mồi và điều kiện thời tiết. Trong những khoảnh khắc tuyệt vọng, chúng ta có thể trông đợi vào sự thông minh và tính kiên trì của những sinh vật kỳ diệu này, tìm thấy nguồn an ủi và khôi phục lại niềm tin bị đánh mất”.